Báo Đồng Nai điện tử
En

Biên Hòa sôi sục khí thế cách mạng (Bài cuối)

08:04, 30/04/2015

Vào những ngày này cách đây 40 năm, ông Phan Văn Trang (Năm Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy) với vai trò Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa đã trực tiếp chỉ đạo, tổ chức và triển khai các lực lượng quân dân chính Đảng kết hợp với bộ đội chủ lực tiến công giải phóng Biên Hòa - Đồng Nai.

Vào những ngày này cách đây 40 năm, ông Phan Văn Trang (Năm Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy) với vai trò Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa đã trực tiếp chỉ đạo, tổ chức và triển khai các lực lượng quân dân chính Đảng kết hợp với bộ đội chủ lực tiến công giải phóng Biên Hòa - Đồng Nai.

Nhân dân vui mừng sau khi Biên Hòa hoàn toàn giải phóng năm 1975. Ảnh: tư liệu
Nhân dân vui mừng sau khi Biên Hòa hoàn toàn giải phóng năm 1975. Ảnh: tư liệu

[links()]Giành chính quyền trong thế “30 năm chỉ có một ngày”, khắp nơi ở nội thành Biên Hòa lúc nào cũng sôi sục khí thế cách mạng.

Kế hoạch giải phóng Biên Hòa

Nhớ về những ngày tháng tư lịch sử ấy, ông Phan Văn Trang bồi hồi kể lại, 21 giờ ngày 9-4-1975, ông từ căn cứ Bàu Sao về đến Biên Hòa gặp ngay đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ, Phó bí thư Thành ủy Biên Hòa, đang “nằm vùng” để phổ biến Nghị quyết Trung ương về giải phóng miền Nam.

Suốt đêm hôm đó, kế hoạch chuẩn bị cướp chính quyền được đưa ra bàn tính kỹ lưỡng, các phương án dự phòng cũng được “lên khung” chắc chắn. Thành ủy chỉ đạo các chi bộ, cán bộ, đảng viên trong nội ô, ngoại ô thành phố phải phóng tay, phát động quần chúng và nói cho đồng bào biết đây là “thời cơ vàng mà 30 năm chỉ có một ngày”.

“Sau đó, tôi gặp các đồng chí Hai Não, Sáu Tốt để bàn về việc xây dựng Ủy ban khởi nghĩa ở xã Bửu Hòa. Những ngày sau, bằng con đường công khai hợp pháp, tôi đi khắp nơi trong thành phố để tổ chức họp với các đồng chí đảng viên, cơ sở nội thành nhằm xây dựng lực lượng” - ông Phan Văn Trang nhớ lại.

Lịch sử chiến thắng đã lặp lại một cách kỳ diệu. 30 năm trước (ngày 26-8-1945), nhân dân Biên Hòa đã chiếm Tòa bố giành chính quyền trong khí thế Cách mạng tháng Tám. 30 năm sau, một lần nữa quân dân Biên Hòa cắm lá cờ trên nóc Tòa hành chính, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quê hương. Cùng với cả nước, Biên Hòa - Đồng Nai bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất đất nước và đi lên xây dựng con đường chủ nghĩa xã hội.

Trong một tuần làm việc, các đồng chí trong Ban lãnh đạo Thành ủy Biên Hòa đã tổ chức xong Ủy ban khởi nghĩa Khu kỹ nghệ Biên Hòa và các xã: Hiệp Hòa, Tân Vạn, Bửu Hòa, Tam Hiệp, Bửu Long, Tân Tiến - Núi Đất, Bình Trước và nội ô Biên Hòa. Ngoài ra, Thành ủy còn bố trí một trung đội vũ trang chuẩn bị chiếm giữ trạm biến điện Bửu Hòa, tổ chức Đội biệt động phụ trách bảo vệ nhà máy nước.

Có 3 nhiệm vụ, kế hoạch mà Ủy ban cách mạng Biên Hòa cẩn thận giao nhiệm vụ cho các chi bộ là nhanh chóng may cờ; mua máy ghi âm, loa phóng thanh tuyên truyền đến từng địa bàn dân cư về 10 điều của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kêu gọi binh sĩ quân đội Sài Gòn bỏ súng đầu hàng, lập công chuộc tội; phát lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban cách mạng tỉnh Biên Hòa kêu gọi quần chúng nổi dậy cướp chính quyền và tập hợp lực lượng quân dân chính Đảng kết hợp với bộ đội chủ lực tiến công giải phóng Biên Hòa.

Đồng chí Tám Huệ, lúc đó là Bí thư Chi bộ chợ Biên Hòa, đã vận động tiểu thương và nhân dân góp tiền của mua vải và tham gia may cờ Tổ quốc, cờ Mặt trận cỡ lớn để chuẩn bị thay cờ của chế độ Sài Gòn ở Tòa hành chính, dinh tỉnh trưởng, Tỉnh đoàn bảo an địch, Nha cảnh sát miền Đông… Ban ngày, các tiểu thương buôn bán bình thường, đêm đến tổ chức bí mật may cờ tại nhà ông Mười Hậu.

Ngoài ra, Chi bộ chợ Biên Hòa còn may hàng trăm lá cờ cách mạng (loại nhỏ) phân phát cho các chi bộ ở xã và các hộ dân để treo trong ngày giải phóng. Còn xung quanh trụ sở Quân đoàn 3 của địch (nay là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh), đồng chí Bảy Liên đứng ra vận động nhân dân tham gia may cờ cách mạng.

Tại Khu kỹ nghệ Biên Hòa, một trong 3 khu công nghiệp lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ, Ban Công vận Thành ủy giao cho đồng chí Tôn Văn Điểu tổ chức mua vải và vợ ông là bà Hạnh may cờ để chuẩn bị nổi dậy chiếm các xưởng.

Dọn đường cho đại quân giải phóng

Những ngày cuối tháng 4-1975, đi đến đâu, từ tiệm hớt tóc, quán ăn đến một số khu chợ ở Biên Hòa, ông Phan Văn Trang đều nghe nhân dân bàn tán xôn xao về chiến thắng vang dội của quân cách mạng. Chiến thắng ở Xuân Lộc - Long Khánh trở thành thứ “vũ khí” tinh thần khiến đồng bào ta vững tin vào khí thế cách mạng đang hừng hực dâng cao ở Biên Hòa.

Chuẩn bị cho lực lượng đánh chiếm nội thành khi có thời cơ thuận lợi, ông Phan Văn Trang giao cho biệt động thành ở Hiệp Hòa, An Hảo, Bình Đa… nhanh chóng xây dựng các đội tự vệ mật và du kích mật. 9 đội phòng vệ quân sự ở các chi bộ (trung bình mỗi đội có từ 80-90 người) lúc nào cũng trong tinh thần sẵn sàng.

Bên cạnh đó, các cán bộ, đảng viên của ta được cài cắm, chui sâu vào các cơ quan đầu não, trọng yếu của địch đều được lên “dây cót” chuẩn bị cho nhiệm vụ lớn. “Nhiều sĩ quan, binh lính, cán bộ, nhân viên của chế độ Sài Gòn ở Quân đoàn 3, Nha Cảnh sát miền Đông, sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình… đều là cơ sở nội tuyến của ta” - ông Phan Văn Trang kể lại.

Trong khi đó, tại căn cứ Bình Sơn, lúc này đã có hơn 500 cán bộ của Khu ủy miền Đông về giúp chuẩn bị tiếp quản Biên Hòa. Theo kế hoạch, Bộ Chỉ huy tiền phương cùng Thành ủy Biên Hòa phối hợp với bộ đội chủ lực Quân đoàn 4 tổ chức lực lượng tiến công vào Biên Hòa. Chiến dịch mở ra bằng những trận đánh liên tục, dữ dội dọc theo quốc lộ 1. Sau khi giải phóng được Kiệm Tân, ngã ba Dầu Giây, Trảng Bom, xe tăng và bộ binh của ta gặp sự chống trả dữ dội của địch tại khu vực Suối Đĩa (Trảng Bom). Nhưng trước sức mạnh chiến đấu của quân ta, đến đêm 29-4-1975, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 5 đã về đến Hố Nai.

Sáng 30-4-1975, lãnh đạo Thành ủy Biên Hòa nhận được lệnh phải đánh chiếm Quân đoàn 3, sân bay Biên Hòa để mở đường thuận lợi cho Quân đoàn 4 tiến công về giải phóng Sài Gòn. 6 giờ sáng, bà Trương Thị Sáu, đảng viên mật của Chi bộ chợ Biên Hòa, đã hạ cờ chính quyền Sài Gòn, kéo cờ Mặt trận ở cột cờ Dinh tỉnh trưởng Biên Hòa báo hiệu cho những chiến thắng giòn giã tiếp theo của quân và dân ta.

Vào lúc 10 giờ 30 ngày 30-4-1975, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa cùng Trung đoàn 5, Sư đoàn 6 tiến vào Tòa hành chánh tỉnh Biên Hòa trước “rừng” người và cờ hoa chào đón dọc hai bên đường, không khí chiến thắng tràn ngập khắp nơi. Từ ngoại ô cho đến trung tâm thành phố, đồng bào kéo nhau ra đường tay trong tay với cờ hoa nhộn nhịp chào mừng quân giải phóng. Hàng trăm xe máy chạy theo xe bộ đội đến Công trường Sông Phố.

“Lúc ấy, chúng tôi dừng lại nói chuyện với đồng bào, thấy những giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên má họ. Mọi người đều rất vui mừng, tương phùng trong ngày đại thắng” - ông Phan Văn Trang xúc động nói.

Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều