Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến thắng của tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam (Bài 4)

08:12, 22/12/2012

“Để đánh thắng được B.52, ta có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều đơn vị tham gia, nhưng đơn vị chủ công đánh B.52 chính là lực lượng tên lửa. ..

Lặng lẽ phía sau…

“Để đánh thắng được B.52, ta có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều đơn vị tham gia, nhưng đơn vị chủ công đánh B.52 chính là lực lượng tên lửa. Thành tích chiến đấu của các đơn vị hỏa lực thì mọi người có thể xem trong các sách, báo, nhưng điều ít nói đến là công tác bảo đảm sản xuất đạn tên lửa trong những ngày ấy. 40 năm đã qua, nhưng tôi luôn nhớ về họ với những vất vả thầm lặng để góp phần cho thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972” - Trung tướng Lương Hữu Sắt (nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Phòng không không quân (PKKQ), nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật) nói.[links(right)]

Giọng ông chậm rãi kể lại, ngày 31-10-1972, Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ tổ chức, chỉ đạo hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu và thông qua tài liệu “Cách đánh B.52”. Tư lệnh Quân chủng PKKQ Lê Văn Tri trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi chỉ huy, chuẩn bị đạn tên lửa đánh B.52.

* Nỗi lo “khan hiếm” đạn tên lửa đánh B.52

Ngày đó, với cương vị Cục trưởng Cục Kỹ thuật PKKQ, tôi rất lo lắng việc chuẩn bị đạn tên lửa sẵn sàng cho việc đánh địch khi chúng sử dụng máy bay B.52 vào Hà Nội. Lực lượng tên lửa bảo vệ Hà Nội khi ấy có hai đoàn: Đoàn H61 và Đoàn H57, mỗi đoàn có 4 tiểu đoàn hỏa lực và 1 tiểu đoàn kỹ thuật. Đến bây giờ, tôi muốn nói đến thành tích của các tiểu đoàn kỹ thuật, đó là các Tiểu đoàn 80 thuộc Đoàn H57 và Tiểu đoàn 95 thuộc Đoàn H61, nơi sản xuất đạn, tiếp đạn cho các đơn vị hỏa lực bắn rơi máy bay B.52.

Kíp chiến đấu tên lửa Tiểu đoàn 77 trao đổi kinh nghiệm đánh máy bay B.52 của không quân Mỹ. Ảnh tư liệu
Kíp chiến đấu tên lửa Tiểu đoàn 77 trao đổi kinh nghiệm đánh máy bay B.52 của không quân Mỹ. Ảnh tư liệu

Các quả đạn tên lửa được tháo rời từng bộ phận, đóng hòm đến ga tàu phải dùng cần cẩu cẩu xuống. Các tiểu đoàn kỹ thuật phải sử dụng xe chuyên dụng vận chuyển những thùng đựng đạn, tên lửa... di chuyển vào khu sơ tán cách ga chừng 30-50km cất giấu rồi lại quay ra ga tiếp tục vận chuyển số tên lửa còn lại vào rừng. Tất cả đều phải làm đêm, làm sao trong một đêm giải phóng số đạn trên khỏi tàu hỏa để địch không phát hiện được. Sau đó, các đơn vị lên nhận đạn tên lửa nơi sơ tán chuyển về đơn vị của mình qua đường Đồng Đăng, Hà Nội, hoặc Đồng Đăng về Hải Phòng.

Việc vận chuyển ấy kéo dài 5-6 đêm mới hết. Rồi tuần sau lại có chuyến tàu đến, công việc lại bắt đầu. Một quá trình chuẩn bị thật gian nan và cũng đòi hỏi hết sức tỉ mỉ. Bởi vì, các bộ phận một quả tên lửa được đóng trong các hòm khác nhau, hòm đầu đạn, hòm đuôi, hòm cánh, hòm nhiên liệu..., tài liệu lại không đi theo cùng, chuyên gia Liên Xô chuyển lý lịch từng quả tên lửa về Bộ Quốc phòng, từ đó mới phát xuống các đơn vị để lắp ráp tên lửa.

Trong 12 ngày đêm địch tập kích đường không vào Hà Nội, điều làm tôi lo lắng nhất là việc bảo đảm sản xuất đạn tên lửa kịp cho các đơn vị hỏa lực đánh địch. Những ngày đầu tiên của chiến dịch, khi địch đưa B.52 vào ném bom Hà Nội, ta không bị bất ngờ, vì bộ đội đã được chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt, trong đó đạn tên lửa đã được chuẩn bị đủ bắn. Trong những đêm đó, mỗi một mục tiêu B.52 có khi phải bắn 3 quả. Bầu trời Hà Nội chìm trong khói lửa. Nhiều chiếc B.52 đã bị bắn rơi tại chỗ. Đêm 18-12, ta bắn rơi 3 chiếc B.52. Đêm 19-12, ta bắn rơi 2 chiếc B.52. Đêm 20-12, ta bắn rơi 7 chiếc B.52.

Nhưng sau đêm 19, rạng 20-12, vấn đề thiếu đạn đã trở nên phổ biến ở các tiểu đoàn hỏa lực tên lửa. Chiều 20-12, Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi và Cục phó Phan Thái phải tích cực giải quyết vấn đề sản xuất đạn tên lửa, bảo đảm cho nhiệm vụ đánh B.52. Anh Phan Thái trực tiếp xuống Tiểu đoàn Kỹ thuật 95 ở phía Bắc sông Hồng chỉ đạo sản xuất đạn. Còn tôi cùng với Phó phòng Tên lửa Trần Trung Ngọc xuống Tiểu đoàn 80, nơi sản xuất đạn cho các tiểu đoàn hỏa lực Đoàn H57 nắm tình hình.

* Đảm bảo đạn tên lửa đánh B.52

Lòng như lửa đốt, tôi vội xuống tận nơi kiểm tra. Hóa ra việc sản xuất tên lửa không kịp. Qua 3 đêm làm việc cật lực, anh em quá mệt mỏi, mắt thâm quầng, chân tay rã rời. Thiếu đèn để làm đêm, thiếu vải bạt, ny-lông che mưa. Vì vậy, mặc dù Tiểu đoàn phó Nguyễn Huy đã tổ chức phát động phong trào “Thi đua quyết thắng B.52”; 100% quân số, kể cả anh em đang yếu mệt đều công tác với quyết tâm cao, nhưng năng suất sản xuất đạn tên lửa vẫn thấp. Tôi đã thấy nhiều đồng chí ngủ gục bên máy. Tư lệnh Lê Văn Tri trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi phải chỉ đạo tìm phương án tháo gỡ với Tiểu đoàn 80.

Sáng 21-12, tôi đã họp tất cả các chỉ huy đơn vị cùng họp bàn đề ra phương án. Tôi đề nghị Tư lệnh Quân chủng điều Tiểu đoàn Kỹ thuật của Đoàn H74 (vừa từ Quảng Trị ra) tăng cường cho dây chuyền sản xuất tên lửa của Tiểu đoàn 80; điều đội lắp ráp đạn của xưởng A31 xuống tăng cường tiếp cho Tiểu đoàn 80. Việc sản xuất tên lửa được chia một ngày ra 3 kíp, dây chuyền liên tục làm việc...

Theo đề nghị của Cục Kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã chỉ thị cho quyền Cục trưởng Cục Hậu cần Mai Xuân Tiến tổ chức cho cơ quan mang đường, sữa, lương khô và cả thuốc chống buồn ngủ xuống các tiểu đoàn kỹ thuật cấp phát đến tận tay cán bộ, chiến sĩ... Những quả đạn mang dòng chữ: “Trả thù cho đồng bào Hà Nội” bằng sơn trắng lần lượt rời dây chuyền sản xuất theo các xe TZM về các tiểu đoàn hỏa lực tên lửa. Năng suất, chất lượng lắp ráp đạn tên lửa tăng lên rõ rệt. Bình thường, một dây chuyền sản xuất tên lửa chỉ làm được 8 quả theo quy định, nhưng sau khi nghiên cứu cải tiến quy trình lắp ráp đạn, tổ chức sản xuất hợp lý đã tăng lên tới 20 quả/ngày đêm. Từ ngày 21 đến 25-12, đạn tên lửa đã giải quyết xong, cũng là lúc kẻ địch đang tạm dừng các đợt tấn công ác liệt.

Từ 22 giờ 5 đêm 26-12, địch sử dụng các chiếc B.52 bay 105 lần và các máy bay chiến thuật hộ tống bay 110 lần đánh ồ ạt, liên tục, đồng thời từ nhiều hướng và đánh tập trung một đợt vào nhiều mục tiêu trên của khu vực Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Đây là trận đánh lớn nhất và là trận then chốt trong cuộc tập kích đường không chiến lược của địch.

Nhưng chúng đã bị bất ngờ trước lưới lửa của phòng không của quân ta. 8 máy bay B.52 bị bắn rơi trong đêm. Ngày 27-12, địch cho máy bay đến ném bom khu vực tập trung sản xuất tên lửa. Do dự đoán trúng ý đồ của địch, ta đã sơ tán trước đó, chỉ còn vài chiếc máy hỏng và vỏ đạn ở lại...

Kết thúc chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, cả nước nức lòng trước những chiến công của bộ đội PKKQ, khi có đến 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 máy bay B.52. Rất nhiều đơn vị hỏa lực được tuyên dương anh hùng. Trong chiến công chung ấy, có sự đóng góp công sức trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ các tiểu đoàn kỹ thuật 80, 95... Đó là một chiến công thầm lặng không kém gì chiến công của các chiến sĩ trực tiếp bắn rơi máy bay B.52.

Đoàn Hoài Trung

(Theo lời kể của Trung tướng Lương Hữu Sắt)

 

 

Tin xem nhiều