Báo Đồng Nai điện tử
En

Lặng lẽ cù lao Cỏ

11:05, 08/05/2015

Từ bờ sông tổ 6, KP.1, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) nhìn qua, cù lao Cỏ như chân mày của "gã khổng lồ" sông Đồng Nai. Bà Sáu Chuyện (cư dân cù lao Cỏ) cho biết, cù lao có từ thời khai thiên lập địa. Ngày bà về cù lao Cỏ làm dâu, nơi đây có vỏn vẹn 9 hộ gia đình sinh sống. Nay cù lao Cỏ chỉ còn lại 4 hộ bám trụ, các hộ khác đã chuyển về nơi khác sinh sống.

Từ bờ sông tổ 6, KP.1, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) nhìn qua, cù lao Cỏ như chân mày của “gã khổng lồ” sông Đồng Nai. Bà Sáu Chuyện (cư dân cù lao Cỏ) cho biết, cù lao có từ thời khai thiên lập địa. Ngày bà về cù lao Cỏ làm dâu, nơi đây có vỏn vẹn 9 hộ gia đình sinh sống. Nay cù lao Cỏ chỉ còn lại 4 hộ bám trụ, các hộ khác đã chuyển về nơi khác sinh sống.

* Người dân thân thiện

Biết chúng tôi có ý định sang cù lao Cỏ tham quan, ông Tư Rổ (tên thật Dương Văn Quý, từng sang cù lao Cỏ thuê đất trồng trọt) lấy chiếc xuồng nhỏ của gia đình đưa chúng tôi sang thăm. Nay đã 85 tuổi, ông Tư Rổ vẫn còn đủ khỏe để chèo chiếc xuồng từ bờ bên này sang bờ bên kia để thăm lại người quen. Ông Tư Rổ cho biết, hai bờ sông chỉ cách nhau vài chục mét, nhưng muốn sang bên bờ cù lao Cỏ phải có người quen dẫn đường, không thì dân cù lao Cỏ không cho cập bờ vì sợ kẻ xấu đến quấy phá. “Dân cù lao Cỏ sống biệt lập với xung quanh bao đời nay rồi. Nhưng chỉ cần thấy người quen sang chơi, họ sẽ niềm nở đón tiếp ngay” - ông Tư Rổ nói.

Cư dân cù lao Cỏ luôn sớm lửa tắt đèn với nhau.
Cư dân cù lao Cỏ luôn sớm lửa tắt đèn với nhau.

Ông Tư Rổ vốn là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia công tác chính quyền một thời gian rồi xin nghỉ việc. Nghỉ làm cán bộ, ông chèo xuồng qua cù lao Cỏ mượn đất trồng rau củ quả sinh sống. Cù lao Cỏ vốn do phù sa bồi đắp nên rau củ quả do ông trồng luôn xanh tốt. Nhờ vậy, ông có điều kiện nuôi vợ và các con tạm cư bên này sông trong thời bao cấp với muôn vàn khó khăn. “Thời đó chỉ thiếu lúa, gạo, thịt tươi thôi, chứ cá, tôm, cua, ốc thì cù lao Cỏ không thiếu. Vì vậy, dân cù lao Cỏ đỡ đói kém hơn bên này bờ” - ông Tư Rổ bộc bạch.

Chiếc xuồng nhỏ rồi cũng cập bến nước nhà bà Sáu Chuyện. Nhìn dấu chân còn đẫm nước trên đất, ông Tư Rổ quả quyết bà Sáu Chuyện vừa đi đâu đó về. Mấy con chó nhà bà Sáu Chuyện đón khách bằng tiếng sủa inh ỏi, kéo dài. Chờ khi bà Sáu Chuyện lên tiếng, mấy con chó mới chịu im, ngoe nguẩy đuôi chạy hết vào trong nhà đứng nhìn. “Trời! Lâu quá mới thấy anh Tư qua chơi. Bữa nay sang đây có chuyện gì không anh Tư?” - bà Sáu Chuyện lên tiếng chào hỏi.

Ông Tư Rổ chào đáp qua lại đôi lời rồi cùng chúng tôi bước vào nhà. Bà Sáu Chuyện chân tình nói: “Dân ở đây hễ thấy người lạ sang là đóng cửa giả bộ như không có ai ở nhà, hoặc đứng trong nhà trả lời cho qua chuyện chứ không dám mở cửa anh Tư à”.

Do sống biệt lập với bên ngoài bấy lâu nay, cư dân cù lao Cỏ luôn cảnh giác với khách lạ vì sợ gặp phải kẻ xấu. Phần vì dân cù lao Cỏ không quen điều gian dối, khách sáo nên khách qua chơi phải có người tại cù lao Cỏ đi kèm. Bù lại, một khi đã là chỗ quen biết, thân hữu thì cư dân cù lao Cỏ luôn chân tình tiếp đãi. “Không khí ở đây lặng lẽ, yên bình nên khách thích ở lại bao lâu cũng được. Tụi tui sẵn lòng đem cây nhà, trái vườn ra hậu đãi khách” - bà Sáu Chuyện bày tỏ.

* Êm đềm như dòng sông

Cù lao Cỏ có diện tích khoảng 8 hécta. Theo lời những người cao niên kể lại, khi con người chưa đến khai khẩn, cù lao Cỏ là rừng già, lau sậy mọc dày, thủy triều dâng cao thì cù lao ngập trong nước. Để cải tạo vùng đất này, cư dân cù lao Cỏ đào ao, dọn lau sậy thành ruộng để cấy lúa, lập vườn trồng hoa màu. Tuy vậy, việc trồng lúa, hoa màu của cư dân gặp nạn “mọi âm” (thủy triều rút thì nước theo các hang, hốc rút theo), nhiễm phèn, chuột bọ phá hại, cỏ tranh xâm lấn nên chẳng dư dả gì nhiều. Để sinh tồn, cư dân cù lao Cỏ chuyển sang trồng cây ăn trái, chuối và làm nghề chài lưới mưu sinh. Thời không có điện thì họ thắp đèn dầu. Muốn ra bên ngoài giao du, đi học, cư dân cù lao Cỏ chỉ có phương tiện duy nhất là xuồng, ghe.

Cư dân cù lao Cỏ giữ thói quen mang gậy khi rời khỏi nhà để xua đuổi rắn, rít.
Cư dân cù lao Cỏ giữ thói quen mang gậy khi rời khỏi nhà để xua đuổi rắn, rít.

Tuy sống biệt lập với bên ngoài nhưng cư dân cù lao Cỏ vẫn giữ tính cần cù, chịu khó, không kêu than. Vì lẽ đó, người dân bên kia sông luôn nghĩ cư dân cù lao Cỏ giàu có hơn mình nên không dám khinh thường. Chuyện con cái cư dân cù lao Cỏ học tập thành đạt, tổ chức dựng vợ gả chồng cho con cháu tử tế càng giấu kín sự khổ cực, khó khăn của vùng đất này với bên ngoài. Ngay cả ông Tư Rổ khi qua đây thuê đất cũng giấu nhẹm chuyện vất vả của cư dân cù lao Cỏ. “Vụ nào cây trái, hoa màu mất mùa thì tui tranh thủ thả vài tay lưới, xuống các bãi bùn bắt ốc, hến đem bán cũng giải quyết chuyện lót dạ cho cả nhà” - ông Tư Rổ tỏ bày rồi cùng bà Sáu Chuyện dẫn chúng tôi sang nhà ông Năm Mao chơi.

Nhà bà Sáu Chuyện có cây hồng nhung (xuất xứ từ Nhật Bản) trên 100 tuổi. Bà Sáu Chuyện cho biết, cây hồng nhung nhà bà là duy nhất ở cù lao Cỏ vì nó vừa cao niên, vừa cho trái. Các vùng đất khác cũng trồng được hồng nhưng không bao giờ có trái. Theo cư dân cù lao Cỏ, cây hồng nhung của bà Sáu Chuyện chính là sự biểu trưng cho hạnh phúc và an bình của vùng đất này.

Trước khi đi, bà Sáu Chuyện vẫn giữ thói quen của cư dân cù lao Cỏ thời xưa lơ xưa lắc. Bà Sáu Chuyện đưa cho ông Tư Rổ khúc tre làm gậy, còn bà nhặt cây củi để xua đuổi chó, rắn, rít khi đi đường. “Trước kia, nơi đây nhiều rắn, rít, chuột lắm. Khi rời khỏi nhà, ai cũng phải cầm theo cây gậy để phòng thân. Rắn to bằng bắp tay, rít thì bằng ngón tay cái cuộn tròn nằm lăn lóc trên đường. Nếu không có gậy xua đuổi, đập chết sẽ bị nó cắn ngay” - bà Sáu Chuyện nói.

Nhà ông Năm Mao cách nhà bà Sáu Chuyện chỉ 500m đường mòn nhỏ. Khi chúng tôi đến, vợ chồng ông Năm Mao đang cùng con trai, con rể đắp lại con đường đi sang nhà bà Sáu Chuyện để cho bớt lẹp xẹp nước khi thủy triều dâng. Thấy khách sang, ông Năm Mao vội vứt cây cuốc cầm trên tay mời mọi người vào ngồi ở cái bàn nhỏ trước nhà hỏi chuyện cù lao Cỏ bao giờ quy hoạch du lịch. Một khi cù lao Cỏ quy hoạch thành điểm du lịch (vì quy hoạch treo trên 10 năm nay) thì gia đình ông, gia đình bà Sáu Chuyện, ông Hưng, ông Thạch phải dời đi nơi khác.

“Tui thích sống ở cù lao này vì nghèo không ai biết, giàu sang không đem khoe. Cuộc sống nơi đây tuy lặng lẽ nhưng được cái tự tại. Người dân cù lao Cỏ luôn giàu nghĩa tình nên tui không muốn đi đâu hết” - ông Năm Mao nói, rồi ông hứa sẽ dẫn chúng tôi đi thăm khắp cù lao vào một ngày đẹp trời, cùng ông xuống sông đánh cá về làm mồi nhậu.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều