Mùa nắng hạn, những con rạch nhỏ chằng chịt dẫn vào các ruộng mía ở các xã: Phước Khánh, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch)… bắt đầu khô nước. Nước cạn ghe lớn không vào được, nông dân phải thuê những chiếc ghe nhỏ chở mía từ ruộng đến nơi giao bán cho thương lái, nhưng không phải lúc nào cũng thuê được dễ dàng.
Mùa nắng hạn, những con rạch nhỏ chằng chịt dẫn vào các ruộng mía ở các xã: Phước Khánh, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch)… bắt đầu khô nước. Nước cạn ghe lớn không vào được, nông dân phải thuê những chiếc ghe nhỏ chở mía từ ruộng đến nơi giao bán cho thương lái, nhưng không phải lúc nào cũng thuê được dễ dàng.
Lái ghe chui qua cầu trên sông. |
Chở một lượng lớn mía trên chiếc ghe nhỏ xíu, cố lách giữa những con rạch chằng chịt, hẹp và sắp cạn nước đối với những người lái ghe thuê là một thử thách.
* Chở mía thuê là nghề “hot”
Vào các tháng mùa khô, việc thu hoạch mía của nông dân trồng mía xã Phước Khánh lại gặp khó khi nước trên các con rạch nhỏ dẫn vào ruộng mía xuống thấp. Đường tới các ruộng mía ngoằn ngoèo và khá xa, việc đi lại không hề đơn giản, đến khi nước cạn, hiếm có ghe lớn nào vào được sâu. Nhu cầu lớn, nhưng lượng ghe ít nên vào ngày cao điểm của đợt thu hoạch, nông dân kiếm đỏ cả mắt cũng không ra chiếc ghe nào. Lái ghe chở mía trở thành nghề “hot” của không ít người dân sinh sống quanh đây.
Ngày thường, sau khi sử dụng xong, ghe được vệ sinh sạch sẽ, hong cho khô nước rồi tháo động cơ đem treo lên cao. Đến khi vào mùa thu hoạch mía, thợ lái lại đem ghe ra gắn máy lái để bắt đầu vào mùa chở mía thuê. Ở các ấp 1, 2 của xã Phước Khánh, có trên dưới 60 ghe loại này. Đội ngũ lái ghe thuê từ đó hình thành tương tự như những người gắn bó với công việc chạy xe ôm, ba gác…
“Không nơi nào ở Đồng Nai có nhiều ghe như ở đây vì cuộc sống của bà con gắn liền với sông nước. Mỗi năm, chỉ có một đợt đi chở mía thuê, những ngày còn lại ghe “đắp chiếu”. Vậy nên chúng tôi cố gắng chạy ghe trong mấy ngày này, một mùa làm, ăn cho cả năm” - anh Đỗ Văn Nhân (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh) cho biết.
Ở xóm lái ghe thuê mà gia đình anh Nhân sinh sống, hầu như hộ nào cũng có từ 1-2 chiếc ghe, nhiều người còn bỏ ra số tiền lớn đóng vài chiếc ghe, coi như sắm đồ nghề làm kế sinh nhai. Những chiếc ghe thường được đóng bằng gỗ mít khá chắc chắn, chiều dài không quá 8m, bề rộng khoảng 1,5m. Với dân sông nước, dùng chúng để vận chuyển nông sản thuận tiện không gì bằng.
“Nhà tôi có hơn 1,5 hécta mía, giờ nước cạn quá nên đến kỳ thu hoạch chúng tôi vẫn chưa dám thuê người chặt. Mấy năm nay, cứ vào mùa khô hạn là nông dân lại vất vả thuê ghe chở mía, nhiều khi phải chờ họ chở xong cho người ta rồi mới đến lượt mình. Thời gian chờ có khi phải 2-3 ngày, mía giảm chất lượng còn mình bỏ tiền thuê chở không hề rẻ” - bà Trần Thị Hoa (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh) rầu rĩ nói. |
Loại ghe này có lợi thế là dễ dàng di chuyển, luồn lách trên các con rạch nhỏ, hẹp ở vùng trồng mía. Chiếc ghe chở lượng mía khá nặng, di chuyển chậm chạp mỗi khi qua đoạn cua hẹp. Vì thế, người ngồi đầu ghe phải đánh tay lái hoặc nhảy xuống nước dùng sức mạnh để hướng chiếc ghe tiến về phía trước sao cho nước không tràn vào trong.
“Làm nghề này trên ghe phải có ít nhất 2 người. Thường cầm máy chèo là đàn ông, họ phải phán đoán con nước ở khúc rạch nào cao thấp, nhiều hay ít từ đó mà nổ máy. Nếu nước cạn, cả hai người phải dùng sào đẩy ghe đi. Lúc này, ghe nặng lắm nên rất vất vả, đổ mồ hôi” - ông Bảy (ngụ ấp Bến Đình, xã Phú Đông) cho hay.
Hơn chục năm chở ghe thuê, hầu như khúc sông, con rạch nào, dù nước lớn hay cạn ông Bảy đều am hiểu như lòng bàn tay. Đến việc làm cách nào để vượt qua đoạn nhiều bùn sình lầy lội dù phải chèo tay, ông cũng nắm rõ.
Mỗi ngày vợ chồng ông Bảy chở gần chục chuyến, công việc cứ thế kéo dài cho đến khi số mía nhận chở ở trên ruộng không còn. Mỗi chuyến họ được trả tiền công từ 100-130 ngàn đồng tùy vào quãng đường di chuyển, trong đó chi phí cho xăng dầu chạy ghe chiếm hơn phân nửa. Trời hạn, người làm nghề này càng ăn nên làm ra.
“Dịp này, tiền kiếm được cũng khá, nhưng không phải dễ dàng. Đến đoạn rạch khó cực thân lắm, lại không may để nước tràn vào, giảm chất lượng mía chẳng biết ăn nói thế nào với chủ mía” - ông Bảy nói.
* “Đỏ mắt” thuê ghe
Thông thường, bãi tập hợp các ghe chở mía cho thương lái ở ngã ba đê Ông Kèo thuộc ấp 1, xã Phước Khánh. Vào mùa thu hoạch mía, trên bến dưới sông lúc nào cũng nhộn nhịp người qua kẻ lại. Mía từ ghe tập kết về đây, sau đó đưa thẳng lên xe tải, tàu lớn chuyển đến nhà máy đường. So với nơi khác, khúc sông này nước dâng cao quanh năm nên thuận bề cho ghe xuồng vào ra. Từ đây, có con sông nhỏ chảy dài, dẫn thẳng vào các ruộng mía lớn, sau đó mới chia tách thành hàng trăm con rạch nhỏ.
Điểm tập kết của các ghe chở mía thuê. |
Theo người dân ở đây, lúc mấy con rạch len lỏi trong các ruộng mía mới đào, nước chảy vào đây vô tư, cao điểm mùa khô cũng không lo cạn, loại ghe chở được khoảng 4-5 tấn dễ dàng di chuyển. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, rạch hẹp dần, bùn mỗi lúc một nhiều nên ghe lớn không còn chạy nữa.
“Ghe nhỏ chở ít, nhưng chạy nhanh hơn và ở đâu cũng luồn lách được. Nếu không dặn và đặt cọc trước vài ngày, e rằng nhiều người sẽ không thuê được ghe chở mía từ ruộng ra giao cho thương lái” - ông Nguyễn Văn Hai (ngụ ấp 1, xã Phước Khánh) chia sẻ.
Những ngày này, về các vùng trồng mía trọng điểm của huyện Nhơn Trạch tại các xã Phước Khánh, Phú Đông…, đến đâu cũng nghe nông dân lo âu vì mía đã đến kỳ thu hoạch nhưng người trồng không biết làm sao để vận chuyển mía đến các điểm tập kết thu mua. Nông dân sốt ruột, ai nấy như ngồi trên đống lửa vì mía chặt xong mà không thuê được ghe chở.
Từ chỗ ghe khoảng 4-5 tấn có thể vào tận ruộng mía, năm nay may lắm các ghe chỉ chở được 2 tấn do nước cạn ghe xuồng khó đi lại. Do đó, chi phí chuyên chở cũng tăng lên trên 120 ngàn đồng/tấn mía. Việc chuyên chở mía kéo dài, những người lái ghe thuê hoạt động hết công suất, nhưng cũng chưa thể tải hết số lượng mía còn nằm trên ruộng.
“Bây giờ nhiều người thuê ghe lắm, tôi sợ kham không nổi nên chẳng dám nhận dù giá thuê cao hơn năm trước. Vợ chồng chở cật lực, cố gắng di chuyển cho nhanh cũng chở được khoảng 12 chuyến/ngày” - ông Hai nói.
Thanh Hải