Trong "phái đoàn Việt cộng" được cử vào Sài Gòn tham gia Ban Liên hiệp quân sự bốn bên vào tháng 3-1973, có một người nhóm "tình báo hỗn hợp Việt - Mỹ" chưa nhận diện được là Đại tá Trần Quốc Minh, Phó trưởng đoàn kiêm Trưởng tiểu ban hai bên ...
Thiếu tướng Trần Văn Danh. |
Trong danh sách “phái đoàn Việt cộng” được cử vào Sài Gòn tham gia Ban Liên hiệp quân sự bốn bên nhằm thực thi Hiệp định Paris do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thông báo vào tháng 3-1973, đám sĩ quan “tình báo hỗn hợp Việt - Mỹ” dễ dàng nhận ra hầu hết là… “người quen”. Chỉ có một người chúng chưa nhận diện được là Đại tá Trần Quốc Minh, Phó trưởng đoàn kiêm Trưởng tiểu ban hai bên, nên chúng đặc biệt chú ý.
Rất nhanh chóng, bọn tình báo quân sự của Mỹ - ngụy đã xác định được lai lịch của “Đại tá Việt cộng Trần Quốc Minh” chính là Trần Văn Danh, bí danh Ba Trần, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Miền kiêm Trưởng ban tình báo chiến lược, đặc trách công tác tình báo, đặc công, biệt động của miền Nam Việt Nam. (Sau này Frank Sneepp, chuyên gia cao cấp phân tích tình báo về Cộng sản, đã đánh giá Trần Văn Danh là một trong 4 nhà tình báo lỗi lạc nhất của Việt Nam).
* Thăng tướng trong đêm 30-4-1975
Nhận nhiệm vụ Trưởng ban tình báo chiến lược của Ban Quân sự Miền trong tình cảnh lực lượng tình báo cách mạng ở miền Nam gần như tan rã sau 7 năm thi hành chính sách “Tố Cộng, diệt Cộng” hết sức dã man của chế độ Sài Gòn, ông Ba Trần phải xây dựng lại từ đầu. Nhưng từng bước, qua thử thách ông đã móc nối, xây dựng mạng lưới điệp báo, cài người vào những cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy, như: dinh Độc lập, tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa, cơ quan Đặc ủy Trung ương tình báo… Qua đó, nhiều thông tin tối mật của địch được thu thập, khai thác kịp thời để phục vụ cho việc chỉ đạo chiến tranh của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, Trung ương Cục và Bộ Chính trị Trung ương Đảng.
Không những xây dựng và chỉ huy hệ thống tình báo chiến lược hoạt động có hiệu quả, ông Ba Trần còn là người chỉ huy tác chiến rất dũng lược.[links(left)]
Lần đầu tiên, Bộ Tư lệnh Miền tổ chức hợp đồng tác chiến theo quy mô lớn là trong chiến dịch Phước Long. Theo đó, cánh quân của đồng chí Nguyễn Minh Châu có nhiệm vụ đánh Tánh Linh - Võ Đắc để ngăn chặn không cho Sư đoàn 18 Bộ binh ngụy yểm trợ Phước Long. Ông Ba Trần được giao nhiệm vụ “bịt tai, che mắt” địch để cho Quân đoàn 4 của đồng chí Hoàng Cầm giải quyết trận địa chính Phước Long. Nhiệm vụ của ông Ba Trần rất đặc biệt là chỉ được sử dụng một lực lượng nhỏ nhưng bằng mọi cách đánh chiếm núi Bà Đen. Đây là trung tâm viễn thông chiến lược quốc tế của quân Mỹ làm nhiệm vụ thu tin mã thám và là đài không lưu hướng dẫn B52 cùng các loại chiến đấu cơ đi oanh tạc miền Bắc và Campuchia, Lào.
Quân do ông Ba Trần chỉ huy cùng lúc phải thực hiện nhiệm vụ thứ hai là thu hút hỏa lực của Lữ đoàn 81 biệt kích dù, Sư đoàn 25 bộ binh ngụy và phi pháo của F5E đến từ sân bay Biên Hòa. Lực lượng do ông trực tiếp chỉ huy đã triển khai từ 3 hướng, bất ngờ tấn công thẳng vào cứ điểm, tiêu diệt nặng nề sinh lực địch.
Cả Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân đoàn III ngụy huy động mọi lực lượng với quyết tâm chiếm lại cho được căn cứ núi Bà Đen. Đặc biệt, chúng sử dụng chiến đấu cơ, trực thăng vũ trang phản kích rất ác liệt.
Ông Ba Trần liền thay đổi chiến thuật, cho đơn vị chuyển sang bao vây, đánh lấn, chặt đứt việc tiếp tế bằng cách không cho bất cứ một chiếc trực thăng nào đổ bộ. Quân địch rơi vào vòng nguy khốn phải tìm cách rút chạy, đã bị diệt và bị bắt sống gần hết.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Ba Trần nhận nhiệm vụ chỉ huy lực lượng đặc công và biệt động bí mật đột nhập vào Sài Gòn và vùng phụ cận để bảo vệ an toàn cho 16 cây cầu cho đại quân tiến vào giải phóng. Đặc biệt là “lót ổ” trước, không cho địch phá hoại các mục tiêu quan trọng, như: kho xăng, nhà máy điện, kho quân lương, khu vực lưu trữ hồ sơ mật của Bộ Tổng tham mưu, Phủ đặc ủy Trung ương tình báo ngụy…
Rạng sáng 30-4-1975, tại đô thành Sài Gòn vừa được giải phóng, Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng đã thay mặt Bộ Chính trị công bố thăng cấp Thiếu tướng cho ông và giao nhiệm vụ Phó chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố về an ninh và quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.Sài Gòn.
* Trên mặt trận mới
Năm 1978, qua nghiên cứu tài liệu do chế độ cũ để lại, Thiếu tướng Trần Văn Danh đã tìm thấy bản đồ án thiết kế thủy điện Trị An. Kế hoạch xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An sau đó được Trung ương Đảng, Chính phủ đồng ý và điều động ông sang làm Thứ trưởng Bộ Năng lượng kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng công trình thủy điện Trị An.
Việc 3 ông: Hoàng Cầm, Nguyễn Minh Châu, Trần Văn Danh phối hợp tác chiến, giải phóng nhanh gọn 2 cứ điểm Bà Đen, Bà Rá để giành thắng lợi cho Chiến dịch Phước Long có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên lực lượng cách mạng giải phóng hoàn toàn một tỉnh và là cơ sở khẳng định Mỹ không thể đưa quân cứu ngụy, để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương kịp đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam. |
Được Chính phủ Liên Xô đồng ý cử đoàn chuyên gia sang phối hợp khảo sát và cho vay 150 triệu USD nhận bằng thiết bị vật tư; đồng thời vận dụng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với khẩu hiệu “Tất cả cho Trị An”, “Tất cả vì dòng điện sáng ngày mai”… công trình mang tầm thế kỷ này đã hoàn thành sau 8 năm thực hiện.
Anh hùng lao động, Thiếu tướng Trần Văn Danh (1923-2002) gắn bó sâu nặng với mảnh đất, con người Đồng Nai. Gần 10 năm, ông lăn lộn trên công trường thủy điện Trị An với phần lớn thời gian làm việc đến 12 giờ/ngày.
Trước đó, từ cuối năm 1946, ông gia nhập Đội trinh sát khu 7 và được cử về Biên Hòa hoạt động. Một lần cùng với nhóm quân báo đi về làng Bửu Long nắm tình hình địch, vừa qua cánh đồng Tân Phong (nay là sân bay Biên Hòa), ông bị quân Pháp phục kích. Thời may, có một ông già đi soi ếch phát hiện đã dũng cảm đi vào chỗ địch mật phục giẫm lên người một tên lính Pháp, buộc hắn phải ngồi dậy chửi mắng, đánh động nhóm quân báo Việt Minh luồn tránh nơi khác.
“Một lần khác, cũng là giặc phục, nhưng là Việt gian. Ngay tại TX.Biên Hòa, một bà bán hàng rong thấy chúng tôi sắp lọt vào chỗ nguy hiểm liền cầm đòn gánh đuổi đánh, mắng chửi thằng con là... đồ hư. Bà chạy thẳng đến chỗ chúng tôi báo động: “Kích! Kích đó!”. Nhờ thế, cả bọn chúng tôi thoát hiểm” - cố Thiếu tướng Ba Trần đã kể.
Năm 1947, ông trở thành Đội trưởng quân báo nhánh Biên Hòa. Ngày 19-8-1948, ông được kết nạp Đảng, đổi tên thành Trần Văn Danh. Năm 1949, ông được đề bạt làm Tham mưu phó kiêm Trưởng ban quân báo tỉnh Thủ Biên. Khi tập kết ra Bắc, ông đã là Phó chính ủy kiêm Bí thư Trung đoàn ủy Trung đoàn 556, được phong quân hàm thiếu tá.
Cuối năm 1960, sau khi học tập, được đào tạo nghiệp vụ tình báo, ông Trần Văn Danh lấy bí danh Ba Trần, cùng đoàn cán bộ quân sự đầu tiên vượt Trường Sơn tìm đường về Nam. Nhận nhiệm vụ chỉ đạo công tác tình báo, đặc công, biệt động toàn miền Nam, ông vẫn xác định Biên Hòa là địa bàn chiến lược đặc biệt, nơi địch đặt nhiều căn cứ quân sự, hậu cần kỹ thuật quan trọng nên rất quan tâm xây dựng, phát triển mạng lưới hoạt động.
Bùi Thuận