Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ nghề dệt chiếu

11:09, 17/09/2014

Dệt chiếu cói là một nghề nổi tiếng trước kia ở KP.2, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa). Trước đây, nếu có dịp ghé qua khu vực này, mọi người có thể nghe rõ tiếng gõ lộc cộc của bộ khung dệt, tiếng đập thân cây cói (nguyên liệu làm chiếu) lách tách vang lên liên hồi.

Dệt chiếu cói là một nghề nổi tiếng trước kia ở KP.2, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa). Trước đây, nếu có dịp ghé qua khu vực này, mọi người có thể nghe rõ tiếng gõ lộc cộc của bộ khung dệt, tiếng đập thân cây cói (nguyên liệu làm chiếu) lách tách vang lên liên hồi. Hiện tại, dù nghề làm chiếu có phần trầm lắng nhưng sự tâm huyết với nghề đã giúp vợ chồng bà Trần Thị Nguyệt (70 tuổi) trụ vững và gìn giữ nghề dệt chiếu cói truyền thống của gia đình.

Dù thị trường tràn ngập chiếu nhựa, chiếu trúc thì những chiếc chiếu cói được làm thủ công vẫn giữ được vị trí nhất định bởi độ bền và sự an toàn đối với sức khỏe người sử dụng.

* 4 thế hệ gắn bó với nghề

Chưa có ý định nghỉ ngơi ở tuổi 70, mỗi ngày vợ chồng bà Nguyệt vẫn say mê với công việc dệt chiếu cói. Làm từ sáng đến chiều tối, vợ chồng bà cho ra “lò” từ 2-3 tấm chiếu tùy loại. Những lúc nghỉ trưa, cô con gái Nguyễn Trần Thụy My (32 tuổi) có thể thay thế cha mẹ, nên mọi người vẫn nghe âm thanh từ bộ khung dệt vang lên đều đều từ nhà bà.

Bà Trần Thị Nguyệt chăm chú trong từng công đoạn dệt chiếu.
Bà Trần Thị Nguyệt chăm chú trong từng công đoạn dệt chiếu.

Hơn 30 năm nay, bà Nguyệt làm đủ các loại chiếu rồi bỏ hàng cho các mối ở khắp các chợ thuộc TP.Biên Hòa. Khi nghề làm chiếu hưng thịnh, bà sẵn sàng chỉ dạy cho các hộ trong xóm cùng dệt. Vì vậy, từ chỗ chỉ có gia đình bà gắn bó với công việc này, nghề dệt chiếu sau đó đã nhanh chóng lan sang các gia đình khác trong KP.2. “Đã có 4 thế hệ trong gia đình tôi gắn bó với nghề dệt chiếu. Mọi người trong nhà đều biết làm nghề, từ việc nối dây làm sườn đến dệt, bẻ góc, cắt biên… Hồi còn nhỏ, tôi đã biết phụ ông bà luồn cói vào giữa các sợi dây gai nhưng không nghĩ lớn lên sẽ theo nghề. Đến lúc lập gia đình, nhà chồng có nghề dệt chiếu nên tôi gắn bó với nghề từ đó đến nay” - bà Nguyệt tâm sự.

Điều khác biệt của nghề dệt chiếu thủ công là sau khi chuẩn bị xong phần nguyên liệu phải có 2 người cùng làm. Thông thường, khi giăng trân (nối sợi dây gai nằm dọc thân chiếu) xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ hai luồn từng sợi cói vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng lực mạnh dập vào cói để chúng kết chặt vào nhau.

Ông Nguyễn Đình Luật, Phó chủ tịch UBND phường Hố Nai, chia sẻ: “So với chiếu nhựa và chiếu trúc, chiếu cói làm thủ công có phần lép vế nhưng chất lượng và độ an toàn thì không thua kém. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền về hình ảnh chiếu cói dệt thủ công với hy vọng khôi phục lại nghề dệt chiếu ở địa phương”.

Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để cói thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau dẫn đến gãy lọn. Vậy nên, tận mắt chứng kiến quy trình dệt chiếu mới thấy để làm ra sản phẩm không hề đơn giản. “Tay nghề của người thợ quan trọng lắm, phải đan như thế nào để chiếu vừa khít, đều và có độ bền, dẻo dai nhất định” - ông Nguyễn Chí Vị (chồng bà Nguyệt) chia sẻ.

Để có được một tấm chiếu cói chất lượng, trước tiên phải chọn cói đẹp, không bị sâu, đủ độ dài và các sợi đều nhau. Đồng thời, khi dệt đòi hỏi người thợ phải khéo léo, sao cho các đường bẻ mép, kết biên gọn gàng và đều đặn “10 sợi như 1”.

Không chỉ khó tính trong công đoạn chọn nguyên liệu và cách dệt, ông Vị còn kỹ lưỡng cả phần phơi chiếu. Theo ông, thời điểm thích hợp nhất là giữa trưa, nắng lớn nên phơi chỉ kéo dài khoảng 2 giờ là đủ. Muốn tấm chiếu dẻo, bền thì lúc hong khô phải trở đều 2 bề mặt chiếu liên tục. “Chúng tôi thường lấy cói nguyên liệu ở tỉnh Long An và chọn lựa rất kỹ càng. Cây cói sau khi thu hoạch, được người trồng phơi trong mùa nắng nên có màu trắng pha vàng rất đẹp. Khi đem dệt hoặc cất trong kho, cói vẫn không đổi màu, độ bền của chiếu cói sẽ được tăng lên. Còn như chọn phải cói không tròn đều, khi đập go sẽ không đều, chiếu không mịn” - ông Vị nói.

* Đắt hàng vì làm thủ công

Hơn 30 năm dệt chiếu cói, dù hiện nay đã có nhiều loại máy hỗ trợ, giảm bớt một vài công đoạn khi sản xuất chiếu, nhưng gia đình bà Nguyệt vẫn trung thành với nghề thủ công truyền thống. Dệt theo lối thủ công, tất cả đều được làm hoàn toàn bằng tay, một ngày vợ chồng bà làm được 2-3 chiếc chiếu. Số lượng ít nhưng lại làm vừa lòng những người mua khó tính và khách hàng quen thuộc. “Chúng tôi đã thấy nhiều nơi có máy làm lẹ lắm. Một máy, với 2 lao động có thể thao tác dệt được tới 50-60 chiếc chiếu/ngày. Nhưng cái gì cũng có hai mặt, do làm bằng máy nên cái nào cũng như cái đó, người thợ muốn chỉnh sửa khi gặp lỗi cũng khó. Vì thế, giá chiếu dệt thủ công dù đắt hơn loại chiếu dệt máy 15-20 ngàn đồng/cặp mà vẫn có nhiều người tin tưởng đặt mua” - bà Nguyệt nói.

Vợ chồng bà Nguyệt say mê với việc dệt chiếu hơn 30 năm nay.
Vợ chồng bà Nguyệt say mê với việc dệt chiếu hơn 30 năm nay.

Theo bà Nguyệt, chiếu dệt bằng tay tuy không đều như lúc dệt máy nhưng lại bền và đẹp hơn. Những ngày mưa nhiều, chiếu làm ra không có chỗ phơi, vợ chồng bà ai nấy đều sốt ruột, lo chiếu dệt thành phẩm ít mà người đặt ngày càng nhiều.

Hiện nay, khách hàng đặt chiếu của bà Nguyệt chủ yếu là các nhà thờ, chùa chiền, trường mầm non ở TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh… Khi đầu ra ổn định, sản xuất tới đâu bán hết ngay đó. Mỗi tháng, gia đình bà nhập gần 5 tạ cói khô từ tỉnh Long An đem về dệt thành những chiếc chiếu có khổ rộng từ 1-2m, giá bán dao động từ 100-250 ngàn đồng/chiếc tùy vào kích cỡ mỗi loại. “Ngày trước, thấy thị trường có nhu cầu nên tôi lấy chiếu của các hộ dệt máy trong xóm về bỏ mối, nhưng vì không đạt chất lượng nên vợ chồng tôi tự dệt để duy trì chiếu cói thương hiệu của gia đình… Điểm nhấn tạo nên cái khác của nghề dệt chiếu ở gia đình tôi là chiếu không nhuộm màu hay in bất cứ một hình ảnh gì lên; tất cả đều được giữ nguyên màu của sợi cói nên rất an toàn cho người sử dụng, kể cả trẻ em nhỏ tuổi” - ông Vị giải thích.

Với quyết tâm giữ bằng được nghề truyền thống nên vợ chồng ông Vị cố gắng truyền nghề cho các con. Hiện tại, 2 người con của ông bà đều biết dệt chiếu và ai cũng có tay nghề khá, có thể dệt những tấm chiếu đòi hỏi độ khó cao. “Tôi làm việc ở một phòng khám y khoa, mọi người trong cơ quan ai cũng thích và đặt các sản phẩm chiếu thủ công của gia đình tôi” - chị Nguyễn Trần Thụy My tâm sự.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều