Thời gian qua, Đồng Nai đã tích cực triển khai nhiều chương trình dự phòng, can thiệp, chăm sóc và điều trị nhằm giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS. Tuy nhiên, hoạt động này còn thiếu nhạy bén, khi chưa tiếp cận được nhiều chương trình hỗ trợ dự phòng hay, những sáng kiến điều trị mới mà một “điểm nóng” về HIV/AIDS như Đồng Nai phải được hưởng.
Thời gian qua, Đồng Nai đã tích cực triển khai nhiều chương trình dự phòng, can thiệp, chăm sóc và điều trị nhằm giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS. Tuy nhiên, hoạt động này còn thiếu nhạy bén, khi chưa tiếp cận được nhiều chương trình hỗ trợ dự phòng hay, những sáng kiến điều trị mới mà một “điểm nóng” về HIV/AIDS như Đồng Nai phải được hưởng.
Theo đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Đồng Nai hiện đứng thứ 6 trong cả nước về số người nhiễm HIV. Thời gian qua, Đồng Nai đã chủ động hơn, tích cực hơn trong công tác phòng chống HIV/AIDS, nhưng vẫn là địa phương đi sau trong nhiều hoạt động…
* Đã đến gần dân hơn
Với người nhiễm HIV, được sử dụng miễn phí nguồn thuốc ARV (điều trị kháng HIV) để cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng sống là hết sức quan trọng. Nhưng đến năm 2010, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS của Đồng Nai mới được thụ hưởng chương trình sử dụng miễn phí nguồn thuốc này, trong khi các địa phương khác, nguồn thuốc đã được cấp về từ những năm 2007-2008. Khi đó, nhiều người nhiễm bệnh của Đồng Nai phải lặn lội đến TP.Hồ Chí Minh, sang Bình Dương để được hưởng nguồn thuốc điều trị ARV. Đến nay, dù chương trình đã triển khai được gần 3 năm, nhưng theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Giám sát thuộc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thì: “Toàn tỉnh mới chỉ có 5 phòng cấp thuốc, trong đó 2 phòng ở tuyến tỉnh, 3 phòng ở tuyến huyện. Và đến nay, mới có khoảng 1/6 số người nhiễm được điều trị ARV tại địa phương”.
Lấy máu xét nghiệm HIV cho một người có hành vi nguy cơ. |
Một số chương trình, như: chương trình tiếp cận với các đối tượng tiêm chích ma túy để cấp phát bơm kim tiêm sạch và thu hồi bơm kim tiêm bẩn; chương trình cấp phát bao cao su cho các đối tượng sử dụng ma túy, người làm nghề mại dâm, quan hệ đồng giới nam (MSM)… tuy đã thực hiện tại các huyện và mang lại hiệu quả bước đầu, nhưng vẫn chưa thể đến được với tất cả đối tượng.
Riêng chương trình phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con thực hiện khá hiệu quả. Chương trình được triển khai thí điểm tại khoa sản của các bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tuyến tỉnh. Đến nay, chương trình đã được triển khai mở rộng xuống tận trạm y tế xã. Tỷ lệ bà mẹ mang thai khám thai tại các cơ sở y tế công lập được tư vấn và tự nguyện xét nghiệm HIV đạt đến 80%. Nhờ đó, số ca bà mẹ mang thai dương tính với HIV được phát hiện nhiều hơn, được quản lý và hỗ trợ, được điều trị dự phòng trước, trong và sau sinh; những trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và hỗ trợ sữa.
* Vuột mất chương trình vì "chậm chân"
Đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, trong các nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao, người sử dụng ma túy lây nhiễm HIV chiếm tỷ lệ đến 40%. Tại Đồng Nai, tỷ lệ lây nhiễm ở đối tượng này khoảng 20%, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm đối tượng nguy cơ cao, là: gái bán dâm, quan hệ đồng tính, phụ nữ mang thai…
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, tính đến tháng 6-2012, trên địa bàn tỉnh có hơn 900 đối tượng sử dụng ma túy được quản lý tại Trung tâm Giáo dục lao động - xã hội tỉnh. Nhiều năm nay, vấn đề cai nghiện cho người sử dụng ma túy để kéo giảm tình trạng tội phạm do đối tượng sử dụng ma túy gây ra và hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV… đã có nhiều biện pháp, kể cả cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, cai nghiện bắt buộc trong trại giam. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nghiện vẫn trên 90%.[links(right)]
Trong các biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm đối tượng sử dụng ma túy, có phương pháp dùng thuốc Methadone điều trị thay thế các chất gây nghiện (sau một thời gian điều trị bằng thuốc Methadone, người sử dụng heroin có thể giảm liều và tiến tới ngừng sử dụng hoàn toàn). Chương trình cai nghiện bằng Methadone đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2008. Đến nay, chương trình được triển khai tại 11 tỉnh, thành trong cả nước với khoảng 7.500 người tham gia.
Theo đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tại những địa phương đã triển khai chương trình Methadone, tỷ lệ người nghiện ma túy tử vong do sử dụng quá liều giảm 80%, tội phạm liên quan giảm 85%, lây nhiễm HIV giảm 40% và gần 90% người nghiện ma túy điều trị bằng Methadone đã thoát nghiện.
Anh Trần Văn N. (ngụ ở phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa), một người nghiện đang điều trị bằng Methadone tại một cơ sở điều trị ở TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Trước đây, mỗi ngày tôi tốn vài trăm ngàn đồng cho ma túy. Tôi đã nhiều lần cai nghiện, thử nhiều cách cai nhưng vẫn thất bại. Qua một người bạn, tôi đến cơ sở này điều trị bằng Methadone. Đã 9 tháng nay, tôi gần như mất hẳn cảm giác thèm ma túy, sức khỏe tốt lên. Tôi mong muốn chương trình này về được Đồng Nai để nhiều người được cai nghiện theo phương pháp này”.
Cách đây khoảng 2 năm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã từng đề xuất đưa chương trình can thiệp này về Đồng Nai, nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Bà Võ Thị Kim Loan, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết: “Muốn triển khai chương trình, phải có văn bản cam kết của UBND tỉnh. Khi nhận được đề xuất từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm đã lập đề án trình Sở Y tế và Sở cũng đã trình UBND tỉnh. Nhưng đến nay, đề án đi đến đâu thì chúng tôi không được biết. Đây là chương trình mang lại nhiều lợi ích, trong đó phòng, chống lây nhiễm HIV ở nhóm đối tượng tiêm chích ma túy khá hiệu quả. Triển khai chậm đã là một thiệt thòi, vuột mất chương trình thì quá uổng phí”.
Nằm trong chương trình can thiệp, giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS, Bộ Y tế đang triển khai sáng kiến điều trị 2.0. PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết: “Đây là một sáng kiến điều trị mới với nhiều ưu điểm. Theo đó, người nhiễm HIV, người đồng nhiễm HIV - lao sẽ được điều trị theo công thức: “3 trong 1”, với những loại thuốc chỉ cần uống một lần trong ngày, giúp giảm nhiều lần số virus HIV trong máu người nhiễm, giảm dần khả năng lây nhiễm cho người khác, giảm khả năng bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, làm tăng chất lượng sống cho bệnh nhân AIDS, giảm tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất. Sáng kiến này cũng khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ quản lý và điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, vì chương trình này có thể lồng ghép vào chương trình khám, chữa bệnh chung với sự phân cấp xuống tận hệ thống y tế cơ sở. Hiện nay, một số tỉnh, thành đã được triển khai thí điểm, sang năm 2013 sẽ triển khai tại một số địa phương trong cả nước”.
Đây là một cơ hội cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS, Đồng Nai cần tích cực kết nối, đừng để vuột mất như chương trình điều tra cai nghiện bằng Methadone.
Phương Liễu