Báo Đồng Nai điện tử
En

Mái ấm cho những người già neo đơn

11:11, 21/11/2014

Có một "ngôi nhà" được xây lên, trở thành mái ấm cho nhiều cụ già cuối đời chẳng may rơi vào cảnh cô độc. Những bữa cơm chay, những lời hỏi thăm, sẻ chia của người đồng cảnh ngộ đã giúp các cụ vượt qua khó khăn để sống tiếp quãng đời còn lại.

Có một “ngôi nhà” được xây lên, trở thành mái ấm cho nhiều cụ già cuối đời chẳng may rơi vào cảnh cô độc. Những bữa cơm chay, những lời hỏi thăm, sẻ chia của người đồng cảnh ngộ đã giúp các cụ vượt qua khó khăn để sống tiếp quãng đời còn lại.

Hai cụ ông vừa ăn cơm vừa nói chuyện tại mái ấm do bà Nguyễn Thị Hồng xây dựng.
Hai cụ ông vừa ăn cơm vừa nói chuyện tại mái ấm do bà Nguyễn Thị Hồng xây dựng.

Ở đây lúc nào cũng rộn rã tiếng xe lăn, tiếng bước chân tập tễnh, tiếng phát thanh viên phát ra từ chiếc radio cũ kỹ. Mỗi gian nhà rộng chừng 20m2, khoảng 4-5 người tụ tập nói chuyện, kể cho nhau quãng đời “sóng gió” đã trải qua. Tuổi già với họ luôn nặng tâm sự, nhưng ai cũng thấy may mắn khi có chỗ nương thân cuối đời.

* Nương tựa cuối đời

Sống lang thang khắp các xã của huyện Long Thành, đến khi tuổi già lắm bệnh tật, ông Nguyễn Vạn An (84 tuổi) không nghĩ những tháng ngày cuối đời được tá túc trong mái nhà ấm áp này. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông chỉ có mong ước giản đơn là cơm ngày đủ 3 bữa và có chỗ che mưa nắng.

Ngày mới đến đây, căn bệnh ung thư phổi phát nặng khiến cơ thể ông An sưng phù, mọi người đều nghĩ ông khó qua khỏi. Được ăn uống no đủ và có sự chăm sóc chu đáo, một thời gian sau các triệu chứng của bệnh đã giảm bớt. “Dù là ăn chay nhưng tôi ăn ngon miệng lắm. Trước đây, có khi 2 ngày mới có gì đó cho vào bụng, đói đến lả người mà chẳng ai giúp” - ông An cho biết.

Ông quê ở tỉnh Bắc Ninh, nạn đói năm 1945 và bệnh tật khiến những người thân trong gia đình ông chết hết. Suy sụp trước biến cố ấy, ông An bỏ xứ đi tìm miền đất mới để làm lại cuộc đời. Đi làm thuê từ lúc còn trai trẻ, mặc cảm thân phận côi cút khiến ông không “mở lòng” với ai. Chán cảnh đơn độc, sống chỗ này được vài bữa ông lại bỏ đi nơi khác, cứ thế lang bạt khắp nơi. Khi không còn sức lực, ông sống bằng cách nhặt nhạnh những thức ăn thừa của người khác bỏ đi.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hữu, cho biết: “Hoạt động nhân đạo, từ thiện của bà Hồng rất tốt. Chính sự nỗ lực không mệt mỏi của bà Hồng và các tín đồ Phật giáo nơi đây đã giúp nhiều cảnh đời không may mắn có nơi nương tựa, an nhàn khi về già. Mới đây, bà Hồng còn vận động người dân trong ấp hiến tặng 350 đơn vị máu cho các bệnh viện”.

Ông An nói trong ánh mắt cay xè: “Người ta nói tôi bị điên cũng đúng, bởi một lần đi bán vé số bị kẻ xấu lừa hết sạch tiền, từ đó sinh ra lú lẫn. Giờ đây, bệnh tật dày vò nhưng tôi vẫn lạc quan. Tính ra tôi vẫn là người may mắn khi được ở trong mái nhà này đến cuối đời. Nhiều người cùng tuổi với nhau, khi buồn hay vui cũng có người bầu bạn tâm sự”.

Hơn 5 năm qua, những lúc trở trời bà Trần Thị Phụng (75 tuổi) không còn lo cơ thể bị những cơn đau hành hạ. Bà không có người thân, lang thang kiếm sống khắp nơi. Nhiều lần “gõ cửa” các trung tâm nuôi dưỡng người già nhưng bà chẳng được nhận. “Ngày trước, tôi sống lay lắt ở quận 2 (TP.Hồ Chí Minh), ai cho gì thì ăn đó. Một lần đi ăn xin, tôi lên phà rồi lạc sang huyện Nhơn Trạch. Phép màu đã đến khi có người cưu mang tôi, lo cho ăn ở và chữa trị bệnh tật” - bà Phụng vừa nhai trầu vừa kể chuyện.

Bà nói ở đây rất vui, mọi người đều có hoàn cảnh giống nhau nên dễ cảm thông và chia sẻ. Gắn bó lâu nhất ở đây nên bà biết rõ mặt, tên tuổi của từng cụ già vừa đến hoặc chẳng may qua đời… Tuổi già cô đơn, ít có cụ nào có người thân đến thăm thường xuyên. Ai cũng mong ngóng trước lúc nhắm mắt xuôi tay được con cháu đến nhìn mặt một lần.

Dù vậy, họ vẫn cố gắng tạo niềm vui cho riêng mình bằng công việc bếp núc. Hàng ngày, sắp tới giờ ăn trưa, các cụ lại quây quần bên nhau nấu bữa cơm chay. Nhiều cụ còn khỏe nên vào nhóm bếp, vo gạo, những cụ yếu hơn thì ngồi nhặt rau, rửa bát. Mỗi người góp một vài câu chuyện, khiến căn bếp thêm ấm cúng, đông vui.

* Người phụ nữ “xây” ngôi nhà bình yên

Gần 10 năm qua, nhiều cụ già neo đơn, không nơi nương tựa được bà Nguyễn Thị Hồng đón về nuôi dưỡng tại nơi thờ tự của Phật giáo Hòa Hảo (ấp Rạch 7, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch). Khi số cụ già tìm đến xin lưu trú đông, bà Hồng bàn bạc với các tín đồ sửa chữa mái ấm lại để thuận tiện nuôi dưỡng và chăm sóc các cụ.

Trước đây, gia đình bà Hồng làm nghề buôn bán. Trong những chuyến đi mua hàng, bất chợt nhìn thấy những cụ già trong bộ dạng rách rưới, sống lang thang, đói khát đã khiến bà day dứt và suy nghĩ phải làm gì đó giúp họ. Mỗi lần dang tay đón thêm một cụ già là thêm một lần vợ chồng bà dồn hết tâm huyết, của cải để chăm lo cho những hoàn cảnh cơ nhỡ.

“Khi làm xong các thủ tục pháp lý với chính quyền địa phương, tôi mới bắt đầu đi tìm những người già sống lang thang đưa về nuôi dưỡng. Hễ ai điện thoại báo có người cần giúp đỡ vợ chồng tôi không quản đường xa đi liền. Lúc mới làm công việc này ai cũng nói mình điên. Vì ở đây nhiều nhà nghèo khó, lo bữa cơm no đã khó huống hồ giúp người khác” - bà Hồng kể.

Bà Nguyễn Thị Hồng (ngồi giữa) chia sẻ hoàn cảnh với các cụ già.
Bà Nguyễn Thị Hồng (ngồi giữa) chia sẻ hoàn cảnh với các cụ già.

Lâu dần, tấm lòng của bà Hồng đã thuyết phục được nhiều người. Các nhà hảo tâm, tín đồ Phật giáo từ khắp nơi thường xuyên nhận giúp đỡ. Từ đó, đời sống vật chất, chi phí thuốc men cho các cụ được nâng lên. Đều đặn mỗi tuần, đoàn từ thiện của một hội đông y từ TP.Hồ Chí Minh đến đây khám chữa bệnh cho các cụ già khiến ai nấy đều vui mừng.

“Nhiều cụ đến đây đã thập tử nhất sinh nhưng cuối cùng đã may mắn vượt qua. Khi tỉnh dậy, ai cũng hồi tưởng lại chuyện ngày xưa bị bỏ rơi như thế nào, dầm mưa dãi nắng, đói khát ra sao... khiến tôi xúc động và thương cảm. Các trường hợp khác bị bại liệt, tâm thần được nuôi và chăm sóc riêng. Hơn 30 cụ ở đây ai cũng đáng thương hết” - chồng bà Hồng nói.

Không chỉ cưu mang người già không nơi nương tựa, hàng ngày vợ chồng bà Hồng cùng các tín đồ trong ấp còn nấu cơm chay đi cấp từ thiện cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện đa khoa huyện Nhơn Trạch, Bệnh viện đa khoa quận 2 (TP.Hồ Chí Minh), cho học sinh nghèo ở Trường THPT Nhơn Trạch, Trường THCS Phú Hữu…

Bà Hồng cho biết sẽ tiếp tục đón nhận những số phận bất hạnh không nơi nương tựa để nuôi, vì sắp tới một căn nhà tình thương mới, to đẹp và chắc chắn hơn sẽ được xây dựng, có thể ở được nhiều người. “Nhìn những khuôn mặt hồ hởi, nụ cười rạng rỡ của các cụ khi đón về đây có bè bạn tâm sự, chia sẻ buồn vui với nhau mà tôi không khỏi vui lây” - bà Hồng nói.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều