Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữa trùng khơi, lính biển canh trời

09:11, 07/11/2012

Họ không phải là lính Phòng không - không quân, nhưng nơi họ ở là những “pháo đài” giữa đại dương bao la. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, mùa biển lặng cũng như mùa dông bão, ngoài việc gồng mình chống chọi với khắc nghiệt của thời tiết, các “pháo đài” luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng trời, biển yên bình. Đó là các nhà giàn DK1 Vùng 2 Hải quân trên vùng biển thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Họ không phải là lính Phòng không - không quân, nhưng nơi họ ở là những “pháo đài” giữa đại dương bao la. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, mùa biển lặng cũng như mùa dông bão, ngoài việc gồng mình chống chọi với khắc nghiệt của thời tiết, các “pháo đài” luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng trời, biển yên bình. Đó là các nhà giàn DK1 Vùng 2 Hải quân trên vùng biển thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

* Pháo đài thép giữa ngàn khơi

Tàu HQ 936 của Vùng 4 Hải quân qua hơn 2 ngày đêm lênh đênh trên biển đưa chúng tôi đến các nhà giàn đóng quân giữa trùng khơi. Những “pháo đài” thép sừng sững hiên ngang giữa ngàn trùng sóng gió dần hiện rõ khi tàu rút dần khoảng cách. Lá cờ Tổ quốc bay phần phật trên sân thượng. Chúng tôi thấy rõ những cánh tay vẫy vẫy chào đón. Có ai đó cởi áo quay vòng tròn trên đầu báo hiệu “chúng tôi đã nhìn thấy tàu rồi” và đồng thanh hô to: “chào đất liền” ,“ chào đất liền”…

Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời Tổ quốc giữa trùng khơi.
Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời Tổ quốc giữa trùng khơi.

Tàu HQ 936 kéo 3 hồi còi rồi thả neo xuống biển. Điểm chúng tôi đến đầu tiên là Ba Kè C, nhà giàn xa nhất so với đất liền, đóng trên bãi san hô ngầm trong vòng xoáy của dòng thủy triều, đây cũng là nhà giàn thường xuyên hứng chịu bão tố và lốc xoáy khi mùa mưa bão đến. Cơn dông cuối chiều làm cho bầu trời từ trong xanh bỗng trở nên đen kịt. Sóng gió bắt đầu mạnh dần, giọng thuyền trưởng vang lên từ ca-bin: “Toàn tàu hạ xuồng, toàn tàu hạ xuồng”. Chúng tôi lên nhà giàn trong điều kiện sóng gió ấy.

Sau những cái bắt tay thân tình siết chặt, những lời thăm hỏi động viên, chúng tôi đem quà của đất liền gửi tặng cho các chiến sĩ. Ai cũng mừng rỡ vui cười và xúc động. Một không khí thân tình giữa người ở đất liền với người ở biển xa chộn rộn, xao xuyến. Dẫn chúng tôi đi thăm “pháo đài” của nhà giàn là Chỉ huy trưởng, Thiếu tá Lê Xuân Nam. Thiếu tá Nam cho biết: “Pháo đài của chúng tôi đặt nơi cao nhất. Từ đây có thể quan sát được 4 phương, 8 hướng. Tất cả các mục tiêu lạ được đăng ký cẩn thận, xử lý báo cáo kịp thời về sở chỉ huy đất liền”.

- Các anh đã có phương án gì để bảo vệ bầu trời ? - chúng tôi hỏi.

- Canh giữ bầu trời trên thềm lục địa của Tổ quốc là nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi trực 24/24 giờ. Ngày thường cũng như ngày lễ, nắng cũng như mưa, ngày  cũng như đêm, mùa biển lặng cũng như mùa dông bão, trận địa luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Nếu bộ đội Phòng không - không quân canh giữ bầu trời chủ yếu ở đất liền, thì chúng tôi bảo vệ bầu trời ở biển, đảo”.

Những người lính “thủy không quân” ở các nhà giàn, việc huấn luyện khác rất nhiều so với đất liền. Cách bố trí “pháo” cũng khác. Do hạn chế vật che khuất, che đỡ nên phải lợi dụng lan can, cầu thang… để đặt pháo. Bia ngắm bắn cũng đặc thù, nếu trong đất liền ngắm bắn có mục tiêu (mô hình bay) thì ở đây mô hình ấy là diều. Gió nhẹ, biển lặng, các chiến sĩ thả diều, hoặc mô hình bay và coi đó là mục tiêu tập. Trong nhiều năm qua, vùng biển, vùng trời thềm lục địa luôn yên bình là nhờ đến những “pháo đài” luôn sẵn sàng chiến đấu cao, thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác. “Mỗi nhà giàn không chỉ là cột mốc chủ quyền, mà còn là pháo đài canh trời, giữ biển. Bất luận trong điều kiện thời tiết nào, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, quan sát phát hiện mục tiêu từ xa và xử lý đúng phương châm và đối sách trên biển” - chiến sĩ pháo thủ Trần Văn Tuấn nói.

* Giữa biển trời vẫn sống yêu đời

Rời nhà giàn Ba Kè C, tàu HQ 936 tiếp tục chuyến hải trình đến nhà giàn cụm Tư Chính sau gần một ngày không nghỉ. Sóng to gió lớn, kế hoạch lên nhà giàn bằng xuồng phải thay đổi. Tất cả hàng, quà chuyển lên nhà giàn bằng “phương án kéo dây”. Quà, hàng khô được bọc trong bao ni-lông chống ướt cột chặt vào dây, thả xuống biển để các chiến sĩ nhà giàn kéo lên. Các chiến sĩ thay quân thì ngồi vào “quang” được kéo lên trên sàn cập tàu. Tất cả chúng tôi ra lan can tàu nhìn lên nhà giàn, xúc động vô bờ, bởi tàu và nhà giàn chỉ cách nhau chừng 30m nhưng không bắt được tay nhau, chỉ biết gửi nỗi niềm tâm sự vào sóng gió.

Chuyển hàng, quà lên nhà giàn bằng phương pháp “kéo dây”.
Chuyển hàng, quà lên nhà giàn bằng phương pháp “kéo dây”.

Chính trị viên tàu HQ 936 Nguyễn Văn Bình nói với lên nhà giàn Tư Chính 4 qua hệ thống máy thông tin I-com sóng cực ngắn: “Do điều kiện sóng to gió lớn, tàu không thả xuồng được, xin gửi tặng các đồng chí quà của đất liền. Chúc các đồng chí luôn vững vàng tay súng canh giữ biển trời bình yên, nhân dân cả nước luôn bên cạnh các đồng chí”. Từ máy thông tin, chúng tôi nghe rõ giọng của Chính trị viên, Thiếu tá Vũ Duy Lương: “Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn Tư Chính 4 xin cảm ơn tình cảm của đất liền. Chúng tôi đoàn kết một lòng, nêu cao cảnh giác, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển được phân công”. Thiếu tá Lương không quên dặn dò: “Nhờ các anh gửi luôn thư nhé. Vợ con và người thân của chúng tôi ở đất liền đang trông đợi lắm”.

Nói về cụm nhà giàn Tư Chính, Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Chỉ huy trưởng nhà giàn Tư Chính 5, cho biết: “Trên dải san hô ngầm này, có 3 nhà giàn là: Tư Chính 3, Tư Chính 4, Tư Chính 5, xây dựng trong các năm 1990 và 1994. Mỗi nhà giàn là một pháo đài thép canh biển. Bất luận trong điều kiện thời tiết nào, công tác cảnh giác sẵn sàng chiến đấu luôn đặt lên hàng đầu. Bên cạnh bảo vệ vùng biển, thì canh gác bảo vệ bầu trời là một nhiệm vụ đặc biệt không tách rời nhau”.

Tàu HQ 936 hú còi rồi lượn 3 vòng quanh nhà giàn Tư Chính 4 như thay lời tạm biệt. Chúng tôi trở về đất liền mang theo bao lời dặn dò, thư từ và những món quà “cá kìm khô” về gia đình các anh. Trên nhà giàn Tư Chính 4, những cánh tay vẫy chào tạm biệt xa dần khi tàu xa dần khoảng cách. Trên sân thượng nhà giàn, trận địa pháo phòng không vẫn giương cao, sẵn sàng chiến đấu. Nhiều người trong đoàn chúng tôi không kìm được xúc động, giấu vội giọt nước mắt dâng tràn. Lẫn trong tiếng sóng tiếng gió cuối chiều, lời bài hát “Mùa xuân DK1” của nhạc sĩ Thập Nhất được các chiến sĩ nhà giàn Tư Chính 4 hát vang vọng qua máy bộ đàm: “Sóng gió, mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Chông chênh, mặc chông chênh, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông. Giữa biển trời vẫn xanh ngời, giữa biển trời vẫn sống yêu đời, lính nhà giàn là thế đó…”.

Mai Thắng

 

Tin xem nhiều