Báo Đồng Nai điện tử
En

Thành nhà Hồ - thông điệp của tiền nhân…

08:09, 20/09/2012

Tôi về Thanh Hóa cuối tháng 7 âm lịch. Mưa sùi sụt nên gần hết phép, tôi mới thực hiện được mơ ước: đi thăm di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ.

Tôi về Thanh Hóa cuối tháng 7 âm lịch. Mưa sùi sụt nên gần hết phép, tôi mới thực hiện được mơ ước: đi thăm di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ.

Từ TP.Thanh Hóa về Vĩnh Lộc - nơi thành nhà Hồ tọa lạc chỉ khoảng 40km. Càng gần đến nơi, cảnh sắc càng tươi đẹp. Sông Bưởi và sông Mã giống như đôi rồng trắng uốn lượn, quấn quanh đồng bằng rộng hàng chục hécta. Những rặng núi đá vôi trùng điệp bao bọc, chạy miên man đến tận biên giới Việt - Lào. Từ xa, tôi đã nhìn thấy tòa thành màu xám lạnh nổi bật trên thảm lúa xanh. Nhiều du khách mang theo dù che nắng đang chụp hình trước cổng thành.

* Công trình kỳ vĩ, độc nhất vô nhị

Cảm xúc đầu tiên khi tôi đứng bên thành nhà Hồ là sự choáng ngợp trước công trình kiến trúc đá kỳ vỹ, độc nhất vô nhị của Việt Nam (và của Đông Nam Á). Không hiểu bằng cách nào mà hơn 600 năm trước, khi chưa có các phương tiện kỹ thuật hiện đại, như: máy xúc, cần cẩu… mà cha ông ta có thể xây nên tòa thành uy nghi, đẹp đẽ đến thế (chắc hẳn vì đẹp nên kiến trúc đá kỳ vĩ này còn có tên gọi là thành Tây Giai).

Thành nhà Hồ.
Thành nhà Hồ.

Tương truyền, khu động An Tôn cách nơi xây thành 1km có 5 ngọn núi, 3 ngọn gọi là Kim Ngọ (ngựa vàng), 2 ngọn gọi là Kim Ngưu (trâu vàng). Để xây được tòa thành đồ sộ, nhà Hồ đã lấy hết 3 ngọn núi Kim Ngọ. Tòa thành hình chữ nhật, chiều dài hơn chiều rộng 13m. Cửa tiền có 3 vòm cuốn, chiều cao từ chân lên nóc là 7,89m. Cửa hậu có chiều cao từ chân lên nóc là 7,35m, chiều cao vòm cuốn là 5,80m. Hai cửa phía Đông Bắc và Tây Nam có chiều cao vòm cuốn đều là 5,4m, chiều rộng vòm cuốn là 5,8m. Các cửa thành ghép bằng những phiến đá dài 5m, cao 1,1m, rộng trên 2m, được đẽo gọt, gia công kỹ lưỡng, bề mặt phẳng lì.

Để lắp ghép được các vòm cuốn, các nghệ nhân đã chế tác những phiến đá thành hình múi cam, hình thang và hình tứ giác. Toàn bộ cổng thành có hình thang cân theo kiểu “thượng thu hạ sách” cực kỳ vững chãi. Mỗi bức tường thành được ghép 5 hàng đá phiến ở phần nổi trên mặt đất và 2 hàng chìm dưới lòng đất làm móng. Đứng dưới vòm cổng nhìn lên, có cảm giác những tảng đá nặng nề cũng được uốn cong, tạo nên hình vòng cung mềm mại. Trên mặt đất phía trước thành còn hiện rõ lỗ chân cột hình tròn hơi lõm. Tôi đi lên nóc thành qua chiếc cầu thang sắt. Sân thượng rộng và phẳng cũng có nhiều lỗ chân cột cách nhau đều đặn.

Di tích thành nhà Hồ còn nhiều hạng mục khác, như: đôi rồng đá chầu ở sân rồng đã bị mất đầu, đền thờ nàng Bình Khương gắn với sự tích cống hang trăn, đền thờ tướng Trần Khát Chân, đàn Nam Giao; các hồ nước mang những cái tên rất đẹp, như: Dục Thúy, Bơi Chải, Bán Nguyệt, Dục Tượng; các công trình phòng ngự, như: Hào thành, La thành… Những di tích vệ tinh bao quanh thành, gồm: Hỏa hiệu đài, Vọng lâu đài, đường hầm Phù Ải, Đồi Cốc, Hang Ma… Tất cả tạo nên quần thể di tích một nửa đã phát lộ, một nửa còn khuất chìm trong lòng đất đầy kỳ bí, cuốn hút.

Nhà trưng bày di tích thành nhà Hồ có nhiều hiện vật được phát hiện trong những đợt khảo cổ. Rất nhiều những viên ngói, gạch bia kích cỡ lớn, trên đó có chữ Hán ghi tên 90 địa phương sản xuất, như: Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình… Điều này chứng tỏ Hồ Quý Ly đã huy động rộng rãi sức dân không chỉ của Thanh Hóa mà cả những tỉnh, thành khác để xây dựng thành. Ngoài ra, còn có hàng trăm viên đá tròn đủ mọi kích cỡ, được gọi là những viên đạn đá cùng nhiều hiện vật quý khác. 

* Xứng đáng là di sản văn hóa thế giới

Trong lịch sử các vương triều Việt Nam, Hồ Quý Ly lên ngôi chỉ 8 tháng rồi trao quyền lãnh đạo đất nước cho con trai. Chính quyền non trẻ của cha con ông sau đó mau chóng rơi vào tay nhà Minh. Bi kịch của Hồ Quý Ly, một vị vua văn võ toàn tài, như nhà thơ xứ Thanh đã viết: “Người đau nỗi đau anh hùng bại trận. Đau nỗi đau anh hùng dựng nghiệp dở dang” (Trường ca Thành Tây Đô - Văn Đắc).

Tác giả (trái) chụp hình lưu niệm trước Thành nhà Hồ.
Tác giả (trái) chụp hình lưu niệm trước Thành nhà Hồ.

Tuy nhiên, trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình, Hồ Quý Ly đã kịp đề ra nhiều cải cách quan trọng, như: sử dụng tiền giấy thay tiền kim loại, ban hành chính sách hạn nô, hạn điền, tước bớt đất đai từ tay địa chủ, hào phú sung công, cải cách bộ máy hành chính quan liêu, cồng kềnh… Những cải cách giáo dục nhằm khuyến khích sự học, đào tạo nhân tài chứng tỏ Hồ Quý Ly có tầm nhìn của một thiên tài.

Việc cho xây thành đắp lũy bằng đá nguyên khối ở vùng đất trũng và hiểm trở cũng cho thấy ông là con người quyết đoán, táo bạo, chí khí hơn người. Bất cứ ai chiêm ngưỡng tòa thành độc đáo cũng không khỏi trầm tư trước những câu hỏi lớn: Bằng cách nào những nghệ nhân xưa đã bóc tách được những khối đá nặng tới vài chục tấn mà không bị nứt vỡ, rồi đưa chúng lên độ cao hàng chục mét để lắp đặt? Đá xây thành lấy từ đâu, vận chuyển bằng cách nào, nhân công bao nhiêu người?

Đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bất chấp sự tàn phá của thiên nhiên và sự vô thức của con người, kiệt tác kiến trúc này vẫn sừng sững đứng đó, trường tồn với thời gian và là biểu tượng của sức mạnh, trí tuệ, tài năng của cha ông ta. Giá trị nhiều mặt của thành nhà Hồ khiến thế giới cũng phải kinh ngạc và thán phục. Tại cuộc họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO), trưởng đoàn Ai Cập, một nhà khoa học có 40 năm làm khảo cổ đã nói: “Tôi nghiên cứu rất kỹ hồ sơ thành nhà Hồ của Việt Nam và so sánh với một số thành cổ ở Ai Cập đã được công nhận, tôi thấy kinh thành nhà Hồ của Việt Nam hoàn toàn xứng đáng là di sản văn hóa thế giới”.

Hồ Quý Ly chưa có đủ thời gian và điều kiện để thực hiện những cải cách, cải tổ nhằm đưa đất nước tiến lên. Nhưng ở vào thời kỳ xa xưa ấy, mục tiêu, ý tưởng cải cách của ông quả là vĩ đại. Với chúng ta, thành nhà Hồ chính là thông điệp của tiền nhân…

Hoàng Ngọc Điệp

 

 

 

 

Tin xem nhiều