Ở miệt rừng Sác với Phước An, ai cũng yêu quý ông Lương Văn Nho. Bên cạnh tác phong đĩnh đạc, chỉ huy đánh giặc rất gan lì, tính tình hiền lành, đẹp trai, ông Hai Nhã còn có thân thế đặc biệt làm nhiều người ngưỡng mộ.
Ở miệt rừng Sác với Phước An (“Thủ đô của Long Thành kháng chiến”, từng là hậu cứ của Tiểu đoàn Quang Trung), ai cũng yêu quý ông Lương Văn Nho (mật danh là Hai Nhã). Bên cạnh tác phong đĩnh đạc, chỉ huy đánh giặc rất gan lì, tính tình hiền lành, đẹp trai, ông Hai Nhã còn có thân thế đặc biệt làm nhiều người thêm ngưỡng mộ.
Ông Lương Văn Nho lên kế hoạch đánh sân bay Biên Hòa năm 1964. |
Từ nhỏ “Cậu Hai” Lương Văn Nho (sinh năm 1916 tại xã Long An, quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa) đã nổi tiếng học giỏi, được cấp học bổng lên Sài Gòn học trường Tây, đậu bằng Thành Chung. Năm 18 tuổi, ông được hãng xà bông Trương Văn Bền ở Chợ Lớn mời làm kế toán. Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, ông về quê làm thư ký Kho bạc tỉnh Biên Hòa. Có cuộc sống phong lưu của một “thầy ký” với hạnh phúc gia đình ấm êm, nhưng ông đã bỏ tất cả để tham gia kháng chiến.
* Lừng danh… “vua pháo kích”
Vai trò của ông Hai Nhã trở nên nổi bật khi mặt trận chống Pháp ở nhiều nơi bị vỡ, các đơn vị bộ đội lần lượt rút về Long Thành. Được tỉnh chỉ đạo, Long Thành phải tự túc lương thực, đồng thời phải lo cho các đơn vị chạy đến. Tháng 10-1945, UBND huyện Long Thành cải tổ nhân sự, đưa ông Hai Nhã làm ủy viên tài chính, thực hiện việc vận động ủng hộ, thu mua, cấp phát kinh phí, lương thực.
Trước sự tấn công ồ ạt của giặc Pháp, tháng 2-1946, mọi sự liên lạc của Long Thành với tỉnh Biên Hòa bị cắt đứt. Lãnh đạo Long Thành họp bàn và quyết định tạm chia huyện ra thành 4 khu chiến đấu. Ông Hai Nhã được giao chỉ huy Khu 4, bao gồm các xã dọc đường 15 (nay là quốc lộ 51) và các sở cao su trên địa bàn.
Một ngày sau khi Hiệp ước sơ bộ được ký kết, quân Pháp cho máy bay rải truyền đơn lệnh cho toàn bộ lực lượng Việt Minh ở Long Thành phải ra trình diện và nộp vũ khí.[links(right)]
Dân quân Long Thành trả lời tối hậu thư của Pháp bằng một loạt trận đánh phá. Pháp tập trung lực lượng mở nhiều cuộc hành quân, chiến trận diễn ra ác liệt. Trong tình cảnh bị bao vây, thiếu thuốc điều trị, con trai ông Hai Nhã là Lương Văn Nhã qua đời. Ông bảo vợ (bà Nguyễn Thị Thanh Liên) theo vào chiến khu.
Tháng 11-1946, được tỉnh chỉ đạo, UBND huyện Long Thành đổi thành Ủy ban Hành chánh kháng chiến; Giải phóng quân Long Thành được củng cố thành Đại đội C, do ông Hai Nhã làm Đại đội trưởng kiêm Huyện đội trưởng.
Giữa tháng 9-1947, Ủy ban Hành chánh kháng chiến Long Thành đổi thành Ủy ban Kháng chiến hành chánh. Đại đội trưởng Lương Văn Nho được chỉ định kiêm chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh huyện. Chiến trận ngày càng ác liệt, ông trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quang Trung. Đến giữa năm 1949, ông được cử làm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Biên Hòa. Cuối năm 1951, ông chuyển sang làm Tham mưu trưởng Tỉnh đội Bà Rịa - Chợ Lớn.
Tập kết ra Bắc, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Pháo binh Sư đoàn 338, rồi Tư lệnh Pháo binh Sư đoàn 330 và Tư lệnh Pháo binh Quân khu Hữu Ngạn.
Về đến miền Nam vào đầu năm 1964, ông được Bộ Chỉ huy Miền phân công làm Phó chủ nhiệm Pháo binh Miền, phụ trách công tác xây dựng và huấn luyện chiến đấu.
Đang tập trung xây dựng Đoàn pháo binh U80, ông được lệnh tổ chức đánh sân bay Biên Hòa (căn cứ quân sự hiện đại nhất trong vùng Đông Nam Á thời bấy giờ) nhằm thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương trong việc mở màn đợt hoạt động mùa khô 1964-1965.
Trận tập kích vào sân bay Biên Hòa đêm 31-10-1964 thắng lợi lừng lẫy đến mức ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thơ ca ngợi chiến thắng sân bay Biên Hòa: “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu”. Giới chức quân sự Sài Gòn sau đó gọi ông là… “vua pháo kích”.
* Làm dậy sóng sông lòng tàu
Xác định sông Lòng Tàu là yết hầu của “Thủ đô Việt Nam Cộng hòa”, Mỹ tập trung xây dựng hàng loạt quân cảng: Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ, Rạch Dừa… thành “một hệ thống hậu cần hiện đại có khả năng chi viện cho trên 1,5 triệu quân thuộc các nước khác nhau” (báo cáo của tướng Westmoreland). Và để bảo vệ cái “bao tử” chứa đầy hàng dự trữ chiến tranh cực kỳ quan trọng như vậy, Mỹ - ngụy tăng cường sức mạnh cho “Biệt khu Rừng Sác”.
Ngày 10-8-1984, Thiếu tướng Lương Văn Nho qua đời tại chính nơi ông đang làm việc. Đại tá, TS.Hồ Sơn Đài, người có nhiều năm làm thư ký cho ông, cho biết: “Thiếu tướng Lương Văn Nho ra đi chẳng để lại gì. Cả 3 người con của ông: Phượng, Dân, Nhã đều mất trong chiến tranh. Tài sản và cả ngôi nhà ông ở cũng không còn”. |
Trước cuộc chiến đấu giành quyền kiểm soát vùng yết hầu chiến lược ngày càng trở nên khốc liệt, ngày 15-4-1966, Bộ Tư lệnh Miền quyết định thành lập Đặc khu quân sự Rừng Sác (lấy mật danh T10, sau đó đổi thành Đoàn 10) và chỉ định ông Hai Nhã làm Đoàn trưởng kiêm Bí thư Ban cán sự Đoàn 10. Ban chỉ huy Đặc khu quân sự kiêm luôn công tác chính quyền với 20 xã trong vùng rừng Sác để xây dựng thành khu căn cứ bàn đạp vững chắc, bảo đảm cho lực lượng vũ trang luôn trong tư thế tấn công địch làm tiêu hao nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của Mỹ - ngụy khi chúng di chuyển trên sông Lòng Tàu; đồng thời tích cực xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng, phát động phong trào chiến tranh du kích ở địa phương…
Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy và Trung đoàn trưởng Đặc công Rừng Sác, kể: “Ông Hai Nhã là người chỉ huy thao lược. Vừa vào T10, ông đã trực tiếp chỉ đạo đánh 2 trận vang dội làm rung động đến Ngũ giác đài của Mỹ. Trong đó có trận diệt chiến hạm Thần tượng chiến thắng Batonouge trọng tải 10 ngàn tấn đang chở 100 xe thiết giáp M113, 3 máy bay phản lực… vừa xuất xưởng sang chiến trường Nam Việt Nam trong ngày 23-8-1966, tại vàm Ngã Bảy. Ông Hai Nhã còn có những sáng kiến thần kỳ là kết hợp thủy lôi với pháo để đánh tàu, làm thủy lôi giả để biến trận địa thủy lôi trở nên giả, thật lẫn lộn khiến đối phương bối rối, tạo điều kiện cho ta dùng pháo, súng trường... ra tay “làm bàn”. Đặc biệt, nhằm khắc phục địa bàn sông nước bãi bùn lầy lội, ông chỉ đạo cho khẩu đội DKZ 75 bí mật len lỏi vào tận bờ rạch Bà Vạt nằm ngay tầm bắn của pháo binh Trường sĩ quan võ bị Thủ Đức nã liên tiếp 12 phát đại pháo vào khu vực diễu binh chào mừng quốc khánh nền Đệ nhị Cộng hòa sáng 1-11-1966 trên đại lộ Thống Nhất, ngay trước dinh Độc Lập làm “tổng thống” Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và các quan khách VIP, như: Henry Cabot Lodge, Westmoreland… đều cuống cuồng ẩn nấp dưới bục lễ đài trước sự chứng kiến của giới truyền thông quốc tế.
Sau ngày thống nhất đất nước, Đại tá Hai Nhã, Phó tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam kiêm Phó tư lệnh Đoàn 232 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được cử làm Phó tư lệnh Quân khu 7 kiêm Trưởng ban tổng kết chiến tranh B2; rồi Thiếu tướng, Phó tư lệnh kiêm Trưởng phòng Lịch sử quân sự Quân khu 7.
Trong nhiệm vụ mới, ông đã tận tâm xây dựng một đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn rất năng nổ, có tay nghề cao; nhanh chóng ra mắt hàng loạt công trình có giá trị lịch sử, như: Chiến khu Rừng Sác, Chiến khu Đ, Lịch sử miền Đông Nam bộ kháng chiến, Biên niên sử Quân khu 7, Tổng kết chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City, Chiến dịch Bình Giã…
Bùi Thuận