Trải qua quá trình chiến đấu gần 45 năm, Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 (gọi tắt TTG 22, thuộc Quân đoàn 4) đã lập nên những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia.
Trải qua quá trình chiến đấu gần 45 năm, Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 (gọi tắt TTG 22, thuộc Quân đoàn 4) đã lập nên những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Những chiến công rực rỡ của Lữ đoàn TTG 22 đã góp phần tô đậm truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội TTG anh hùng.
Đưa xe thiết giáp vượt sông. |
Đại tá Nguyễn Đình Hanh, Chính ủy Lữ đoàn TTG 22, cho biết Lữ đoàn TTG 22 được thành lập vào ngày 10-10-1970, trên cơ sở thống nhất 2 đơn vị Tiểu đoàn 20 (Trung đoàn 203) và Tiểu đoàn 21 (Trung đoàn 215), Binh chủng TTG. Ngay sau khi thành lập, tiểu đoàn mang mật danh Đoàn 2001 và hành quân bằng đường bộ vào chiến trường B2. Sau nhiều tháng hành quân gian khổ, Đoàn 2001 đã đến chiến trường Lộc Ninh - Bình Long và được biên chế vào Đoàn 26 TTG Miền, trực tiếp tham gia Chiến dịch giải phóng Lộc Ninh - Bình Long và Chiến dịch Hồ Chí Minh.
* Truyền thống vẻ vang
Mang phiên hiệu Lữ đoàn TTG 22 sau ngày đất nước thống nhất nhưng các đơn vị tiền thân của đơn vị đều ra đời, chiến đấu và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh lớn, nhỏ và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Ôn lại truyền thống của đơn vị năm xưa, ông Bùi Đình Khải, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 20, người lính xe tăng của một thời chống Mỹ tự hào cho biết, ngay sau khi vào chiến trường miền Đông Nam bộ, đơn vị đã tham gia trận đánh mở màn Chiến dịch Nguyễn Huệ xuân - hè 1972 giải phóng Chi khu quân sự Lộc Ninh, một cứ điểm phòng thủ hiểm yếu của địch ở hướng Tây Bắc Sài Gòn vào ngày 7-4-1972. Đây là trận đánh then chốt, mở màn chiến dịch và cũng là lần đầu tiên trên chiến trường Đông Nam bộ có lực lượng xe tăng ta tham chiến, đánh dấu sự lớn mạnh vượt bậc của lực lượng quân giải phóng.
Trong chiến dịch này, sau khi pháo binh bắn chi viện, lực lượng xe tăng Tiểu đoàn 20 chia thành 2 mũi đồng loạt xuất kích. Bị bất ngờ trước sự xuất hiện dũng mãnh của xe tăng quân giải phóng, quân địch hoảng sợ bỏ chạy tán loạn, một số co cụm vào khu trung tâm, chui vào công sự, hầm ngầm chống cự. Tuy nhiên, trước sự tiến công quyết liệt của quân giải phóng có xe tăng yểm trợ, địch tự động bỏ công sự tháo chạy. Trong trận này, quân ta đánh tan rã Chiến đoàn 9, Thiết đoàn 1, Thiết giáp địch, tiêu diệt và bắt sống gần 5 ngàn tên địch, thu 160 xe cơ giới, 13 khẩu pháo các loại, nhiều công sự hầm ngầm cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, giải phóng hoàn toàn Chi khu quân sự Lộc Ninh.
Trong giai đoạn 1972-1983, các đơn vị tiền thân của Lữ đoàn TTG 22 đã tham gia hàng chục chiến dịch, xuất kích 2.674 lần chiếc tăng, thiết giáp, đánh 327 trận lớn, nhỏ (riêng biên giới Tây Nam 200 trận), tiêu diệt gần 3 ngàn tên địch, bắt sống hơn 1,7 ngàn tên, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe cơ giới, lô cốt, hầm ngầm của địch... Với thành tích đạt được, đơn vị đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Binh chủng TTG, Quân đoàn 4, UBND tỉnh Đồng Nai tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. |
Từ kinh nghiệm của trận đầu ra quân thắng lợi giòn giã, vào ngày 6-1-1975, Tiểu đoàn 20 lại trực tiếp tham gia Chiến dịch đường 14 giải phóng hoàn toàn huyện lỵ Phước Long. Đây cũng là trận đánh thăm dò khả năng can thiệp quân sự của Mỹ sau khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Thắng lợi trong chiến dịch đường 14, giải phóng hoàn toàn huyện lỵ Phước Long tạo cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đưa ra quyết định đúng đắn giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm 1975-1976.
Đại tá Nguyễn Đình Hanh cho biết, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong lúc đang làm nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn - Gia Định thì ngày 23-10-1977, Lữ đoàn TTG 22 nhận lệnh hành quân bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, phối hợp với các đơn vị bạn tiến công tiêu diệt địch lấn chiếm biên giới. Trải qua hàng chục chiến dịch và 200 lần xuất kích, lữ đoàn đã góp phần cùng các đơn vị bạn tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn đội quân của tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary, bảo vệ vững chắc biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
* Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, trên bước đường đi lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội chính quy và từng bước hiện đại, được sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân trên địa bàn đóng quân, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Lữ đoàn TTG 22 đã tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi ủy, chi bộ; tăng cường công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện đảng viên gắn với việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tâm huyết với nhiệm vụ, có ý thức trách nhiệm cao trong xây dựng đơn vị và thực hiện nhiệm vụ theo chức trách.
Huấn luyện chiến thuật ở Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22. |
Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, Lữ đoàn TTG 22 đã duy trì chặt chẽ chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến ở các cấp, tích cực nắm địa bàn, tuần tra, canh gác đảm bảo an toàn đơn vị và địa bàn nơi đóng quân; làm tốt công tác dân vận, thực hiện có hiệu quả công tác chính sách hậu phương quân đội và công tác hậu cần chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ .
Đặc biệt, trong công tác huấn luyện, với phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, Lữ đoàn TTG 22 đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập, giáo án, huấn luyện đúng kế hoạch, sát thực tế chiến đấu, phù hợp với địa bàn tác chiến, đối tượng tác chiến và cách đánh truyền thống của bộ đội TTG.
Trong huấn luyện, đơn vị luôn đề cao ý thức rèn luyện kỷ luật, duy trì nề nếp chính quy và chế độ quy định. Với những nỗ lực đó, kết quả huấn luyện hàng năm của đơn vị đều được xếp loại khá, giỏi, đơn vị huấn luyện giỏi góp phần xây dựng lữ đoàn vững mạnh toàn diện, nề nếp chính quy.
Đức Việt