Báo Đồng Nai điện tử
En

Cứu hộ ở khu du lịch

12:05, 18/05/2015

Hoét, hoét, hoét…, tiếng còi vang lên trên khúc sông vắng nằm trong Khu du lịch Bò Cạp Vàng (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch). Vừa thổi còi, nhân viên cứu hộ của khu du lịch Quách Văn Hải vừa điều khiển ca nô đến gần nơi mấy người khách đang bơi lội dùng tay ra dấu nhắc nhở khi thấy họ vi phạm quy tắc an toàn.

Hoét, hoét, hoét…, tiếng còi vang lên trên khúc sông vắng nằm trong Khu du lịch Bò Cạp Vàng (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch). Vừa thổi còi, nhân viên cứu hộ của khu du lịch Quách Văn Hải vừa điều khiển ca nô đến gần nơi mấy người khách đang bơi lội dùng tay ra dấu nhắc nhở khi thấy họ vi phạm quy tắc an toàn. “Khu du lịch tận dụng khúc sông tự nhiên nên có nhiều vị trí khá sâu, lực lượng cứu hộ luôn phải nhắc nhở khách về những quy định an toàn khi xuống tắm…” - anh Hải cho biết, rồi tiếp tục dùng ống nhòm quan sát khách tắm sông.

Đảm bảo an toàn cho khách du lịch

Đứng trước mũi ca nô neo ở giữa sông, nhóm nhân viên cứu hộ của Khu du lịch Bò Cạp Vàng luôn hướng ánh mắt về phía những vị khách đang vui chơi ở khu vực nước sâu. Thỉnh thoảng, họ lại nổ máy đi kiểm tra một vòng tại những điểm khuất tầm nhìn, cùng với nhóm cứu hộ thường trực trên bờ liên tục kiểm soát những hoạt động vui chơi tại khu du lịch. Với kinh nghiệm 14 năm làm cứu hộ tại đây, anh Quách Văn Hải cho biết một số khách ham vui có thể bơi đến những vị trí không được phép tắm, hoặc lúc bơi gặp sự cố cần sự giúp đỡ của nhân viên cứu hộ, nên việc kiểm soát khách trong khu du lịch luôn được chú trọng.

Anh Nguyễn Xuân Thanh (áo trắng) hướng dẫn khu vực bơi cho khách tại Khu du lịch Giang Điền.
Anh Nguyễn Xuân Thanh (áo trắng) hướng dẫn khu vực bơi cho khách tại Khu du lịch Giang Điền.

“Chúng tôi có 14 nhân viên cứu hộ thường trực khắp khu du lịch. Một số điểm khuất còn được gắn camera quan sát để xử lý kịp thời lỡ khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, khách trước khi xuống tắm sông bắt buộc phải mặc áo phao. Một số người chỉ mặc đối phó, nhân viên cứu hộ phát hiện phải yêu cầu họ mặc đúng quy cách rồi mới được tiếp tục tắm. Đoạn sông trong khu du lịch dài khoảng 200m, nhiều nơi sâu 6-7m. Trong những ngày cao điểm, tuy có bổ sung thêm người nhưng tổ cứu hộ vẫn phải làm việc cật lực để đảm bảo an toàn cho người tắm dưới sông” - anh Hải chia sẻ.

“Khi có tình huống xảy ra, các nhân viên trong đội cứu hộ phải phối hợp nhuần nhuyễn, ai sẽ sơ cứu, ai sẽ gọi cấp cứu khi cần thiết, ai sẽ cản bớt đám đông tiếp cận để chừa không gian cho đội cứu hộ hoạt động…, tất cả đều phải được tập một cách kỹ lưỡng và luôn chuẩn bị sẵn sàng” - ông Nguyễn Việt Hùng, Quản lý Khu du lịch Bò Cạp Vàng, cho hay.

Trước khi trở thành nhân viên cứu hộ tại các điểm du lịch, người được tuyển dụng phải trải qua một khóa học về cứu hộ do lực lượng cứu hộ, cứu nạn của địa phương huấn luyện. Hàng năm, tổ cứu hộ của các khu du lịch tiếp tục được bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng xử lý tình huống. Ngoài các quy tắc đảm bảo an toàn cho khách, người làm công tác cứu hộ phải thành thục các kỹ năng cấp cứu cơ bản nhất. Hầu hết các khu du lịch tại Đồng Nai, nhất là những khu du lịch có địa hình sông, suối tự nhiên, đều sử dụng nguồn nhân lực tại địa phương làm nhân viên cứu hộ, một phần vì thuận lợi cho việc đi lại, phần vì họ am hiểu địa hình địa phương nên thực hiện nhiệm vụ dễ dàng hơn.

Anh Trương Công Sơn, Tổ trưởng cứu hộ tại Khu du lịch Giang Điền (huyện Trảng Bom), cho biết tất cả nhân viên cứu hộ tại khu du lịch đều được ban quản lý cho kiểm tra, huấn luyện một lần nữa về bơi lội, cứu hộ để quen với môi trường làm việc trước khi bắt tay vào làm việc chính thức tại đây. “Một ngày làm việc của chúng tôi bắt đầu bằng việc đi quanh thác vớt những dị vật, lá cây, kiểm tra biển báo... Mọi việc xong xuôi cũng vừa kịp giờ khách xuống thác chơi và đến chiều thì mời khách lên trước giờ đóng cửa. Dù ngày nắng hay mưa, công việc của chúng tôi vẫn tuần tự như vậy” - anh Sơn cho hay.

Không chỉ là cứu người

Công việc của nhân viên cứu hộ ở các khu du lịch trở nên nặng nề hơn vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc các dịp lễ, tết do lượng khách thời điểm này tăng cao, áp lực công việc vì vậy cũng nhiều hơn ngày thường. Một số nhân viên cứu hộ cho hay, nhờ có kinh nghiệm làm việc nhiều năm nên họ có cái nhìn bao quát khách, biết nhóm khách nào cần được chú ý kỹ hơn, vị trí nào nước sâu và khách tắm dễ bị hụt chân...

Tại Khu du lịch Bò Cạp Vàng, ngoài 2 ngàn áo phao luôn sẵn sàng, tổ cứu hộ còn được trang bị 3 ca nô máy và bộ dụng cụ lặn để thường xuyên kiểm soát những nơi khách tắm. Còn ở Khu du lịch Giang Điền, do mực nước của thác không quá sâu nên ban quản lý chỉ cử nhân viên chốt tại hai bên bờ để kiểm soát và nhắc nhở khách không vượt quá khu vực bơi lội.

Ca nô cứu hộ của Khu du lịch Bò Cạp Vàng kiểm soát an toàn cho khách.
Ca nô cứu hộ của Khu du lịch Bò Cạp Vàng kiểm soát an toàn cho khách.

“Nhiều lúc thấy khách chơi tại những vị trí nước sâu mà không mặc áo phao, tui tới nhắc còn bị họ phản ứng lại. Nhưng để đảm bảo an toàn cho khách, dù họ có phản ứng thế nào mình vẫn phải buộc họ tuân theo quy định” - anh Nguyễn Xuân Thanh, nhân viên cứu hộ của Khu du lịch Giang Điền, tâm sự.

Phần đông người đến vui chơi, cắm trại tại các khu du lịch thiên nhiên đều đi theo nhóm hoặc gia đình nên việc nấu nướng, uống bia là điều không thể tránh khỏi. Do một số thời điểm tiết trời oi bức nên không ít vị khách sau khi có hơi men đã đòi xuống sông, thác tắm cho mát. Theo nhiều nhân viên cứu hộ tại các khu du lịch, đây là việc làm nguy hiểm cho bản thân người khách và những người vui chơi xung quanh. Vì vậy, với những người đã say xỉn, nhân viên cứu hộ luôn ngăn họ xuống sông, thác tắm hoặc chơi các trò mạo hiểm.

“Nhiều người khách dù có mặc áo phao, nhưng do không cài quai đúng quy cách nên lúc xuống nước bị bung, hoặc do họ thấy khó chịu nên tự động tháo ra, sau đó không lường trước được độ sâu nên bị đuối nước. Khi đó, chúng tôi phải nhanh chóng ném phao và lao xuống nước đưa họ lên. Bất kể ngày nắng hay mưa, dù có khách hay không, tổ cứu hộ vẫn phải mặc áo mưa thường trực tại những chốt đã được phân công. Nhất là vào mùa mưa bão, khu du lịch vẫn mở cửa thì chúng tôi vẫn phải túc trực vớt những dị vật trôi từ đầu nguồn thác Giang Điền để giữ an toàn cho khu vực khách vui chơi” - anh Sơn cho hay.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích