“Phải đuổi tụi nó đi, được lần nào hay lần đó, không đuổi được thì gọi công an tới bắn chỉ thiên cũng được. Để yên thì mai mốt đất đâu mà sinh sống, chỗ đâu mà con cháu mình ở” - ông Tư Nhiên nói giọng cương quyết.
“Phải đuổi tụi nó đi, được lần nào hay lần đó, không đuổi được thì gọi công an tới bắn chỉ thiên cũng được. Để yên thì mai mốt đất đâu mà sinh sống, chỗ đâu mà con cháu mình ở” - ông Tư Nhiên nói giọng cương quyết.[links(right)]
Với những người dân khổ vì “cát tặc”, chuyện có một giấc ngủ yên là điều hiếm hoi. Ngủ sao được, khi tiếng ghe hút trộm cát cứ như đang rút từng khúc ruột của mình. Ngủ ngon sao đặng, khi mà hàng đêm phải nằm canh, phải ba, bốn lượt bật dậy đuổi “cát tặc”.
* Mất ngủ vì “cát tặc”
12 giờ đêm, ông Tư Nhiên (nhà gần khu vực cầu Ông Tiếp, xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) vẫn chưa ngủ được. Hơn 2 năm nay, tối nào cũng vậy, ông Nhiên cứ thao thức, nhấp nhổm vì bọn “cát tặc” lộng hành. Ông căng thẳng chờ đợi cái điều mà ông không hề muốn xảy ra. Có tiếng ghe xuồng lạch xạch phía cuối vườn, ông Tư Nhiên cầm vội chiếc đèn pin lao nhanh ra vườn.
Những phương tiện thô sơ này vẫn ngày ngày lén lút hút trộm cát bất chấp pháp luật. |
Đậu cách bờ chừng 15m, trên chiếc ghe dài khoảng 8m, 4 đối tượng đang hè nhau đưa một cây sào có gắn đoạn ống dài xuống lòng sông. Tiếng máy nổ ình ịch vang lên, rồi sau đó là tiếng xào xào của cát, tiếng nước chảy ào ào xuống sông. Bất chợt, ông Tư Nhiên rọi đèn pin vào chiếc ghe rồi la lớn: “Ơ bà con… tụi hút cát trộm”!
Đám người trên ghe hút cát trộm liền thu hồi ống, nổ máy cho ghe chạy đi chỗ khác. Thế nhưng, chỉ 10 phút sau, họ quay lại tiếp tục hút cát. Ông Tư Nhiên áp dụng chiêu cũ thì đám người này chửi lại: “Đ.M, để yên cho tụi tao làm. Không tao thịt bây giờ”. “Đồ ăn cướp, đồ phá hoại. Tụi mày làm vậy mà sống được hả”. Ông Tư nhiên vừa dứt lời thì có tiếng đánh phịch của vật gì rơi bên cạnh mình. Không cần chờ chúng tôi rọi đèn pin, ông Tư Nhiên giục chúng tôi: “Chúng nó ném đá đó, tránh đi”.
Nghe tiếng hô hoán, những người hàng xóm của ông Tư Nhiên chạy tới. Xem chừng không ổn, bọn hút trộm cát quay ghe chạy về phía bên kia sông.
Cứ thế, hàng đêm ông Tư Nhiên và bao hộ dân sống chung với nạn trộm cát phải liều mình để cứu lấy đất đai. Hễ nghe tiếng ghe hút cát là mọi người lại kéo nhau ra đứng trên bờ rọi đèn pin xuống để đuổi chúng đi. Thế nhưng, “chiêu” này chỉ dùng được vài lần thì bọn họ bắt đầu lờn mặt. Lúc này, cách cuối cùng là bà con gọi công an xã tới để xua “cát tặc” đi.
“Mấy chú công an tới bắn chỉ thiên thì tụi trộm cát bỏ đi. Lát tụi nó cũng quay lại. Nếu hôm nào có bo bo của công an tới thì trước đó tụi nó trốn hết rồi. Phải bắt và trị thật nặng thì may ra bà con chúng tôi mới bớt khổ” - bà Lê Thị Mận (ngụ tại KP2, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) nói.
Tuy nhiên, ước mơ được “bớt khổ” của bà Mận cùng bao hộ dân đồng cảnh ngộ xem ra khó lòng thực hiện. Cho đến thời điểm hiện nay, dù lực lượng Công an TP.Biên Hòa và các huyện trong tỉnh đã ra quân ráo riết, liên tục tuần tra và bắt được nhiều vụ hút cát trộm, thu giữ được các phương tiện hành nghề của bọn chúng, thì vẫn chưa thực sự ngăn chặn triệt để.
* Còn “cát tặc”, còn lo…
Theo ông Võ Hồng Vinh, Phó phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên - môi trường), tình trạng sạt lở bờ sông có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu nhất là do hút cát bừa bãi không tính trước về mức độ thiệt hại với khu vực đất gần bờ. Hiện tượng sạt lở đất hiện nay ở nhiều nơi phần lớn là việc do hút trộm cát gây nên. Bởi theo ông Vinh, có những nơi bao năm nay dòng chảy hiền hòa, do sự tác động khai thác quá mức của con người nên chính con người gánh chịu hậu quả của mình.
Một điều đáng sợ là bọn “cát tặc” thường chọn khu vực gần bờ để hút cát trộm. Vì làm như vậy, họ chỉ cần cắm một cây sào có gắn ống hút xuống sông mà làm. Đến khi gặp chuyện, họ nhanh chóng rút chạy. Cũng chính vì điều này mà lớp đệm bảo vệ bờ sông trước những con sóng nhanh chóng bị mất, khiến tình trạng sạt lở đất bờ xảy ra.
Cách đây 2 tháng, giữa ban ngày, 2 thanh niên trong ấp Thạnh Phước (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) bơi thuyền ra nói chuyện phải trái với bọn “cát tặc” đã bị họ đánh cho tét đầu, phải nhảy khỏi thuyền mà bơi vào bờ. Nhiều người dân khi gặp chúng tôi đều tỏ vẻ e dè, bởi mọi người sợ bị trả thù. Đơn giản vì chủ các ghe hút trộm cát thường là dân địa phương giấu mặt, bọn họ bỏ tiền để thuê người nơi khác làm việc cho mình.
Trong trận chiến chống "cát tặc", năm 2011, cơ quan chức năng đã bắt 13 trường hợp khai thác không có giấy phép, 13 phương tiện hút trộm cát neo đậu và 4 phương tiện vận chuyển cát. Trong năm 2012, Công an TP.Biên Hòa đã phát hiện 18 vụ khai thác cát sông trái phép, thu giữ 27 ghe các loại.
Theo ông Vinh, có nhiều nguyên nhân khiến tình hình trộm cát trên sông Đồng Nai vẫn tiếp diễn. Trong đó, có phần do sự lơ là việc quản lý các ghe neo đậu có trang thiết bị hút cát. Nếu quản lý được những chiếc ghe này thì sẽ dễ dàng phát hiện ra các trường hợp hút cát trộm. Nguyên nhân thứ hai là giá trị kinh tế lớn của cát. Đây là cát hạng 1, đủ tiêu chuẩn để trộn bê tông, làm nhà cửa. Trong khi tỉnh có chủ trương cấm khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn từ thủy điện Trị An nên nguồn cát chất lượng bị khan hiếm. Cát từ các tỉnh miền Tây chở lên chất lượng không bằng, mà giá lại cao hơn. Thế nên, nhiều đại lý vật liệu xây dựng sẵn sàng mua cát “thương hiệu sông Đồng Nai” với giá cao. Chính vì vậy mà bọn “cát tặc” đầu tư ghe thuyền loại cũ để hút trộm cát, và “làm ăn” chỉ vài đêm là họ kiếm đủ tiền vốn.
Theo một cán bộ Công an TP.Biên Hòa, việc đấu tranh với nạn trộm cát rất khó khăn, bọn “cát tặc” hoạt động rất tinh vi và liều lĩnh. Họ thường chọn thời điểm đêm khuya để hoạt động; luôn cắt cử người cảnh giới cơ quan chức năng từ xa. Khi bị vây bắt, bọn “cát tặc” thường rút lù nhấn chìm ghe rồi nhảy xuống sông tẩu thoát. Thậm chí, họ còn chống trả công an quyết liệt bằng gậy, sào tre, đá… để tẩu thoát. Trần Danh |
Thượng tá Lưu Minh Tâm, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh, nhận định: “Cuộc chiến chống "cát tặc" sẽ còn tiếp tục cho đến khi nào nhu cầu xây dựng còn. Những người làm nhiệm vụ này lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng ra quân. Để chống lại tình trạng hút trộm cát, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, các cấp, tất cả phải cùng vào cuộc chứ không thể quy trách nhiệm chính này cho ai. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp mạnh tay hơn. Với những trường hợp tịch thu phương tiện thì bọn “cát tặc” bị bắt sẽ bị giam ít nhất 3 ngày. Điều này chúng tôi đang làm và nhận định có hiệu quả. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tuần tra, kiểm tra để tình trạng này giảm xuống”.
Cát dưới sông vẫn đêm ngày bị hút trộm, để lại hậu quả là những mảnh vườn, ngôi nhà, gốc cây chìm dưới dòng sông. Bao giờ người dân sống ven sông mới không còn ám ảnh trước vấn nạn này?
Minh Đăng