Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên án mang mật danh "Thị Dê"

08:02, 28/02/2015

Bị sa lầy tại chiến trường Campuchia và buộc phải xuống thang chiến tranh, bước vào năm 1971, Mỹ  và chính quyền Sài Gòn chủ trương thu hẹp phạm vi thực hiện kế hoạch "bình định đặc biệt", chuyển trọng tâm càn quét, mở rộng vùng chiếm đóng sang củng cố vùng kiểm soát bằng chương trình "Cộng đồng tự vệ và phát triển nông thôn".

Đồng chí Trương Minh Ngọc, Đội trưởng An ninh vũ trang Định Quán, người được giao nhiệm vụ bắt giữ Nguyễn Thị Dê.
Đồng chí Trương Minh Ngọc, Đội trưởng An ninh vũ trang Định Quán, người được giao nhiệm vụ bắt giữ Nguyễn Thị Dê.

Bị sa lầy tại chiến trường Campuchia và buộc phải xuống thang chiến tranh, bước vào năm 1971, Mỹ  và chính quyền Sài Gòn chủ trương thu hẹp phạm vi thực hiện kế hoạch “bình định đặc biệt”, chuyển trọng tâm càn quét, mở rộng vùng chiếm đóng sang củng cố vùng kiểm soát bằng chương trình “Cộng đồng tự vệ và phát triển nông thôn”.

Thực hiện mưu đồ mới, địch tổ chức cho các cơ quan tình báo đi vào hoạt động theo chiều sâu. Cơ quan CIA ở miền Nam đổi tên thành OSA (Office of the Special Assistant to the Ambassador) nghe rất hiền, theo tiếng Việt là “Văn phòng phụ tá đặc biệt cho đại sứ”.

* Mưu đồ thâm độc

Ở cấp tỉnh, bộ phận CIA đổi tên thành Pr.OSA (Provincal Special Assistant to the Ambassador) với các “phối trí viên” trực tiếp xuống cơ sở trọng điểm, như: các cửa khẩu, đường hành lang chiến lược... chỉ đạo hoạt động thu thập tin tức tình báo, đánh phá phong trào cách mạng cho Ủy ban Phượng Hoàng (tổ chức tình báo hỗn hợp của địch, gồm: cảnh sát, dân vệ, phòng vệ dân sự, tề ấp, tề xã và các tổ chức quần chúng do tên xã trưởng làm chủ tịch, tên trưởng phân chi cảnh sát làm phó chủ tịch…).

Thomas Polgar, một tên tình báo giàu kinh nghiệm chống nổi dậy được giao chỉ huy toàn bộ mạng lưới CIA ngụy danh thành OSA hoạt động ở miền Nam Việt Nam. Mỹ cũng viện trợ thêm một khoản ngân sách đặc biệt để tổng thống chế độ cũ Nguyễn Văn Thiệu cải tổ tổ chức tình báo và cảnh sát quốc gia.

Tại Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa, Vũng Tàu, Phủ đặc ủy Trung ương tình báo của chính quyền Sài Gòn đã cấp tốc tung những người đã được CIA đào tạo hoặc tuyển dụng vào cuộc. Đặc biệt, chúng đưa cả một biệt đội Thiên Nga vừa trải qua khóa huấn luyện nghiệp vụ tình báo xuống vùng Bà Rịa - Long Khánh hoạt động. 60 nữ “Thiên Nga” này được bố trí vào 10 kíp công nhân cạo mủ tại các sở cao su để theo dõi hoạt động cách mạng trong giới công nhân đồn điền.

Sau khi thay đổi chiến thuật, địch phát huy được cả 2 phương thức công khai và bí mật, bắt đầu phản kích lực lượng cách mạng và đã thu được một số kết quả nhất định trên cả 3 địa bàn chiến lược. Trong đó, các vụ đột kích vào căn cứ, cài người vào nội bộ lực lượng kháng chiến tăng mạnh, gây nhiều tổn thất cho cách mạng.

Trước diễn biến của tình hình mới, Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh tổ chức triển khai chỉ thị của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam về việc phát động phong trào quần chúng tham gia công tác an ninh. Qua đó, việc thành lập hội đồng bảo vệ an ninh xã, ấp được tiến hành nhằm kịp thời huy động sức mạnh của toàn dân vào công tác an ninh, tích cực góp phần đánh bại kế hoạch bình định kiểu mới của địch ngay từ cơ sở. Công tác bảo vệ cơ quan, bảo vệ nội bộ cũng được kịp thời đẩy mạnh; phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh chuyển biến mạnh mẽ.

* Lật mặt kẻ nội gián

Ngày 14-3-1971, lực lượng an ninh Định Quán được các công nhân cạo mủ của Sở cao su Lạc Sơn cấp báo có một nữ mật báo viên của Chi cảnh sát Kiệm Tân tên là Lan vừa mới xuất hiện tại địa bàn. Đồng chí Hai Bình (Phạm Thái), phụ trách An ninh Định Quán, liền cho xác minh và nhanh chóng nhận ra “đối tượng” là Nguyễn Thị Dê (tên thường gọi là Lan), vào cuối năm 1969 đã bị An ninh huyện Trảng Bom phát hiện có nghi vấn làm mật báo viên cho địch, nên đã lập chuyên án mang mật danh “Thị Dê” để tiếp tục thu thập chứng cứ thì Nguyễn Thị Dê bỗng nhiên biến mất.

Đồng chí Hai Bình quyết định giao Đội trưởng trinh sát vũ trang của An ninh huyện Trương Minh Ngọc thực hiện lệnh bắt Nguyễn Thị Dê. Không khó khăn lắm, đơn vị vũ trang chuyên trừ gian diệt ác lẫy lừng trên đất Định Quán, ngay giữa ban ngày đã ngụy trang thành lính chế độ cũ chặn xe của Sở cao su Lạc Sơn đi lấy hàng về rồi rước… chị Lan đưa về căn cứ.

Qua đấu tranh khai thác, Nguyễn Thị Dê đã thú nhận toàn bộ tội lỗi. Theo đó, vợ chồng Dê đều làm công nhân cạo mủ của Sở cao su Ông Tùng. Năm 1968, chồng Dê bị địch bắt đi quân dịch, bị đẩy ra chiến trường và chết trận ngay trong năm đó, để lại 2 đứa con nhỏ. Thấy Dê có nhan sắc lại đang trong hoàn cảnh góa bụa, tên Đường, Phó chi cảnh sát quận Kiệm Tân tìm cách ve vãn. Sau khi đã biến Lan (tên gọi sau đó của Nguyễn Thị Dê) thành tình nhân, tên sĩ quan cảnh sát ngụy ác ôn đã dần lôi kéo cô công nhân cạo mủ đi vào con đường làm mật báo viên cho hắn.

Bị khống chế cả về đời sống lẫn tình cảm, lâu dần Dê làm chỉ điểm cho địch. Dê đã cung cấp cho tên Đường nhiều tin tức có liên quan đến hoạt động của cán bộ, cơ sở cách mạng tại Sở cao su Ông Tùng. Qua đó, Chi khu Kiệm Tân đã tổ chức  phục kích, sát hại một chiến sĩ cách mạng, bắt 4 cơ sở.

Đoàn cán bộ An ninh Bà Rịa - Long Khánh.  Ảnh tư liệu
Đoàn cán bộ An ninh Bà Rịa - Long Khánh. Ảnh tư liệu

Thấy Dê làm được việc, nhưng sợ bị lộ nên Đường rút người tình hờ ra khỏi Sở cao su Ông Tùng và “đánh” vào Sở cao su Cái Sình ở Bến Nôm. Vừa đến địa bàn mới, nữ mật báo viên này đã mật báo cho Chi khu Kiệm Tân tổ chức phục kích sát hại một cán bộ, làm bị thương 2 cán bộ và bắt 5 cơ sở cách mạng ở Bến Nôm. Sau “thắng lợi” này, Đường điều người tình về Sở cao su Ninh Phát. Tại đây, Dê tiếp tục “lập thành tích” chỉ điểm cho Chi khu Kiệm Tân bắt 2 cơ sở cách mạng.

Trước những kết quả dồn dập do Nguyễn Thị Dê mang lại, tên sĩ quan cảnh sát đặc biệt Đường biết người tình kiêm mật báo viên của mình sẽ khó lọt qua mắt của “An ninh Việt Cộng” và sợ bị lộ nên quyết định điều Dê vào “khu vực an toàn”. Sau đó, xác định “lá bài” Dê đã hết tác dụng và nhan sắc của người đàn bà 2 con cũng không còn hấp dẫn, Đường xin cho Dê vào làm công trong lò bánh mì tại chợ Gia Kiệm với lời chia tay nghe chừng rất tin cậy: “Anh giao cho em một nhiệm vụ hết sức quan trọng là bí mật theo dõi đường dây tiếp tế cho Việt Cộng của đám làm công, thợ làm bánh mì trong lò này!”, rồi cắt đứt mọi sự liên lạc.

Sau mấy vụ thiệt hại trên địa bàn cao su đều có bàn tay của Chi cảnh sát quận Kiệm Tân, An ninh Định Quán qua nghiên cứu, sàng lọc nhận ra có nội gián. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cuối năm 1969, An ninh Định Quán phăng ra được nữ mật báo viên Nguyễn Thị Dê nên đã lập chuyên án đấu tranh. Chuyên án mang mật danh… “Thị Dê” đang triển khai phá án thì đối tượng biến mất.

Hơn một năm làm công trong lò bánh mì ở Gia Kiệm với đồng lương ít ỏi cùng sự lánh mặt của người đàn ông quyết chí dứt tình, Dê sống trong hoàn cảnh khá khó khăn. Nhớ đến những khoản tiền thưởng hậu hĩ sau mỗi “chiến công” chỉ điểm cho địch bắn giết cán bộ, cơ sở cách mạng, vào đầu năm 1971, Dê đến nhà riêng của tên Đường năn nỉ xin được tiếp tục làm mật báo viên. Thấy Dê trở nên tàn tạ và nghĩ đến tình xưa, Đường đã đồng ý. Đầu tháng 3-1971, Dê được “đánh” vào Sở cao su Lạc Sơn và không lâu sau đó đã bị công nhân cạo mủ phát hiện.

Chuyên án mang mật danh “Thị Dê” kéo dài hơn 4 năm và đã kết thúc có hậu. Hồ sơ vụ án đã chính thức khép lại vào ngày 18-3-1971.

Bùi Thuận

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích