Không phải là quan tòa, nhưng bằng kinh nghiệm sống và trách nhiệm được giao, các hòa giải viên cơ sở luôn tìm cách thuyết phục đương sự tìm tiếng nói chung mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, bất hòa...
Không phải là quan tòa, nhưng bằng kinh nghiệm sống và trách nhiệm được giao, các hòa giải viên cơ sở luôn tìm cách thuyết phục đương sự tìm tiếng nói chung mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, bất hòa...
Để xóm làng đoàn kết, gia đình hạnh phúc, tình làng nghĩa xóm thêm đậm đà, các cán bộ hòa giải ở cơ sở luôn khéo dùng lời hay lẽ phải để hóa giải chuyện lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không và xem như chưa từng xảy ra.
* Chuyện làng, chuyện xóm
Ông Đặng Văn Minh, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) kể lại, khi tiếp nhận vụ việc bà Nguyễn Thị Gái (ngụ ở TP.Hồ Chí Minh) khiếu nại ông Nguyễn Minh Hạnh (người ở ấp Xóm Hố) tự ý chiếm dụng đất của bà, ông tìm hiểu thì xác định việc bà Gái trình bày trong đơn hoàn toàn đúng sự thật. Nhưng mấu chốt của vấn đề là do trước đó, thấy đất (ở xã Phú Hội) của bà Gái bỏ hoang, ông Hạnh điện thoại hỏi mượn đất của bà để cải tạo làm ao cá, trồng rau muống. Bà Gái chưa đồng ý cho mượn thì ông Hạnh tự ý thuê nhân công đào mương thả cá, lên liếp trồng rau. Do đó, bà Gái mới bức xúc và có đơn kiện.
Các thành viên trong Tổ hòa giải ấp 4, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) đi tìm hiểu nguyên nhân để tiến hành hòa giải. |
Làm việc với Tổ hòa giải ấp Xóm Hố, bà Gái yêu cầu ông Hạnh không chỉ trả lại đất, mà còn phải khôi phục đất đúng như hiện trạng ban đầu. Ông Hạnh giãi bày: “Tôi đã lỡ bỏ ra gần 30 triệu đồng thuê nhân công đào ao, thả cá giống và lên liếp trồng rau. Bây giờ, đùng một cái san bằng thì tôi không còn tiền thuê nhân công làm ngược lại”. Nghe ông Hạnh trình bày, bà Gái tỏ vẻ bức xúc: “Nếu ông Hạnh không trả lại đất, tui sẽ kiện ổng ra tòa. Tui không hòa giải gì hết”.
Để sự việc được giải quyết êm thắm, tổ hòa giải đã động viên ông Hạnh nhẫn nhịn. Riêng bà Gái thì được mọi người nhẹ nhàng “vuốt” giận. Sau gần 3 tiếng đồng hồ, hai bên mới chịu đồng ý ký vào biên bản hòa giải với thỏa thuận: “Hai tháng sau, ông Hạnh phải khôi phục lại hiện trạng đất theo ý của bà Gái, trước khi bàn giao lại cho bà”.
Ông Trần Quyết Thắng, Tổ phó Tổ hòa giải ấp Lộc Lâm 2, xã Phú Thanh (huyện Tân Phú) thì kể, lúc đó khoảng 7 giờ tối, Trưởng ấp Phạm Hồng Sơn điện báo cho tôi hay, có một phụ nữ đang “ăn vạ” tại nhà ông, đòi ấp phải giải quyết gấp cho chị được ly dị chồng ngay trong đêm. Nếu ấp không giải quyết thì tối đó chị... ở luôn tại nhà trưởng ấp, vì không dám về nhà. Lý do chị đưa ra là bị chồng đánh đập, hay ghen tuông. Vậy là, ông Thắng cùng mọi người trong tổ hòa giải tập trung tại nhà Trưởng ấp Sơn “làm nhiệm vụ”. Trong quá trình hòa giải, chồng của chị này đã biết nhận sai, xin được nhận khuyết điểm, rồi cả hai “tay trong tay” về nhà.
Riêng ông Bùi Văn Bảnh, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Bình Chánh, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) thì kể câu chuyện lạ có thật ở ấp Bình Chánh. Ông V.T. có đơn gửi ấp nhờ giải quyết chuyện gối chăn của gia đình ông. Qua tìm hiểu, tổ hòa giải mới vỡ lẽ, nguyên nhân ông T. đòi ly dị là do vợ ông bệnh tật, không đáp ứng được chuyện phòng the. Do bị “cấm vận” dai dẳng “chuyện ấy” nên ông T. hết thương vợ và họ lục đục suốt ngày. Hay như chuyện anh A. và chị M. cũng “éo le” như thế. Mỗi lần có rượu vào, anh A. gặp vợ là đòi “yêu”. Chị M. vì bận chuyện buôn bán nên viện cớ từ chối. Cứ vậy lâu ngày, vợ chồng sinh cãi cọ, nghi kỵ bị "cắm sừng"…
* Rọi tìm nguồn cơn
Ông Bùi Văn Bảnh cho biết, trong đơn đòi ly dị, đối tượng luôn giấu kín lý do dẫn đến hạnh phúc lứa đôi tan vỡ. Họ chỉ nêu chung chung là sống không hợp, khó chịu khi chồng say rượu, hoặc vợ lạnh nhạt... Trong khi đó, điểm gút của vấn đề thì không ai chịu nói ra. Vì vậy, các thành viên trong tổ hòa giải phải chịu khó bỏ thời gian tìm hiểu chuyện phòng the của đương sự để hóa giải. Ông Bảnh nói: “Quan điểm của tôi trong hòa giải là không ngại đụng chuyện, phải tìm hiểu rõ căn nguyên các mâu thuẫn đã tác động, làm phát sinh và nghi kỵ giữa các đương sự. Trong hòa giải, tôi luôn lấy đạo đức sống làm nền, sau đó mới nói đến pháp luật”.
Ông Trần Quyết Thắng thì cho rằng, để tạo được niềm tin ở người dân, tất cả cán bộ ấp Lộc Lâm 2 phải thật sự là khối đoàn kết thống nhất, trong đó vai trò của cán bộ MTTQ ấp luôn là trung tâm, nòng cốt. Miễn chúng tôi giải quyết làm sao chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thì bằng tình làng nghĩa xóm “dĩ hòa, vi quý” là xong. Chính vì vậy, tổ hòa giải của ông phải có trách nhiệm tiếp nhận giải quyết những chuyện “trên trời, dưới đất” mà bà con báo miệng.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Minh thì bày tỏ, ông chẳng cần quan trọng hóa vấn đề, miễn bà con tin tưởng gửi đơn khiếu nại đến ấp thì giải quyết. Miễn sao ông chấp hành đúng quy trình hòa giải, bà con tin tưởng là được. Ông Minh nói: “Tổ hòa giải ấp đâu phải lúc nào cũng được ngồi yên, đã có không ít trường hợp các thành viên trong tổ hòa giải phải “chạy đôn, chạy đáo” tập hợp lực lượng để kịp thời tổ chức hòa giải mâu thuẫn trong dân. Khi đã nhận nhiệm vụ thì mình phải làm đến nơi đến chốn. Chính vì vậy mà tỷ lệ hòa giải thành trong ấp đạt trên 90%”.
Ông Nguyễn Thành Sơn, Tổ trưởng Tổ hòa giải ở KP5, phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) chia sẻ kinh nghiệm: “Trong quá trình thụ lý vụ việc, tổ hòa giải không mời thành viên là người thân của đương sự, hoặc đương sự cho rằng thành viên đó không khách quan khi tham gia giải quyết vụ việc. Dù cẩn thận tập hợp các thành viên tham gia tổ hòa giải, tổ hòa giải cũng gặp trường hợp bà con cho rằng mình chưa khách quan, bênh người này, ép người kia. Tuy ban đầu bà con có ý phản đối, không tin tưởng một vài thành viên, nhưng trong quá trình tổ làm việc, bà con đều hài lòng”. |
Qua nhiều năm làm công tác hòa giải, ông Trần Văn Năm, Tổ trưởng Tổ hòa giải ở KP4, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) đúc kết kinh nghiệm: “Sống cùng dân và gắn bó với họ nên tôi hiểu rõ nguyên nhân bất hòa xảy ra trong dân. Vì vậy, tôi khéo léo giải quyết mâu thuẫn lớn thành mâu thuẫn nhỏ và từ đó mới bắt đầu tổ chức hòa giải giữa đôi bên, nên thành công”.
Ông Trần Minh Thành, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Long Khánh 1, xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) bộc bạch, bất kể giờ giấc, miễn dân yêu cầu là cán bộ hòa giải có mặt để giải quyết. Khi giải quyết phải cẩn thận lời ăn tiếng nói và phải biết nhẫn nại ngồi nghe họ trình bày, từ đó mới giúp họ tháo gỡ bức xúc. Tuy nhiên, dù đã giải quyết xong việc rồi, nhưng khi khép lại hồ sơ, mình cũng cần suy ngẫm lại xem cách giải quyết hợp tình, hợp lý chưa, liệu người ta có tâm phục, khẩu phục chưa. Do đó, cần phải hiểu đúng rằng, hòa giải viên không chỉ đơn thuần là giảng giải, phân tích đúng sai. Hòa giải viên cần phải biết vận dụng những kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quán… vào từng vụ việc cụ thể. Có như vậy mới chuyển chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ như chưa xảy ra.
Đoàn Phú