Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện về lá cờ Tổ quốc 54m2 trên đỉnh Lũng Cú

08:09, 06/09/2012

Hình như trong cả nước, chỉ có Hà Giang là tỉnh vận dụng tục lệ “trước khi vào nhà, khách phải rửa sạch chân” của bà con dân tộc thiểu số, nên mọi xe từ miền xuôi lên, dù là ô tô đời mới bóng lộn có giá vài tỷ đồng, trước khi chạy vào thành phố cũng đều phải ghé vào trạm dừng chân để được… “giũ bỏ bụi đường” miễn phí. Do vậy, thành phố miền biên cương cực Bắc của đất nước vốn xinh đẹp lại sạch và xanh vô cùng.

Hình như trong cả nước, chỉ có Hà Giang là tỉnh vận dụng tục lệ “trước khi vào nhà, khách phải rửa sạch chân” của bà con dân tộc thiểu số, nên mọi xe từ miền xuôi lên, dù là ô tô đời mới bóng lộn có giá vài tỷ đồng, trước khi chạy vào thành phố cũng đều phải ghé vào trạm dừng chân để được… “giũ bỏ bụi đường” miễn phí. Do vậy, thành phố miền biên cương cực Bắc của đất nước vốn xinh đẹp lại sạch và xanh vô cùng.

* Cột cờ Lũng Cú thiêng liêng

Cùng trong năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, cột cờ Lũng Cú - một biểu tượng linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc được xây mới uy nghi, bề thế. Cột cờ mới xây cao đến 33,15m, trong đó riêng phần thân cột cao 20,5m, cán cờ dài 12,9m. Trong thân cột có 135 bậc lên đỉnh; chân cột hình bát giác với 8 bức phù điêu bằng đá xanh, minh họa cho các giai đoạn lịch sử Việt Nam. Phần cầu thang dẫn từ chân núi lên đến chân cột cờ được xây dựng, lắp đặt hệ thống lan can, tay vịn bằng inox bền chắc, sáng bóng, để ai cũng có thể đi được.

Chân trụ cờ hình bát giác.                                               Ảnh: B.THUẬN
Chân trụ cờ hình bát giác. Ảnh: B.THUẬN

Cách đây 10 năm, trong một dịp lên Lũng Cú - xã biên cương được mệnh danh là... “nóc nhà Việt Nam” nằm trên độ cao hơn mặt biển gần 2 ngàn mét, mà nhiều người gọi là... “chóp nón”, còn cụ Nguyễn Tuân thì dùng từ “tột bắc” này, tôi vô cùng xúc động. Trong một bài ký, nhà thơ Vũ Duy Thông cho rằng: “Là người Vit Nam, nếu chưa mt ln được đứng trên đỉnh Lũng Cú để ngm lá c ca T quc, k ra vn thiếu thiếu cái gì đó…”. Tôi thì trong lần đầu tiên đặt chân đến Lũng Cú, sau khi trèo muốn hụt hơi để đến được dưới chân cột cờ, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió đã không ngăn nổi niềm cảm xúc trào dâng mãnh liệt.

 Đó là ngày Quốc khánh (2-9-2002), ngoài lá cờ rộng 54m bay phần phật trên đầu, cả một dãy biên cương vùng cao núi đá rợp một màu cờ đỏ của bà con các dân tộc Lô Lô, Mông, Dao... Trong tôi lúc ấy dạt dào niềm tự hào về một truyền thuyết được nhiều người biết trên mảnh đất địa đầu gian khó. Theo đó, sau khi đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung cho đặt một chiếc trống đồng ở trạm gác tột cùng vùng biên ải này nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia, đồng thời làm hiệu lệnh xuất binh. Qua nhiều thời đại, chiếc trống đồng trong trạm gác trên đỉnh núi Rồng được thay bằng lá cờ Tổ quốc. Và cột cờ dù bằng tre hay gỗ vẫn vững vàng, hiên ngang cắm trên nóc nhà Tổ quốc,  tạo ra biểu tượng thiêng liêng mà mọi người dân Việt đều ước ao trong đời được một lần đặt chân lên đỉnh Lũng Cú, bước chân ra đất mũi Cà Mau...

* Mở đường trên đá

Thế nhưng đường lên mảnh đất thiêng liêng này rất chênh vênh, hiểm trở. Bao đời nay, người dân vùng địa đầu này vẫn “sống trên đá và chết vùi trong đá”.

Mãi đến năm 1978, Hà Giang xác định Lũng Cú là địa bàn trọng yếu của Đồng Văn và chỉ đạo mở con đường từ xã Ma Lé lên Lũng Cú. Công việc làm đường trên cao nguyên đá nơi mà “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng” còn người dân thì “thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày” như Đồng Văn tưởng chừng như không tưởng. Thế nhưng không ngờ với sáng kiến khoán cho mỗi hộ dân san một đoạn đường bằng… cái nền nhà, con đường đã xuất hiện. Để đánh dấu cho sự kiện trọng đại này, nhân lễ thông xe có cả lãnh đạo ở Trung ương, tỉnh về dự. Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Hùng Đình Quý trong ban chỉ đạo mở đường đã cho chọn một cây samu thẳng tắp khênh ngược lên đỉnh núi dựng làm cột treo cờ. Và để cho ai cũng nhìn thấy được lá cờ, huyện và xã huy động thợ may lá cờ thật to, có kích thước 6x9m, có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trong cả nước.

Vào lúc 16 giờ ngày 11-1-1978, ông Hùng Đình Quý và ông Ly Sìa Pó, Phó chủ tịch UBND xã Lũng Cú được vinh dự đứng ra... thượng kỳ. Kể từ đó, lá cờ Tổ quốc 54m2 luôn tung bay trên đỉnh Lũng Cú. Cột cờ Lũng Cú đã trải qua rất nhiều lần được trùng tu, xây mới, nhưng lá cờ thì vẫn giữ nguyên diện tích 54m2. Lá cờ được treo trong ngày lễ thông xe đường vào Lũng Cú nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang.

* Chuyện về người “khai sinh” ra lá cờ 54m2

Trở lại cao nguyên đá Đồng Văn lần này, tôi bắt gặp nhiều bất ngờ thú vị. Xe vừa vượt qua cổng trời Quản Bạ, tôi nhìn thấy nhóm phụ nữ Mông vây quanh một cô gái đang ràn rụa nước mắt. Thấy lạ, tôi hỏi vì sao khóc thì được trả lời: “Nó là con dâu đó, ngày cưới đi về nhà chồng, phải xa mẹ, xa cha... nó phải khóc chứ!”. Tôi chợt nhớ đến chuyện tình hy hữu của ông Hùng Đình Quý - người khai sinh ra lá cờ có diện tích 54m2 được treo trên đỉnh Lũng Cú. Chuyện tình này từng một thời gây chấn động trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn. Vì ông Quý là người dân tộc Mông, còn người yêu ông là cô gái dân tộc Lô Lô. Mà bao đời nay trên cao nguyên đá Đồng Văn mênh mông kỳ vĩ này chưa hề xảy ra chuyện… dị tộc mà đồng sàng bao giờ.

Ông bà Hùng Đình Quý và Lò Thị Mỹ ở tuổi thất thập cổ lai hy. Ảnh: B.THUẬN
Ông bà Hùng Đình Quý và Lò Thị Mỹ ở tuổi thất thập cổ lai hy. Ảnh: B.THUẬN

Hùng Đình Quý có tên Mông là Shôngx Ntiêx Tuôv, sinh năm 1937, tại xã Tùng Vải, huyện Quản Bạ. Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Thái Nguyên, ông được phân công về Đồng Văn dạy học. Tại đây, thầy giáo Hùng Đình Quý say trước sắc đẹp lạ lùng của cô học trò Lò Thị Mỹ. Mỹ là người Lô Lô ở bản Sủng Là (nay là xã Sủng Là, huyện Đồng Văn). Gặp cô học trò Lò Thị Mỹ, thầy giáo Hùng Đình Quý bỗng dưng... biết làm thơ. Ngôn ngữ thơ của thầy khá tự nhiên và mộc mạc như lời nói của người dân tộc, vậy mà cũng đủ làm “cháy lòng” cô học trò trên vùng cao nguyên đá.

Giữa lúc đôi trai gái Mông, Lô Lô đang men nồng duyên bén, thì Hùng Đình Quý được họ tộc gọi về để… lấy vợ. Do người anh là con trai duy nhất của bác ruột Quý vừa mất, để lại người vợ đang mang thai; mà theo tục nối dây của người Mông, Quý là em trai cùng họ có trách nhiệm phải thay anh làm chồng người chị dâu. Hùng Đình Quý đã dũng cảm đấu tranh với cả họ tộc để… phá lệ, đồng thời cùng Mỹ ra sức “vượt qua rào cản tưởng chừng không thể vượt qua được; đó là sự khác biệt giữa hai dân tộc” bằng cách vận động đoàn thể, tổ chức, chính quyền ủng hộ cho hai người xây dựng gia đình theo đời sống mới.

Gia đình “đại đoàn kết dân tộc” đầu tiên trên cao nguyên đá Đồng Văn hạnh phúc và thành đạt đến khó ngờ. Sau đó, Hùng Đình Quý trở thành Trưởng phòng giáo dục, rồi Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn. Lò Thị Mỹ trở thành mậu dịch viên. Khi chiến tranh biên giới nổ ra, ông Quý được điều về Ban Tổ chức tỉnh Hà Tuyên và sau đó chuyển qua làm Phó giám đốc rồi Giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Hà Tuyên. Khi tách tỉnh, Hùng Đình Quý qua làm Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Hà Giang. Năm 1999, nhà thơ Hùng Đình Quý làm Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Hà Giang.

Gia đình Mông - Lô Lô đoàn kết này có đến 7 người con. Tất cả đều tốt nghiệp đại học và cao cấp chính trị. Trong số đó, Hùng Thị Hà công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang, đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ văn học với đề tài “Thơ ca dân gian Mông dưới góc nhìn văn hóa”...

Bùi Thuận

                                                                                                                          

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích