Thiếu thông tin, rắc rối về thủ tục sang tên đổi chủ khiến nhiều người có dự định mua xe cũ phải nghĩ lại. Các chủ tiệm cầm đồ, mua bán xe cũ điêu đứng vì xe “thanh lý” không biết bán cho ai, cũng như chẳng dám nhận cầm cố thêm bất cứ loại xe nào, nếu không chính chủ. “Soi” kỹ về nguồn gốc của chiếc xe, mặc cả với khách hàng từng giá một, nhưng nhiều cửa tiệm vẫn chưa yên tâm, lo ngay ngáy.
Thiếu thông tin, rắc rối về thủ tục sang tên đổi chủ khiến nhiều người có dự định mua xe cũ phải nghĩ lại. Các chủ tiệm cầm đồ, mua bán xe cũ điêu đứng vì xe “thanh lý” không biết bán cho ai, cũng như chẳng dám nhận cầm cố thêm bất cứ loại xe nào, nếu không chính chủ. “Soi” kỹ về nguồn gốc của chiếc xe, mặc cả với khách hàng từng giá một, nhưng nhiều cửa tiệm vẫn chưa yên tâm, lo ngay ngáy.
Bỏ ra 2,5 triệu đồng mua một chiếc xe cũ, nhưng chi phí và thủ tục sang tên phức tạp khiến anh Nguyễn Văn Hoàng (45 tuổi, ngụ ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) e ngại.
* Khóc, cười… với xe
Chị Trần Thị Dịu, chủ một tiệm cầm đồ trên đường Bùi Văn Hòa (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, từ khi Nghị định 71 quy định nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có nội dung xe “không chính chủ”, nhiều người làm nghề như chị đã bắt đầu lo lắng. Xe cầm đến hạn nhưng không thấy khách hàng đến đóng tiền lãi, chị Dịu nơm nớp lo người cầm “bỏ” luôn xe. Trước đây, gặp những trường hợp đó, chủ tiệm mừng thầm nhờ lãi to, nhưng bây giờ ai cũng ngại. “Không bán được xe thanh lý đồng nghĩa với việc không có vốn để quay vòng, các chi phí thuê sân bãi, thuế kinh doanh đội lên rất nhiều. Đang vào dịp cuối năm, mùa bóng ở châu Âu bắt đầu sôi động (nhiều người thua cá độ bóng đá phải cầm xe) nhưng nhiều tiệm cầm đồ rơi vào tình trạng ế ẩm. Nhận cầm xe biển số ngoại tỉnh, giá trị thấp nên khi chủ nhân không quay lại thì lo lắm. Biết không thể bán được, ngay từ đầu tôi đã phải xoay thêm vốn và thuê thêm kho bãi để chứa hàng. Có lúc, mong họ đến rước về nhanh cho rảnh nợ” - chị Dịu kể.
Khách hàng phải nài nỉ, tìm cách chứng minh xe chính chủ mới được cầm cố. |
Gần 10 chiếc xe máy tay ga giá cao, hàng chục chiếc xe hạng thấp còn cất trong bãi chờ thanh lý nên anh Nguyễn Thanh Phong (chủ tiệm cầm đồ H.A, KP4, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đứng ngồi không yên. Mấy hôm nay, anh lặn lội liên hệ nhiều cửa hàng chuyên mua xe cũ trong thành phố, các huyện lân cận để bán lại với giá bằng lúc khách “cắm” ban đầu, nhưng không nơi nào chịu mua. Nhiều người lắc đầu ái ngại vì không biết chủ xe ở đâu, có chấp nhận sang tên hay không? Người mua chẳng buồn quan tâm nếu không nhìn thấy tận mặt chủ xe. Giảm lãi suất xuống dưới 4%/ngày, tạo điều kiện tốt nhất để người cầm xe có thể đóng tiền lãi liên tục với mục đích cuối cùng là thu xe về, nhưng không ai mặn mà.
Theo giải thích của các chủ tiệm cầm đồ, nhiều xe “cắm” vĩnh viễn ở đây đa số là xe không chính chủ. Giá chỉ từ 2-3 triệu đồng/chiếc, không có tiền đóng lãi nên nhiều người chấp nhận “cho không”. Treo biển “thanh lý xe máy” với chiêu bán giảm giá tới 3 triệu đồng/xe, chấp nhận lỗ nhưng cửa hàng của anh Vũ Văn Tuấn (đường Nguyễn Ái Quốc, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) vẫn vắng hoe khách. “Xe ở trong bãi nhiều lắm, mấy ngày nay chưa bán được chiếc nào, xe Air Blade bình thường 20 triệu đồng, giờ chỉ bán 18 triệu đồng, xe Wave giá 5-10 triệu đồng cũng không ai thèm lấy. Như "con" Honda Vision còn mới cáu, mới chạy được 2 ngàn cây số, mua lại 24 triệu đồng, bây giờ hạ giá xuống thêm nữa mà vẫn không bán được. Nhiều người sợ xe không chính chủ nhưng các xe tôi cầm vẫn có đầy đủ giấy tờ đăng ký, mỗi tội khi mua không đề nghị chủ cũ làm giấy sang tên ngay. Mà có sang tên thì người mua vẫn là mình, đến khi bán lại phải thêm một lần sang tên nữa thì cực kỳ bất tiện” - anh Tuấn nói.
Tình cảnh đó cũng xảy ra với các cửa hàng buôn bán xe cũ. Xe xuống giá, người mua ít, trong khi hàng tồn còn rất nhiều khiến họ phải xoay xở đủ cách để bán từng chiếc một. “Mấy ngày nay chưa bán được chiếc xe nào, cho dù đã chấp nhận lỗ vốn” - một chủ cửa hàng buôn bán xe máy cũ sau chợ Biên Hòa than thở.
* Nói không với hàng “tàu”, soi kỹ từng chiếc xe
Dạo một vòng quanh các cửa tiệm cầm đồ trên các tuyến đường: Bùi Văn Hòa, Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận,… chúng tôi thấy nhiều chủ tiệm buộc phải chấp nhận “siết chặt” hoạt động này. Trước đây, khi cầm cố một chiếc xe, khách hàng chỉ cần có đủ giấy tờ hợp lệ, nguồn gốc xe rõ ràng, nhưng bây giờ nhất thiết phải có giấy chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu. Ngoài ra, những chiếc xe mang biển số ngoại tỉnh cũng bị từ chối thẳng thừng, nếu không phải các loại xe tay ga đắt tiền, có giấy tờ đầy đủ, rõ ràng.
Còn những dòng xe cũ giá trị thấp, hàng “Tàu” giá rẻ, nhiều chủ tiệm cầm đồ nhất quyết không nhận, cho dù là hàng chính chủ. Lý do của việc này, theo anh Trọng (42 tuổi, chủ một tiệm cầm đồ ở phường Long Bình), chiếc xe vốn có giá trị rất thấp, phải tốn phí “mông má”, phí sang tên đổi chủ thì lời lãi chẳng đáng bao nhiêu, thậm chí còn lỗ nặng. Thêm vào đó, đa số người mua xe cũ ngại phải đi làm các thủ tục sang tên đổi chủ… Vậy nên, dù có khó khăn về kinh tế, muốn có xe đi nhưng trong bối cảnh này, chẳng có ai dại mà đi mua xe cũ… để bị phạt vì lỗi không chính chủ.
Tại nhiều tiệm cầm đồ, xe “thanh lý” nằm chất đống trong bãi, nhưng rất khó bán. |
Khác với dịp trước, bây giờ, mỗi lần có khách hàng cần “cắm” xe, anh Trọng đều soi kỹ mọi thông tin liên quan đến chiếc xe, tính toán khả năng chủ sẽ bỏ xe vì không có khả năng lấy ra. “Mình quyết định rồi, nói không với hàng “Tàu” dù tiền cầm hạ xuống từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Làm như vậy để hạn chế rủi ro. Chỉ cần khách hàng cho biết xe không phải chính chủ là từ chối ngay” - anh Trọng cho biết.
Để chắc ăn, anh Minh Tâm (chủ một tiệm cầm đồ ở phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đề nghị người đến cầm xe phải để lại thông tin đầy đủ, thời gian cầm ngắn hạn. Khi bán xe, người bán phải có thêm bản sao một số giấy tờ cá nhân cần thiết. Chủ cửa hàng sẽ giữ lại những giấy tờ đó để chuyển cho người mua xe kế tiếp. Nếu bị cảnh sát giao thông hỏi đến, người mua chỉ cần đưa những giấy tờ đó ra để chứng minh là đi xe mượn và sẽ không bị xử phạt hành chính.
Chủ tiệm cầm đồ đau đầu đã đành, người đi cầm cũng điêu đứng vì xe không chính chủ. Khách hàng chủ yếu là dân lao động nghèo, công nhân, sinh viên. Gặp anh Nguyễn Văn Tuyển (ngụ ở phường Trảng Dài) đang đi cầm xe tại cửa tiệm, anh Tâm tỏ vẻ bức xúc: “Xe này của mình nhưng đứng tên cha. Giờ cha tôi đã mất, đi "cắm" thì chủ cửa hàng bắt phải có giấy tờ sang tên, sổ hộ khẩu hoặc giấy CMND của ông cụ…, thật lắm rắc rối, không biết tính sao..."
Thanh Hải