Báo Đồng Nai điện tử
En

Trước giờ toàn thắng (Bài 3)

09:04, 28/04/2015

Trong khi trận đánh chiếm căn cứ Thiết đoàn 15 ở Hốc Bà Thức, Trung đoàn đặc công 113 phải chịu nhiều mất mát vì sự phản kích điên cuồng của địch, thì ở 2 đầu cầu Hóa An và cầu Ghềnh, cuộc chiến diễn ra rất quyết liệt, hàng chục chiến sĩ của ta đã ngã xuống để giữ vững cầu, không cho địch phá hoại khi rút chạy...

Trong khi trận đánh chiếm căn cứ Thiết đoàn 15 ở Hốc Bà Thức, Trung đoàn đặc công 113 phải chịu nhiều mất mát vì sự phản kích điên cuồng của địch thì ở 2 đầu cầu Hóa An và cầu Ghềnh, cuộc chiến diễn ra rất quyết liệt, hàng chục chiến sĩ của ta đã ngã xuống để giữ vững cầu, không cho địch phá hoại khi rút chạy, tạo điều kiện của đại quân từ Biên Hòa tiến về giải phóng Sài Gòn.

* Chiếm lĩnh trận địa

Kể lại cuộc chiến đầy ác liệt để giữ vững 2 cây cầu, ông Vũ Đức Ninh, nguyên Tiểu đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 23, Trung đoàn đặc công 113, chia sẻ trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 23 nhận nhiệm vụ đánh phá cầu Hóa An và cầu Ghềnh. Đến khi Chiến dịch Hồ Chí Minh mở ra, cấp trên lại giao cho đơn vị nhiệm vụ giữ cầu, không cho địch phá hoại cầu khi rút chạy để phục vụ cho các cánh quân chủ lực rộng đường tiến về Sài Gòn. Theo mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn đặc công 113 phải đánh chiếm mục tiêu sớm hơn dự định để cùng bộ đội chủ lực công phá tuyến phòng thủ trực tiếp Sài Gòn.

Trung đoàn đặc công 113 chiếm lĩnh trận địa.
Trung đoàn đặc công 113 chiếm lĩnh trận địa.

Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, Trung đoàn đặc công 113 đã giao nhiệm vụ này cho Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174. Đêm 24 rạng sáng 25-4-1975, Tiểu đoàn 23 có 2 đại đội pháo phản lực ĐKB của Tiểu đoàn 174 phối hợp, bí mật rời căn cứ ở Hiếu Liêm, âm thầm vượt sông Đồng Nai tiến về mục tiêu triển khai đội hình chiến đấu. Tại đây, đơn vị tiến hành đào hầm hào, công sự. Được sự giúp đỡ tích cực của cơ sở cách mạng địa phương và nhân dân nên công việc diễn ra thuận lợi, hoàn thành đúng kế hoạch dự định.

Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh mở ra, các đơn vị chủ lực đánh mạnh từ vòng ngoài thì lúc 4 giờ ngày 27-4-1975, Tiểu đoàn 23 đặc công nổ súng đánh chiếm cầu. Đại đội 1 đánh chiếm cầu Ghềnh, còn Đại đội 3 đánh chiếm cầu Hóa An. Ngay sau khi mệnh lệnh tiến công phát ra, tại cầu Ghềnh, một mũi thọc sâu của quân ta nhanh chóng tiếp cận được cầu và nổ súng. Bị bất ngờ, bọn lính giữ cầu hốt hoảng bỏ chạy. Quân ta nhanh chóng chiếm cầu và tổ chức xây dựng trận địa chốt giữ.

Tại cầu Hóa An lúc này, mũi luồn sâu của quân ta bị địch phát hiện, ngăn chặn khi còn cách cầu khoảng 500m nên quân ta phải thọc sâu, nổ súng để đánh chiếm cầu. Chỉ sau 20 phút chiến đấu, Tiểu đoàn 23 đã hoàn thành nhiệm vụ chiếm giữ cầu, bộ đội không thương vong. Tuy nhiên, khi chuyển sang nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ cầu, cuộc chiến mới thực sự gay go, quyết liệt trước sự phản kích điên cuồng của địch.

* Hy sinh trước giờ toàn thắng

Ông Vũ Đức Ninh cho biết, sau khi bị quân phải phóng đánh chiếm 2 cây cầu, bọn địch trong nội ô TX.Biên Hòa nháo nhào hẳn lên. Gần 9 giờ ngày 27-4-1975, địch sử dụng pháo từ các căn cứ Thủ Đức, Châu Thới ở lân cận bắn cấp tập vào các vị trí chốt giữ của quân ta ở 2 đầu cầu suốt gần một giờ. Sau khi dứt tiếng pháo, địch cho 2 tiểu đoàn lính dù và biệt động quân có xe tăng, máy bay yểm trợ từ nhiều hướng xung phong tái chiếm cầu.

Trước sức áp đảo của địch, bộ đội ta phải dùng B40, B41, lựu đạn, các loại vũ khí trang bị và lợi dụng địa hình, địa vật đánh trả quyết liệt. Tiểu đoàn 23 và lực lượng pháo ĐKB của Tiểu đoàn 74 đã đánh lui đợt phản kích đầu tiên, cầu vẫn giữ được nguyên vẹn. Trong cả ngày 27-4-1975, vừa chiến đấu vừa củng cố trận địa, Tiểu đoàn 23 tiếp tục đánh lui 4 đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa và cầu.

Trong cuộc chiến, bất cứ chiến thắng nào cũng có sự mất mát, hy sinh. Khi bị mất cùng lúc 2 cây cầu có vị trí cực kỳ quan trọng về mặt giao thông, địch đâu dễ gì để yên cho quân ta chiếm giữ. Rạng sáng 28-4-1975, địch điều một tiểu đoàn của Sư đoàn 18, một tiểu đoàn lính dù đóng ở khu vực Cầu Hang, có 5 trực thăng và hàng chục xe tăng yểm trợ chia thành 2 mũi đánh vào Sở chỉ huy Tiểu đoàn 23 đặt ở khu vực giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh cùng 2 chốt ta lập ở 2 đầu cầu.

Mở đầu đợt phản kích, địch cho pháo binh bắn cấp tập vào các vị trí chốt giữ của quân ta, sau đó là bộ binh, xe tăng từ các hướng xông vào trận địa. Đợt trước bị đánh lui, đợt sau xông vào, bộ binh lui về sau lại đến pháo binh, bom đạn địch đã cày nát các khu vực trận địa có quân ta chốt giữ. Càng về trưa, cuộc chiến càng trở nên ác liệt.

Đến khoảng 10 giờ, khi phát hiện Sở chỉ huy Tiểu đoàn 23, địch tập trung bộ binh, xe tăng ồ ạt xung phong nhằm diệt gọn các chỉ huy “Việt cộng”. Tại đây, lực lượng của quân ta mỏng, chỉ có Đại đội 2 làm dự bị và một trung đội pháo ĐKB, nhưng nhờ được lực lượng du kích địa phương phối hợp và được nhân dân tiếp tế lương thực, chăm sóc thương binh, các chiến sĩ của ta đã ngoan cường bám trụ chiến đấu. Lợi dụng từng mô đất, ngách hào, góc lô cốt, sử dụng cả các loại vũ khí trang bị và dựa vào cả vật cản của địch để chiến đấu, diệt được nhiều địch, thu 20 súng, buộc địch phải tháo chạy.

“Qua 3 ngày đêm (từ ngày 27 đến 29-4-1975) tiến công chiếm giữ và bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An và căn cứ Thiết đoàn 15 của địch ở Hốc Bà Thức, đã có 54 đồng đội của tôi ngã xuống trước ngày miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất” - ông Nguyễn Quốc Hoàn, cựu chiến binh Trung đoàn đặc công 113, ngậm ngùi chia sẻ.

Trong khi đó, tại các chốt bảo vệ cầu, các chiến sĩ Đại đội 1, Đại đội 3 cùng lực lượng pháo, cối Tiểu đoàn 174 đã kiên cường bám trụ, giành giật với địch từng mét đất để bảo vệ trận địa, bảo vệ cầu. Nhưng do quân số của ta ít, vũ khí trang bị hạn chế, thương vong tăng nhanh, sức chiến đấu giảm dần. Đến chiều 28-4-1975, cầu Ghềnh đã bị địch chiếm lại, ta phải rời khỏi trận địa để chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo.

Đêm 28-4-1975, Đại đội 1 tập kích chiếm lại cầu. Cả đêm đó, cán bộ và chiến sĩ đã ra sức củng cố công sự, trận địa sẵn sàng đánh địch phản kích. Đến sáng 29-4-1975, trong lúc quân chủ lực chưa đánh đến và chưa qua được cầu, Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174 vẫn tiếp tục chốt giữ trận địa. Lúc này, Quân đoàn 4 đã tiến quân đến Hố Nai, bọn địch hoang mang và tập trung lực lượng đối phó nên không tổ chức phản kích chiếm lại cầu. Đến trưa 29-4-1975, trước sức tiến công như vũ bão của quân giải phóng, toàn bộ quân địch ở Biên Hòa đã tan rã và tháo chạy.

Qua 3 ngày đêm tiến công chiếm giữ cầu Ghềnh, cầu Hóa An và căn cứ Thiết đoàn 15, Hốc Bà Thức, cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn đặc công 113 đã nêu tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, đơn vị đã chiến đấu ngay ở giữa đội hình địch quân số đông hơn gấp nhiều lần và dưới mưa bom, bão đạn khốc liệt của quân thù, hy sinh nhiều, tổn thất lớn. Có đại đội, ban chỉ huy 3 đồng chí đều hy sinh hết, có đại đội chỉ còn 4 tay súng nhưng vẫn không rời vị trí chiến đấu, kiên quyết bảo vệ trận địa, bảo vệ cầu đúng theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.      

Đức Việt

 

 

 

 

Tin xem nhiều