Báo Đồng Nai điện tử
En

Đặc công giữ chốt (Bài 2)

09:04, 28/04/2015

Bên cạnh đòn tiến công chiến lược đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc, việc đánh vào các hậu cứ địch ở Biên Hòa để mở đường cho đại quân tiến về Sài Gòn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của lực lượng đặc công quân giải phóng nói chung và Trung đoàn đặc công 113 nói riêng. Bằng sự mưu trí và tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", Trung đoàn đặc công 113 đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Bên cạnh đòn tiến công chiến lược đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, việc đánh vào các hậu cứ địch ở Biên Hòa để mở đường cho đại quân tiến về Sài Gòn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của lực lượng đặc công quân giải phóng nói chung và Trung đoàn đặc công 113 nói riêng. Bằng sự mưu trí và tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Trung đoàn đặc công 113 đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

* Chuẩn bị chiến trường

Đại tá Nguyễn Thành Lộc, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc công 113 giai đoạn 1973-1976, cho biết đầu tháng 4-1975, khi Quân đoàn 4 bắt đầu nổ súng tiến công Xuân Lộc thì Trung đoàn đặc công 113 nhận lệnh tăng cường cho Quân đoàn 4 đánh chiếm các mục tiêu quan trọng bên trong hậu cứ của địch ở Biên Hòa. Lần này, Trung đoàn đặc công 113 được giao 2 nhiệm vụ. Một là đánh chiếm cầu Ghềnh, cầu Hóa An (cầu Mới) và chốt giữ ở đó để mở đường cho Sư đoàn 7 cùng Quân đoàn 4 tiến về Sài Gòn. Nhiệm vụ thứ hai là đánh chiếm căn cứ chiến đoàn 15 Thiết giáp địch ở Hốc Bà Thức để mở cửa cho Sư đoàn 7 tiến công sân bay Biên Hòa và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Quân khu 3 ngụy. Sau khi đánh chiếm cầu Ghềnh và cầu Hóa An đón đại quân tiến về Sài Gòn, Trung đoàn đặc công 113 vẫn phải ở lại chốt giữ căn cứ Thiết giáp địch ở Hốc Bà Thức và giữ vững 2 cầu không cho quân địch phá hủy.

Căn cứ Thiết đoàn 15 Thiết giáp Hốc Bà Thức sau khi bị quân ta đánh chiếm.
Căn cứ Thiết đoàn 15 Thiết giáp Hốc Bà Thức sau khi bị quân ta đánh chiếm.

Cần nói thêm, cầu Ghềnh và cầu Mới nằm ngay trung tâm TX.Biên Hòa, có vị trí cực kỳ quan trọng với địch, kể cả giao thông cũng như cơ động binh khí kỹ thuật nên không dễ gì địch để rơi vào tay quân ta. Do vậy, khi được giao nhiệm vụ, chỉ huy Trung đoàn đặc công 113 hết sức băn khoăn, vì kể từ khi thành lập (năm 1972), trung đoàn chỉ quen với cách đánh sâu, đánh hiểm, kể cả đánh xung lực, hoặc hỏa lực pháo binh và chỉ sử dụng lực lượng gọn nhẹ nhưng đạt được hiệu quả cao, sau trận đánh lại rút nhanh để bảo toàn lực lượng. Vậy mà trong trận quyết chiến lần này, Trung đoàn đặc công 113 lại được giao nhiệm vụ đánh chiếm và ở lại chốt giữ mục tiêu, một việc hết sức gay go và đầy thử thách.

Nhiệm vụ cụ thể mà trung đoàn được giao là vậy, nhưng giờ và ngày tiến công các mục tiêu thì chưa có lệnh của cấp trên. Dù vậy, Đảng ủy và Ban Chỉ huy Trung đoàn đặc công 113 đã khẩn trương họp để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Theo tinh thần chung của cuộc họp, Tiểu đoàn 9 cùng Đại đội trinh sát 53 và một bộ phận cơ quan trung đoàn tham gia đánh chiến căn cứ Thiết giáp địch ở Hốc Bà Thức; Tiểu đoàn 23 đặc công và Tiểu đoàn 174 pháo binh bố trí trận địa gần bãi khai thác đá Hóa An để hỗ trợ đánh chiếm cầu Ghềnh và cầu Mới. Toàn bộ Ban Chỉ huy Trung đoàn đặc công 113 phân công đi theo các cánh quân để kịp thời chỉ đạo cuộc tiến công khi có lệnh.

Cần nói thêm là, trong khi Trung đoàn đặc công 113 nhận kế hoạch để chuẩn bị chiến trường thì lúc này Tiểu đoàn 9 và Đại đội 53 cùng bộ phận Trung đoàn bộ còn đang ở căn cứ Tân Uyên. Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174 thì đóng quân ở đường Trần Lệ Xuân, Hiếu Liêm. Ngày 22-4-1975, Tiểu đoàn 9 và Đại đội 23 cùng cơ quan Trung đoàn bộ hành quân từ Tân Uyên về đến căn cứ Bùng Binh (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu). Ngày 26-4-1975, sau khi tập kết xong đội hình, các đơn vị tham gia các mũi tiến công mới được phổ biến thời gian cụ thể cho trận đánh vào các mục tiêu.

* Trận đánh giằng co ở Hốc Bà Thức

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, nguyên cựu chiến binh Tiểu đoàn 9, Trung đoàn đặc công 113, chia sẻ theo lệnh của trên, vào lúc 2 giờ ngày 29-4-1975, Tiểu đoàn 9 nhận lệnh chia thành 4 mũi nổ súng tấn công vào Thiết đoàn 15 Thiết giáp địch tại căn cứ Hốc Bà Thức. Chỉ sau 30 phút tiến công dũng mãnh, quân ta đã đánh tan Sở chỉ huy Thiết đoàn 15, diệt 60 tên địch, bắt sống Thiết đoàn trưởng và làm chủ mục tiêu. Nhưng trong lúc này, bộ đội chủ lực Quân đoàn 4 chưa đánh tới, Tiểu đoàn 9 phải độc lập chiến đấu trong điều kiện quân số ít, trang bị có hạn, trong khi căn cứ địch lại rất rộng, nhiều thành phần lực lượng, trang bị mạnh, sức cơ động cao, Tiểu đoàn 9 mới chỉ làm chủ được trận địa của một thiết đoàn nên địch có cơ hội phản kích bằng cả lực lượng bên trong và ngoài trận địa.

Khoảng 6 giờ ngày 29-4-1975, khi trời vừa hửng sáng, địch bắt đầu phản kích để chiếm lại căn cứ. Chúng dùng pháo, cối bắn dữ dội vào vị trí chiếm giữ của Tiểu đoàn 9 suốt 2 giờ liền và sau đó cho bộ binh, xe tăng tấn công từ nhiều hướng để chiếm lại khu vực đã mất.

Những chiến công và hy sinh lớn lao của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đặc công 113 trong trận quyết chiến cuối cùng trước ngày toàn thắng của cả dân tộc đã ghi thêm vào lịch sử đơn vị những trang sử hào hùng, oanh liệt, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Trung đoàn đặc công 113 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và của bộ đội đặc công anh hùng.

Đoán được ý đồ của địch, Tiểu đoàn 9 đã tập trung binh lực đánh mạnh vào hướng phản kích chủ yếu và kiềm chế hướng phản kích thứ yếu của địch. Trong tình huống này, Tiểu đoàn 9 đã phát huy tối đa lối đánh gần của đặc công, động viên bộ đội bình tĩnh chờ địch đến gần mới nổ súng. Ngay trong đợt phản kích đầu tiên, vấp phải sức đánh trả rất hiệu quả của quân ta, địch bị tổn thất nặng, buộc phải lui về tuyến xuất phát, cho pháo, cối tiếp tục bắn dồn dập vào trận địa của quân ta. Sau đó, địch tiếp tục đưa bộ binh và xe tăng lên chiếm lại khu vực đã mất, nhưng không thành công. Đến hơn 9 giờ ngày 29-4-1975, chúng tạm ngưng đánh để củng cố lực lượng.

Bồi hồi ôn lại chuyện 40 năm trước, giọng ông Nguyễn Quốc Hoàn bỗng chùng xuống. Ông nói, tưởng địch bỏ chạy nhưng không ngờ chỉ khoảng hơn một giờ sau đó, địch sử dụng 2 tiểu đoàn bộ binh có xe tăng yểm trợ, pháo binh chi viện tiến hành đợt phản kích mới. Sau khi dùng pháo bắn sập cổng chính và bắn vào khu vực Tiểu đoàn 9 đang chốt giữ, bộ binh và xe tăng địch liều chết xông vào trận địa của ta. Lúc này, trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt trong thế giằng co, chiến sĩ ta thương vong nhiều. Trong tình huống đó, chiến sĩ Bùi Thế Tam, y tá của đơn vị vừa làm nhiệm vụ cấp cứu thương binh, vừa trực tiếp chiến đấu, dùng súng B40 bắn gần chục quả đạn. Hết đạn, đồng chí Tam nhảy lên lô cốt dùng súng đại liên của địch quét từng loạt dài vào đội hình địch. Đến khi bị thương nặng, đồng chí Tam vẫn không rời tay súng, động viên đồng đội chiến đấu đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa đến khi các cánh quân chủ lực của Quân đoàn 4 tiến vào phối hợp tiến công thì địch mới hoàn toàn tan rã và bỏ chạy.

Đức Việt

 

Tin xem nhiều