Để đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, điều các địa phương, ban, ngành cần phải làm là phổ biến những kiến thức pháp luật mà đối tượng cần, chứ không tuyên truyền kiến thức mình có một cách máy móc và cần phải đa dạng hình thức tuyên truyền.
Để đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, điều các địa phương, ban, ngành cần phải làm là phổ biến những kiến thức pháp luật mà đối tượng cần, chứ không tuyên truyền kiến thức mình có một cách máy móc và cần phải đa dạng hình thức tuyên truyền.
Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị. Chính vì vậy, công tác PBGDPL luôn đòi hỏi các cấp, ngành, đơn vị phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là phương thức truyên truyền cần linh hoạt, sáng tạo, đa dạng.
* Đội tuyên truyền 05, 06
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Hoàng, Đội trưởng Đội tuyên truyền 05, 06 thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc) cho biết, tên đầy đủ của đội là “Đội hoạt động xã hội tình nguyện”, với nhiệm vụ tuyên truyền công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn thị trấn. Tuy nhiên, do đặc thù nhiệm vụ, đội được mọi người gọi vui là “Đội tuyên truyền 05, 06”. Đội trưởng Hoàng chia sẻ, trên địa bàn thị trấn hiện vẫn còn các chủ kinh doanh dịch vụ karaoke, quán giải khát, nhà trọ… thiếu lành mạnh. Nơi đây dễ nảy sinh các tệ nạn xã hội, như: mại dâm và ma túy, gây bức xúc trong dư luận địa phương. Chính vì vậy, Đội tuyên truyền 05, 06 được cấp trên chỉ đạo thành lập. Bí thư Đoàn thị trấn làm đội trưởng, đội phó là cán bộ Đoàn thuộc khối công an và quân sự, 3 đội viên còn lại gồm: cán bộ phụ nữ, cán bộ Đoàn ở các khu phố.
Sân khấu hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của “Đội truyên truyền 05, 06” thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc). |
Qua gần 4 năm hoạt động, đội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền về tác hại của ma túy và mại dâm được trên 100 lượt, với hơn 5 ngàn lượt người tham dự. Các thành viên trong đội cũng đã xuống địa bàn tiếp cận trực tiếp các đối tượng ma túy, mại dâm hoặc có biểu hiện nghi vấn “dính” ma túy, mại dâm nhằm tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục họ tránh xa tệ nạn; đồng thời tiếp cận với gia đình, các hội, đoàn thể nơi đối tượng cư trú để tuyên tuyền, giúp đỡ đối tượng tự cai nghiện, làm lại cuộc đời qua hình thức giáo dục tại cộng đồng, vay vốn, tạo việc làm…
Đội phó Vi Hữu Đoàn cho biết, trên địa bàn thị trấn hiện có trên 113 điểm kinh doanh dịch vụ, như: karaoke, nhà trọ, quán giải khát… Trong đó, có trên 50 điểm không đăng ký kinh doanh, với trên 60 tiếp viên, người phục vụ không được ký hợp đồng lao động và 19 đối tượng liên quan đến mại dâm và ma túy. Đội phó Đoàn nói: “Ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục đối tượng nghiện ma túy, môi giới mại dâm và hoạt động mại dâm, Đội tuyên truyền 05, 06 còn thường xuyên ra quân tuyên truyền, vận động nhân dân, hộ kinh doanh không tổ chức trồng cần sa và buôn bán chất gây nghiện. Để được đối tượng hợp tác, chúng tôi luôn phân định rành mạch nhiệm vụ của đội là tiếp cận đối tượng để tuyên truyền và giúp đỡ họ sớm trở thành người tốt, chứ không phải tiếp cận để khống chế như công việc của cơ quan công an và các ngành chức năng”.
Từ ngày được thành lập đến nay, Đội tuyên truyền 05, 06 luôn được cấp ủy Đảng và chính quyền thị trấn Gia Ray đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình làm nhiệm vụ, các thành viên trong đội cũng gặp phải những rào cản, như: đối tượng né tránh khi tiếp xúc (vì họ chưa hiểu hết nhiệm vụ, chức năng của đội); chưa được các cơ quan có trách nhiệm phối hợp tốt trong công tác giúp đỡ đối tượng hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm, học nghề sau cai nghiện, phụ nữ hoàn lương; các thành viên của đội chỉ được tập huấn kỹ năng tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội 2 năm/lần; kinh phí hỗ trợ cho các thành viên trong đội hoạt động hiện rất hạn chế…
* Đa dạng nhưng cần hiệu quả
Ông Nguyễn Công Ngôn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, thành viên Hội đồng PBGDPL của tỉnh cho biết, để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, khởi đầu từ đơn vị ấp, hiện tại đã có các mô hình: tổ hòa giải cơ sở, câu lạc bộ (CLB), nhóm tuyên truyền, ban vận động. Cấp xã, huyện thì có CLB, trung tâm trợ giúp, bộ phận tiếp dân, ban hòa giải, các ban chỉ đạo. Cấp tỉnh thì rộng và đa dạng hơn. Đồng thời, trong đơn vị hành chính, như: ấp, xã, huyện, tỉnh có các mô hình, hình thức PBGDPL của các hội, đoàn thể, MTTQ, ngành, đơn vị.
Do đó, thông qua các đơn vị đoàn thể, tổ chức, ban, ngành…, người dân đã được tuyên truyền, tiếp cận với các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi người dân biết khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo, có nghĩa là họ hiểu biết pháp luật nên mới tìm đến cơ quan chức năng đòi quyền lợi; hoặc do tuyên truyền không đến nơi, đến chốn nên người dân không nhận thức đầy đủ pháp luật dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại.
Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hóa An (TP.Biên Hòa) thì liệt kê những hình thức, mô hình PBGDPL tại xã để người dân lựa chọn tư vấn, kiến nghị. Ông Ngọc bày tỏ, khi người dân có nhu cầu tìm hiểu, khiếu nại về lĩnh vực đất đai thì họ có thể đến gặp cán bộ địa chính, trưởng ấp, bộ phận tiếp dân, văn phòng một cửa, ban hòa giải ấp, CLB trợ giúp pháp lý, tổ chức hội, đoàn thể để được tư vấn. Nếu người dân vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu thì có thể kiến nghị với lãnh đạo xã hoặc lên cấp trên.
Qua trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, nhiều cán bộ ở cơ sở cho rằng, việc có quá nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật trong một đơn vị, ngành, tổ chức và nhiều đơn vị phối hợp nên dẫn đến trùng lắp nhiệm vụ, hình thức và nhân sự. |
Qua tìm hiểu thực tế về công tác PBGDPL tại nhiều địa phương, chúng tôi được biết, tại đơn vị hành chính cấp xã, lãnh đạo cấp xã kiêm nhiệm nhiều chức danh khác nhau trong các ban, hội đồng, như: Hội đồng nghĩa vụ quân sự, Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo, Hội đồng phổ cập giáo dục…(trong đó có Hội đồng PBGDPL). Riêng lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, xã hội thì giữ vai trò thành viên khi tham gia các hội đồng, ban này. Cho nên, trong chuyên môn họ có vai trò hẹp (thực hiện chức năng, nhiệm vụ được địa phương giao quản lý, phụ trách). Nhưng khi được cơ cấu vào các ban, hội đồng thì vai trò xử lý công việc của họ rất rộng (tham mưu, đề xuất cho hội đồng, ban chỉ đạo các bộ phận thực hiện nhiệm vụ), đó là điều chưa hợp lý theo kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Vấn đề đặt ra là, với nhiều mô hình, hình thức PBGDPL và cách thức cơ cấu nhân sự như hiện nay liệu đã làm tốt việc xã hội hóa công tác PBGDPL; hoặc không chú trọng xã hội hóa về mặt nội dung PBGDPL, mà chỉ xã hội hóa về tên gọi. Vì thế, hiện ở các cấp, đơn vị, tổ chức, tuy thành lập rất nhiều mô hình với nhiều tên khác nhau nhưng hoạt động lại giống nhau và còn chồng chéo. Do đó, cần gom lại một mối để hoạt động chuyên sâu hơn, thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ, phương châm hoạt động độc lập, như: đã có bộ phận tiếp dân của địa phương thì không cần thiết phải có CLB trợ giúp pháp lý; hoặc đã có ban hòa giải thì không cần có thêm hình thức khác có nhiệm vụ tương tự…
Đoàn Phú