Báo Đồng Nai điện tử
En

Mua nước ngọt giữa cù lao

10:10, 08/10/2014

Sống giữa vùng sông nước Nhơn Trạch nhưng nhiều hộ dân ngụ tại các cù lao quanh năm mong ngóng những cơn mưa đem lại chút ít nước ngọt quý giá. Hết mưa, ai nấy lại lo đi mua nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Ở đây, giá nước ngọt được tính bằng hình thức khác lạ, giá cao hay thấp tùy theo diện tích của chiếc xuồng chở nước.

Sống giữa vùng sông nước Nhơn Trạch nhưng nhiều hộ dân ngụ tại các cù lao quanh năm mong ngóng những cơn mưa đem lại chút ít nước ngọt quý giá. Hết mưa, ai nấy lại lo đi mua nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Ở đây, giá nước ngọt được tính bằng hình thức khác lạ, giá cao hay thấp tùy theo diện tích của chiếc xuồng chở nước.

Về các xóm cù lao ở huyện Nhơn Trạch, mọi người dễ dàng bắt gặp nhà nào cũng có vài chiếc lu trữ nước mưa được xếp xung quanh nhà.

* Những xóm cù lao “khát” nước ngọt

Sống giữa cù lao, nguồn nước sông dồi dào, đặc biệt vào mùa mưa bởi lưu lượng nước từ khắp nơi đổ về rất nhiều, nhưng người dân ở đây bảo rằng họ vẫn thiếu nước sinh hoạt. Cách duy nhất để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt là lấy trực tiếp từ trời mưa, sau đó sử dụng những vật dụng thô sơ để chứa và sử dụng dần.

Một điểm mua nước ngọt ở cù lao Phước Khánh (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch).
Một điểm mua nước ngọt ở cù lao Phước Khánh (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch).

“Nhà tôi cách sông Đồng Sâu chỉ 20m mà thiếu nước sử dụng quanh năm. Một năm 12 tháng thì có đến 7-8 tháng thiếu nước, mọi người trong nhà phải cắt cử nhau chèo xuồng đi mua nước về dùng cho sinh hoạt, nấu ăn uống. Ở đây nước quý như vàng nên ai cũng sử dụng tằn tiện” - bà Út Hạnh, nhà trên cù lao Ông Cồn (xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch), tâm sự.

Tại các cù lao, người dân luôn mong trời mưa mãi để có nguồn nước sạch dồi dào. Với rất nhiều gia đình nghèo, đó là nguồn nước sạch miễn phí, giúp họ giảm bớt một khoản chi phí đáng kể trong cuộc sống. Theo bà Út Hạnh, hầu như gia đình nào sống trên cù lao, xung quanh nhà đều có trên dưới chục chiếc lu sành loại lớn để chứa nước mưa, đồng thời trở thành “bờ tường” vững chắc bảo vệ nhà cửa mỗi khi triều cường dâng cao.

Ông Phạm Đình Cương, Trưởng ấp Bến Đình (xã Phú Đông), cho hay: “Toàn xã không thiếu nước ngọt, nhưng chỉ có cù lao Giồng Sắn và các cù lao gần đó thiếu nước. Ngoài ra, việc đi lại của người dân, chuyện học tập của học sinh cũng gặp khó khăn khi phải di chuyển bằng ghe xuồng vào mùa mưa”.

Một chiếc lu loại lớn có giá 120-150 ngàn đồng, có thể chứa 120 lít nước. Nhà nào khá giả sắm chục chiếc lu là trữ đủ lượng nước mưa dùng trong 3-4 tháng, nhưng chỉ để nấu ăn và làm nước uống. “Khi hết nước mưa thì phải mua nước ngọt bên ngoài đổ vào” - đưa ánh mắt nhìn ra hướng con sông Đồng Sâu đang mùa nước lớn, bà Út Hạnh kể.

Ở cù lao Giồng Sắn (xã Phú Đông) hay cù lao Phước Khánh (xã Phước Khánh), từ lâu người dân nơi đây đã quen với việc thiếu nước ngọt. Nước sông nhiễm mặn, rất nhiều giếng được đào sâu nhưng càng đào thì nước càng bị nhiễm phèn và đục ngầu bùn đất không thể sử dụng được. Việc sử dụng tiết kiệm nước sạch từ lâu đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người.

“Nước vo gạo nấu cơm để dành rửa chén, rửa rau hay thịt, cá. Nước sau khi dùng lần 2 thì tiếp tục được dùng để tưới cây hay nấu thức ăn cho vật nuôi, tất cả đều được tận dụng triệt để. Mùa mưa còn đỡ, chứ mùa nắng càng khó khăn hơn. Sống ở vùng sông nước nhưng tôi phải mua từng thùng nước ngọt từ các ghe xuồng người ta rao bán mỗi ngày” - ông Hai Bình (ngụ ở cù lao Phước Khánh, xã Phước Khánh) kể.

Mấy năm nay, khi mùa mưa đến ông Hai Bình còn nghĩ ra cách mới để tận dụng nguồn nước mưa được lâu hơn. Ông dùng bao

ny-lông loại lớn, đổ nước mưa hứng được vào rồi buộc chặt, bọc thêm lớp bao bên ngoài và dìm xuống dưới ao hồ, khi cần ông chỉ việc kéo lên dùng. Cách làm này tuy hiệu quả, nhưng nếu không cẩn thận để cành cây khô hay các vật nhọn đâm vào gây vỡ bọc ny-lông thì nước không dùng được.

* Giá nước theo xuồng

Sau những cơn mưa lớn, người dân sống trên các cù lao lại có nguồn nước ngọt để sử dụng. Nhưng lượng nước này khá ít, chỉ đủ dùng để nấu ăn, còn nước sinh hoạt hàng ngày thì họ phải chèo xuồng hàng chục cây số đi mua. Đến mùa nắng, nguồn nước sông bị nhiễm mặn, nhiễm phèn mới hiểu được nỗi lòng của người dân mong trời cho những cơn mưa.

Với chiếc xuồng gỗ nhỏ, bên trên chất đầy các loại can nhựa, nhiều người phải thức dậy từ sáng sớm để đi mua nước ngọt từ các nơi trong đất liền. Nhiều người cho hay, không nơi nào lại có kiểu tính giá nước lạ lùng như ở đây.

Hai mẹ con bà Bảy Tiết đang bơm nước vào các can nhựa để chở về nhà.
Hai mẹ con bà Bảy Tiết đang bơm nước vào các can nhựa để chở về nhà.

“Người ta tính giá nước bằng diện tích của chiếc xuồng mà mình chở chứ không tính theo khối. Xuồng to chứa khoảng 4-5 khối nước thì người ta tính 20 ngàn đồng, loại nhỏ 7-10 ngàn đồng. Nói chung, giá nước ngọt ở đây mua không đắt như mấy chỗ khác. Chỗ mình thiếu nước nhưng chỗ họ thì nước ê hề, giếng đầy quanh năm” - chị Nguyễn Thị Quyên (ngụ ở cù lao Giồng Sắn, ấp Bến Đình, xã Phú Đông) cho hay.

Chiếc xuồng chở hơn chục can nhựa nước của chị Quyên chậm rãi khi vừa “cập bờ” một hộ dân trong đất liền xã Phú Đông để tiếp nước. Mỗi ngày, chị phải đi mua nước từ sớm khi con nước đang lớn, vì như vậy lúc chở nước về nhà xuồng chạy sẽ nhẹ hơn. Thời điểm vào sáng, chuyện bán mua, trao đổi nước ngọt hoạt động nhộn nhịp hẳn lên. Vài chiếc xuồng cùng đậu một chỗ, “xếp hàng” chờ bơm nước từ dưới giếng lên.

Mua nước ngọt ở những vùng khô hạn trên đất liền đã khó, ở vùng cù lao càng phức tạp hơn nhiều. Việc chuyên chở, đi lại vô cùng vất vả khi người mua phải vận chuyển một lượng lớn nước bằng ghe xuồng bé nhỏ, hay bị tròng trành.

Nhà bà Bảy Tiết (ngụ ở cù lao Giồng Sắn) cách điểm mua nước hơn chục cây số, mẹ con bà phải mất cả tiếng đồng hồ chèo xuồng đi lòng vòng quanh cù lao mới đến được. Vì ở xa nên mỗi lần đi mua nước họ phải đi xuồng lớn, vài ngày mới quay trở lại mua tiếp.

“Giá nước người bán tính cho tôi 20 ngàn đồng/xuồng lớn. Chiếc xuồng này cũng chứa được 3 khối nước, muốn chở nhiều cũng không được, sợ nguy hiểm lắm. Việc chuyên chở hết sức vất vả và phải cẩn thận, vì khi chèo xuồng thường hay tròng trành. Đôi khi lắc mạnh là nước đổ ra, người và xuồng lật nhào xuống sông lúc nào không hay” - bà Bảy Tiết chia sẻ.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều