Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề phá dỡ bê tông, nhà cũ

09:10, 31/10/2012

Xã hội phát triển, nhu cầu mở mang, cơi nới, thay đổi kiến trúc nhà ở, trường học, bệnh viện, phố sá… ngày một phổ biến nên đã hình thành nghề phá dỡ bê tông, nhà cũ. Nghề này cũng giống như công việc “mua đi, bán lại” những thứ mà người khác cần.

Xã hội phát triển, nhu cầu mở mang, cơi nới, thay đổi kiến trúc nhà ở, trường học, bệnh viện, phố sá… ngày một phổ biến nên đã hình thành nghề phá dỡ bê tông, nhà cũ. Nghề này cũng giống như công việc “mua đi, bán lại” những thứ mà người khác cần.

Lâu nay, nghề mua bán nhà cũ được dân trong nghề so sánh với nghề thu mua sắt phế liệu. Người mua phải quan sát kỹ, ước chừng độ cứng của ngôi nhà để đoán lượng sắt thép bên trong nhiều hay ít, chất lượng còn tốt hay không rồi mới ra giá với chủ nhà. Khi đã thỏa thuận xong, bên mua phải nhanh chóng tháo dỡ sớm để giao mặt bằng kịp thời gian cho chủ nhà (chủ đầu tư) thực hiện công trình. Hiện nay, người dân có nhu cầu xây nhà mới khang trang, hiện đại ngày một nhiều, nên những chủ thầu chuyên đi “săn” nhà (công trình) cũ có cơ hội làm ăn.

* “Săn” nhà cũ

Cường “Gồ” (ngụ ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), một người chuyên đi nhận thầu khoan cắt bê tông và tháo dỡ nhà cũ ở TP.Biên Hòa, cho biết, những chuyến đi “săn” công trình cũ bao giờ cũng tốn thời gian. Các ngôi nhà sẽ được chủ thầu xem xét, đo đếm kỹ lưỡng lượng sắt, gạch, ngói… Thậm chí, lượng sắt nằm trong tường, hoặc trong các trụ bê tông cũng được tính toán chính xác đến khó tin. “Muốn làm ăn lớn phải đầu tư máy móc, nhân lực. Thông thường, người chủ thầu sẽ trực tiếp đi mua, nhưng nếu công trình không lớn, tôi có thể cử người đi thay. Tất cả đều là những người lâu năm trong nghề, nên việc định giá một công trình với chúng tôi không mấy khó khăn” - Cường “Gồ” tiết lộ lý do vì sao đội của mình luôn trúng mánh.

“Treo” mình trên cao với công việc nguy hiểm.
“Treo” mình trên cao với công việc nguy hiểm.

Hiện tại, anh đang có một công trình trên đường Lý Văn Sâm (phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa). Chừng vài ngày nữa, anh lại đưa quân đi nơi khác. “Ở đâu có nhu cầu là mình có mặt ở đó, nhưng chủ yếu làm gần TP.Biên Hòa. Đôi lúc, mình còn đi Bình Dương, Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh)… Sắt thép mình bán phế liệu, những phần còn lại bán cho mấy công trình làm nền móng, cái gì có thể tái sử dụng đều được tận dụng tối đa. Mỗi căn nhà mình mua từ 10-20 triệu đồng, sau khi trừ hết công thợ, thuê máy móc, mình cũng có một khoản khá” - anh Cường kể.

Không cần trình độ hay bằng cấp, chỉ cần có trang thiết bị, máy móc và đội ngũ nhân công dồi dào, “thiện chiến”, các chủ thầu có thể kiếm được những công trình lớn. Để mua những ngôi nhà cũ với giá “hời”, chủ thầu luôn phải cẩn thận khảo sát và định giá “nguồn hàng” trước khi đưa ra mức thu mua cuối cùng. Vừa được một chủ nhà đồng ý bán lại căn nhà cũ cấp 4, anh Tuấn (43 tuổi, ngụ ở xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cấp tốc gọi điện thoại kêu “đội quân” phá dỡ bê tông của mình chuẩn bị đi giải phóng mặt bằng. “Bây giờ, nhiều khu vực giải tỏa, đập cũ xây mới cũng nhiều nên công việc khoan cắt bê tông trở thành nghề hái ra tiền. Lời lãi, thua lỗ đều do “con mắt” tinh tường của mình quyết định” - anh Tuấn cho biết.

* Bán sức lao động

Đồng hành cùng với những chủ thầu còn có “đội quân” làm thuê. Hễ ở đâu có nhà cũ, có chủ thầu mua bán nhà cũ, phá dỡ bê tông là ở đó có những người lao động làm thuê. Bán sức lao động của mình, ai cũng sẵn sàng mạo hiểm để kiếm tiền mưu sinh.

Dưới cái nắng chói chang, gần chục lao động đang đào bới, đục, gõ những tấm bê tông vừa được chiếc máy ủi đổ sập xuống. Tiếng búa tạ, máy đục va vào những tấm đan vang lên chan chát, lửa bắn tung tóe, mồ hôi ai nấy đều túa ra như tắm. Qua tìm hiểu của chúng tôi, nghề này chỉ phù hợp với thanh niên trong độ tuổi 20-35, đòi hỏi người làm phải có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ. Họ chẳng qua trường lớp nào đào tạo, chỉ có nghề dạy nghề, người đi trước có chút kinh nghiệm rồi truyền lại cho người đi sau. Nhìn tưởng dễ, nhưng để tồn tại lâu dài thì phải học hỏi nhiều lắm. Người làm phải biết cách quan sát khối bê tông để biết nên đập phần nào trước cho an toàn, đỡ tốn sức.

Một công trình đang trong giai đoạn phá dỡ.
Một công trình đang trong giai đoạn phá dỡ.

Có thâm niên gần 10 năm trong nghề, anh Dương Văn Mậu (25 tuổi) tâm sự: “Tiền công mỗi ngày gần 200 ngàn đồng và mỗi công trình tháo dỡ cỡ 5 ngày. Gặp vụ trúng khá, chủ thầu thưởng thêm cho anh em chút đỉnh. Bây giờ, có máy móc hiện đại đỡ dữ lắm, hồi trước chỉ làm bằng sức người. Mới vào nghề không quen dễ bỏ cuộc lắm, đêm về nằm người đau ê ẩm”.

Buộc chặt tấm áo ngang bụng, lấy vội chiếc khăn tay đã thấm nước, anh Vui (38 tuổi, ngụ ở xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) vung đôi tay lực lưỡng lên cao rồi nhún người bổ chiếc búa tạ xuống tấm đan rộng gần 4m2. Sau đó, anh bổ tiếp 5 nhát nữa, khiến bụi bay mù mịt, bê tông vỡ vụn văng tung tóe. “Xác định làm nghề này là chấp nhận bán sức lao động, bán mồ hôi, nước mắt rồi đó” - anh Vui buông lời ngắn gọn.

Nghề phá dỡ bê tông, nhà cũ vốn nhọc nhằn, vất vả và nhiều rủi ro, tai nạn trong lao động. Đưa đôi bàn tay không còn nguyên vẹn lên cho chúng tôi xem, anh Nguyễn Văn Thọ (33 tuổi, ở trọ tại KP2, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) than thở: “Mình bị tai nạn 3 năm rồi. Lần đó, không may bị tấm xi măng cũ đè lên làm giập 3 ngón, buộc phải phế 2. Những người làm nghề này, việc bắp chân, cánh tay, thậm chí mặt mũi trầy xước, chảy máu do mảnh vụn đâm vào là bình thường”.

Ngoài sự cực nhọc, việc hít bụi từ các vật liệu vừa phá dỡ là một mối nguy hiểm mà họ phải chịu. Không một ai có thể trang bị những phương tiện bảo vệ, như: mắt kính, mũ lưỡi trai để phòng bụi, mảnh vật liệu hay bu-lông, đinh vít rơi vào mắt, vào đầu… trong quá trình làm việc. Không có ngày giờ cố định, không có bất cứ một chế độ hỗ trợ gì, nên ai cũng cố gắng bảo nhau làm ăn cẩn thận. Vì thế, mỗi lúc nhận tháo dỡ một công trình nào đó, bản thân người chủ thầu luôn phải suy nghĩ làm thế nào để hoàn thành công việc một cách an toàn nhất. Mười mấy năm gắn bó với nghề này, chú Bảy (51 tuổi, ngụ ở xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) luôn cố gắng động viên anh em cẩn thận trong lao động để: “Trước hết là tự bảo vệ mình, đồng thời không làm ảnh hưởng đến chủ thầu và chủ nhà”.

Quần quật làm việc từ ngày này sang ngày khác, máy móc cũng có lúc hỏng, vậy mà trừ những lúc xảy ra tai nạn, những người làm công việc phá dỡ bê tông công trình, nhà cũ chẳng mấy khi đau ốm. Tuy nhiên, ai cũng biết, ngoài sức khỏe tốt, sự cẩn thận và nghiêm túc trong quá trình làm việc thì mới có thể tồn tại lâu dài với nghề.

Thanh Hải

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Hiểu rõ gen z là gì