Cơn sốt gỗ sưa trong thời gian qua đã khiến phong trào trồng loại cây này trở nên rầm rộ ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Từ những lời đồn thổi rồi trở thành phong trào, người người đua nhau trồng khiến cây sưa càng thêm giá trị, vì ai cũng muốn thử vận may đổi đời từ loại cây này.
Cơn sốt gỗ sưa trong thời gian qua đã khiến phong trào trồng loại cây này trở nên rầm rộ ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Từ những lời đồn thổi rồi trở thành phong trào, người người đua nhau trồng khiến cây sưa càng thêm giá trị, vì ai cũng muốn thử vận may đổi đời từ loại cây này.
* Trồng sưa theo phong trào
Anh Việt (ngụ tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất), một trong những người mua sưa giống tại vườn giống Nam Bộ (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) cho biết: “Tôi mua sưa về, trước mắt là để trồng thử ở vùng đồi sau vườn. Thời gian tới, nếu thuận lợi, tôi sẽ chuyển hết vườn chôm chôm sang trồng sưa. Dạo này, chẳng những người trong tỉnh mà khắp mọi nơi đều ầm ầm tìm mua sưa khiến giá sưa trên thị trường đang lên cao. Bây giờ, mua vài trăm cây về trồng, biết đâu sau này sẽ phát tài, trong khi loài cây này khá dễ trồng”.
Một vườn sưa giống rộng lớn, nằm bên quốc lộ 1A, thuộc địa bàn huyện Thống Nhất. |
Tại một nhà vườn khác trên địa bàn huyện Trảng Bom, sưa giống là loại cây luôn được nhiều người hỏi mua. Sau bao năm gắn bó với cây điều mà không đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn, ông Cử (56 tuổi, ngụ ở xã Phước Bình, huyện Long Thành) quyết định phá bỏ vườn điều đã gắn bó nhiều năm. Ông Cử cho biết, do giá điều xuống thấp nên ông phá điều, thay vào diện tích đó, một phần ông trồng cao su, phần còn lại ông xuống giống cây sưa. “Một cây sưa nhỏ, gốc có đường kính chừng hai bàn tay chập lại đã bán được vài trăm ngàn đến hơn một triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, cây sưa vẫn có giá hơn. Nếu biết nó giá trị như thế này thì trước đây tôi đã không để phí” - ông nói.
Đang loay hoay chưa biết việc chuyển đổi vườn tạp sang cây trồng gì, đến khi nghe thông tin sưa là loại gỗ quý, đem lại giá trị kinh tế cao, không phải lo đầu ra cho sản phẩm, lại dễ trồng, dễ chăm sóc, ông Tạ Quốc Hưng (ngụ ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) quyết định trồng sưa để tìm vận may. “Nhiều người truyền tai nhau, sau 10-15 năm, mỗi cây sưa ít nhất cũng mang lại lợi nhuận vài triệu đồng nên tôi bàn với vợ trồng thử xem sao. Xung quanh khu vực này, không riêng gì gia đình tôi, mà nhiều người cũng làm thế" - ông Hưng phân trần.
Tại huyện Trảng Bom, nơi tập trung nhiều vườn ươm cây giống lâm nghiệp lớn, bây giờ cũng rộ lên phong trào nhập sưa giống về trồng và bán lại cho những ai có nhu cầu. Ông Lưu Tiến Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom) cho biết, ông đã đọc qua nhiều tài liệu nói về cây sưa, hiện giá trị kinh tế thực của gỗ sưa chưa xác định được, người dân nên tính đến điều kiện thổ nhưỡng trước khi mua sưa giống về trồng, không nên làm theo phong trào và cũng không nên vội vàng chặt ào ạt các cây trồng khác để trồng sưa, có khi sau này “mất cả chì lẫn chài”. |
Cùng với cơn sốt sưa giống bởi ước mơ đổi đời, nhiều người dân còn đổ xô đi mua sưa với lý do trồng sưa để làm cảnh. Vì cây sưa có nhiều cành nhánh cho bóng mát, lá không sâu bệnh, chỉ rụng nhiều ở tháng cuối năm và đầu năm, cây trồng lại mau lớn, chống chọi được gió bão, đặc biệt là cây có hoa màu trắng thanh thoát, hương thơm lan tỏa nhẹ nhàng. Chị Võ Thị Tâm (ngụ ở TP.Biên Hòa) không giấu giếm: “Nhà tôi không rộng lắm, nhưng có mảnh vườn trồng mấy gốc mai cảnh, nay xen vào dăm ba cây sưa. Cây lớn độ chục năm là ra hoa, nở vào dịp đầu năm nên sẽ đem lại nhiều lộc và may mắn”.
Rải rác các khu vườn thuộc các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán…, nhiều nhà vườn có diện tích cây giống lớn đều “để dành” chỗ cho loại cây sưa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá sưa giống ở các nhà vườn có sự chênh lệch, mỗi nơi mỗi giá, không thống nhất. Anh Đoàn, chủ một trại cung cấp sưa giống tại xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), cho biết: “Thời gian qua, một lượng lớn khách tới đây không phải để mua cây giống như trước, mà thường hỏi mua sưa giống”.
Theo chủ trại cây này, bình quân mỗi ngày anh có thể bán được hàng chục cây sưa giống, có lúc bán được vài trăm cây. Hiện tại, nhà vườn chưa ươm được loại cây này, tất cả đều được vận chuyển bằng xe tải từ các tỉnh phía Bắc vào. “Chúng tôi chỉ nhập về 2 loại, sưa mới 5 tháng tuổi cao 20-30cm, có giá 15 ngàn đồng/cây; cây cao 50-80cm có giá đắt gấp đôi. Dù lúc đầu còn gặp khó khăn về thổ nhưỡng, thời tiết nhưng sưa sống khỏe, sống tốt ở mọi nơi, nên không tiêu hao mấy. Nhu cầu người trồng sưa hiện đang nhiều nên tôi sớm thu hồi được vốn”.
* Tìm giống cây mới
Nhiều tháng nay, chuyện người dân tìm đến các vườn ươm, điểm chuyên cung cấp cây giống để hỏi mua sưa giống mỗi lúc một nhiều. Từ những lời đồn thổi rồi trở thành phong trào, người người đua nhau trồng khiến cây sưa càng thêm giá trị. Phong trào trồng cây sưa cứ lan rộng dần ra. Không chỉ trồng sưa trong vườn nhà, nhiều hộ đem sưa lên đồi trồng. Ai cũng xem đây là cây trồng siêu lợi nhuận, sẽ đem lại “vàng” trong tương lai. Lúc đầu chỉ vài ba người, nhưng giờ chúng được bà con trồng xen canh cùng cây điều, chôm chôm. Quá trình cây sưa tích lõi cũng gần cả chục năm, buộc họ phải “dài cổ” chờ cây phát triển và thu hoạch. Bởi lẽ, lợi nhuận của cây trồng chưa thấy, trước mắt nông dân lại tốn tiền, mất nhiều thời gian và công sức chờ đợi.
Công đoạn làm đất phải rất cẩn thận. |
Với một vườn cây giống rộng gần 10 hécta, từng trải qua nhiều phen lận đận khi thử nghiệm ươm, trồng các giống cây gỗ quý, ông Minh (58 tuổi, ngụ ở xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) lý giải, khi mô hình sản xuất nào cho mức lợi nhuận hấp dẫn, nhiều người sẽ đổ xô đầu tư, càng đẩy giá cây giống lên cao. Nhiều năm trước, nông dân ở các huyện Tân Phú, Định Quán… đổ xô trồng cây dó bầu với hy vọng sẽ làm giàu từ trầm hương. Đến nay, nhiều vườn dó bầu đã bị người trồng đốn hạ. Bởi, trồng cây dó bầu thì dễ, nhưng tạo ra trầm hương không đơn giản. “Mọi người đừng chạy theo phong trào mà nên tập trung đầu tư vào một giống cây, con nhất định, thiết thực” - ông Minh chia sẻ.
Bên cạnh cây sưa, tại các nhà vườn cũng bắt đầu bày bán các giống cây lâm nghiệp, cây gỗ quý, như: say, cẩm lai, hương… Chúng được nhiều người dân ở các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú tìm mua. Đây được coi như một hướng đi mới, vì những giống cây này gắn bó mật thiết, có tác dụng lâu dài với nhu cầu con người.
Thanh Hải