Cùng với Thảo cầm viên ở TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm khảo cứu lâm học Lang Hanh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), Trung tâm khảo cứu lâm học Trảng Bom (nay là Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ) là một trong 3 khu vườn thủy lâm đầu tiên do người Pháp lập ra ở Đông Dương.
Cùng với Thảo cầm viên ở TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm khảo cứu lâm học Lang Hanh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), Trung tâm khảo cứu lâm học Trảng Bom (nay là Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ) là một trong 3 khu vườn thủy lâm đầu tiên do người Pháp lập ra ở Đông Dương.
Những thân cây cổ thụ to lớn |
Năm 1905, cơ quan thủy lâm Đông Dương do Paul Maurand (người Pháp) chủ trì đã thiết lập tại Trảng Bom một trung tâm khảo cứu lâm học với mục đích nghiên cứu sự tăng trưởng của cây rừng, sự phù hợp với điều kiện tự nhiên của cây rừng bản địa trong môi trường nhân tạo với những điều kiện và phương pháp gây trồng khác nhau.
* Lưu giữ những loài cây quý
Ngay từ khi mới hình thành, ở đây đã có một vườn sưu tập làm thí nghiệm khoảng 50 loài (cây mọc tự nhiên), với diện tích ban đầu khoảng 300 hécta đất rừng. Theo một số tài liệu còn lưu giữ, vườn được chia làm 3 phân khu, bố trí trồng các loại cây có đặc điểm, giống loài riêng biệt. Khu phía Bắc trồng cây có hình dáng mỹ thuật, khu phía Đông trồng cây rừng lớn và khu phía Tây là những giống cây mới đưa về từ khắp mọi nơi.
Vì các giống cây cũ già cỗi và bị nấm bệnh nên vào năm 1944, vườn sưu tập đã bị đốn bỏ để trồng lại. Sau khi trồng mới, vườn thực vật Trảng Bom có 150 loài thực vật thuộc 48 họ, với nhiều loại cây du nhập từ nước ngoài mang về tạo nên sự đa dạng và phong phú về chủng loài thực vật.
Khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung tâm khảo cứu lâm học được Viện Khảo cứu thuộc Bộ Canh nông của chính quyền Sài Gòn quản lý. Sau năm 1975, trong số 300 hécta của trung tâm chỉ giữ lại vườn sưu tập thảo mộc và sau này được đổi tên thành vườn sưu tập thực vật Trảng Bom.
Ông Trần Hữu Biển, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ, cho biết: “Ngoài vườn sưu tập thực vật Trảng Bom, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ còn có thêm vườn thực vật Bầu Bàng (Bình Dương) với diện tích 10 hécta, quy tụ 153 loài của 52 họ vô cùng phong phú, quý hiếm”.
|
“Trải qua quá trình dài với nhiều thăng trầm lịch sử, bao lần thay tên đổi chủ, vào năm 2013, Trung tâm khảo cứu lâm học Trảng Bom chính thức trở thành Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ, thuộc sự quản lý của Viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ” - ông Trần Hữu Biển, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ, cho biết.
Đến nay, sau 110 năm ra đời, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ còn lại diện tích khoảng 7 hécta, với 279 loài thuộc 67 họ (10 loài chưa biết tên). Thống kê của trung tâm cho thấy, số lượng cây gỗ có tuổi đời từ 70-110 ở vườn thực vật chiếm 10%, độ tuổi 30-70 chiếm 60%, số còn lại là cây mới trồng, cây trên 10 tuổi… Trong vườn có nhiều loại cây quý được đưa từ các nơi khác đến trồng, như: lim, lát hoa, chiêu liêu, cây giòn Ấn Độ…
Vườn thực vật với số lượng lớn cây bách niên được các chuyên gia về thực vật đánh giá là “bảo bối” quý hiếm còn sót lại giữa thời buổi đô thị hóa. “Ngoài giá trị rất cao về đa dạng sinh học, ở đây còn nhiều loài thực vật quý hiếm chưa được nghiên cứu triệt để kể cả về mặt bảo tồn, khai thác giá trị sử dụng. Pơ mu, bách xanh, đinh tùng… là các loài cây bản địa quý hiếm cần được nghiên cứu bảo tồn” - ông Biển tâm đắc chia sẻ.
* “Lá phổi” xanh của Trảng Bom
Điểm khác biệt ở Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ không chỉ là “bộ sưu tập” đồ sộ của những giống, loài cây lâm nghiệp quý hiếm, cổ thụ, mà còn giá trị bởi vườn thực vật như một khu rừng thu nhỏ. Ở đây, ngoài thảm thực vật phong phú còn là nơi điều hòa khí hậu, “lá phổi” xanh tuyệt vời cho thị trấn Trảng Bom. Những cây cổ thụ to, tán lá trải rộng, thân cây phải từ 2-3 người ôm không xuể.
Qua nhiều năm, lượng lá khô tích tụ đã tạo nên lớp mùn dày giống như một tấm nệm mềm mại che khuất các lối đi “xương cá” bên dưới. Trong vườn nhiệt độ khá lý tưởng, trung bình luôn duy trì ở ngưỡng gần 250C. Vào các tháng 4-5 cao điểm của mùa khô ở miền Đông Nam bộ, nhiệt độ ở đây chỉ khoảng 310C.
Phòng Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học ở Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ. |
Những người gắn bó lâu năm với trung tâm cho biết, cách đây khoảng 5-10 năm, đi trong vườn thực vật dễ dàng bắt gặp lượng lớn các loài vật, như: rắn, tắc kè, sóc… Nhưng theo thời gian, do tác động của con người (bị bắt trộm), số lượng loài đã giảm xuống. Tuy nhiên, trên những cành cây cổ thụ hiện vẫn có hàng chục tổ ong “khủng” bám trụ sinh tồn.
Khu vườn hiện không chỉ là nơi sưu tầm và tập trung các loài thực vật của Việt Nam và nước ngoài, mà còn là điểm nghiên cứu của các nhà chuyên môn và học sinh, sinh viên về sinh vật học. “Hơn 20 năm làm ở đây, tôi đã tiếp đón không biết bao nhiêu đoàn nghiên cứu, chuyên gia về thực vật học, ai cũng tấm tắc khen ngợi giá trị sinh học của khu vườn này” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó phòng kỹ thuật nghiên cứu lâm sinh của trung tâm, tâm sự.
Là người gắn bó với vườn thực vật, thường xuyên theo dõi đánh giá quá trình sinh trưởng cũng như kịp thời có biện pháp xử lý bệnh cho mỗi loài cây, ông Tuấn xem nơi đây như căn nhà thứ hai của mình. Nhiều đợt đi công tác nơi khác, ông Tuấn và các đồng nghiệp luôn cố gắng mang bằng được một giống cây bản địa, đặc trưng ở đó để về bổ sung vào vườn thực quyển. Cũng có không ít lần, họ phải mất ăn quên ngủ khi chưa khám phá ra hết đặc tính cũng như không thể đặt tên cho giống cây lạ.
Với những người trực tiếp làm công tác bảo tồn, sưu tầm các giống cây quý ở Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ, việc giữ gìn nguyên trạng vườn thực vật trăm tuổi vô cùng quan trọng. Họ được ví như người giữ “rừng” đầy tâm huyết và đam mê. “Hiện chúng ta chưa khám phá hết những lợi ích quý giá của các giống cây này, nhưng tương lai con cháu ta sẽ làm được việc đó. Vì vậy, phải giữ gìn bằng được vườn cây có lịch sử lâu đời và rất quan trọng này” - ông Nguyễn Kiên Cường, Trưởng phòng nghiên cứu giống và công nghệ sinh học của trung tâm, tâm sự.
Thanh Hải
.