Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảm nhận Thụy Sĩ (Bài cuối)

08:09, 13/09/2012

Đứng dưới cổng thành cổ được xây dựng từ năm 1191 của thủ đô Bern và cũng là tháp đồng hồ nổi tiếng được xây cách đây hơn 800 năm, tôi bỗng nhớ về Ô Quan Chưởng và Cửa Bắc của thành cổ Hà Nội thân yêu có tuổi ngàn năm của Việt Nam.

Lang thang trên phố cổ Bern

Nhà thờ Gothic lớn nhất Thụy Sĩ được xây dựng vào năm 1421.
Nhà thờ Gothic lớn nhất Thụy Sĩ được xây dựng vào năm 1421.

Đứng dưới cổng thành cổ được xây dựng từ năm 1191 của thủ đô Bern và cũng là tháp đồng hồ nổi tiếng được xây cách đây hơn 800 năm, tôi bỗng nhớ về Ô Quan Chưởng và Cửa Bắc của thành cổ Hà Nội thân yêu có tuổi ngàn năm của Việt Nam.

Tôi yêu Hà Nội, bởi đó không chỉ là trái tim của cả nước, mà nơi ấy còn mang đôi mắt người tôi yêu đã theo tôi suốt cả đời. Cho nên, từ tình cảm ấy, khi đến phố cổ thành Bern, tôi nhanh chóng “cảm” một cách sâu sắc đối với đô thị được xây dựng một cách tinh tế và ấn tượng, có vẻ đẹp tuyệt vời khó quên đối với một lữ khách như tôi. Thành phố Bern nằm kẹp bên đoạn cong của dòng sông Aare thơ mộng, trong xanh, được xem là “nhà tắm lộ thiên lớn nhất thế giới”. Vẻ đẹp diễm lệ của dòng sông Aare càng làm cho các khu phố được xây dựng từ đêm dài Trung cổ nổi bật một cách uy nghi cổ kính, nếu nhìn từ Vườn Hồng trên độ cao 300m, phía bên kia sông Aare. Tôi thật sự nể phục các kiến trúc sư Thụy Sĩ, ngay từ thời Trung cổ đã khéo quy hoạch và xây dựng một đô thị mà đến giờ dáng vẻ của nó không bao giờ cũ, ở đó chất chứa sự trinh nguyên, đằm thắm, duyên dáng và đầy quyến rũ.[links(left)]

Đi trên phố cổ mái vòm mà người Bern gọi là Lauben ngắm tòa nhà quốc hội, nghe tiếng chuông trên tháp đồng hồ cổ ngân vang suốt hàng mấy trăm năm qua một cách chính xác; nhìn các đài phun nước được xây dựng từ thời Phục hưng mà mỗi đài đều được chế tác bằng đồng, có các hình tượng khác nhau, liên quan đến một sự tích dân gian ấn tượng; ngắm nghía một cách say đắm những ngôi nhà được xây dựng bằng đá sa thạch, mái cong, đặc biệt là tòa thị chính, nhà thờ chính tòa được xây dựng theo kiến trúc Gothic, tôi liên tưởng đến một bức tranh huyền ảo, ấn tượng mà một lữ khách phương Đông như tôi đắm đuối, say mê.

Viếng nhà thờ chính tòa nhìn thấy phân nửa mặt tiền nhà thờ bị tàn phá, còn vào bên trong không thấy tượng Chúa và biết câu chuyện về cuộc chiến tranh tôn giáo giữa Thiên Chúa và Tin Lành cách đây hơn 500 năm, tôi xúc cảm bằng mấy câu thơ:

Dưới chân ta, đá lặng câm

Hỏi tuổi, quá năm trăm năm hẹn hò

Thời gian rướm máu, nguyên do?

Dấu chân nhân thế mày mò khai tâm.

 

Mặt đá mòn nhẵn thăng trầm

Thánh đường vắng Chúa, lỗi lầm do đâu?

Từ trong sâu thẳm tầng sâu

Tiếng vọng của đất, bể dâu chuyện đời...

(Trích thơ)

Còn lúc ghé thăm nhà của Albert Einstein theo hướng dẫn của chị Sandra Zurbuchen, tôi mới biết nơi mình đang đứng ở một nơi đã từng in dấu chân của một nhà bác học vĩ đại, người đã phát mình ra thuyết tương đối như một nhà “tiên tri” có khối óc và đôi mắt nhìn xuyên thời đại. Là một nhà bác học người Đức, nhưng Einstein đã sống và làm việc ở đây suốt 7 năm nên nơi đây được chọn làm nhà lưu niệm, còn một bảo tàng lớn mà người Thụy Sĩ dành riêng cho ông được xây dựng ở một nơi khác trong thành phố.

***

Thành phố Bern bên dòng sông Aare - Thụy Sĩ.
Thành phố Bern bên dòng sông Aare - Thụy Sĩ.

Một buổi chiều đầy nắng, tôi và anh đồng nghiệp Nhật Hân đến một trong 6 chiếc cầu bắc qua sông Aare nối liền đô thị cổ với thành phố mới, mà ngay nơi đầu cầu người Thụy Sĩ cho đặt một bức tượng đồng rất uy nghi của công tước Berehtold, người có công đầu trong việc xây dựng thành phố Bern. Đứng trên cầu ngắm dòng nước trong xanh đang chảy ra Địa Trung Hải, bất giác tôi nghĩ về sông Đồng Nai quê mình cũng thơ mộng lắm chứ. Tiềm năng du lịch của con sông nội sinh này, nếu gắn với đời sống tâm linh, truyền thống văn hóa, lịch sử, rừng Chiến khu Đ và hồ Trị An sẽ là những điểm nhấn hết sức lý thú cho du khách khi đến Đồng Nai.

Nhớ về quê hương, tôi đồng ý với nhà thơ Đức Goethe, người đã từng nhận xét về Bern như sau: “Đây là nơi đẹp nhất mà chúng tôi đã từng nhìn thấy”, nhưng tôi nói thêm: “Không đâu đẹp bằng quê hương, Tổ quốc của tôi”.

Như Nguyệt

 

 

 

Tin xem nhiều