Được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là niềm vui to lớn, nhưng đối với ông Phan Trọng Bình, niềm vui ấy không trọn vẹn, vì trong lòng ông vẫn còn băn khoăn, ray rứt về nỗi oan khuất của người đồng đội đã cùng ông chia ngọt, sẻ bùi trong ngục tù Côn Đảo.
Nỗi đau người tù
Được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là niềm vui to lớn, nhưng đối với ông Phan Trọng Bình, niềm vui ấy không trọn vẹn, vì trong lòng ông vẫn còn băn khoăn, ray rứt về nỗi oan khuất của người đồng đội đã cùng ông chia ngọt, sẻ bùi trong ngục tù Côn Đảo.
Người đồng đội ấy là ông Huỳnh Văn Khi. Ông Khi tên thật Nguyễn Văn Chỉ, sinh năm 1920, tại xã An Phước, huyện Long Thành. Như bao thanh niên thời bấy giờ, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông Khi tham gia hoạt động cách mạng và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1950. Tháng 6-1956, ông Khi bị địch bắt. Sau khi đi khắp các nhà tù miền Nam, năm 1957, ông bị đày ra Côn Đảo.
* Oan khuất khôn nguôi
Ở Côn Đảo, ngay từ những ngày đầu, ông Khi đã tham gia phong trào chống ly khai của các tù nhân chính trị ở Lao 1. Trong tác phẩm Bất khuất, ông Nguyễn Đức Thuận rất nhiều lần nhắc đến tinh thần đấu tranh dũng cảm của ông Khi. Trong trận đàn áp đầu tháng 4-1960, ông Khi bị đánh đến ngất xỉu và bị đem vứt ra ngoài trời cả đêm. Mấy hôm sau thì ông bị câm, nhưng vẫn không chịu đầu hàng và là 1 trong 59 người bị tống vào Chuồng cọp. Ở đấy, ông tiếp tục bị đánh đập, hành hạ. Ông Thuận đã viết trong tác phẩm Bất khuất: “Ngay như anh Huỳnh Văn Khuy (đúng ra là Khi), địch mong anh chết và cầm chắc cái chết, cũng không chết. Anh Khuy, không hiểu trong trận ngày 27-3-1961 bị chúng đánh bằng ngón gì, mà sau đó suốt mấy tháng trời không nằm được nữa. Tối ngày sáng đêm chỉ ngồi. Cứ một cái quần cụt ngồi ở góc chuồng cọp như vậy. Bọn trật tự viên phải la lên: “Thằng này lạ thật. Không bao giờ thấy nó nằm là thế nào?!”. Anh lại bị kiết lỵ rất nặng. Địch không cho thuốc chữa, vất đấy cho chóng chết, nhưng anh không chết”.
Ông Huỳnh Văn Khi (người chống nạng), kế bên là ông Hà Huy Giáp, đứng sau là ông Phan Trọng Bình . |
Nhưng đem đến oan khuất cho ông Khi, oái oăm thay, cũng chính là tác phẩm Bất khuất của ông Nguyễn Đức Thuận. Ngày 6-9-1961, ông Khi được đưa xuống bệnh xá. Ông Thuận cho rằng, lúc đó ông Khi đã ly khai, dù cũng công nhận rằng, suốt từ đó cho đến lúc ra tù, chưa bao giờ ông Khi chào cờ địch, hô khẩu hiệu phản cách mạng. Tác phẩm Bất khuất được xuất bản vào năm 1967 với số lượng 210 ngàn bản, tái bản nhiều lần, được dịch ra 5 ngôn ngữ và phát hành ở nước ngoài. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Khi cũng được phục hồi Đảng tịch, nhưng cái tiếng ly khai đã đeo đẳng ông suốt quãng đời còn lại, tận cho đến lúc nhắm mắt bởi sự nổi tiếng, vang xa của tác phẩm Bất khuất.
* Đề nghị đính chính...
Nhắc đến tác phẩm Bất khuất, ông Phan Trọng Bình bứt rứt kể: “Sau khi ra khỏi tù, trở về với cách mạng, chúng tôi được đưa ra Bắc chữa trị vì những di chứng, bệnh tật trong thời gian lao tù ở Côn Đảo quá nặng. Ở Hà Nội, anh Nguyễn Đức Thuận rủ tôi cùng viết lại quá trình đấu tranh ở trong tù, và tôi đồng ý. Tôi cùng chấp bút viết Bất khuất với anh Thuận được khoảng 2/3 thì bệnh tôi trở nặng, được đưa sang Bắc Kinh (Trung Quốc) điều trị. Quá trình chữa bệnh kéo dài, sau khi về nước tôi cũng còn rất yếu nên không biết anh Thuận đã viết về anh Khi như thế. Đến khi tôi hay được sự tình, thì Bất khuất đã xuất bản từ lâu rồi. Sự thật không phải như thế”.
Bà Lê Thị Hơn, vợ ông Huỳnh Văn Khi - người cũng từng tham gia nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến chống Mỹ kể, khoảng tháng 3-1964, bà hay tin địch đưa chồng từ Côn Đảo về nhà thương Biên Hòa (nay là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) nên tất tả làm đơn xin bảo lãnh cho ông về. Lúc đó, ông Khi ốm teo rút như một đứa trẻ, bà bế chồng trên tay mà nhẹ tênh. Mãi đến sau này, ông Khi đi lại vẫn phải chống gậy, vì bị đánh đến liệt chân. Ông Huỳnh Văn Khi mất năm 1996. |
Ông Bình cho biết, một thời gian sau trận đàn áp tối 27-3-1961, ông được chuyển sang cùng phòng giam với ông Khi. Lúc này, ông Khi đã câm không nói năng gì, lại không nằm được, chỉ ngồi dựa vào góc tường gần cầu tiêu và quan sát mọi người rất kỹ. Nhưng có một đêm, khi ông Bình đến thùng tiêu để đi vệ sinh, đột nhiên ông Khi kéo ông Bình lại và thì thào vào tai: “Anh Mậu à, tôi không bị câm đâu. Tôi biết anh là Phan Trọng Bình, nhưng tôi không nói với ai đâu”. Thái độ và lời nói của ông Khi làm ông Bình giật bắn cả người, vì lúc đó mọi người chỉ biết ông với cái tên Vũ Văn Mậu. Đêm ấy, hai ông đã xiết tay nhau, thầm hẹn cùng nhau sẽ giữ vững khí tiết đến cùng. Ngay cả lúc ông Nguyễn Đức Thuận xin ý kiến đồng đội về việc giả vờ ly khai, mọi người không đồng ý chủ trương này và thề quyết tử, ông Khi cũng nói như đinh đóng cột: “Anh em thế nào, tôi cũng ráng theo thế ấy!”.
Vậy, vì sao có sự kiện “ly khai” đêm 6-9-1961? Ông Lâm Văn Tuấn (ngụ tại xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) - một cựu tù chính trị Côn Đảo có mặt ở bệnh xá vào đêm đưa ông Khi ra, kể lại: “Bữa đó, thấy tụi địch chạy rần rần, lát sau thì cáng đưa ông Khi xuống. Lúc đó, ông Khi chỉ còn có bộ xương, thở rất yếu, đến độ tôi tưởng ổng chết rồi. Tới sáng, tôi thấy ổng nhúc nhích mấy ngón tay, tôi mới ghé sát tai để nghe coi ổng còn thở không, thì mới nghe ổng nói: “Tôi còn sống”.
Khoảng năm 1990, do bệnh trở nặng nên ông Bình rời TP.Hồ Chí Minh về sống ở huyện Long Thành và tình cờ gặp lại ông Khi. Hai người bạn tù đã ôm chầm lấy nhau mà khóc như hai đứa trẻ. Câu đầu tiên ông Khi nói với ông Bình là: “Anh Bình ơi, tôi không có ly khai”. Lúc đó, ông Nguyễn Đức Thuận đã mất. Kể từ đó, ông Bình và ông Khi thường xuyên tới lui thăm nom nhau. Thấy ông Bình sống một mình vất vả, ông Khi đã mai mối, vun đắp cho bà Nguyễn Thị Hường, nguyên giáo viên Trường THPT Long Thành gá nghĩa với ông Bình. Bà Hường cũng vì cảm phục đã đồng ý chăm sóc cho ông Bình, dù biết ông thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Nhà ông Khi rất nghèo. Mười mấy năm trời dành dụm, ông chỉ cất nổi cái khung nhà, không mua nổi tôn lợp mái. Ông Bình bèn đến gặp GS.Trần Văn Giàu nhờ giúp đỡ. Ông Giàu khảng khái đưa ngay 1 triệu đồng giúp bạn. Dù đang túng bấn, ông Khi vẫn không chịu cầm tiền nếu như không biết rõ nguồn gốc. Sau khi nghe ông Bình kể chuyện, ông Khi nhờ ông Bình đưa đến nhà ông Giàu để cảm ơn, đồng thời “ép” ông Giàu phải chịu nhận giấy nợ thì ông mới chịu nhận tiền. “Anh Khi là người rất tự trọng, đàng hoàng” - ông Bình nhận xét. |
Theo ông Bình cho biết, đêm ấy ông Khi đã rất yếu vì bị kiết lỵ nặng lâu ngày mà không được chữa chạy, nên địch mới đưa xuống bệnh xá. Bọn địch ở Côn Đảo cũng rất thâm hiểm, đôi khi chúng tận dụng những cơ hội cỏn con như thế để tung tin “ly khai” gây chia rẽ ngay trong nội bộ tù chính trị, làm giảm sút ý chí đấu tranh. “Tôi với anh Khi, đứa người Bắc, đứa người Nam, trước đó không hề quen biết gì nhau, chỉ cùng nhau chia sẻ hoạn nạn lúc trong tù. Ngược lại, anh Thuận với tôi thì lại rất thân. Tôi nghĩ anh Thuận cũng không có ý gì khi viết như thế, có điều chắc chắn là anh Thuận không tận mắt chứng kiến sự việc đêm ấy mà chỉ nghe kể lại, vì anh Thuận ở phòng giam khác, chỉ có tôi ở chung với anh Khi. Tôi xác nhận anh Khi rất kiên cường, không hề có chuyện anh ly khai. Anh Khi rất xứng đáng được truy tặng danh hiệu anh hùng, xứng đáng là một trong những ngôi sao sáng. Về tác phẩm Bất khuất, tôi cho rằng cần phải bỏ đoạn viết không chính xác về anh Khi” - ông Bình khẳng định.
Thanh Thúy