Để khắc phục tình trạng “thừa mô hình, hình thức, tổ chức hoạt động, nhưng yếu về chuyên môn, thiếu kinh phí và trùng lắp trong hoạt động”, nhiều ý kiến đề xuất công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ngoài tuyên truyền theo diện rộng, cần chú trọng đến chiều sâu. Hình thức tuyên truyền cần dễ hiểu, dễ vận dụng, trong đó chú trọng đến mục tiêu giáo dục người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Để khắc phục tình trạng “thừa mô hình, hình thức, tổ chức hoạt động, nhưng yếu về chuyên môn, thiếu kinh phí và trùng lắp trong hoạt động”, nhiều ý kiến đề xuất công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ngoài tuyên truyền theo diện rộng, cần chú trọng đến chiều sâu. Hình thức tuyên truyền cần dễ hiểu, dễ vận dụng, trong đó chú trọng đến mục tiêu giáo dục người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
* Nhìn thẳng vấn đề
Bí thư Tỉnh đoàn Bùi Xuân Thống nhìn nhận: “Công tác PBGDPL mặc dù đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay là do công tác tuyên truyền còn khô khan, việc ứng dụng các phương tiện hiện đại nhằm giáo dục trực quan còn rất hạn chế”.
Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, tàn tật tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh. |
Bà Lê Ngọc Sương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, cho biết thêm: “Tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã xây dựng khá nhiều mô hình, hình thức tập hợp hội viên để tuyên truyền pháp luật. Đó là thế mạnh của Hội, nhưng Hội cũng nhìn thấy nội dung mà các cấp Hội triển khai công tác PBGDPL chủ yếu xoay quanh giới thiệu về Luật Hôn - nhân gia đình; Luật Phòng, chống bạo hành…”.
Mặc dù công tác PBGDPL luôn được các cấp, ngành, đơn vị triển khai và phối hợp với nhiều hình thức đa dạng, nhưng công tác điều tra, khảo sát, đánh giá về hiệu quả “đưa pháp luật vào cuộc sống” phần lớn chỉ dừng lại ở kết quả đánh giá qua số liệu từ các đơn vị. Do đó, theo ông Nguyễn Công Ngôn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: “Nên nhìn 2 mặt của công tác PBGDPL, đó là ý chí chủ quan của cơ quan tuyên truyền và nhu cầu hiểu biết pháp luật của người nghe. Khi cả hai không đồng thuận thì không hiệu quả và ngược lại”.[links(right)]
Ông Cao Xuân Đáng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Thống Nhất đề nghị: “Cần tăng cường công tác PBGDPL qua các mô hình câu lạc bộ hòa giải, tổ hòa giải, bộ phận tiếp dân và giải quyết đơn thư… vì đây là đơn vị có cán bộ phụ trách am hiểu tương đối về pháp luật và các lĩnh vực. Đồng thời, đối tượng đến tìm hiểu pháp luật 100% là người có nhu cầu cần tìm hiểu, cách giải quyết của các đơn vị này là trực tiếp tư vấn, hướng dẫn (tuyên truyền cá biệt) nên hiệu quả cao, nhất là người nói (cán bộ tư vấn) khi nói luôn có người nghe (đối tượng tư vấn). Do đó, cần tập trung nhân rộng mô hình này”.
Nhiều năm phụ trách công tác tư pháp, tham gia Hội đồng PBGDPL xã La Ngà (huyện Định Quán), ông Cao Văn Toan, Trưởng ban Tư pháp xã, nêu ý kiến: “Để xã hội hóa công tác PBGDPL, tùy theo nội dung mà các đoàn thể lồng ghép tuyên truyền; công tác tuyên truyền không nên tổ chức quá rộng, dẫn đến bị “loãng”, thiếu tập trung, tràn lan. Việc giáo dục pháp luật qua các phiên tòa xét xử lưu động cũng cần được tăng cường hơn nữa”.
Với đặc thù địa phương đồng bào có đạo chiếm trên 90%, dân cư chủ yếu sản xuất nông nghiệp…, ông Trương Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) cho biết, việc tập trung dân để triển khai công tác PBGDPL tại địa phương đã gặp những trở ngại, như: trình độ dân trí còn hạn chế, đặc thù tôn giáo khác nhau, người dân ít có điều kiện tham gia công tác xã hội, địa phương. Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ từ sự phối kết hợp giữa các thành viên trong hội đồng chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành của một bộ phận nhân dân và cán bộ chưa tốt; hình thức tuyên truyền chưa thật phong phú, hấp dẫn; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác PBGDPL còn hạn chế…
* Nâng cao nhận thức pháp luật trong dân
Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh (thành viên Hội đồng phối hợp tuyên truyền PBGDPL tỉnh) nêu ý kiến, mỗi ban, ngành, địa phương cần cụ thể hóa chương trình, nội dung PBGDPL cho từng đối tượng. Muốn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tự giác thực thi pháp luật của người dân, cán bộ, đảng viên, hội viên thì địa phương phải tuyên truyền, phổ biến những kiến thức pháp luật mà đối tượng cần, chứ không tuyên truyền kiến thức mình có một cách máy móc. Luật gia Đức nói: “Chung quy lại là phải đánh giá cho được hình thức PBGDPL nào hiệu quả cao nhất, dễ tiếp cận, phát huy được ưu điểm trong mục đích giáo dục người dân thượng tôn pháp luật, sống làm việc theo hiến pháp, pháp luật”.
Cán bộ cơ sở tuyên truyền chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. |
Ông Nguyễn Công Ngôn thì nêu quan điểm, trong rất nhiều văn bản pháp luật đã được pháp điển hóa và các bộ luật được ban hành, chúng ta phải nhìn thấy vấn đề gì thiết thực nhất cần phải đem ra tuyên truyền, phổ biến cho dân nắm bắt, thực thi. Đồng thời, qua giải quyết công việc hàng ngày của mình với người dân, các địa phương cần phải tổng kết được vấn đề gì cần phổ biến, đưa về cho dân tự tìm hiểu và vấn đề gì cần cán bộ am hiểu luật tư vấn cặn kẽ, chuyên sâu. Ông Ngôn đề xuất, địa phương cũng cần nắm bắt dư luận để định hướng tuyên truyền, giúp dân hiểu đúng chủ trương, pháp luật, sự việc một cách chính thống, đúng sự thật khách quan, không để kẻ xấu lợi dụng phao tin gây hoang mang dư luận, gây khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo của địa phương.
Trong khi đó, ông Phan Văn Châu, Phó giám đốc Sở Tư pháp (đơn vị thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh) đánh giá, các cấp ủy Đảng, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương…, ngoài nhiệm vụ chuyên môn cũng luôn quan tâm, chú trọng đến công tác PBGDPL, nhất là luôn biết dành nguồn kinh phí hợp lý để triển khai công tác này. Trên cơ sở đó, các đơn vị có nhiều mô hình, hình thức trong việc PBGDPL đến cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy vậy, các đơn vị cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác PBGDPL ngay từ đầu năm, xem đó là công tác riêng và có sơ kết, tổng kết, chứ không nên xem đó chỉ là hoạt động lồng ghép với nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời, các nội dung, hình thức, phương pháp PBGDPL cần phù hợp với từng đối tượng, nhiệm vụ chính trị. Có như vậy, các chủ trương, chính sách và pháp luật của Trung ương, địa phương mới đi vào cuộc sống, đến với mọi tầng lớp nhân dân...
Đoàn Phú