Báo Đồng Nai điện tử
En

Đam mê thể hình

10:10, 03/10/2014

"Mỗi vận động viên (VĐV) thể hình hàng ngày phải tập luyện gần 6 tiếng đồng hồ, tuy thu nhập của họ khá thấp nhưng vẫn phải duy trì chế độ luyện tập gắt gao và thực đơn ăn uống gấp mấy lần người bình thường, đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều VĐV dù rất đam mê nhưng vẫn phải bỏ ngang để làm nghề khác…" - ông Cao Minh Tuấn, huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển thể hình tỉnh Đồng Nai, bộc bạch về nghề.

“Mỗi vận động viên (VĐV) thể hình hàng ngày phải tập luyện gần 6 tiếng đồng hồ, tuy thu nhập của họ khá thấp nhưng vẫn phải duy trì chế độ luyện tập gắt gao và thực đơn ăn uống gấp mấy lần người bình thường, đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều VĐV dù rất đam mê nhưng vẫn phải bỏ ngang để làm nghề khác…” - ông Cao Minh Tuấn, huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển thể hình tỉnh Đồng Nai, bộc bạch về nghề.

* “1 ngày lo 3 bữa ăn là đủ mệt rồi…”

Hầu hết các VĐV thể hình của đội tuyển Đồng Nai có tuổi đời trên dưới 30, theo ông Tuấn thì thể hình là bộ môn không có đòi hỏi tuổi tác, chỉ yêu cầu VĐV có niềm đam mê, tố chất và sự rèn luyện tốt là được. Hiện tại ở Trung tâm thể dục - thể thao tỉnh có 2 đội thể hình đang luyện tập song song với nhau là đội trẻ và đội tuyển đưa đi thi đấu.  Để vào được đội trẻ, điều đầu tiên là người đó phải có tuổi đời từ 18 trở lên vì khi đó các cơ bắp đã phát triển đầy đủ. Sau đó họ phải được HVL trưởng đội tuyển của tỉnh tuyển từ các giải thể hình của từng huyện, thị xã trong tỉnh.

Vận động viên Vũ Duy Khánh tập luyện trước khi bước vào giải đấu năm sau.
Vận động viên Vũ Duy Khánh tập luyện trước khi bước vào giải đấu năm sau.

“Thời gian thử thách của 1 VĐV trong đội trẻ là 1 năm, thường thì chúng tôi tuyển 5 em vào đội trẻ và sau đó loại dần, chỉ còn giữ lại khoảng 2 em đủ tố chất. Đây là môn thể thao có độ khó rất cao, đòi hỏi người tập phải có ý chí quyết tâm, nhất là trong sinh hoạt hàng ngày. Lúc tập đã mệt, về nhà phải biết kiềm chế với những cám dỗ trong đời sống, như: rượu, bia, thuốc lá… Nói chung là cực lắm, ngay như tôi đây là kiện tướng quốc gia mà phải bỏ ngang vì lý do kinh tế gia đình đấy. Nghĩ lại cũng tiếc, mà giờ làm HLV giúp lớp đàn em của mình phát triển sự nghiệp cũng vui lắm rồi” - ông Tuấn tâm sự.

“Hầu như các VĐV nam nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía gia đình, được vợ con quan tâm, động viên. Còn các VĐV nữ lại không được gia đình đồng tình nên phải quyết tâm lắm họ mới theo được niềm đam mê…” - HLV Cao Minh Tuấn nói.

Ngoài việc luyện tập liên tục, chế độ ăn hàng ngày cũng là một bài toán nan giải với mỗi VĐV, trung bình một VĐV ăn hết 15 lòng trắng trứng gà, 2 cái ức gà, 500gr cá, 2kg trái cây trong một ngày, chưa kể tới bột dinh dưỡng. Trong 1 năm, các VĐV có 2 giai đoạn là “xả” và “siết”, xả là duy trì tập nhẹ, ăn uống nhiều nhằm tăng cân, còn siết là đẩy mạnh luyện tập, ăn uống nghiêm ngặt để ép cân xuống. Dù ở giai đoạn xả, nhưng các VĐV vẫn tuân thủ theo thực đơn do HLV đề ra để không tạo ra lượng mỡ dư trong cơ thể. Mỗi giai đoạn được áp dụng riêng cho từng VĐV, tùy theo nhiệm vụ trong năm nay của họ là gì, mỗi lần xả hoặc siết thường kéo dài 4-5 tháng.

HLV Cao Minh Tuấn chia sẻ một bí quyết trong việc đưa “gà nhà” đi thi đấu với các đối thủ, ông nói việc đầu tiên là phải giữ bí mật về tình trạng sức khỏe, khả năng của VĐV tỉnh nhà. Sau đó mới xem xét đến các đối thủ, thường các HLV sẽ dùng biện pháp siết để VĐV giảm trọng lượng nhằm đọ sức với đối thủ kém hơn để giành chiến thắng áp đảo. “Dùng cách này đôi khi phải chấp nhận bỏ một số hạng cân mà chúng tôi không có ưu thế và tập trung vào những hạng cân có thể thắng đội bạn. Đây là hình thức “chơi chiêu” mà tất cả các đội tuyển thể hình đều áp dụng để lấy thành tích cao khi thi đấu” - ông Tuấn nhấn mạnh.

* Nặng lòng với đam mê

Phần lớn các VĐV thể hình của đội tuyển thể hình tỉnh đều bắt đầu luyện tập môn này từ những năm 14-15 tuổi tại các trung tâm văn hóa tại phường, xã gần nhà. Chị Tôn Hoàng Khánh Lan ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa), VĐV và cũng là HLV phó của đội tuyển, chị cho biết đến với thể hình từ một dịp tình cờ chứ không có chủ đích từ trước. “Năm tôi 19-20 tuổi, trong một lần tham dự chương trình thể dục - thể thao của huyện Trảng Bom, tôi được một số người quen làm trong ngành thể thao khuyên nên tập thử môn thể hình xem sao, vì tôi có những tố chất bẩm sinh cho môn này. Khi tôi về báo lại với cha mẹ thì ngay lập tức cả nhà làm ầm ĩ lên, cho rằng con gái ai lại đi tập môn này bao giờ và kiên quyết phản đối, ngăn cấm. Nhưng tính tôi từ nhỏ đã ương bướng và giống con trai nên kệ gia đình phản đối, tôi xách ba lô đến Trung tâm thể dục - thể thao tỉnh để tập. Đến nay cũng được 14 năm rồi, gia đình thấy tôi đam mê quá nên không ai nói gì nữa…” - chị Lan vui vẻ kể về cơ duyên đến với nghề.

Huấn luyện viên Cao Minh Tuấn (trái) chỉnh động tác cho một vận động viên.
Huấn luyện viên Cao Minh Tuấn (trái) chỉnh động tác cho một vận động viên.

Nhiều VĐV nữ tại đội tuyển nhận định so với đàn ông thì lượng mỡ trong cơ thể phụ nữ nhiều hơn gấp đôi, nên để hình thành cơ bắp phải khổ luyện và tốn thời gian hơn rất nhiều. Ngay cả sức ăn cũng không bằng với những VĐV nam nên khi áp dụng thực đơn ăn uống để luyện tập, nhiều VĐV nữ đã không theo nổi. Chưa kể đến những lần chấn thương nặng thì riêng việc ê ẩm, đau nhức sau mỗi lần tập nặng đã đủ khiến những VĐV nữ mới bước vào tuyển trẻ đã cảm thấy choáng váng rồi.

Một số VĐV nam của đội tuyển thể hình tỉnh cho biết phần lớn những người vợ của họ đều làm công việc nội trợ ở nhà. “Lo cho chúng tôi ăn đủ 3 bữa một ngày với lượng thức ăn đủ dinh dưỡng như vậy đã là quá mệt rồi, đôi lúc thấy vợ mình cực quá nhưng cũng không biết làm sao, chỉ có an ủi, động viên suông. Vợ tôi thường hay than rằng tôi không tập thể hình mà là “cực hình” mới đúng…” - anh Nguyễn Doãn Phong, VĐV thể hình tỉnh, cười hóm hỉnh khi nhắc đến vợ mình.

Khi được hỏi, các VĐV nam đều cho biết đến với thể hình vì muốn có một sức khỏe tốt. Bắt đầu tập thể hình từ khi còn học THPT, anh Vũ Duy Khánh (ngụ phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết tập ở phòng tập là đã rất mệt rồi nên thường về đến nhà là phụ vợ con việc nhà, không còn thời gian đi chơi nữa.  “Đôi khi thấy bạn bè tôi làm nghề khác, có thu nhập cao, chăm lo được cho gia đình khiến vợ con nở mày nở mặt thì tôi cũng thấy chạnh lòng. Bản thân các VĐV sống độc thân cũng đã chật vật với thu nhập lắm rồi, giờ phải lo lắng cho cả nhà, đôi lúc tôi thấy rất áp lực. Cũng may mà vợ con hiểu là thông cảm cho công việc của tôi, thường xuyên động viên mỗi lần tôi đi thi đấu nên cũng thấy yên tâm để theo đuổi niềm đam mê này. Được cái là VĐV thể hình phải luôn chú ý tới việc ăn uống, không rượu bia, thuốc lá nên vợ tôi cũng rất mừng…” - anh Khánh tự hào kể về gia đình.

Vận động viên Nguyễn Doãn Phong tập luyện tại Trung tâm thể dục - thể thao tỉnh.
Vận động viên Nguyễn Doãn Phong tập luyện tại Trung tâm thể dục - thể thao tỉnh.

Khác với anh Khánh và chị Lan, VĐV Nguyễn Doãn Phong (ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) còn duy trì một phòng tập nhỏ tại phường Hố Nai, TP.Biên Hòa nên anh có thêm thu nhập để phụ giúp gia đình. Anh cho biết, hiện tại chỉ hướng các con anh luyện tập thể thao để tăng sức khỏe chứ chưa có ý định buộc con cái theo nghề của anh. “Mỗi lần đem huy chương về nhà là mấy đứa nhỏ trong nhà lại đem khoe hết người này tới người khác, thấy con ham thích thì tôi cũng vui, nhưng làm VĐV thì phải có nghị lực và quyết tâm mới theo được nghiệp này. Gian khổ không chỉ có bản thân chịu đựng mà còn kéo thêm gia đình chịu nữa, nên nếu không có một người vợ đảm đang lo lắng chuyện nhà, có lẽ không VĐV nào yên tâm cống hiến sức mình cho thể thao được…” - anh Phong bày tỏ.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều