Tháng 3-1960, Tỉnh ủy Biên Hòa cử đồng chí Ba Đắc (Nguyễn Trọng Cát, nguyên Bí thư Huyện ủy Long Thành) trở lại khu vực lòng chảo Long Thành - Nhơn Trạch đang bị địch đánh phá ác liệt để củng cố phong trào và triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng.
Đồng chí Hai Sơn, người chỉ huy đơn vị 19-5 và vợ trong ngày tuyên hôn (ảnh do gia đình nhân vật cung cấp). |
Tháng 3-1960, Tỉnh ủy Biên Hòa cử đồng chí Ba Đắc (Nguyễn Trọng Cát, nguyên Bí thư Huyện ủy Long Thành) trở lại khu vực lòng chảo Long Thành - Nhơn Trạch đang bị địch đánh phá ác liệt để củng cố phong trào và triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Lúc ấy, Huyện ủy Long Thành (đặt tại xóm Hố, xã Phú Hội, hiện nay thuộc huyện Nhơn Trạch) đã đứt liên lạc với Tỉnh ủy Biên Hòa gần 2 năm do địch phong tỏa chặt quốc lộ 15 (nay là quốc lộ 51) vào tận liên tỉnh lộ 25 và đang thực hiện chiến dịch tố cộng, diệt cộng, tung bọn công dân vụ, mật vụ vào từng nhà nằm trong diện cơ sở cách mạng lùng sục…
Địch còn chọn Khu căn cứ Hang Nai làm điểm xây dựng khu trù mật, đồng thời mở ra con đường cắt ngang yết hầu khu lòng chảo Nhơn Trạch.
RA ĐỜI TỪ NGHỊ QUYẾT 15
Trong hoàn cảnh gian nan, bị địch o ép, Nghị quyết 15 được triển khai ở Long Thành đã tạo ra niềm phấn khởi to lớn trong cán bộ, đảng viên lẫn quần chúng trung kiên với cách mạng. Đồng chí Ba Đắc bàn với đồng chí Tư Định (Võ Văn Lượng) trước mắt củng cố lại lực lượng vũ trang. Qua đề xuất, Tỉnh ủy Biên Hòa đã điều về cho Long Thành một tiểu đội với 10 khẩu súng. Cùng lúc, Huyện đội Long Thành được lệnh rút du kích các xã về bổ sung lực lượng. Trong đó, nòng cốt là lực lượng du kích xã Long Tân do đồng chí Hai Sơn làm Xã đội trưởng có quân số đông và mạnh nhất. Trung đội vũ trang đầu tiên của huyện Long Thành ra đời sau Đồng Khởi như thế, do đồng chí Mười Nông phụ trách.
Trong khí thế sôi nổi, toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong trung đội vũ trang đề nghị lấy ngày sinh của Bác Hồ (ngày 19-5) đặt tên cho đơn vị. Với tư cách phái viên của Tỉnh ủy Biên Hòa ở Long Thành, đồng chí Ba Đắc tuyên bố đồng ý với thỉnh cầu này, nhưng đề nghị toàn trung đội ra sức rèn luyện, đợi đến khi lập được thành tích xứng đáng mới được gọi tên là “Đơn vị 19-5”.
Để mở màn cho phong trào nổi dậy, Huyện ủy Long Thành quyết định tạo khí thế cho quần chúng trấn áp địch bằng cách phải diệt những tên ác ôn khét tiếng trước nhằm gây cho địch hoang mang. Mười Hiếm là tên mật thám ác ôn ở Long Thành được chọn lãnh án đầu tiên. Xuất thân trong một gia đình địa chủ ở ấp Ba Gioi (nay thuộc xã Phước An, huyện Nhơn Trạch), Mười Hiếm với nhiều thủ đoạn đánh phá cách mạng rất hiểm ác đã nhanh chóng thăng chức Đại úy an ninh quân đội biệt phái qua Nha Đặc cảnh miền Đông. Khi Mỹ chính thức ra tay điều khiển chính trường miền Nam, Đại úy đặc cảnh Mười Hiếm được giao phụ trách tổ chức mạng lưới tình báo toàn bộ khu lòng chảo với vỏ bọc đầu nậu thu mua lúa gạo ở vùng Long Thành.
TÁO BẠO DIỆT ÁC
Qua triển khai diệt ác, cả 3 lần trung đội vũ trang Long Thành tổ chức “thi hành án”, Mười Hiếm đều “đánh hơi” tránh kịp. Từ đó, Mười Hiếm đến sống và ở biệt trong dinh quận trưởng Nhơn Trạch.
Sau đó, được một cơ sở báo tin “Đại úy Hiếm” sẽ về đình Phước An cúng, các đồng chí: Tư Định, Tư Thanh, Minh Chính (trong Ban Thường vụ Huyện ủy) và Hai Sơn đã tổ chức phục kích chung quanh đình, nhưng suốt cả buổi tối không phát hiện ra mục tiêu. Mãi đến 12 giờ khuya, khi cúng đình xong, Mười Hiếm mới bị nhận diện. Lúc này, các đồng chí Hai Sơn và Tư Thanh đã ra tay kết liễu tên mật thám ác ôn, vay nhiều nợ máu với cán bộ, nhân dân Nhơn Trạch - Long Thành.
Việc “Việt cộng” diệt Đại úy Hiếm đang còn gây náo động khắp vùng thì liền sau đó, một loạt chốt dân vệ ở Giồng Ông Đông, Long An, Long Tân, Phước An, xóm Chùa, xóm Quán, xóm Hố… bị tấn công. Đặc biệt, vào lúc 7 giờ sáng 16-11-1960, chợ Phước An đang đông, hầu hết binh lính của trung đội bảo an đang la cà ngồi quán cà phê tán gẫu thì đột nhiên xuất hiện một toán lính bảo an từ Bàu Bông kéo đến nổ súng hướng vào Nhà hội xã Phước An. Cả một trung đội dân vệ không kịp trở tay, bỏ chạy tán loạn. Lực lượng vũ trang huyện Long Thành do đồng chí Hai Sơn chỉ huy trong quân phục lính bảo an đã xông vào nhà hội lấy toàn bộ sổ sách, hồ sơ, tài liệu của địch mang ra đường lộ đốt, thu 6 súng và rút lui an toàn.
Với trận đánh ngoạn mục này, đồng chí Ba Đắc cùng Ban Thường vụ Huyện ủy Long Thành cho phép lực lượng vũ trang huyện được chính thức lấy tên 19-5, sau đó mọi người cứ gọi là “Đơn vị 19-5”. Từ đó, chỉ huy đơn vị 19-5 cũng chính thức được giao cho đồng chí Hai Sơn, một du kích quân 30 tuổi có dáng người mảnh khảnh, trắng trẻo, nói năng nhỏ nhẹ.
MƯU TRÍ CÔNG ĐỒN, PHÁ CHỐT
Với tài chỉ huy mưu lược, đồng chí Hai Sơn cùng đơn vị 19-5 mở ra hàng loạt trận công đồn, phá chốt vang danh, như: Cầu Đen, Bàu Cá, Long Hiệu, Quán Tre, Bà Trường, Sở Ngựa… Trong đó, nổi tiếng nhất là trận phá đồn Phước Thọ vào cuối năm 1962.
Để chào mừng sự kiện thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Huyện ủy Long Thành chỉ đạo phải diệt đồn Phước Long để mở lộ 19. Do trên đường lộ này địch đóng tới 3 đồn lớn và 2 chốt án ngữ, trong đó đồn Phước Thọ nằm giữa tỉnh lộ 19 do một trung đội dân vệ phòng thủ. Được giao nhiệm vụ, các đồng chí: Tư Nhượng, Năm Trị sau khi điều nghiên thấy… “khó ăn” đã cầu viện đơn vị 19-5.
Đồng chí Hai Sơn tên thật Phan Văn Hai (1929-1963), sinh ra trong một gia đình trung nông có nhiều vườn, ruộng, trâu bò ở ấp Long Hiệu, xã Long Tân, quận Nhơn Trạch. Năm 1947, khi vừa đúng 18 tuổi, Phan Văn Hai thoát ly gia đình đi du kích và lấy tên Sơn nên đồng đội gọi là Hai Sơn. |
Trực tiếp đến bàn kế hoạch tác chiến, chỉ huy Hai Sơn rất mừng khi biết trong đồn Phước Thọ có 2 dân vệ là nội ứng tin cậy đã từng cứu thoát nữ xã đội trưởng Tư Xuân Mai bị địch phục kích bắt được định đem thủ tiêu. Đồng chí Hai Sơn đã bàn với 2 đồng chí Tư Nhượng và Năm Trị, bí mật đưa tiền cho 2 nội ứng tổ chức đánh bài và sau đó mở tiệc nhậu ăn mừng…
Sự việc diễn ra đúng kế hoạch, bọn lính dân vệ trong đồn say mèm, nhiều tên còn gục ngay trên bàn nhậu. Khi 2 dân vệ nội ứng của ta ra ám hiệu, lực lượng 19-5 cùng du kích Phước Thọ đồng loạt nổ súng và nhất tề xông vào đồn. Trận đánh xảy ra không đầy 20 phút, quân ta tiêu diệt và bắt sống 32 tên địch, thu 29 súng các loại. Hai dân vệ làm nội ứng được Huyện đội cấp giấy khen đã xin được đổi tên thành Đoàn và Kết, tình nguyện xin vào làm lính cho đồng chí Hai Sơn để trở thành chiến sĩ “Đơn vị 19-5”.
Trận đánh chốt Bến Gỗ cũng làm cho tên tuổi “Đơn vị 19-5” và chỉ huy Hai Sơn vang lừng không kém. Để lập thành tích chào mừng sinh nhật Bác Hồ, sáng 15-5-1963, đồng chí Hai Sơn dẫn một tiểu đội giả làm lính quận đón 2 chiếc xe lam chở đến chốt địa phương quân tại Bến Gỗ và bất thần xông vào diệt gọn 13 tên lính, thu 13 khẩu súng rồi bình tĩnh cho xe chạy ngược về cầu sông Buông, luồn về Tam An. Trận đánh được Ban Thường vụ Huyện ủy Long Thành đánh giá cao: “Tuy lực lượng chưa mạnh nhưng đã thọc sâu, bằng mưu cao, mẹo giỏi, dũng cảm, đánh địch ngay ban ngày, gần nơi chỉ huy của địch mà chúng không kịp đối phó”.
Bùi Thuận