Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện từ ngôi nhà cổ họ Đào ở Phú Hội

11:01, 17/01/2015

Bên cạnh vùng đất anh hùng, vùng đất có nhiều đặc sản ẩm thực, Phú Hội ngày nay còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ, dấu tích làng cổ và những câu chuyện dân gian say đắm lòng du khách... - Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội Nguyễn Vũ Anh cho biết.

Ông Huyện Thiền, người tá điền họ Đào nhặt được vàng và trở nên giàu có.
Ông Huyện Thiền, người tá điền họ Đào nhặt được vàng và trở nên giàu có.

Nhấp ly trà Phú Hội giữa tiết trời se se, ông Mai Văn Hùng, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về dòng họ Đào giàu có nhất vùng một thời với ruộng đất rộng ngàn mẫu, tá điền hàng chục người. Tuy giàu có bậc nhất vùng đất Phú Hội, ông Huyện Thiền (tức ông Đào Mỹ Thiền) vẫn không quên mình xuất thân từ tá điền nghèo.

Cha ruột ông Hùng trước kia là tá điền của ông Huyện Thiền, ông Hội đồng Liêu (con trai ông Huyện Thiền). Sau 2 lần thay đổi về chính sách đất đai (trước và sau năm 1975), đất đai của ông Hội đồng Liêu dần bị thu hẹp để giao cho tá điền. Cũng nhờ vậy, cha ông Hùng mới có đất để cấy cày và ông Hùng cưới được cháu gái ông Hội đồng Liêu giàu nhất vùng một thời mà chẳng cần “môn đăng hộ đối”.

* Câu chuyện nhặt vàng

Ông Huyện Thiền sinh năm 1864, mất năm 1939. Ông Thiền vốn xuất thân từ tá điền nghèo khó, đông con. Tuy vậy, ông Thiền rất chăm chỉ làm ăn. Do cuộc sống tá điền nghèo, thiếu thốn tứ bề nên dù bà Huyện Lước đã 9 lần vượt cạn, nhưng chỉ giữ được 4 người gồm: bà Hai Giỏi, Ba Chớ, Chín Phả và ông Bảy Liêu (tức ông Hội đồng Liêu). Theo lời kể của những người cao niên ở Phú Hội, trong một buổi vần đổi công cày đất với các bạn tá điền thân quen trên khu ruộng của mình, người tá điền họ Đào may mắn nhặt được hũ vàng và câu chuyện nhặt được vàng của tá điền họ Đào cũng khá ly kỳ, còn lưu giữ trong dân gian. “Trâu của các tá điền khác đi trước, khi lưỡi cày chạm trúng hũ vàng thì tự dưng hoảng hốt vùng chạy thục mạng về nhà. Đến khi trâu của tá điền họ Đào lướt lưỡi cày tới thì nắp đậy hũ vàng văng ra. Tá điền Thiền vui mừng tạ ơn trời đất rồi ôm hũ vàng về nhà” - ông Hùng kể.

Ông Hội đồng Liêu thời trai trẻ. Ảnh tư liệu gia đình
Ông Hội đồng Liêu thời trai trẻ. Ảnh tư liệu gia đình

Có được số vàng trời cho, người tá điền họ Đào mua ruộng, sắm trâu đàn, thuê người vỡ hoang thêm ruộng đất mới. Chẳng mấy chốc, tá điền họ Đào đã trở thành địa chủ giàu có với ruộng cao, ruộng thấp trên ngàn mẫu tại các cánh đồng: Dinh Ông, Nỗng, Long Điền, Vàm Môn... Trâu bò trong chuồng thì đông đúc, lúa đầy kho và ghe bàu to nhỏ hàng chục chiếc để vận chuyển lúa. Khi trở thành địa chủ, ông Đào Mỹ Thiền vẫn luôn đối xử tử tế với các tá điền thuê đất của ông sản xuất. “Theo lời cha tôi kể, mỗi công ruộng tá điền chỉ nộp tô cho địa chủ Thiền 3 giạ lúa (1,2 tạ)/năm. Năm nào thất mùa thì ông giảm tô hoặc cho tá điền nợ lại tiền tô, vụ sau. Nhà tá điền nào thiếu ăn thì đến ông vay mượn lúa, tiền” - ông Hùng cho biết.

Để củng cố sự giàu sang và bảo vệ tài sản, địa chủ Thiền bỏ ra số tiền khá lớn mua chức quan huyện. Vì vậy, địa chủ Thiền được dân gian gọi là ông Huyện Thiền. Ông thuê những tá điền giỏi võ nghệ trong xã, huyện bảo vệ mình và nuôi trên 20 tá điền thân cận trong nhà để phụ ông thu lúa, đốc thúc các tá điền khác làm ăn. “Ông Huyện Thiền tuy thương tá điền nhưng cũng rất nghiêm khắc với những tá điền lười biếng, gian xảo. Mỗi khi ông cưỡi ngựa đi thăm đồng nhìn thấy nông dân nào bỏ ruộng lúa cho cỏ ăn, bờ bao không đắp kỹ thì ông nhắc nhở hoặc thu lại ruộng cho tá điền khác thuê. Giàu có nhất vùng, các con của ông Huyện Thiền đều được cho ăn học và họ luôn đối xử tử tế với tá điền nghèo thuê ruộng đất của gia đình” - ông Hùng cho biết.

* Nhà cổ Huyện Thiền

Say chuyện xưa một lúc thì ông Hùng dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà cổ của ông Huyện Thiền. Hiện ngôi nhà cổ này do người con trai Đào Mỹ Ngọc quản lý. Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Đào Mỹ Trí Nhân (con trai út của ông Ngọc) cho biết, theo lời kể lại của cha ông, ngôi nhà trên được ông Huyện Thiền làm ròng rã 3 năm trời mới xong. Để dựng được ngôi nhà 3 gian đó, ông Huyện Thiền phải rước thợ từ miền Trung vào nuôi ăn ở và huy động thêm tá điền trong nhà để làm. Để tìm được gỗ quý, những người thợ phải vào tận rừng sâu Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Long Thành. Khi đã chọn được cây tốt, người thợ cho trâu đực kéo gỗ từ rừng về cũng mất mấy ngày đường.

Nhà từ đường họ Đào. Ảnh: Thanh Thúy
Nhà từ đường họ Đào. Ảnh: Thanh Thúy

Cũng theo anh Nhân, sau khi ông Huyện Thiền qua đời, ngôi nhà cổ và phần lớn đất đai giao cho ông Hội đồng Liêu (tức ông Đào Mỹ Liêu) quản lý. Ông Hội đồng Liêu có 3 người con, gồm: bà Xưởng, ông Ngọc, ông Xuân. Khi mất, ông Hội đồng Liêu giao tài sản và căn nhà trên cho con út là ông Xuân. Do ông Xuân mất sớm nên căn nhà được giao lại cho cha ông tiếp quản. “Tôi vẫn thường nghe cha kể, ông nội tôi ngoài xe ngựa, ghe bàu còn sắm luôn ô tô Tây để đi lại. Ông là người nghiện á phiện, nên khi ông mất, tá điền thân cận là út Nhỏ sau đó cũng mất theo vì không có sái để hút” - anh Nhân kể.

Theo những người cao niên ở Nhơn Trạch, ngoài dòng họ Đào nổi tiếng giàu có, còn có các dòng họ Phan, Nguyễn, Trần... môn đăng hộ đối không thua kém. “Phú Hội là vùng đất anh hùng, vùng đất có nhiều đặc sản ẩm thực, như: trà, bánh, trái cây nức tiếng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ, dấu tích làng cổ và những câu chuyện dân gian say đắm lòng du khách khi đến Phú Hội” - ông Nguyễn Vũ Anh, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội, nói

Thừa kế đất đai từ cha, ông Hội đồng Liêu vẫn tạo lập được đất đai ngàn mẫu cho mình. Sau khi mất, ông Hội đồng Liêu chia đều đất đai cho con trai, con gái quản lý. Sau lần chính quyền Sài Gòn thực hiện chính sách cải cách ruộng đất vào thập niên 60 thế kỷ trước, đất đai của bà Xưởng, ông Xuân, ông Ngọc chỉ còn lại vài chục mẫu. Vì vậy, họ không còn là địa chủ nữa, chỉ là những hộ khá giả ở vùng đất Phú Hội, Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch). Sau năm 1975, đất đai của con cháu ông Hội đồng Liêu chỉ còn đủ để canh tác và sự giàu có của con cháu Huyện Thiền, Hội đồng Liêu bị quên lãng theo thời gian.

Được sống trong một đất nước thanh bình, độc lập, tự do, con cháu ông Hội đồng Liêu phần lớn theo đuổi nghề giáo và quản lý hương hỏa của cha ông để đóng góp cho quê hương Phú Hội sau bao năm tháng thăng trầm. “Hiện ngôi nhà cổ của dòng họ Đào là một trong 23 căn nhà cổ đẹp nhất, nguyên vẹn nhất ở làng cổ Phú Mỹ 2. Mỗi năm gia đình ông Ngọc cho các đoàn làm phim, tuồng thuê quay cảnh cũng thu được gần 100 triệu đồng. Năm 2010, dự án JICA của tổ chức phi chính phủ Nhật Bản đặt vấn đề trùng tu ngôi nhà trên và được gia đình ông Ngọc đồng ý nhưng đến nay vẫn chưa thấy họ tiến hành”- ông Hùng nói.

Ông Đào Mỹ Ngọc (trái), người thừa kế ngôi nhà cổ của dòng họ Đào ở Phú Hội và con trai Đào Mỹ Trí Nhân trong ngôi nhà cổ của dòng họ Đào. Ảnh: Đ.PHÚ
Ông Đào Mỹ Ngọc (trái), người thừa kế ngôi nhà cổ của dòng họ Đào ở Phú Hội và con trai Đào Mỹ Trí Nhân trong ngôi nhà cổ của dòng họ Đào. Ảnh: Đ.PHÚ

Gió xuân nhè nhẹ thổi lên mái tóc bạc, ông Đào Mỹ Ngọc chăm chú nghiên cứu chữ Hán trong ngôi nhà cổ của mình. Người con trai út Đào Mỹ Trí Nhân hiện là giáo viên thể dục dẫn chúng tôi đi thăm nhà với lòng đầy tâm sự. Anh Nhân thổ lộ, lúc kinh tế khó khăn, gia đình ông vẫn quyết gìn giữ tất cả những hiện vật quý giá trong nhà. Mẹ ông dù tần tảo buôn gánh, bán bưng nuôi con ăn học cũng không bán đi một món cổ vật dù nhỏ nhất. “Thời gian qua, tôi cũng có sưu tập thêm vài món đồ cổ để trang trí thêm trong nhà cho đẹp. Sau này, nếu JICA không trùng tu thì gia đình tôi vẫn tiến hành trùng tu ngôi nhà bằng kinh phí gia đình” - anh Nhân bộc bạch.

Đoàn Phú

 

.

 

 

 

 

Tin xem nhiều