Những ngày này, có một ngôi nhà nhỏ yên tĩnh nằm nép sâu giữa ấp 8, xã An Phước (huyện Long Thành) thường xuyên có khách đến chúc mừng chủ nhân vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là nhà của ông Phan Trọng Bình, cựu tù chính trị Côn Đảo - một trong “năm ngôi sao sáng” của cuộc đấu tranh bất khuất trong phong trào đấu tranh chống ly khai Đảng, giữ gìn khí tiết cách mạng ngay tại chốn “địa ngục trần gian” Côn Đảo.
Anh hùng giữa ngục tù
Những ngày này, có một ngôi nhà nhỏ yên tĩnh nằm nép sâu giữa ấp 8, xã An Phước (huyện Long Thành) thường xuyên có khách đến chúc mừng chủ nhân vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là nhà của ông Phan Trọng Bình, cựu tù chính trị Côn Đảo - một trong “năm ngôi sao sáng” của cuộc đấu tranh bất khuất trong phong trào đấu tranh chống ly khai Đảng, giữ gìn khí tiết cách mạng ngay tại chốn “địa ngục trần gian” Côn Đảo.
Ông Phan Trọng Bình |
Ở tuổi 87, trông ông Bình vẫn quắc thước, đi đứng nhẹ nhàng khoan thai, tinh thần minh mẫn, đôi mắt vẫn trong veo dù dấu vết của những tháng ngày bị đày ải, giam cầm, đàn áp khốc liệt vẫn còn hằn sâu trên thân thể. Nhắc đến quãng đời tham gia cách mạng của mình, ông cười nhẹ nhàng, lý giải: “Tôi sinh ra ở làng Đại Yên, huyện Đan Phượng (TP.Hà Nội), một vùng đất có truyền thống đấu tranh. Cả gia đình tôi đều tham gia cách mạng, tôi từ lúc mới 13-14 tuổi đã được cử đi canh gác cho anh trai và anh rể tổ chức hội họp, nên việc tôi được giác ngộ lý tưởng cách mạng là chuyện tất nhiên”. Nghe rất bình thường, nhưng nếu biết rằng, 18 tuổi ông đã được kết nạp Đảng, 24 tuổi đã giữ nhiệm vụ Phó bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa kiêm Chính ủy Trung đoàn 397, mới biết được quá trình phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của ông như thế nào.
* Uy vũ bất năng khuất
Sau năm 1954, ông Phan Trọng Bình được phân công ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động. Nhiều tỉnh, thành miền Đông lẫn miền Tây Nam bộ đều lưu dấu bước chân của ông. Ngày 6-3-1957, ông bị bắt tại Bạc Liêu, nhưng lúc đó địch chỉ biết ông với cái tên Vũ Văn Mậu, ngoài ra không khai thác được gì khác dù đã tra tấn rất dã man, chuyển ông đi hầu hết các trại giam lớn ở miền Nam lúc đó, như: Thủ Đức, Khám lớn Sài Gòn, Phú Lợi. Tháng 12-1959, ông bị địch đày ra Côn Đảo. Từ đó, ông cùng với đồng đội - những người tù chính trị ở Lao 1, bắt đầu bước vào cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù, nhưng lúc nào cũng trong tư thế chiến thắng.
Từ năm 1957, địch chủ trương phân hóa tù chính trị Côn Đảo bằng cách lập ra Lao 1 để giam giữ những “phần tử cứng đầu” không chịu ly khai Đảng, còn Lao 2 nhốt những tù nhân chịu ký giấy ly khai. Vừa ra đến Côn Đảo, ngay lập tức ông bị tống vào Lao 1 bởi “cái tội” cương quyết đi “đường cộng sản” ở Cầu tàu 914, dù những ai đi đường này đều bị đánh đập vô cùng tàn nhẫn. Ở Lao 1 lúc này có hàng trăm tù chính trị, trong đó có các đồng chí kiên trung, là hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh chống ly khai, như: Nguyễn Đức Thuận, Lưu Chí Hiếu, Trần Trung Tín, Phạm Quốc Sắc… Ngoài ra, còn có những người, tuy không phải đảng viên, nhưng vẫn một lòng với cách mạng, mà tiêu biểu là “ông già Bà Rịa” Cao Văn Ngọc. Ông Phan Trọng Bình bị giam ở khám 7 - nơi được tù chính trị tôn là khám chỉ đạo và nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào.
Tháng 8-2012, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Phan Trọng Bình (tức Vũ Văn Mậu). Trước đó, vào tháng 5-2012, Chủ tịch nước cũng truy tặng danh hiệu Anh hùng cho 3 liệt sĩ cựu tù chính trị Côn Đảo, gồm: Lê Văn Một (Phan Thành Trung, nguyên Trưởng ban Thông tin vô tuyến tỉnh Cửu Long), Nguyễn Minh (nguyên cán bộ Huyện ủy Long Thành) và Phạm Quốc Sắc (nguyên chuyên viên cao cấp Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương). Trước đó, đồng chí Nguyễn Đức Thuận (nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) được truy tặng danh hiệu này vào năm 2008. Như vậy, “năm ngôi sao sáng” của Côn Đảo đều đã được tặng danh hiệu Anh hùng. |
Phong trào chống ly khai của tù chính trị Côn Đảo kéo dài từ năm 1957-1964. Trong quãng thời gian 7 năm đó, trên một ngàn đồng chí đã hy sinh vì đòn roi tra tấn tàn bạo, vì chế độ nhà tù khắc nghiệt phi nhân tính nhằm bẻ gãy ý chí người tù của kẻ thù. Vào đầu tháng 4-1960, địch lôi hơn 1.350 tù chính trị ra Bãi Dương, nhà hát Côn Đảo và Lò Vôi đánh đập, phơi nắng, phơi mưa suốt mấy ngày liền nhằm bắt mọi người ký giấy ly khai. Đợt này, số tù nhân hy sinh lên đến mấy trăm người, nhưng vẫn còn 59 người không chịu khuất phục và bị tống vào Chuồng cọp, trong đó có ông Bình.
* "Năm ngôi sao sáng" Côn Đảo
Nhắc đến Chuồng cọp Côn Đảo là nhắc đến sự tàn bạo ở bậc cao nhất của nhà tù đế quốc. Bề ngang chỉ khoảng 1,5m, bề dài chừng 2m, nhưng mỗi gian chuồng cọp thường nhốt từ 5-10 người, lúc “cao điểm” người tù không có cả chỗ để ngồi, thiếu không khí và ánh sáng. Ăn thì toàn khô mục, mắm ươn có dòi, mỗi bận ra ngoài lấy cơm lại bị đánh. Đến nay, xương ức ông Bình vẫn còn bị lõm vào một khoảng lớn. Đó là dấu vết của một trận đòn lúc nhận cơm, khiến mỏ ác của ông cũng bị lõm, lúc nào cũng phải đội mũ ngay cả khi ở trong nhà. Mà không chỉ lúc lấy cơm, người tù có thể bị đánh bất cứ lúc nào, kể cả chuyện bị đánh chỉ vì bọn cai tù… cá độ với nhau. Đêm đêm, từ trên cao, bọn chúng lại xối từng thùng nước bẩn lạnh ngắt vào thân thể trần trụi của những người tù ở bên dưới, nhiều người vì thân thể ốm yếu, suy kiệt, không chịu nổi đã ra đi…
Bút tích chống ly khai lúc ở tù Côn Đảo. |
Đến tháng 3-1961, số tù chống ly khai bị nhốt ở Chuồng cọp chỉ còn lại 17 người. Ngày 27-3, địch mở đợt chiêu dụ mới, nhưng 17 người là 17 chữ ký cương quyết không ly khai Đảng. Thế là, tối đó địch đánh đập, đàn áp rất dã man, khiến 5 người bị đánh chết tại chỗ, gồm: Ngô Đến, Hoàng Chất, Nguyễn Công Tộc, Phạm Thành Chung và ông già Cao Văn Ngọc. Mấy hôm sau, thêm 3 người nữa ra đi, gồm: Nguyễn Văn Đích, Hoàng Sơn và Trần Trung Tín. Trận này, ông Bình bị đánh gãy 3 xương sườn và 1 đốt xương sống, nằm mấy tháng mới bò dậy được. Đến đêm 24-12-1961, đồng chí Lưu Chí Hiếu cũng hy sinh, do bị bọn cai tù xối nước lạnh lên người suốt đêm giữa lúc trời giá rét nhất…
Nhắc đến đồng chí Lưu Chí Hiếu, đôi mắt trong veo của ông Bình như mờ đi. “Trong số các đồng chí cùng đấu tranh ở Côn Đảo, tôi cảm phục nhất là anh Hiếu. Đó là một con người kiên cường, dù hoàn cảnh nào cũng một lòng với Đảng không hề dao động. Ở trong tù, cuộc đấu tranh căng thẳng nhất không phải là với kẻ thù, mà là đấu tranh với chính mình, rất nhiều người không tránh khỏi sự dao động tinh thần. Trong hoàn cảnh đó, anh Hiếu vẫn cương quyết: “Ly khai là làm sai tiếng nói của lịch sử đấu tranh anh dũng của Đảng, tôi cương quyết ở lại quyết tử” - ông Bình nói giọng rưng rưng.
Sau cái chết của ông Hiếu, bọn địch đã phải đầu hàng ý chí của người tù cộng sản. Từ hơn ngàn người tham gia ban đầu, lúc này chỉ còn lại 5 người, gồm: Phan Trọng Bình, Nguyễn Đức Thuận, Phạm Quốc Sắc, Lê Văn Một và Nguyễn Minh. Toàn thể tù nhân Côn Đảo đã kính phục đặt danh hiệu cho họ là “năm ngôi sao sáng”. Trước sức ép của dư luận và sự chuyển biến của tình hình chính trị, ngày 16-1-1964, “năm ngôi sao sáng” được đưa về nhà tù Phú Lợi và đến ngày 30-4-1964 thì được trả tự do. Vừa hồi phục sức khỏe, các đồng chí đã bắt liên lạc tìm đường vào chiến khu, trở về với dân, với Đảng.
Thanh Thúy