Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến thắng của tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam

08:12, 17/12/2012

Trong lịch sử chiến tranh nhân loại, chưa có một dân tộc nào lại bị giặc ném bom nhiều như ở Việt Nam. Chỉ tính riêng cuộc ném bom hủy diệt 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ vào cuối năm 1972, Thủ đô Hà Nội đã hứng chịu hàng chục ngàn tấn bom B.52.

Bài 1: Mưu đồ tập kích đường không của Mỹ

Trong lịch sử chiến tranh nhân loại, chưa có một dân tộc nào lại bị giặc ném bom nhiều như ở Việt Nam. Chỉ tính riêng cuộc ném bom hủy diệt 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ vào cuối năm 1972, Thủ đô Hà Nội đã hứng chịu hàng chục ngàn tấn bom B.52.

Lịch sử đã sang trang, thay vào những hố bom sâu hoắm, những con phố đổ nát năm xưa là diện mạo một Thủ đô hòa bình mến khách hôm nay, nhưng vết tích của cuộc chiến tranh phi nghĩa do đế quốc Mỹ gây ra thì không thể phai mờ.

Cuộc sơ tán dân Thủ đô Hà  Nội trở thành lớn nhất trong lịch sử chiến tranh vệ quốc ở Việt Nam.                                                      Ảnh: TL
Cuộc sơ tán dân Thủ đô Hà Nội trở thành lớn nhất trong lịch sử chiến tranh vệ quốc ở Việt Nam. Ảnh: TL

Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định. Trên cả 3 mặt trận: quân sự - chính trị - ngoại giao, ta đều giành thắng lợi to lớn, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Tổng thống Mỹ Richard Nixon vội vã ra lệnh đánh phá miền Bắc và Hà Nội bằng chiến dịch rải thảm bom B.52.

* Nguyên nhân cuộc ném bom

Cho đến bây giờ, những nhân chứng có mặt trong cuộc ném bom của Mỹ vào Hà Nội vẫn không thể quên được những năm tháng vô cùng ác liệt. Đại tá Trần Như Nam, nguyên chiến sĩ tham gia bảo vệ Thủ đô Hà Nội năm 1972 (hiện sống ở phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Đó là cuộc rải bom tàn khốc nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Lúc đó, bom rơi dày đặc trên bầu trời Hà Nội, những người lính bảo vệ Thủ đô lúc ấy chỉ biết xung trận chứ không thể tránh bom. Chỉ riêng phố Khâm Thiên lúc đó đã hứng chịu hàng trăm tấn bom B.52".[links(right)]

Nguyên nhân nào dẫn đến chính quyền Hoa Kỳ dã tâm ném bom ở Hà Nội cuối năm 1972? Theo ông  Trần Như Nam thì có hai nguyên nhân chủ yếu. Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã bước vào giai đoạn quyết định. Ở miền Nam, bằng cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè năm 1972, quân và dân ta đã giành thắng lợi lớn. Các tỉnh bên bờ Nam sông Bến Hải, như: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cơ bản được giải phóng, người dân làm chủ, đẩy chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 6-4-1972, Tổng thống Nixon huy động lực lượng lớn không quân và hải quân Mỹ ở khu vực Đông Nam Á tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Nguyên nhân thứ hai khiến Mỹ dã tâm ném bom Hà Nội là, trước thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ buộc phải tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Đầu tháng 10-1972, ở miền Nam, quân và dân ta tiếp tục giành được thắng lợi lớn. Mỹ vừa phải tiếp tục triệt thoái các đơn vị bộ binh, vừa phải “Mỹ hóa” trở lại bằng không quân và hải quân để ngăn chặn cuộc tiến công của ta. Tình hình đó đã tác động sâu sắc đến kinh tế - chính trị - xã hội của nước Mỹ. Trong khi đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, sức ép trong nội bộ nước Mỹ đã tác động mạnh mẽ đến đường lối của Tổng thống Nixon. Nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới kịch liệt lên án và đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Trước thực trạng này, Nhà Trắng buộc phải tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó là 2 nguyên nhân cốt lõi khiến Mỹ bằng mọi cách ném bom miền Bắc và Hà Nội.

* Chính phủ Mỹ lừa dân Mỹ

Trước sức ép đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam của thế giới và để “yên lòng dân Mỹ”, Kissinger - một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ đã bàn bạc với cố vấn đặc biệt phía Việt Nam Lê Đức Thọ “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” trong phiên họp kín thứ 19 tại Paris. Tại đây, Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” đã được bàn thảo và chấp thuận.

Để tăng “niềm tin” cho dân Mỹ là chính quyền Mỹ đã chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, ngày 12-10-1972, Nixon và Kissinger đã tung tin lừa bịp dư luận rằng, “hòa bình đã ở trong tầm tay” để lôi kéo, tranh thủ cử tri Mỹ trong bầu cử cho Nixon.

10 ngày sau, đột nhiên Nixon tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Sau 10 ngày nữa, Nixon đột nhiên gửi công hàm cho Chính phủ ta đề nghị tạm hoãn việc ký kết hiệp định, nhưng thực chất đây là sự lật lọng của Mỹ với một lý do khác. Một mặt, Mỹ tập trung ngăn chặn nguồn chi viện của ta từ miền Bắc vào miền Nam, mặt khác chuẩn bị một đòn mạnh hòng gây sức ép buộc ta phải nhân nhượng cho Mỹ sửa đổi các điều khoản của hiệp định đã thảo luận.

Năm 1972, sau khi tái đắc cử tổng thống Mỹ, Nixon đã xúc tiến kế hoạch “bắn phá Hà Nội” bằng bom B.52, một loại bom có sức hủy diệt mạnh nhất nhân loại lúc đó để thực hiện chiến lược “không lực mạnh trên bầu trời miền Bắc Việt Nam”.

* Huy động tối đa hỏa lực mạnh

Trong 12 ngày đêm ném bom trên bầu trời Hà Nội, các lực lượng của Mỹ trong cuộc tập kích đường không đã huy động 193 chiếc máy bay B.52 trên tổng số 400 chiếc Mỹ có, 1.077 chiếc máy bay không quân chiến thuật trên tổng số 3.043 chiếc, 6 tàu sân bay, hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu, cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Máy bay chiến lược B.52 cất cánh từ một căn cứ của Mỹ trên đảo Guam, máy bay chiến thuật các loại cất cánh từ 6 sân bay ở Thái Lan và từ 6 tàu sân bay đậu rải rác trên biển Đông. Ngoài ra, tất cả các căn cứ hậu cần, kỹ thuật của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á, ở Nhật Bản đều được sử dụng để phục vụ tối đa cho cuộc tập kích đường không chiến lược này.

Ông Phùng Tửu Bôi, một nhân chứng lịch sử đã sống và làm việc trong 12 ngày đêm Thủ đô Hà Nội bị B.52 rải thảm kể lại: “Đây là một cuộc huy động lực lượng lớn chưa từng có của Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 (tính đến tháng 12-1972) cho một cuộc tập kích đường không chiến lược. Lịch sử chiến tranh nhân loại chưa có một cuộc tập kích bằng không quân nào lớn và tàn ác như thế. Mỹ đã bất chấp luật nhân đạo quốc tế, đã ném bom vào bất cứ trường học, bệnh viện, hoặc dân thường. Tuy nhiên, bom Mỹ không làm lung lay ý chí chiến đấu của người dân Hà Nội. Người Hà Nội vẫn sống, làm việc, thi đua sản xuất bình thường; làng hoa ven đô vẫn tưng bừng khoe sắc…”.

Mai Thắng

 

 

Tin xem nhiều