Từ vùng quê miền Trung xa xôi, những người già, trẻ em nghèo khó được “người quen” hứa hẹn đưa vào TP.Biên Hòa bán vé số dạo với thu nhập cao. Nhưng khi vào đến nơi, những “người quen” nọ lộ nguyên hình là những kẻ chăn dắt ăn xin và những người già, trẻ em đáng thương bị biến thành “công cụ” để bọn chăn dắt kiếm tiền. Mỗi ngày, họ phải lê la trên các nẻo đường xin ăn để kiếm tiền “cống nạp” cho những kẻ thừa sức lao động nhưng thiếu tình người…
Từ vùng quê miền Trung xa xôi, những người già, trẻ em nghèo khó được “người quen” hứa hẹn đưa vào TP.Biên Hòa bán vé số dạo với thu nhập cao. Nhưng khi vào đến nơi, những “người quen” nọ lộ nguyên hình là những kẻ chăn dắt ăn xin và những người già, trẻ em đáng thương bị biến thành “công cụ” để bọn chăn dắt kiếm tiền. Mỗi ngày, họ phải lê la trên các nẻo đường xin ăn để kiếm tiền “cống nạp” cho những kẻ thừa sức lao động nhưng thiếu tình người…
Tại một số tuyến đường chính ở TP.Biên Hòa, từ lâu đã xuất hiện tình trạng người ăn xin đứng ở các ngã tư chìa tay xin tiền người đi đường. Nhìn họ nhếch nhác, áo quần rách rưới đến tội nghiệp, nhiều người chạnh lòng móc bóp cho tiền. Tuy nhiên, phía sau những “thân phận đáng thương” ấy là một đường dây chăn dắt ăn xin tinh vi đến khó ngờ do vợ chồng Chung - Phương (quê ở tỉnh Thanh Hóa) đứng sau chỉ đạo.
Ông Khang đang “hành nghề” ăn xin tại một cây xăng trên đường Đồng Khởi (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). |
Căn nhà tồi tàn nằm cuối con hẻm nhỏ gần cầu Suối Linh (thuộc KP3, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) là nơi vợ chồng Chung - Phương huấn luyện, quản lý và chăn dắt gần chục người già, trẻ em ăn xin. 4 giờ 30 mỗi ngày, chiếc Wave đỏ mang biển số 60Y3 - 83... do Chung điều khiển lại lần lượt chở từ 1-2 người già và trẻ em đến các ngôi chợ lớn, nhỏ trên địa bàn TP.Biên Hòa để… xin ăn. Nhằm tránh sự để ý của mọi người, mỗi ngày đưa rước “con tin”, Chung đều cảnh giác đề phòng những ai nhìn hoặc đi theo sau mình. Mỗi khi thấy có dấu hiệu bất ổn, Chung liền thay đổi vị trí “làm ăn” để đánh lạc hướng sự chú ý của mọi người.
* Hành nghề tinh vi
Ngày 12-9, như thường lệ, Chung giục mọi người dậy thật sớm để gã còn kịp chở nhiều lượt người ra địa điểm “hành nghề” thật sớm. Đúng 4 giờ 30, chiếc xe máy chở theo hai bà già chừng 70 tuổi ăn mặc nhếch nhác chạy ra chân cầu Suối Linh. Tại đây, sau khi ngó chừng không thấy ai để ý đến mình, Chung cho xe tăng tốc về hướng vòng xoay Tam Hiệp. Ít phút sau, Chung và nhóm người ăn xin đã có mặt tại chợ Biên Hòa. Sau vài câu dặn dò những người ăn xin do mình huấn luyện, Chung lại phóng xe quay trở về “cứ địa”.
Thông thường, sau một ngày lê la khắp nơi xin tiền, đến khoảng 22 giờ, những người ăn xin tập trung tại một điểm hẹn trước để Chung đón về. Nhưng gần 23 giờ hôm đó (12-9), khi kiểm tra một bà già nộp tiền chưa đủ số lượng quy định, Chung lại buộc bà lên xe để chở đi ăn xin tiếp. Tuy nhiên, nhận thấy có người lạ (chúng tôi) dõi mắt theo mình, Chung cắt cử một phụ nữ khoảng 60 tuổi (mẹ vợ của Chung) ra ngồi tại hành lang một nhà dân cạnh cầu Suối Linh để… nắm tình hình. Khi thấy có “đôi tình nhân” đang chuyện trò, người này liền quay trở vào báo cáo lại. Thấy vậy, Chung “án binh bất động” gần 20 phút mới xuất hành. Lần này, Chung chạy tới ngôi miếu nhỏ cạnh bờ suối rồi cho xe rẽ phải để ra đường khác, cách con hẻm thường đi chừng 100m. Xe vừa vụt qua vòng xoay Tam Hiệp chừng 200m (theo hướng đi vào trung tâm TP. Biên Hòa), Chung cho xe tăng tốc và “đáp” xuống chợ Tam Hòa để thả bà già xin ăn ở đây.
Ngoài vợ chồng Chung - Phương, ở bên kia bờ suối Linh (đối diện với hướng rẽ vào “cứ địa” của Chung), là “cứ địa” của một kẻ chăn dắt ăn xin khác. Tại phòng trọ này, một gã thanh niên “quản lý” hai cụ già (một nam, một nữ) khoảng 70 tuổi. Khác với vợ chồng Chung - Phương, mỗi sáng sớm, hai ông bà già không được đưa đón, mà tự đi bộ đến các địa điểm đông người để xin ăn, đến đêm lại tự đi về nơi tá túc.
Khoảng 4 giờ 50 ngày 15-9, chúng tôi thấy bà già lê từng bước nặng nề đi về hướng vòng xoay Tam Hiệp để “hành nghề”. Trước đó, khoảng 21 giờ hàng đêm, chúng tôi lại bắt gặp bà đang ăn xin tại cây xăng Suối Linh cùng một bé gái chừng 10 tuổi (bé gái này thuộc quyền “quản lý” của vợ chồng Chung). Khoảng 22 giờ, bà lại lầm lũi đi bộ về phía cầu Suối Linh và rẽ vào một phòng trọ lụp xụp chừng 12m2 cặp sát theo bờ kè.
Ban ngày, căn phòng trọ của họ thường đóng cửa im ỉm. Sau khi hai người già đi “hành nghề” thì gã thanh niên trong nhà thức dậy, nhưng anh ta nhanh chóng đóng sập cửa, ở suốt trong phòng. Trong vai người tìm thuê phòng trọ, chúng tôi đập cửa phòng trọ này, anh ta mới mở cửa bước ra và hất hàm hỏi: “Tìm ai?”. Chúng tôi mới vừa bảo tìm phòng trọ thì anh ta đã đóng sầm cửa lại, không quên nói: “Ở đây hết phòng rồi, không biết người ta đang ngủ hả. Liệu hồn đó…”.
Để mọi người xung quanh không sinh nghi hoạt động chăn dắt ăn xin của mình, anh ta yêu cầu hai người già trước khi bước vào dãy trọ, phải giấu cây gậy tre, nón, túi...
* Vào “ổ” chăn dắt
Chiều 18-9, chúng tôi tìm đến nơi ở của vợ chồng Chung - Phương nằm ở cuối con hẻm cạnh cầu Suối Linh. Bên ngoài ngôi nhà này, nhiều nón lá, quần áo rách rưới được căng phơi mé bên con suối. Xung quanh căn nhà được quây lưới B40, phủ bạt che chắn khá cẩn thận. Trước hiên nhà, ông Chung dáng người mập mạp, to cao đang “giết” thời gian rỗi bên ly rượu, còn Phương (vợ Chung) chỉ quanh quẩn ở nhà chờ đám người ăn xin về nộp tiền. Trò chuyện với chúng tôi, Phương giả lả: “Chỗ này ẩm thấp lắm, nhà có vợ chồng ở đã thấy bức bối khó chịu rồi, huống chi có thêm người ở cùng”. Ngồi cạnh đó, Chung không ngừng đưa mắt quan sát động thái của chúng tôi. Thi thoảng, gã đưa điếu cày lên rít vài hơi, rồi ngó chúng tôi với vẻ ngờ vực…
Trước đó, gần khoảng đất trống rẽ vào nhà Chung, chúng tôi phát hiện một “căn nhà” của những người ăn xin khác. Ngôi nhà chỉ được che chắn bằng những tấm líp là chốn nghỉ ngơi của một ông già khoảng 70 tuổi tên Khang và một cô bé chừng 12 tuổi tên Phương. Thực ra, nhằm tránh sự để ý của người dân xung quanh, vợ chồng Chung thuê riêng nhà này cho ông Khang và bé Phương tá túc sau một ngày vất vả ăn xin.
Qua nhiều ngày quan sát hoạt động của những người ăn xin, chúng tôi nhận thấy mọi hành động, giờ giấc đưa rước đội quân ăn xin đều do một tay Chung lo liệu. Phương chỉ ở nhà cơm nước và đếm tiền. Phương cũng là kẻ giao chỉ tiêu cho từng người ăn xin, nếu thấy số tiền kiếm được không đủ “định mức”, thị sẽ tra xét. Nếu ai không xin đủ định mức sẽ bị Phương trừng phạt thích đáng: người già, tàn tật thì bị bỏ đói, bỏ rét, còn trẻ em thì bị đánh đập không thương tiếc. Ngoài vợ chồng Chung, còn có mẹ vợ (cũng đi xin ăn) và 3 đứa con trai. Dù 3 người này không ở chung một nhà, nhưng khi vợ chồng Chung cần người hỗ trợ “dằn mặt” những người ăn xin thì chúng xuất hiện rất nhanh. Để bù đắp số lượng quân số sau mỗi đợt “con tin” được giải cứu, cứ sau dịp lễ, tết, nghỉ hè, vợ chồng Chung lại về quê (tỉnh Thanh Hóa) tuyển người mới...
Tùng Minh - Võ Nguyên