Sông Đồng Nai, đoạn từ chân cầu Hóa An đến bến nước tổ 1A (KP1, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, dài khoảng 800m), là nơi ông Trần Văn Phước hàng ngày thả lưới mưu sinh. Cũng tại nơi đây, ông chứng kiến nhiều trường hợp trẻ em, người lớn bị đuối nước và kịp thời ra tay cứu giúp.
Sông Đồng Nai, đoạn từ chân cầu Hóa An đến bến nước tổ 1A (KP1, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, dài khoảng 800m), là nơi ông Trần Văn Phước hàng ngày thả lưới mưu sinh. Cũng tại nơi đây, ông chứng kiến nhiều trường hợp trẻ em, người lớn bị đuối nước và kịp thời ra tay cứu giúp.
* Cứu 2 học sinh thoát tay “hà bá”
11 giờ ngày 23-10, khi đang bồng bềnh trên chiếc ruột xe căng phồng thả lưới tại mé sông gần Trường đại học Lạc Hồng, ông Phước giật mình khi nghe tiếng tri hô có người đuối nước cách nơi ông thả lưới khoảng 400m. Theo phản xạ tự nhiên, ông quăng tay lưới đang thả dở và cái rộng cá lên bờ. Men theo bờ sông lởm chởm đá, ông chạy thục mạng về hướng có người kêu cứu. Nhìn theo hướng tay chỉ của những người trên bờ, ông thấy một dáng người hụp lặn dưới dòng nước xiết. Lập tức, ông lao mình xuống dòng nước, dùng hết sức bơi thật nhanh ra ứng cứu.
Ông Trần Văn Phước với chiếc phao làm phương tiện mưu sinh và cứu người bị đuối nước. |
Tới nơi, nhìn thấy một đứa trẻ, ông nhanh tay túm người em dìu vào bờ. Chưa kịp thở để lấy sức, ông nghe mọi người nói còn một em đang vùng vẫy dưới dòng sông. Sẵn cái ruột xe căng tròn của cu Sanh (con trai ông Phước) đem đến, ông chụp lấy và lao nhanh ra dòng nước một lần nữa. May mắn sao, đứa trẻ bỗng nổi lên và ông ôm gọn em dìu nhanh vào bờ để cùng mọi người xốc nước. Hai đứa trẻ nhanh chóng được giải thoát khỏi bàn tay “hà bá”. Mặc dù không ngại hiểm nguy cứu hai đứa trẻ thoát khỏi đuối nước, nhưng ông Phước chỉ biết loáng thoáng các em là học sinh (khoảng 12-13 tuổi) từ nơi khác đến tắm sông mà thôi.
Ông Phước cho biết, ông có hơn 10 năm bám khúc sông này mưu sinh bằng nghề thả lưới ven bờ. Hơn 10 năm qua, ông đã cứu 12 trường hợp tắm sông bị đuối nước. Trong số đó, ông hô hấp cứu sống được 7 người. “Buổi trưa trời nóng, nhiều người thường ra đây tắm sông. Do không quen với sông nước, không biết nơi nào nước xoáy, lòng sông nông cạn và lại không biết bơi, nên chỉ cần một chút bất cẩn là bị đuối nước” - ông Phước nói.
Cũng theo ông Phước, ở khu vực ông hay thả lưới, các em nhỏ do tính hiếu động nên hay xuống nước đùa giỡn. Cho nên, trong lúc thả lưới, ông vừa nhắc nhở các em đừng quậy phá chỗ mình làm ăn, đồng thời trông chừng và nói cho các em biết tắm sông khu vực này rất nguy hiểm để đề phòng. Tuy vậy, ông không ít lần bị đám trẻ tỏ thái độ khó chịu, gây gổ... Đến khi sự việc xảy ra, cha mẹ chúng chỉ biết nhìn con mà khóc, trách móc ông sao không nhắc nhở giùm họ. “Dù họ không hiểu mình, nhưng khi họ có chuyện thì tui không ngại hiểm nguy lao vào dòng nước cứu giúp. Tui làm điều đó không mong họ cảm ơn, hay trả công, mà để tạo phước cho các con” - ông Phước bộc bạch.
* Nhiều lần cứu người đuối nước
Với những người dân tổ 1A, KP1, phường Bửu Long, họ rất hiểu hoàn cảnh và tấm lòng của người thả lưới nghèo Trần Văn Phước. Ông Phước bị khiếm thị từ nhỏ, may nhờ được các tổ chức từ thiện phẫu thuật nhân đạo trả lại cho ông được 30% ánh sáng nơi mắt trái. Dù chỉ còn một mắt nhìn thấy ánh sáng, hàng ngày ông vẫn bám khúc sông này mưu sinh bằng những tay lưới 3, lưới 5 và chiếc ruột xe bơm căng hơi (thay cho xuồng, vì nhà nghèo không mua được). Ông Phước tâm sự, ông có 5 con. Ngoài con trai đầu 21 tuổi đi xa làm thuê, 4 người con còn lại đang tuổi ăn học.
Hành động dũng cảm cứu 2 học sinh bị đuối nước ngày 23-10 của ông Phước đã được UBND phường Bửu Long kịp thời khen thưởng để động viên. |
Công việc lưới cá của ông ngày chỉ kiếm được khoảng 60 ngàn đồng, bữa thất chỉ kiếm được ít cá làm thức ăn cho các con. Hôm nào ông Phước lo cứu người bị đuối nước thì coi như thất thu, còn lưới thì bị nước cuốn mất, hoặc bị rách. Dù sức khỏe yếu, mắt chỉ thấy lờ mờ, nhưng khi đã trầm mình dưới làn nước sâu, ông quẫy đạp như rái cá. Chính nhờ bơi giỏi, ông đã cứu sống được 5 đứa trẻ, 2 người lớn và vớt được 5 trường hợp khác bị đuối nước lên bờ.
Ông Phước kể, năm rồi ông cứu sống một phụ nữ ăn xin với lý do rất tình cờ. Trong lúc nghỉ mệt tại bến sông, người phụ nữ ăn xin lần bước xuống mé sông rửa mặt, nhưng chẳng may bị trượt chân ngã xuống dòng nước. Thấy vậy, ông liền vất lưới để lao đến cứu người. Hay trường hợp hai thanh niên đi tắm sông bị hụt chân chới với cầu cứu, ông đã kịp thời vớt được một người lên bờ, còn người kia không cứu được. Cứu được hay không tui cũng ráng xốc nước cho họ, vì mạng người luôn đáng quý. Tui làm công việc “trông chừng” những người không biết bơi đến khúc sông này tắm là bất đắc dĩ mà thôi” - ông Phước trần tình, khi chỉ tay về khúc sông mà ông đã nhiều lần cứu người bị đuối nước.
Thành Nhân