Báo Đồng Nai điện tử
En

“Đánh đu” trên những ngọn dừa

10:09, 14/09/2012

Dừa trĩu trái, được giá khiến chủ vườn, người thu mua đều phấn khởi, nhưng kèm theo đó là nỗi lo trèo hái dừa lắm rủi ro, nguy hiểm. Đu mình vắt vẻo trên những ngọn dừa cao chót vót, người làm nghề hái dừa như đánh cược với mạng sống của chính mình.

Dừa trĩu trái, được giá khiến chủ vườn, người thu mua đều phấn khởi, nhưng kèm theo đó là nỗi lo trèo hái dừa lắm rủi ro, nguy hiểm. Đu mình vắt vẻo trên những ngọn dừa cao chót vót, người làm nghề hái dừa như đánh cược với mạng sống của chính mình.

Những “cao thủ” trèo dừa hái trái cho biết: Đu mình trên ngọn dừa riết rồi quen, xa thấy nhớ, chân tay ngứa ngáy. Vào mùa, mỗi người hái dừa thuê cũng kiếm thêm được tiền triệu, vậy thì tội gì mà không mạo hiểm.

* “Cao thủ” trèo dừa

Nắng đã lên, nước mưa không còn đọng trên những bẹ dừa. Khi tàu lá bắt đầu có độ nhám, bớt trơn trượt cũng là lúc anh Lê Văn Quý (44 tuổi, ngụ ở ấp 1, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) dạo hết vườn nọ đến vườn kia để hái dừa. Gần 20 năm gắn với việc đu mình trên ngọn dừa, cuộc sống của anh gần như “sống ở lưng trời”. Giắt chiếc câu liềm giật dừa vào bên hông mình và tròng chiếc nài leo dừa vào đôi chân, thoắt cái, anh đã leo lên gần tới ngọn một cây dừa cao gần 20m. Sau đó, anh tiến sát tới những bẹ dừa, xòe tay ra, túm lấy chùm dừa nặng trĩu trái treo lủng lẳng ngay trên đầu. Vừa túm xong, anh đưa con dao sắc lẹm, vung tay chém cùi dừa một cách nhanh nhẹn.

Người hái dừa thuê ai cũng nhanh nhẹn nhưng cũng rất cẩn thận, bình tĩnh.
Người hái dừa thuê ai cũng nhanh nhẹn nhưng cũng rất cẩn thận, bình tĩnh.

Trong số những người trèo hái dừa ở xóm anh Quý, anh Chín (32 tuổi) được coi là “cao thủ” trong nghề, với địa bàn hoạt động khắp cả huyện, thậm chí nhiều vườn dừa, vườn cau ở các vùng lân cận cũng lưu dấu chân anh. Tâm sự với chúng tôi, anh Chín rất khiêm tốn: “Xóm trèo dừa tụi tui có gần chục người. Cứ 7 giờ sáng, tụi tui ra khỏi nhà, nhắm nhà ai có dừa bán thì vào. Trèo dừa trong lúc trời mưa tuy có vất vả, nhưng được cái tiền công cao hơn. Đôi lúc, nếu trời nắng, cây không cao lắm, chủ vườn tự hái. Còn khi trời mưa, họ tăng thêm tiền công 2 ngàn đồng/cây để thuê mình trèo hái. Mỗi ngày, tùy vào tay nghề, tài tháo vát mà mỗi người có thể trèo hái dừa từ 30-40 cây, thu nhập bình quân 250 ngàn đồng/ngày”. Vừa nói xong, anh Chín đã lao nhanh vào công việc của một người hái dừa chuyên nghiệp. Leo lên cây, anh nói vọng xuống: “Trình độ mình còn thua xa anh Quý. Ổng leo như thể vượn trèo, thậm chí không cần sử dụng nài nữa”.

Quay sang bắt chuyện với thanh niên Huỳnh Văn Tý (25 tuổi), là lớp “đàn em” của những tay cao thủ trèo dừa, tôi mới thấy công việc này cũng khá thú vị. Những người làm nghề hái dừa thuê đến với nghề rất tự nhiên, không phải qua đào tạo gì, người đi trước có chút kinh nghiệm là truyền lại cho người sau. Điều cốt yếu đối với người trèo hái dừa chuyên nghiệp là phải biết lượng vào sức mình, phải nhanh nhẹn và say mê với nghề. Từ hồi 12 tuổi, Tý đã theo cha đi khắp nơi để hái dừa thuê. Thời đó, leo trèo còn vất vả hơn bây giờ nhiều, tiền công chẳng được bao nhiêu. “Lúc đó, tôi còn quá nhỏ, chỉ đứng dưới đất nhặt và xếp dừa vào sọt thôi. Có năm, nhiều vườn thu hoạch một lúc, thế là hai cha con cùng mọi người phải đi hái dừa từ tờ mờ sáng cho đến tối mới về đến nhà. Giờ đây, tay nghề của tôi cũng sắp bằng các anh, các chú rồi” - anh Tý tâm sự.

Theo những người làm nghề này, mỗi năm dừa chỉ cho thu hoạch 2 lần, mỗi lần không chờ quá 30 ngày, vì để lâu nhà vườn sợ trái già, chuột bọ đánh hơi lên đục khoét. Những tháng còn lại, người hái dừa thuê chuyển sang làm nghề khác, hoặc nhận hái lai rai cho những vườn có cây ra trái vụ. Đến với nghề hái dừa thường là đàn ông có sức khỏe dẻo dai, giỏi leo trèo và không sợ độ cao. Lúc nào hai bên xe của họ cũng có 2 sọt sắt to, thêm 1 rựa, 1 mác và nài leo dừa... để hành nghề khắp nơi.

* Nguy hiểm chực chờ

Nhắc đến nghề trèo hái dừa thuê, ai nấy đều mường tượng, để hái cả chùm dừa nặng hàng chục ký, người hái phải vặn vẹo, leo lên tuột xuống dữ lắm. Nghề này chưa bao giờ được coi là nhẹ nhàng, dễ làm, đôi khi người trèo dừa còn đánh cược cả mạng sống của mình. Trèo dừa là công việc vất vả, điều đó ai cũng biết, bởi kiếm được đồng tiền mà không phải mất đồng vốn nào không đơn giản. Hơn nữa, việc trèo cây mà không có bất cứ một hình thức bảo hộ nào cũng rất nguy hiểm. Người trèo dừa luôn miệng nói do trèo quen nên không sợ và cũng không thể ngã được, nhưng thực tế đã có mấy người ngã do trèo dừa. Những người ấy đến nay đã… mất bóng, thậm chí còn trở thành gánh nặng của cả gia đình.

Nhiều người có vốn, vừa đảm đương công việc trèo - hái dừa, vừa đem bỏ mối cho các quán nước.
Nhiều người có vốn, vừa đảm đương công việc trèo - hái dừa, vừa đem bỏ mối cho các quán nước.

Anh Tư Lũy, 40 tuổi, ở gần Công ty cổ phần Đồng Tiến (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) kể về vụ tai nạn của chính mình. Năm ngoái, trong một lần đi bẻ trái dừa, khi trèo lên ngọn cây, do ngồi trúng tàu bị kiến đục nên bất ngờ tàu lá bị gãy, anh rơi xuống đất, đầu đập vào hòn đá. Khi tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm trong bệnh viện với 6 mũi khâu trên đầu. “Khi leo dừa, tôi vốn là người rất cẩn thận, vậy mà vẫn bị tai nạn. May mà xương cốt lành lặn, không thì chết dở…”.

Nhấp ngụm nước trà xanh rồi nuốt vào cái ực, anh Lê Văn Lộc (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) kể lại: “Bất cứ ai đến với nghề này cũng phải vài lần trượt ngã. Nhẹ thì xây xước, bầm giập, nặng thì gãy xương, đổ máu. Chưa kể những cây dừa tàu lá khô um tùm, không được dọn cỏ, chuyện bị ong châm, kiến cắn, rắn đớp không phải ít”. Đó là Lê Văn Hòa, người em họ cùng đi “học việc” với anh Lộc, trong lúc cầm dây, kéo một buồng dừa gần 15 trái để nó không rơi xuống mái tôn nhà tắm chủ nhà, bất ngờ dây đứt. Cả buồng dừa rơi xuống, anh Hòa tránh không kịp, cùi dừa nhọn đâm trúng vào bụng, máu chảy đầy người. May mắn là anh Lộc đưa Hòa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nên anh đã thoát hiểm.

Ông Bùi Tâm, người sống gần trọn đời với việc hái dừa thuê ở Cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), nhớ lại, một buổi sáng, khi đang ngồi vắt vẻo trên những bẹ dừa cao để giật trái, thì bất thình lình ông nhìn thấy một con rắn xanh lè đang hướng về phía mình. Chưa kịp phản ứng thì con rắn mổ ông một cái, rồi trườn thẳng lên ngọn dừa non. Hoảng hốt, ông nhanh tay chụp lấy sợi dây thừng buộc chặt vào cánh tay trái. Sau đó, ông tụt xuống đất gọi mấy người đi cùng đưa về nhà lấy thuốc, mất mấy tuần mới khỏi. Nhiều lần đã tính chuyển nghề khác cho an toàn, ít rủi ro, nhưng rồi quanh đi quẩn lại, ông vẫn gắn bó với nghề. “Biết cái nghề này vất vả và nguy hiểm, nhưng phải chấp nhận, vì không có việc gì làm ổn định. Nhiều lần muốn “rửa tay, giải nghệ”, nhưng hễ có người kêu đi trèo dừa thuê tôi lại hăm hở tay liềm lên đường” - ông Tâm chép miệng cho biết.

Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều