Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước với biết bao gian khổ, hy sinh.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước với biết bao gian khổ, hy sinh. Trong những chiến công góp phần quan trọng vào đại thắng mùa xuân 1975, chiến thắng Xuân Lộc có ý nghĩa quyết định, mở toang “cánh cửa thép” cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Trung tướng Lê Nam Phong (bìa trái) nhận quân kỳ quyết thắng trước Chiến dịch Xuân Lộc. Ảnh: Tư liệu |
Một trong những đơn vị giữ vai trò mũi tên xuyên thủng “cánh cửa thép” ấy chính là Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) dưới sự chỉ huy của Sư đoàn trưởng lẫy lừng: Trung tướng Lê Nam Phong. Ở tuổi 88, trong tâm trí của lão tướng từng trải qua hàng chục năm Nam chinh Bắc chiến Lê Nam Phong vẫn còn khắc ghi những hình ảnh rất đỗi hào hùng và không kém phần đau thương tại chiến trường Đông Nam bộ.
* Năm “Hỏa lực” của Sư đoàn 7
Đầu năm 1975, giải phóng xong Phước Long, tháng 3-1975, Sư đoàn 7 của Quân đoàn 4 di chuyển lên tỉnh Lâm Đồng, cùng với lực lượng tại chỗ từng bước tiến dọc theo quốc lộ 20 giải phóng các địa phương, như: Định Quán (ngày 17-3-1975), Bảo Lộc (ngày 28-3-1975) và đánh bật những đơn vị địch còn bám trụ tại đây. Được sự dẫn đường của Tỉnh đội Lâm Đồng, Sư đoàn 7 đánh chiếm các vị trí trọng yếu, gồm: sân bay, khu hành chính, tiểu khu của địch... Vào thời điểm đó, sau khi thất thủ ở Buôn Ma Thuột, quân địch ở đây hoàn toàn bị động. Tuy số lượng còn khá đông, nhưng chúng bị cô lập vì chia cắt, không còn khả năng tái chiếm những vùng đất đã bị quân giải phóng kiểm soát.
“Tôi được anh em đặt cho nhiều biệt danh qua từng trận đánh ở miền Đông, nhưng thích nhất là biệt danh Năm “Hỏa Lực”, vì trải qua nhiều vị trí chỉ huy, hầu như trận đánh nào tôi cũng yêu cầu các đơn vị sử dụng hỏa lực mạnh nhất có thể bắn đến bạt vía quân thù mới thôi. Giải phóng xong Lâm Đồng (ngày 3-4-1975), tôi được lệnh quay về xuôi. Lúc đó, dù nghe tin báo các mặt trận Tây Nguyên, Nam Trung bộ đang được quân giải phóng tiến công vũ bão, nhưng bản thân tôi không biết trước được Sư đoàn 7 sẽ nhận nhiệm vụ gì, rút về hậu phương hay tấn công một điểm nào đó. Cho đến lúc về đến khu vực Xuân Lộc tôi mới biết Sư đoàn 7 sẽ cùng Quân đoàn 4 và các đơn vị bạn tấn công tổng lực để nhanh chóng mở toang tuyến đường cho đại quân từ phía Bắc tiến vào” - Trung tướng Lê Nam Phong kể.
Trung tướng Lê Nam Phong kể lại, để giữ Xuân Lộc và bảo vệ Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tung vào đây một lực lượng rất mạnh, bao gồm: Sư đoàn 18 bộ binh, Lữ đoàn 1 dù, Liên đoàn 3 biệt động quân... với khoảng 12 ngàn quân. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa chỉ cách Xuân Lộc chưa tới 100km, có thể chi viện bất kỳ lúc nào. Họ đã biến Xuân Lộc thành nơi “tử thủ” để bảo vệ Sài Gòn. Chính tướng Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, đã trực tiếp đến Xuân Lộc thị sát và nhấn mạnh việc phải giữ cho được Xuân Lộc, nếu mất Xuân Lộc sẽ mất Sài Gòn.
* Nóng bừng tuyến lửa
Để phá vỡ tuyến phòng thủ kiên cố của địch, nhiều phương án được Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch đưa ra bàn, sau cùng chốt lại còn 2 phương án. Một là sẽ bao vây cô lập, cắt đường tiếp tế, khống chế trận địa pháo và sân bay buộc đối phương phải đầu hàng sau vài ngày không có tiếp viện. Phương án 2 là tập trung lực lượng đánh nhanh vào các mục tiêu và vị trí then chốt, nội trong vài ngày phải quét sạch sự kháng cự của địch khỏi tuyến đường chính mà đại quân sẽ tiến vào.
“Phương án đầu tiên do tôi kiến nghị lên cấp trên, nhưng lúc đầu không được chấp nhận vì lý do mất nhiều thời gian. Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chọn phương án thứ 2 với hy vọng đánh nhanh thắng nhanh. Nhưng do đánh giá chưa đúng tương quan lực lượng tuyến phòng thủ Xuân Lộc và sự ngoan cố của địch nên quân ta gặp nhiều khó khăn, tổn thất và không hoàn thành được mục tiêu đề ra trong 3 ngày đầu chiến dịch” - Trung tướng Lê Nam Phong nói.
Từ ngày 9-4-1975 đến 11-4-1975, quân ta đã phải chịu thiệt hại nặng nề do chọn sai phương án tác chiến trong khi địch tung quân tử thủ, đồng thời dùng máy bay ném bom ác liệt vào chiến trường nhằm cản bước tiến quân ta. Đứng trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã thay đổi cách đánh mới là chia cắt và cô lập lực lượng đối phương. Từ ngày 12-4-1975, với cách đánh mới (quay lại chọn phương án đầu tiên), Sư đoàn 7 đã phối hợp với nhiều lực lượng đánh vòng ngoài, chặn cắt các ngả đường tiếp tế, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, bẻ gãy toàn bộ các đợt phản kích của chính quyền Sài Gòn.
Trung tướng Lê Nam Phong tên thật là Lê Hoàng Thống, sinh ngày 19-5-1927 tại huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) trong một gia đình nông dân nghèo. Ông tham gia cách mạng ngày 3-4-1944 và gần 4 năm sau được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ông nguyên là Tư lệnh Quân đoàn 1, Tham mưu phó mặt trận 719, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2... |
“Thời điểm đó, quân tiếp viện của chúng tôi liên tục được bổ sung, người mới gục xuống buổi chiều, đến tối đã có ngay người khác vào thế vị trí. Chỉ vài ngày giao tranh, nhưng gần như các trung đội, đại đội còn rất ít người tham chiến từ ngày đầu chiến dịch. Khi đó, chẳng ai nghĩ đến chuyện sống chết quá nhiều, chỉ mong sớm đập tan hỏa lực phía bên kia để đại quân tiến vào, cả chiến trường gần như không khi nào ngơi tiếng súng. Từ sau trận Điện Biên Phủ, đến thời điểm đó tôi mới thấy lại một trận tấn công huy động nhiều đơn vị đến vậy” - Trung tướng Lê Nam Phong chia sẻ.
Rạng sáng 21-4-1975, tàn quân Việt Nam Cộng hòa tháo chạy, Xuân Lộc được giải phóng. Ngay sau chiến thắng Xuân Lộc, Trung tướng Lê Nam Phong nhận được lệnh tổ chức lực lượng xuyên qua Biên Hòa, thẳng tiến vào Sài Gòn, chiếm lĩnh các vị trí trọng điểm. Lúc đó, Phó tư lệnh Lê Trọng Tấn ra lệnh ai vào trước sẽ cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập. Do đó, 5 cánh quân từ 5 hướng khác nhau đã thần tốc tiến vào Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ vinh quang này.
“Trong lúc di chuyển từ Xuân Lộc đến Biên Hòa rồi Sài Gòn, chúng tôi liên tục gặp các ổ kháng cự của quân địch còn sót lại, nhất là chúng ẩn nấp trong các tòa nhà cao tầng để bắn tỉa vào đoàn quân. Cứ vài cây số chúng tôi phải để lại một toán quân nhỏ tiêu diệt địch, còn toàn quân vẫn giữ nguyên đội hình di chuyển. Khi đến cầu Ghềnh (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), vì cầu quá hẹp và yếu, xe tăng không qua được, tôi yêu cầu du kích địa phương dẫn đường, đổi hướng di chuyển, nhanh chóng băng qua cầu Đồng Nai, thẳng tiến xa lộ Biên Hòa để vào Sài Gòn.
Đăng Tùng