Có dịp đi ngang qua quốc lộ 1, đoạn thuộc xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), mọi người đều ấn tượng với những vườn đá cảnh được trưng bày thu hút. Để chơi được đá cảnh, những ông chủ vườn đá phải có bí quyết và niềm đam mê.
Có dịp đi ngang qua quốc lộ 1, đoạn thuộc xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), mọi người đều ấn tượng với những vườn đá cảnh được trưng bày thu hút. Để chơi được đá cảnh, những ông chủ vườn đá phải có bí quyết và niềm đam mê.
Đã 12 năm "ăn ngủ" với đá, nay ông Nguyễn Quang Lữ (56 tuổi) đã là một trong những chủ vườn đá cảnh sinh thái lớn tại huyện Xuân Lộc. Đặt ly trà còn phảng phất hương thơm xuống bàn, ông Lữ kể về lý do khiến ông gắn đời mình với những hòn đá “biết nói” này.
* Đời người, đời đá
Ông Nguyễn Quang Lữ từng đảm trách nhiều chức vụ trong cơ quan nhà nước. Sau này, trải qua nhiều biến cố, ông đưa vợ con từ Quảng Nam vào đất Đồng Nai lập nghiệp. Bây giờ, ở ấp 4, xã Xuân Tâm, ai cũng gọi ông là ông Lữ “đá cảnh”.
Bằng sự khéo léo, các nghệ nhân đã thổi hồn vào đá. |
So với những vườn đá cảnh tại huyện, vườn ông Lữ không chỉ lâu năm, mà còn phong phú các loại đá và số lượng cũng hơn hẳn. Khắp khu vườn nhà ông, từ trước ngõ cho tới tận cuối vườn, hòn lớn, hòn nhỏ, đủ mọi thế, kiểu, đâu đâu cũng thấy đá. “Tuần nào cũng đi lượm. Hết gần thì lại đi xa. Nghe tiếng chỗ nào có đá đẹp mình lại tìm tới” - ông nói như để giải thích cho những đống đá chất đầy vườn.
Theo lời ông Lữ, đất Xuân Lộc trước kia nổi tiếng với nhiều loại đá đẹp, có màu sắc, kiểu dáng và hình thù riêng. Vậy nên, chuyện người dân ở đây có phong trào chơi đá cảnh nhiều cũng không lạ gì. Riêng trong nhà ông đã có tới hơn 10 loại đá, từ đá xanh xám cổ đến mã não, đá đen, đá granite... Riêng đá xanh xám cổ, ông cho hay, chỉ có ở Xuân Tâm mà thôi.
Bao nhiêu năm lăn lộn, ăn ngủ với đá, ông Lữ rút lại bằng câu nói gọn: “Chơi đá cảnh không mê thì không bền”. Lý giải cho câu nói này, ông kể về quãng thời gian cách đây 15 năm. Lúc đó, vài chục vườn đá cảnh mọc lên ở Xuân Lộc, khách hàng người Hàn Quốc tới đặt hàng nườm nượp. Ai cũng thấy kiếm tiền từ đá dễ quá, cứ ra đường, ra vườn, ra suối nhặt về rồi bán. Thế nhưng, khách cũng chỉ chọn đá đẹp để mua, rồi sau đó họ không mua nữa. Ế khách, đá trở thành thứ vướng ngại cho đất đai, sân vườn, có khi cả năm trời không một khách tới hỏi mua. Nhiều vườn đá cảnh giải nghệ, bán rẻ đá lại cho vườn khác, thậm chí vứt lăn lóc những hòn đá mà trước đó được định giá bằng USD.
Thấy tiếc cho những hòn đá đẹp, ông Lữ lại xin về, số khác lại đi mua, đi nhặt. Người ta nói ông không bình thường, đá đang ế mua về làm chi. Ông mặc kệ, không bán thì ông để đó, rồi lại gia công, mài giũa, chạm khắc cho những hòn đá thêm có hồn, có sắc. Một thời gian sau, người ta thấy thích, tìm đến ông. Cho đến bây giờ, những hòn đá đặt ở các resort nổi tiếng ở Phan Thiết, như: Mai Loan, Đất Lành, Chăm Pa…, đều do bàn tay ông khắc từ những khối đá của Xuân Lộc này.
Ông Lữ cho chúng tôi xem hòn đá mà ông đặt tên Hoa hồng, vì trông nó giống như hoa hồng đang nở bung. Có người trả hơn chục triệu đồng nhưng ông chỉ muốn nó ở lại với mình. Khi chúng tôi nói hòn đá trông giống mặt người hơn, ông cười khà khà, nói rằng: “Nghệ thuật là chỗ đó. Hòn đá này, mỗi người nhìn ra một hình dáng khác nhau. Đá đẹp không phải chỉ là da dày, vân đẹp mà đôi khi, chỉ vài đường nét thôi cũng khiến người ta thích thú rồi”.
Cái nghề này xem ra có vẻ nhàn hạ, làm như chơi, nhưng có ở trong nghề mới thấm thía cái gian truân của những lần đi lấy đá. Ấy vậy nên ông Lữ mới nói rằng: “Nghề nào cũng cần có cái tâm”. Cái tâm theo ông là, phấn đấu, gắn bó và suy tư về nó nhiều đến nỗi trong những hành trình tìm đá, ông như có thể chuyện trò cùng với đá.
* Những hành trình tìm đá
Đá xanh xám cổ chỉ ở Xuân Tâm có nhiều. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường lại phong phú và đa dạng nên những vườn đá cảnh không thể quẩn quanh với vài loại đá địa phương. Và thế là, hành trình tìm đá cứ nối dài miên man như hành trình con người tìm về nơi bắt đầu của đá.
Tánh Linh, Bảo Lộc, Đăk Nông, Phan Thiết hay gần nhất là núi Chứa Chan…, bao nhiêu địa danh nổi tiếng về những ngọn đồi đầy đá đều có bàn chân người chơi đá cảnh tìm đến. Cứ thế, mỗi chuyến đi ít thì 2 ngày, dài thì 7 ngày, có khi nửa tháng mới về nhà kịp thấy mặt vợ con, rồi họ lại đi tiếp.
“Chơi đá còn là cái nghiệp”, câu nói của ông Hào, chủ một vườn đá vẫn khiến chúng tôi day dứt mãi. Ông Hào kể về chuyện những người thợ đào đá cơm đùm cơm nắm theo xe đi đào đá mãi không về khi bị đá đè, người may mắn thì bị gãy chân, giờ chỉ ngồi được xe lăn. Ông kể về những đêm rắn huýt gió ngay cạnh lều, tiếng lợn rừng ủi kiếm măng, tiếng huyền bí của rừng sâu, và trên hết, cái cực khổ thể xác không bằng nỗi mong chờ của người thân ở nhà. “Đá vài chục ký không nói gì. Những hòn đá nặng vài tấn, nếu xe không đến được phải mướn mấy chục người tới nhích từng chút một ra đường. Nhưng cũng lắm khi tiếc hùi hụi vì sức người có hạn” - ông Hào nói.
Xuân Lộc nay ra đường không thấy đá nhiều như ngày xưa nữa. Chính vì vậy, hành trình tìm đá với những người chơi đá cảnh cứ phải xa hơn, lâu hơn và vất vả hơn. Dù cho những phương tiện máy móc, xe cộ đã giúp ích rất nhiều, nhưng phải có con mắt tinh nghề thì “hòn đá mới thành hòn ngọc được”, như lời ông Hào nói.
“Phải tính toán kỹ chứ không là lỗ như chơi”, ông Hào kể từng khoản cho chúng tôi biết. Nào là tiền xe, tiền công, tiền cơm nước cho thợ… Bấy nhiêu đó cũng chiếm hết 2/3 giá trị của hòn đá. Dù vườn ông Hào mỗi tháng có vài ba khách ghé thăm, tiền bán đá cũng vài chục triệu đồng, nhưng nếu đi 2-3 chuyến về, tiền bán đá không đủ bù tiền thợ thầy thì coi như đứt vốn.
Làm sao để biết được đá nào đẹp, nghệ thuật mà đem về? Câu hỏi này, mỗi khi gặp những người trong nghề đá cảnh chúng tôi đều hỏi. Và tất cả họ đều có một câu trả lời giống nhau: “Làm lâu, chơi lâu thì sẽ quen”. Người chơi đá cảnh sành sỏi chỉ cần nhìn da đá đã biết được từng loại, kiểu vân đá. Bằng cách nhìn riêng của mình, họ chỉ cần đẽo bớt một chút, khắc thêm một chữ, gắn thêm chân đế, hoặc đơn giản chỉ là để nguyên vậy mà hòn đá đã trở nên có giá trị.
Nói là vậy, nhưng ngay cả những người chơi đá cảnh sành như ông Lữ, ông Hào vẫn không dám nói rằng, đá mình đẹp người ta mua giá cao. Ấy thế nên mới có chuyện hòn đá nặng 5kg từng được trả với một số tiền nặng gần bằng nửa nó. Ngược lại, có hòn đá nhìn rất khéo mà người ta chỉ sờ tay vào, ngắm nghía một hồi rồi lại tìm hòn khác mua.
Bình trà vừa vơi, có tiếng xe hơi đỗ kịt ngoài cổng. Mười lăm phút sau, ông Hào đi vào và hồ hởi khoe vừa bán được một hòn đá 4 triệu đồng cho một khách từ TP. Hồ Chí Minh đến. Ông nói, dạo này mấy đại gia từ các thành phố hay tới tận nơi chọn đá. Nghe mà mừng cho ông lẫn nghề chơi đá cảnh.
Minh Trung