Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 3.737 người nghiện ma túy, nhưng trong năm 2014 chỉ có 1 người được lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục. Những vướng mắc trong việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, giáo dục, chữa bệnh..., dẫn đến tình trạng người nghiện còn "lang thang" ngoài xã hội, gây mất trật tự địa phương.
Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 3.737 người nghiện ma túy, nhưng trong năm 2014 chỉ có 1 người được lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục.
Những vướng mắc trong việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, giáo dục, chữa bệnh... dẫn đến tình trạng người nghiện còn “lang thang” ngoài xã hội, là nguy cơ gây mất trật tự địa phương.
* Người nghiện “lang thang” ngoài xã hội
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) quy định về áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc do tòa án cấp huyện xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24-12-2007 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng ma túy, tiền chất”. Đặc biệt, ngày 17-9-2014, Tòa án nhân dân tối cao có công văn số 234/TANDTC-HS về việc “Bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất thu giữ nghi là ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại Chương XVIII các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì ở Đồng Nai (và nhiều địa phương khác) không đưa ra xét xử các vụ án về ma túy được, do hiện nay chưa có máy giám định hàm lượng ma túy.
Học viên cai nghiện tại Trung tâm Xuân Phú tham gia lao động, sản xuất. |
Những vướng mắc về thủ tục pháp lý nêu trên đã gây khó khăn trong việc giải quyết tình trạng người nghiện “lang thang” ngoài xã hội. Cụ thể, theo bà Triệu Thị Huỳnh Hoa, Phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, trong năm 2014 chỉ có một trường hợp đưa vào cơ sở giáo dục qua quyết định của Tòa án nhân dân huyện Long Thành.
Việc có nhiều người nghiện “lang thang” ngoài xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm, như: mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; trộm cắp; cướp giật… là nguyên nhân gây mất an ninh trật tự địa phương.
Đối với nhiều gia đình có con em nghiện ma túy, do không tìm ra giải pháp để cai nghiện cho con em họ cũng đã bức xúc.
* Đi tìm giải pháp
Để giải quyết tình trạng người nghiện “lang thang” ngoài xã hội, ông Nguyễn Như Hải, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội), cho biết để đưa người nghiện vào trung tâm trong tình hình cơ sở vật chất như hiện nay tỉnh phải có kế hoạch chuyển đổi Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội Xuân Phú (Trung tâm Xuân Phú) thành nhiều phân khu khác nhau theo Nghị quyết 98 về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới của Chính phủ, từ tên gọi đến mô hình đều phải thay đổi cho phù hợp với nội dung của nghị quyết. Do tỉnh không có nhiều trung tâm nên phải chia Trung tâm Xuân Phú thành các khu: điều trị bắt buộc, điều trị nghiện tự nguyện, điều trị methadone hoặc khu tiếp nhận xã hội.
Nghị quyết 98 (năm 2014) của Chính phủ quy định: “Chuyển đổi toàn bộ các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội (Trung tâm 6) hiện có thành các cơ sở điều trị nghiện ma túy với các mô hình khác nhau để tiếp nhận và điều trị người nghiện ma túy theo quy định của pháp luật… Tổ chức các Trung tâm 6 thành các: cơ sở điều trị tự nguyện; cơ sở xã hội; cơ sở đa chức năng; cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trung tâm 6 chuyển đổi một phần thì trong cơ sở có các khu: điều trị nghiện bắt buộc; điều trị nghiện tự nguyện; điều trị methadone hoặc tiếp nhận đối tượng xã hội. Các khu điều trị trong cơ sở có chung bộ máy quản lý…”. |
Đối với việc lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai, theo ông Hải hiện còn một số vướng mắc, như: cần có giấy xác nhận cai nghiện tại cộng đồng của ngành y tế đối với người nghiện; nếu người nghiện chưa có giấy chứng nhận của ngành y tế là đã từng cai nghiện tại cộng đồng thì sẽ không được xem xét. Trong khi đó, việc cai nghiện tại cộng đồng còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí và nhân lực tại các địa phương.
Đại diện của Sở Y tế thì cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận cho người đã thực hiện việc cai nghiện tại cộng đồng cần có sự phối hợp của công an địa phương.
Bà Triệu Thị Huỳnh Hoa cho rằng, việc lập hồ sơ xử lý hành chính liên quan đến việc đưa người nghiện đi cai ngành tòa án đã có sự chuẩn bị. Nhưng để tòa án có cơ sở ban hành quyết định cho người nghiện đi cai thì phải dựa trên hồ sơ của cơ quan công an gửi đến. Trong thời gian qua, ngành tòa án chưa nhận được hồ sơ nên chưa thể xem xét giải quyết.
Để giải quyết vấn đề này, Công an tỉnh đã đề xuất tỉnh trang bị máy giám định hàm lượng ma túy, đây sẽ là cơ sở điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến ma túy theo đúng quy định của pháp luật.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh (Ban Chỉ đạo 138) vào đầu tháng 2-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái kiêm Trưởng ban Chỉ đạo 138 của tỉnh đã đề nghị các sở, ngành liên quan, như: Lao động - thương binh và xã hội, Y tế, Tư pháp, Công an tỉnh… phải nghiên cứu các thủ tục pháp lý để tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra một giải pháp tốt nhất trong việc giải quyết vấn đề người nghiện “lang thang” ngoài xã hội, trong đó có việc tham khảo các địa phương đã làm tốt công tác này, như: TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng…
Trần Danh