Gạt bỏ mặc cảm về những khiếm khuyết trên cơ thể, các vận động viên thể thao khuyết tật vẫn mạnh mẽ vươn lên trong cả đời sống tinh thần và lúc thi đấu để khẳng định bản thân không thua kém người bình thường. Với họ, được thi đấu, được cống hiến hết mình cho thể thao luôn là điều tuyệt vời nhất, đem lại cho họ sự tự tin để vững bước trong cuộc sống.
Gạt bỏ mặc cảm về những khiếm khuyết trên cơ thể, các vận động viên thể thao khuyết tật vẫn mạnh mẽ vươn lên trong cả đời sống tinh thần và lúc thi đấu để khẳng định bản thân không thua kém người bình thường. Với họ, được thi đấu, được cống hiến hết mình cho thể thao luôn là điều tuyệt vời nhất, đem lại cho họ sự tự tin để vững bước trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Bích và những thành tích đạt được khi thi đấu thể thao. |
Nhẹ nhàng chống 2 tay lên thành xe lăn thể thao, ông Nguyễn Văn Bích (48 tuổi, ngụ xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom) khéo léo dùng thành xe làm điểm tựa để đặt toàn bộ cơ thể lọt gọn vào vị trí ngồi chật hẹp trên xe. Với động tác thành thục, uyển chuyển của đôi tay trên vành bánh xe, ông Bích đã điều khiển chiếc xe lăn thực hiện những động tác chuyển hướng, thắng gấp… một cách nhẹ nhàng. Ông Bích cho hay, đây là chiếc xe đua tự chế đã cùng ông “chinh chiến” qua nhiều giải đua xe lăn cho người khuyết tật và đem về hàng chục huy chương các loại, mà mới đây nhất là 2 huy chương vàng môn xe lăn của giải thể thao người khuyết tật tỉnh.
Vượt lên mặc cảm
“Tôi bị sốt bại liệt từ nhỏ nên 2 chân không cử động được. Nhờ hồi trẻ thường chống nạng phụ gia đình làm rẫy nên đôi tay tôi rất khỏe, thể lực dồi dào. Trong sinh hoạt thanh niên địa phương cũng vậy, với đôi tay này tôi đã làm nhiều người bình thường thán phục, từ dựng lều trại đến treo các băng rôn, tôi đều làm được. Thậm chí, có lúc tôi còn không để ý đến chuyện mình là người khuyết tật, tôi vẫn đi học văn hóa, học nghề như bao bạn bè khác, chỉ đến lúc xin việc làm tôi mới nhận ra sự khác biệt của bản thân” - ông Bích tâm sự.
Ông Bích tham gia thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật từ năm 1999, khi đang là sinh viên tại TP.Hồ Chí Minh. Lần đầu ngồi lên chiếc xe lăn chuyên dùng để đua, do chưa quen nên ông bị bật ngược ra phía sau và bị thương. Sau lần ngã nhớ đời đó, ông Bích chuyển qua chơi các môn cầu lông, bóng bàn, rồi quay lại với môn đua xe lăn và gắn bó với thể thao dành cho người khuyết tật tỉnh từ năm 2003 đến nay.
Ông Nguyễn Văn Bích cho hay, sắp tới ông sẽ cố gắng vận động các mạnh thường quân góp vốn cho nhóm vận động viên thể thao khuyết tật để họ có thể tăng cường hoạt động sản xuất tại nhà, vì phần đông vận động viên khuyết tật có đời sống khó khăn và công việc bấp bênh. |
Là một người ham học hỏi, ông đã học nhiều ngành, nghề và đến năm 42 tuổi mới đi làm việc ở một số công ty. Hiện ông Bích vừa là vận động viên thể thao chuyên nghiệp của tỉnh, vừa duy trì một cơ sở làm lồng chim tại nhà để mưu sinh.
Chị Lê Thị Mỹ Hạnh (27 tuổi, ngụ xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) bị hư đôi mắt từ một biến cố lúc 4 tuổi. Năm 2007, thông qua Hội Người mù của huyện, chị được tham gia phong trào thể thao người khuyết tật và thi đấu ở môn điền kinh (khi chạy có người dẫn đường). Đến nay, sau 8 năm chơi thể thao, chị cho biết không còn thấy mặc cảm như trước đây và thấy bản thân sống có ích hơn với gia đình. Trong những lần thi đấu thể thao trong tỉnh, chị còn giao lưu, kết bạn với nhiều người đồng cảnh ngộ ở các địa phương khác. Nhóm vận động viên khuyết tật huyện Trảng Bom của chị cũng vừa thành lập một nguồn quỹ do các mạnh thường quân đóng góp, để cho các vận động viên khuyết tật vay mượn, có điều kiện trang trải cuộc sống.
Bên cạnh những vận động viên có bề dày thành tích trong những lần tham gia đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc, có những vận động viên mới lần đầu tham gia hội thao trong tỉnh nên còn nhiều bỡ ngỡ.
Ông Phạm Văn Dương (40 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) tham gia thi đấu lần đầu tại giải thể thao cho người khuyết tật tỉnh vào tháng 4-2015 ở môn cử tạ. Do không được tập luyện bài bản nên ông không đạt được một danh hiệu nào. Nhưng ông Dương không vì thế mà cảm thấy phiền lòng. Ông cho hay, cơn sốt bại liệt hồi nhỏ đã làm một chân ông bị teo, không thể đi lại bình thường. Nhờ luyện tập thể dục thể thao đều đặn nên 2 cánh tay và cái chân còn lại của ông rất khỏe, có thể làm việc, sinh hoạt được như người bình thường.
Không từ bỏ đam mê
3 ngày trong tuần, ông Bích lại chạy xe máy từ nhà đến sân vận động tỉnh để tham gia luyện tập, bất kể thời tiết. Trời nắng ráo ông tập nhiều, mưa thì ông tập ít. Thu nhập từ việc thi đấu thể thao không đem lại sự ổn định để những vận động viên khuyết tật như ông Bích tập trung toàn bộ thời gian, công sức vào tập luyện. Nhưng với niềm đam mê, những vận động viên thể thao khuyết tật đã tự duy trì việc luyện tập và đi thi đấu khi có yêu cầu từ đơn vị chủ quản.
“Lương vận động viên của tôi hiện khoảng 3,2 triệu đồng, nhưng tập luyện và thi đấu quanh năm. Hầu như giải nào có huyện Trảng Bom hay Đồng Nai tham gia là tôi có tên trong danh sách thi đấu. Các vận động viên thi đấu môn xe lăn ở Đồng Nai phần lớn sử dụng xe tự chế, vì giá xe chuyên nghiệp lên đến chục triệu đồng, quá đắt với chúng tôi. Chưa kể một số chấn thương trong khi luyện tập cũng làm giảm thành tích thi đấu. Đã nhiều lần, do tốc độ di chuyển nhanh, cộng với chất lượng xe tự chế còn hạn chế đã khiến tôi té xuống mặt đường, phải bỏ dở cuộc đua” - ông Bích chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Bích sản xuất lồng chim tại nhà. |
Còn chị Mỹ Hạnh, khi biết tin chị được tham gia thi đấu thể thao, gia đình chị rất ủng hộ. Nhưng sau vài chấn thương gặp phải khi thi đấu thể thao, chị Hạnh đã được người nhà khuyên dừng thi đấu. Tuy nhiên, với ý chí bản thân, chị đã thuyết phục người nhà cho chị tiếp tục tham gia tập luyện, thi đấu cùng những người bạn đồng cảnh ngộ. Sau nhiều lần giành huy chương cho đoàn thể thao huyện Trảng Bom, chị đã tích góp đủ số vốn để học massage bấm huyệt tại Trường cao đẳng y tế Đồng Nai và mở một cơ sở massage khiếm thị tại nhà. Những lúc rảnh rỗi, chị lại tập luyện dưới sự giúp đỡ của người thân, hoặc những người bạn tại Trung tâm thể dục thể thao huyện Trảng Bom.
“Chúng tôi tập luyện theo giáo trình dành cho người bình thường, nhưng giảm cường độ xuống một chút. Với người tham gia tập luyện thể thao trễ như tôi, rào cản lớn nhất vẫn là sức khỏe của bản thân. Năm 2007, lần đầu tham gia thi đấu ở giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, do chạy chân trần nên tôi bị bỏng chân, phải bỏ cuộc giữa chừng. Dù phải mất một thời gian để bình phục, nhưng tôi không vì sự cố đó mà bỏ cuộc. Tôi quyết tâm tập luyện không ngừng để không rơi vào mặc cảm khiếm khuyết cơ thể và để đền đáp lại niềm tin của gia đình, bè bạn đã dành cho tôi” - chị Hạnh bộc bạch.
Vượt qua mặc cảm, những vận động viên thể thao khuyết tật đang ngày đêm nỗ lực khẳng định bản thân. Với họ, được thi đấu thể thao, được cống hiến cho địa phương chính là điều quan trọng nhất, khẳng định họ không thua kém người bình thường trong cuộc sống.
Đăng Tùng