Chúng tôi có mặt tại phòng làm việc của tổ lái xe cứu thương Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đúng vào giờ giao ca. Ai cũng đang hối hả, chạy đua với thời gian.
Chúng tôi có mặt tại phòng làm việc của tổ lái xe cứu thương Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đúng vào giờ giao ca. Ai cũng đang hối hả, chạy đua với thời gian.
* “Gánh” áp lực
Hành trình trên những chiếc xe cứu thương suốt 25 năm qua, chuyện gánh trên vai trăm áp lực về tinh thần, nhưng xem ra công việc đối với ông Lý Hồng Trung (54 tuổi) quá đỗi bình thường. Điều mà ai cũng lo sợ là chở bệnh nhân cấp cứu vào thời điểm đường đông đúc xe cộ. Khi ấy, ranh giới sống, chết của người bệnh do chính tay tài xế nắm giữ. Người đi xe máy thấy trống chỗ nào là len vào, thậm chí tạt đầu, cắt ngang mũi ô tô để sang đường. Những lúc như vậy, lái xe cứu thương ức chế tâm lý vô cùng. “Lúc ở bệnh viện, sinh mạng của bệnh nhân phụ thuộc vào đội ngũ y, bác sĩ. Còn khi di chuyển lên tuyến trên, sự sống của họ nằm trong tay mình. Căng hết cỡ các dây thần kinh, bỏ qua những điều bận tâm khác, chúng tôi chỉ hướng đến một mục đích duy nhất là tới nơi càng sớm càng tốt” - ông Trung tâm sự.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm, tài xế xe cứu thương vẫn chắc tay lái. |
Làm sao di chuyển nhanh, an toàn và kịp thời đến đích luôn là áp lực khiến bất cứ tài xế xe cứu thương nào cũng phải cân nhắc, tính toán kỹ trên mỗi hành trình. Dù đường xa hay gần, dù trong tỉnh hay tại TP. Hồ Chí Minh, lái xe cứu thương phải luôn vững tay lái. Nhiều năm đưa bệnh nhân, ông Bùi Văn Thiện (54 tuổi) cho biết: “Đâu phải lúc nào xe cứu thương cũng có thể đi nhanh, vì vướng vào nhiều yếu tố, như: kẹt xe, lô cốt"...
Vừa đưa một ca lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) về, tài xế Nguyễn Tòng Quân (41 tuổi) bày tỏ với chúng tôi nỗi niềm của những người trong nghề. Theo đó, điều họ buồn nhất là những lúc bệnh nhân qua đời trên xe. "Nhiều trường hợp, người nhà bệnh nhân không thấu hiểu, một mực đổ lỗi cho người cầm vô-lăng. Nghe riết rồi quen. Mình đâu có muốn đi chậm, thấy bệnh nhân hấp hối đau lòng lắm, chỉ muốn chạy xe thật nhanh” - anh Quân cho biết.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn khi lưu thông, tài xế xe cứu thương ai cũng đau đầu, căng thẳng. Chạy với tốc độ cao, áp lực về thời gian, tính mạng của người bệnh khiến họ phải luôn tập trung tối đa, tỉnh táo để có thể xử lý tất cả những tình huống xảy ra. Vậy mà, ít khi họ nghĩ đến tính mạng của bản thân. Theo lời anh Quân, dù cẩn thận, bình tĩnh đến đâu, người tài xế cũng khó tránh khỏi những sự cố, tình huống bất ngờ.
* Ám ảnh còi hụ, chuông điện thoại
Vào những ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ, gần như cánh cổng cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai luôn phải hoạt động, bởi cứ mươi, mười lăm phút lại có một chiếc xe cấp cứu xuất hiện. Hầu hết người được chở đến đều trong tình trạng nguy kịch, mà nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn giao thông, không ít trường hợp chỉ chậm một tý là bệnh nhân có thể tắt thở.
Bước chân vào nghề lái xe cứu thương, việc đầu tiên người tài xế cần làm quen chính là âm thanh phát ra từ những chiếc còi hụ xanh - đỏ. Tiếng còi hụ lên chát chúa, lạnh lùng khiến người nghe, người đi đường cũng cảm thấy rùng mình. Nhưng với cánh lái xe, nó trở thành người bạn đồng hành không lúc nào thiếu.
“Lần đầu nghe tiếng còi hụ cũng cảm thấy mệt tai, lại có cảm giác hơi sợ. Nhiều ngày sau đó, lúc về đến nhà, đi đâu, làm gì mình cũng đều nghe. Cứ nhắm mắt lại là thấy vệt xanh, vệt đỏ sáng loáng” - ông Trung kể lại bằng giọng buồn buồn của một người cầm lái lâu nhất ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Nghe đến đây, tài xế Phạm Cát Tràng (43 tuổi), góp lời: “Chẳng có ai thích bật còi ưu tiên khi trên xe không có bệnh nhân hoặc không có nhiệm vụ gì. Ai ở ngoài cũng nghĩ chúng tôi lạm dụng còi hụ, nhưng họ đâu có biết chúng tôi ngại nghe nó đến nhường nào?”.
Ai cũng vội vã, khẩn trương với mỗi lần chuyển viện. |
Cầm lái xe cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Trảng Bom (huyện Trảng Bom) gần 25 năm, thực hiện bao chuyến đi cấp cứu giành lại sự sống cho bệnh nhân cũng là chừng đó thời gian và không ít lần tài xế Nguyễn Thanh Hải (55 tuổi) vừa về nhà, chuẩn bị ngả lưng nghỉ thì điện thoại reo. Vậy là, ông lại tức tốc khoác áo lên đường. Những lần chuyển viện đột xuất như thế không phải hiếm nên khi có điện thoại gọi, dù đang ngủ, ông cũng phải vùng dậy. “Tôi thèm được một giấc ngủ yên bình, không phải chập chờn vì tiếng chuông điện thoại gọi từ bệnh viện, nhưng công việc là vậy, cứ chực chờ, bận rộn và chạy đua” - ông Hải tâm sự.
Tài xế xe cứu thương luôn chuẩn bị tâm thế lúc nào cũng chuẩn bị khởi hành. Vậy nên, mấy chục năm theo nghề, không ít lần, trong bữa cơm gia đình ngày cuối năm, ông Thiện đã phải bỏ dở khi nhận được lệnh làm nhiệm vụ. Chuyện đón giao thừa, ăn Tết cùng mấy anh em đồng nghiệp, đội ngũ y, bác sĩ và người nhà bệnh nhân trên xe cứu thương đối với ông không phải là ít.
Ai cũng sợ chuông điện thoại đổ vang, tiếng còi hụ cất lên. “Đời tài xế như chúng tôi mong có nhiều ngày thất nghiệp, rảnh rỗi, vì như thế sẽ không có nhiều ca khó chữa, những trường hợp nguy kịch. Đặc biệt, được như vậy chúng tôi sẽ không phải nghe thấy tiếng gào la, những giọt nước mắt, khuôn mặt đau thương, lo lắng của gia đình bệnh nhân” - tài xế Trung nói với chúng tôi.
Có nhiều ám ảnh, nỗi niềm của người tài xế xe cứu thương. Có bác tài, lần đầu nghe tiếng còi hụ đã căng thẳng. Có người cảm thấy áy náy vì nhiều bệnh nhân không qua khỏi khi đang ở trên xe do mình điều khiển.
Tan ca, họ lại về với cuộc sống đời thường tất bật với những toan tính mưu sinh... Để rồi, họ lại gặp nhau ở ca trực, những lần chuyển viện với bao kỷ niệm, cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Họ vui khi một sinh linh cất tiếng chào đời, cấp cứu kịp thời một bệnh nhân thập tử nhất sinh. Và họ buồn vì sự ra đi của một người xấu số...
T.Hải - T.Minh