Nhiều năm lẻn vào rừng bẫy thú, ông Phạm Quốc Hùng (ngụ ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) hiểu rõ đường đi, nước bước của lực lượng bảo vệ rừng để ứng phó. Trong một lần vào rừng đặt bẫy, ông Hùng đã bị lực lượng bảo vệ rừng bắt quả tang. Bị cảnh cáo, ông Hùng tự thấy xấu hổ cho việc làm của mình nên giải nghệ luôn từ đó.
Nhiều năm lẻn vào rừng bẫy thú, ông Phạm Quốc Hùng (ngụ ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) hiểu rõ đường đi, nước bước của lực lượng bảo vệ rừng để ứng phó. Trong một lần vào rừng đặt bẫy, ông Hùng đã bị lực lượng bảo vệ rừng bắt quả tang. Bị cảnh cáo, ông Hùng tự thấy xấu hổ cho việc làm của mình nên giải nghệ luôn từ đó.
* Giã từ “nghề” bẫy thú
Sau khi xuất ngũ, ông Hùng xin làm công nhân trồng rừng cho Lâm trường Mã Đà. Làm được 8 năm (1984-1992) thì ông Hùng xin nghỉ việc để ra ngoài bươn chải. Nghỉ việc rồi, ông Hùng mới thấy rõ cuộc sống không đơn giản như những gì ông nghĩ.
Ông Phạm Quốc Hùng mô tả lại cảnh đặt bẫy thú năm xưa. |
Ông Hùng tâm sự, do 1,5 hécta đất trồng mì (Lâm trường Mã Đà giao khoán trước đó) không đủ nuôi sống 5 người trong gia đình, bí bách quá, ông đánh liều lẻn vào rừng đặt bẫy bắt những con thú nhỏ, như: chồn, trúc, kỳ đà, cheo, gà rừng… bán lấy tiền đong gạo, cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Loại bẫy cò ke mà ông Hùng dùng để bẫy thú được thiết kế khá đơn giản. Nó chỉ là sợi dây cáp nhỏ (bằng sợi dây cáp thắng xe đạp hoặc xe máy) có một đầu thắt thòng lọng (vòng tròn). Phần thòng lọng được đặt dưới nền đất, ngụy trang rất tinh vi. Phần đầu dây cáp còn lại được cột vào một đầu của thân cây rừng sau khi đã được chặt ngọn. Thân cây rừng khi chọn làm thân bẫy phải là loại cây nhỏ, dẻo, có độ nẩy mạnh. Để vòng thòng lọng và thân cây rừng không bị thú rừng và kiểm lâm phát hiện, ông Hùng ngụy trang rất tinh vi bằng cách lấy lá khô, cây mục phủ lên. Riêng phần đầu cây khi chặt ngọn để cột dây bẫy phải lấy đất bùn bôi lên, phần ngọn cây đã chặt thì đem bỏ chỗ khác để đánh lạc hướng cán bộ kiểm lâm.
Ông Phan Sỹ Phúc, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết trong số hơn 1 ngàn người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc, phòng chống cháy rừng của khu bảo tồn, có rất nhiều người từng là thợ rừng, dân săn bẫy thú khét tiếng một thời được đơn vị cảm hóa, tạo điều kiện sống để bỏ nghề. “Công tác truy quét nạn đặt bẫy thú vào đầu mùa mưa là nhiệm vụ quan trọng không kém công tác phòng chống cháy rừng mùa nắng hạn” - ông Phúc nhấn mạnh. |
Do từng trải với rừng, ông Hùng nắm rất rõ quy luật di trú, tìm thức ăn, di chuyển của các loài thú nhỏ tại các cánh rừng Mã Đà. Vì vậy, ông thường chọn khu vực ven suối, hồ, nơi có nhiều cỏ tranh, bụi thấp để đặt bẫy. Ông Hùng bật mí, mỗi luồng bẫy ông đặt có từ 25-30 cái thòng lọng, mỗi thòng lọng đặt cách nhau 10-15m. Theo quy luật “bất thành văn” của dân rừng, khu vực nào ông đã đặt bẫy thì người đi bẫy thú khác không được xâm phạm và ngược lại (nếu xâm phạm thì người đặt trước có quyền phá bẫy). “Thời điểm trời chập choạng tối, cán bộ bảo vệ rừng đổi ca trực, nên đó lúc thích hợp để tôi lẻn vào rừng đặt bẫy, sửa lại bẫy và gỡ thú dính bẫy mang về” - ông Hùng nhớ lại.
Thú dính bẫy được ông Hùng bỏ vào cái lồng tre và bí mật mang ra khỏi rừng. Hôm nào thăm bẫy được 3-4 con thú, ông mang ra thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) bán cho đầu mối chuyên thu mua thú rừng. Bán thú xong, ông Hùng ghé chợ mua vài chục ký gạo, ít thực phẩm, hoặc cầm tiền về lo thuốc thang cho con, trả nợ... “Suốt 14 năm bẫy thú, tôi chỉ bị phát hiện một lần và giải nghệ luôn vì xấu hổ” - ông Hùng ngượng ngùng nhắc lại chuyện cũ với chúng tôi.
* Những điều ám ảnh
Ông Hùng nhớ lại, chập choạng tối 27-6-2004, ông cầm 4 sợi dây cáp lẻn vào khu vực rừng Be 17 (Tiểu khu 98, Trạm kiểm lâm Rang Rang) để tăng cường thêm cho 2 luồng bẫy đã đặt sẵn trước đó và bắt thú dính bẫy. Đi được một đoạn thì ông giáp mặt với 2 kiểm lâm viên Tuấn và Luân. Sau khi bị 2 kiểm lâm viên Tuấn và Luân nhắc nhở, thu bẫy cảnh cáo rồi cho về, ông Hùng xấu hổ vô cùng nên bỏ luôn cái “nghề” bẫy thú. “Lúc đó tôi xấu hổ hơn là sợ bị phạt, vì họ vừa là đồng nghiệp của tôi lúc trước, vừa nhỏ tuổi hơn mình mà lại giáo dục những điều mình đã biết” - ông Hùng nói.
Ông Phạm Quốc Hùng (phải) giờ yêu tha thiết những cánh rừng, đàn thú. |
Bỏ “nghề” bẫy thú rừng đồng nghĩa với việc mất đi một nguồn thu nhập để nuôi 3 con đang ăn học (hiện 2 người con lớn của ông đã tốt nghiệp đại học, một người đang học THPT), nhưng ông Hùng không tiếc rẻ. Bỏ “nghề” được hơn tháng, ông Hùng được Trạm kiểm lâm Bà Cai (nay là Trạm kiểm lâm Suối Trâu) giao khoán 40 hécta rừng nguyên sinh để bảo vệ, đồng thời được các cán bộ bảo vệ rừng Trạm kiểm lâm Bà Cai mời tham gia trồng rừng, chăm sóc rừng, chống cháy theo từng thời điểm để có thêm thu nhập.
Ông Hùng bộc bạch, suốt những năm đi bẫy thú rừng, có 2 điều ám ảnh ông đến mãi ngày nay khi nhớ lại. Đó là lần ông nhìn thấy con trút mẹ dính bẫy đang cuộn mình ôm con nhỏ cho bú và ông đã bắt cả mẹ lẫn con đem bán. Lần thứ hai, ông Hùng bị “đàn em” bắt quả tang, giáo dục thả cho về.
Để chuộc lỗi với rừng, ông Hùng tích cực tham gia công tác trồng, chăm sóc, phòng chống cháy và bảo vệ rừng để có thu nhập lo cho gia đình. Đồng thời, ông xông xáo đi tuyên truyền, vận động các đối tượng phá rừng, săn bẫy thú rừng quay đầu, theo ông tham gia các phần việc được Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giao khoán. Nhờ đó, những tay phá rừng có tiếng như: Hai Hải, Năm Rang, Bảy Thu… lập tức bỏ nghề, quay lại cùng ông chăm sóc, bảo vệ rừng. “Trong quá trình làm rẫy, chăm sóc rừng, chúng tôi tiếp xúc với những người phá rừng, bẫy thú để tuyên truyền, lôi kéo họ cùng chúng tôi tham gia bảo vệ rừng, thú rừng; đồng thời phát hiện kịp thời những biểu hiện nghi vấn tác động xấu đến rừng để thông báo hoặc hỗ trợ khu bảo tồn ngăn chặn, xử lý” - ông Hùng cho biết.
Hành động quay về với rừng của ông Hùng được khu bảo tồn khích lệ, tạo điều kiện, nhưng ông lại bị những người phá rừng, bẫy thú cho là đập bể nồi cơm của họ nên thù ghét, chặt 50 cây điều ngoài rẫy của ông để cảnh cáo. Không dung túng cho cái sai mà bản thân hiểu quá rõ về nó, được khu bảo tồn tạo điều kiện chuộc lỗi với rừng và khi các con đã lần lượt bước vào giảng đường đại học, ông Hùng càng nhiệt huyết hơn với công việc của người công dân có trách nhiệm với rừng để xóa đi 2 điều ám ảnh, chuộc lỗi với rừng khi bước sang tuổi 55.
Đoàn Phú