Là tỉnh công nghiệp, có lượng dân nhập cư đông, phần lớn là lao động trẻ nên cùng với sự gia tăng tệ nạn xã hội, như: tiêm chích ma túy, mại dâm, xuất hiện nhiều nhóm đồng tính và quan hệ tình dục dễ dãi trong đời sống..., Đồng Nai đang là “điểm nóng” về lây truyền HIV/AIDS, khi đứng thứ 6 trong “top 10” địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất nước.
Là tỉnh công nghiệp, có lượng dân nhập cư đông, phần lớn là lao động trẻ nên cùng với sự gia tăng tệ nạn xã hội, như: tiêm chích ma túy, mại dâm, xuất hiện nhiều nhóm đồng tính và quan hệ tình dục dễ dãi trong đời sống..., Đồng Nai đang là “điểm nóng” về lây truyền HIV/AIDS, khi đứng thứ 6 trong “top 10” địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất nước.
Ông Chu Quốc Ân, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: “Sau 22 năm đương đầu với HIV/AIDS, dù Việt Nam đã cơ bản đạt được “3 giảm” (giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do AIDS), nhưng dịch HIV vẫn tiếp tục lan rộng và chứa đựng nhiều nguy cơ bùng nổ dịch ở một số địa phương”.
* Người nhiễm HIV đang trẻ hóa
Trên địa bàn Đồng Nai, tính đến tháng 6-2012, tổng số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 6.200 người. Số bệnh nhân ở giai đoạn AIDS là 2.380 ca, số đã tử vong do AIDS là 1.460. So với năm 2011, số người nhiễm HIV phát hiện được tăng hơn 300 trường hợp. Người nhiễm HIV đã được phát hiện tại 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, cao nhất là TP.Biên Hòa, tiếp đến là TX.Long Khánh và các huyện: Long Thành, Trảng Bom…
Tư vấn phòng, chống lây nhiễm HIV cho một người nhiễm. |
Điều đáng lo ngại là hiện nay đối tượng nhiễm HIV và tử vong do AIDS đang trẻ hóa. Nếu trước đây, phần lớn người nhiễm HIV ở độ tuổi từ 40-49, thì nay có gần 60% số người nhiễm ở độ tuổi từ 20-29. Theo thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội), trong số hơn 900 đối tượng nghiện ma túy, trên địa bàn hiện có đến hơn 50% đã bị nhiễm HIV; 30% số trẻ sử dụng ma túy trên địa bàn bị nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm với người nhiễm HIV, xăm mình, quan hệ tình dục không an toàn với đối tượng nhiễm HIV…
Theo dự báo của Bộ Y tế, đối tượng nhiễm HIV đang chuyển dịch từ nam sang nữ, khi số phụ nữ bị nhiễm HIV đang có xu hướng tăng lên. Đồng Nai cũng không nằm ngoài dự báo này.
5 năm trước đây, số phụ nữ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh chưa đầy 5%, thì nay đã tăng gấp 4 lần (khoảng 20%). Nguyên nhân phụ nữ lây nhiễm trước đây chủ yếu do chồng tiêm chích ma túy, chồng quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm về lây cho vợ, một số phụ nữ làm nghề bán dâm... Còn hiện nay, nguyên nhân nhiễm HIV ở phụ nữ đa dạng hơn, khi gia tăng đối tượng nữ hành nghề bán dâm, quan hệ tình dục với bạn tình nhiễm HIV, quan hệ đồng tính nữ, sử dụng ma túy...
Đặc biệt là sự lây nhiễm HIV trong gia đình ngày càng rõ nét hơn. Điều này được thể hiện ở số phụ nữ mang thai nhiễm HIV tăng và đã xuất hiện những gia đình có cả cha mẹ lẫn con đều bị nhiễm HIV.
* Kiềm chế nhưng chưa bền vững
Bà Võ Thị Kim Loan, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chia sẻ: “Những năm gần đây, tuy dịch HIV/AIDS ở Đồng Nai đã được kìm chế, nhưng vẫn chưa thật bền vững. Bởi trên thực tế, dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan với xu hướng thay đổi đáng lưu ý, như: gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục; gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ, như: giới trí thức, cán bộ công chức, viên chức, phụ nữ mang thai… Hơn nữa, một bộ phận người dân vẫn chưa thực sự nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS; hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm, quan hệ đồng tính nam (MSM) vẫn còn ở mức cao. Điều đó có nghĩa, so với mức độ gia tăng trước đây đã chậm hơn, nhưng vẫn diễn biến khó lường và luôn tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ nếu thiếu những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt”.
Dịch HIV/AIDS diễn biến phức tạp, nhưng công tác phòng, chống đại dịch này lại gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất mà Đồng Nai phải đối mặt thời gian qua là chưa triển khai được các biện pháp can thiệp, giảm thiểu tác hại ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, mà mới chỉ tập trung tại một số địa bàn dự án. Ngay cả quá trình triển khai các biện pháp can thiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Như chương trình “100% bao cao su”, đến thời điểm này vẫn chưa triển khai được tại tất cả các nhà hàng, khách sạn và các điểm vui chơi giải trí; hay chương trình cấp bơm kim tiêm sạch cũng chỉ mới làm điểm tại 6/11 địa phương của tỉnh và thời gian cung cấp bơm kim tiêm cũng chưa đảm bảo 24/24 giờ mỗi ngày. Nên vẫn để xảy ra tình trạng các đối tượng nghiện chích ma túy dùng chung bơm kim tiêm.
Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua phần lớn đều do sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, như: LIFE-GAP, FHI, Quỹ Toàn cầu và Ngân hàng thế giới… Việc tài trợ chỉ trong một thời gian ngắn, chủ yếu là gầy dựng hoạt động. Khi dự án rút đi thì hoạt động cũng khó “sống” tiếp, do phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, thuốc men và kinh phí cho các hoạt động. Trong khi đó, ngân sách hàng năm cho chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu và thường về quá chậm.
Nhiều thanh niên mới ngoài 20 tuổi đã bị nhiễm HIV. |
Một thách thức khác khiến cho tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn Đồng Nai vẫn tiếp tục là “điểm nóng”, đó là trên địa bàn đang xuất hiện một số nhóm đối tượng có nguy cơ làm lây truyền HIV/AIDS cao, như nhóm đối tượng đồng tính nam. Điều tra của Ban quản lý dự án phòng, chống HIV/AIDS tỉnh năm 2011 cho thấy, số lượng này trên toàn tỉnh có khoảng 5 ngàn người (nam giới ở tuổi từ 15-49). Các nhóm này hoạt động kín đáo, khó phát hiện nên việc can thiệp giảm tác hại ở nhóm đối tượng này không đơn giản.
Mặt khác, Đồng Nai là địa bàn có đông công nhân lao động, việc truyền thông sức khỏe sinh sản, trong đó bao gồm: tình dục an toàn, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục… ở đối tượng lao động trẻ vẫn chưa hiệu quả. Bà Lê Thị Mỹ Lệ, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Với một tỉnh có đông lao động đang làm việc trong và ngoài các khu công nghiệp, trong đó hơn 80% thanh niên trong độ tuổi sinh sản thì việc truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản rất cần thiết. Dù Liên đoàn Lao động tỉnh có những chương trình phối hợp với ngành y tế để đưa các buổi truyền thông có nội dung trên đến đối tượng công nhân lao động hàng năm, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Bởi, ngoài việc các chủ doanh nghiệp không “mặn mà”, thì ngay chính người lao động cũng chưa thực sự quan tâm.
Phương Liễu