Mặc cho cái chân thường xuyên đau nhức, cụ Giang Văn Hỷ, 81 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) vẫn đều đặn ngày 2 buổi đến văn phòng Hội Người cao tuổi xã làm việc. So với 2 năm trước, sức khỏe của cụ Hỷ có phần giảm sút nên công việc của hội cũng có phần bị ảnh hưởng...
Mặc cho cái chân thường xuyên đau nhức, cụ Giang Văn Hỷ (81 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) vẫn đều đặn ngày 2 buổi đến văn phòng Hội Người cao tuổi xã làm việc. So với 2 năm trước, sức khỏe của cụ Hỷ có phần giảm sút nên công việc của hội cũng có phần bị ảnh hưởng. “Tôi buồn cái chân và sức khỏe của mình vô cùng. Vì nó mà tôi không được tự do đến thăm hội viên, không đủ sức vượt qua những con đường lởm chởm đá”- cụ Hỷ nói.
* Long đong
Cụ Hỷ quê ở tỉnh Bến Tre. Năm 10 tuổi, cụ Hỷ đã tham gia sinh hoạt thiếu niên tiền phong. Cụ Hỷ nhớ lại, quá trình tham gia sinh hoạt Đội thiếu niên tiền phong ở quê nhà, cụ được kể về Bác Hồ, về các anh hùng thiếu niên nên sớm giác ngộ cách mạng. Từ đó, cụ được giao nhiệm vụ liên lạc, rải truyền đơn, tiếp tế, canh gác đường cho bộ đội ở bưng vào làng... Đến năm 15 tuổi, cụ Hỷ tham gia du kích địa phương. Ở tuổi 15, cụ Hỷ đã táo bạo cùng du kích địa phương tham gia đánh mìn làm một tên giặc Pháp bị thương khi chúng kéo quân vào làng bố ráp.
Tuổi 81, cụ Giang Văn Hỷ vẫn nhiệt huyết với công tác Hội Người cao tuổi. |
Sau khi học xong trung học đệ nhất cấp (lớp 9 bây giờ), cụ Hỷ vừa tham gia cách mạng, vừa mở lớp dạy bình dân học vụ cho người dân trong làng. Được một bạn học làm việc ở xã mật báo cụ có tên trong danh sách đen của mật thám, cụ Hỷ đã bỏ trốn lên Sài Gòn làm nghề hớt tóc. Tại đây, cụ Hỷ gặp bà Huỳnh Thị Lan và 2 người đã nên nghĩa vợ chồng. Sinh sống ở Sài Gòn được 3 năm thì cụ Hỷ được gia đình thông báo bọn mật thám không còn để ý đến cụ nữa, cụ Hỷ lập tức đưa vợ con về lại quê nhà sinh sống, hoạt động.
Năm 1968, chính quyền Sài Gòn tăng cường ruồng bố các cơ sở cách mạng ở địa phương nên một lần nữa cụ Hỷ lên Sài Gòn lẩn tránh. Khi đã ổn định được công việc, cụ Hỷ nhờ người quen đưa vợ con từ quê lên Sài Gòn đoàn tụ. Chỉ hơn một tuần sau, cụ Hỷ hay tin mẹ, 2 em và 4 người cháu ở quê nhà bị trúng bom giặc chết thảm trong cùng một ngày. “Cái ngày 8-5-1968 đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên khi hay tin 7 người thân của tôi chết thảm bởi một quả bom của địch trúng vào nhà. Lúc đó, tôi rụng rời chân tay nhưng không dám quay về nhà chịu tang người thân vì sợ địch bắt” - ông Hỷ đau đớn nhớ lại.
Cả cuộc đời tham gia cách mạng, công tác địa phương, công tác xã hội, cụ Giang Văn Hỷ đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba và nhiều giấy khen, bằng khen. |
Không còn người thân, mất liên lạc với cách mạng, cụ Hỷ bám Sài Gòn với cái nghề hớt tóc dạo. Lúc ấy, vợ chồng cụ Hỷ đã có 3 con và công việc hớt tóc của cụ chỉ đủ chạy gạo từng bữa. Có hôm nhà hết gạo, 3 con đói dạ, cụ Lan phải dỗ 3 đứa con đi ngủ sớm. Khi thấy cha mang gạo về nấu nồi cơm, các con của cụ Hỷ nói với cha rằng, nhà không có gì để ăn nên mẹ bắt đi ngủ hoài, làm cụ Hỷ rơi nước mắt. “Sáng tụi nhỏ nhịn đến trưa để chờ tôi mang gạo về nấu nồi cơm để ăn tới trưa mai. Có hôm, trời tối thui tôi mới mang gạo về nấu cơm cho tụi nhỏ. Hàng xóm thấy vậy trách móc tôi nghèo mà sang, bày đặt nấu cơm ăn tối. Thật tình, họ nào biết từ sáng đến tối trong bụng tụi nhỏ chưa có hột cơm nào” - cụ Hỷ xót xa kể chuyện xưa.
* Nặng tình với công tác xã hội
Năm 1972, tình hình Sài Gòn rối ren, cụ Hỷ được tổ chức cách mạng gợi ý đưa gia đình về Dầu Giây (tỉnh Long Khánh xưa) sinh sống. Về Dầu Giây, cụ vẫn giữ cái nghề hớt tóc làm bình phong, đồng thời khai hoang ít đất trồng tỉa để có lương thực cung cấp cho cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, cụ Hỷ được bầu làm thường trực UBND xã Dầu Giây. Đến năm 1979, cụ xin chuyển công tác về xã Cây Gáo.
Vùng đất Cây Gáo thời gian đó tình hình rất phức tạp, các thế lực phản động, tàn dư kích động đồng bào dân tộc. Để an dân, cụ Hỷ cùng với chính quyền xuống dân vận động, thuyết phục, bà con hiểu ra ý đồ thâm độc của kẻ xấu và yên tâm bám trụ làm ăn.
Dù chân đau nhức cụ Giang Văn Hỷ vẫn không ngừng đi cơ sở. |
Thời gian cứ vậy trôi qua, cụ Hỷ đã lần lượt trải qua các nhiệm vụ tại ủy ban, công an, Mặt trận xã. Nhiệm vụ nào cụ Hỷ đều xông xáo xuống dân vận động, thuyết phục, giúp đỡ. Trong khi đó, cuộc sống của gia đình cụ Hỷ chẳng khá giả gì. Cụ Hỷ tỏ bày, cụ vẫn ở cái nhà gỗ lụp xụp do Công an huyện giúp đỡ. “Cán bộ thời đó cũng oai lắm, nhưng tôi không dám nhận quà của dân. Tôi nghĩ, nếu nhận quà, tiền của dân thì bụng no, nhưng uy tín sẽ không còn để tiếp tục công tác” - cụ Hỷ tâm sự.
Năm 1996, khi tổ chức Hội Bảo thọ xã Cây Gáo chuyển thành Hội Người cao tuổi xã, cụ Hỷ làm chủ tịch hội. Nhận nhiệm vụ mới, cụ liên tục xuống cơ sở vận động người già tham gia tổ chức. Cụ Hỷ nhiệt tình đến mức căn nhà gỗ của gia đình xập xệ phải dùng cây chống trước đỡ sau, vợ con bữa no bữa đói mà vẫn cọc cạch đạp xe đi mời gọi người già vào Hội.
Cụ Hỷ bộc bạch, nếu cụ không được Nhà nước xây cho căn nhà tình nghĩa, có lẽ cụ phải chờ khi con cái khá giả mới có nhà đẹp để ở. Bởi, đồng lương công tác xã hội của cụ chỉ đủ chi tiêu công tác, mọi việc lớn nhỏ trong nhà, lo cho các con ăn học đều nhờ vào cụ Lan chăm chút hơn 1 hécta đất.
Mải mê với công tác xã hội, cụ Hỷ không giàu đất, giàu tiền. Bù lại, cụ Hỷ có niềm động viên khác là các con ham học, chăm ngoan, vợ hiểu chồng. Riêng bà con người Hoa, Nùng, Tày, Kinh ở Cây Gáo thì mến mộ cái đức, cái tình của cụ Hỷ vô cùng.
Bà Tăng Thị Gia, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cây Gáo, cho rằng vì sức khỏe đã nhiều lần cụ Hỷ xin thôi nhiệm vụ, để người khác làm cho tốt hơn. Do Hội vẫn chưa tìm được người thay thế nên cố níu kéo cụ làm thêm thời gian nữa. “Ngay đến tiền phụ cấp hàng tháng cụ cũng đem chia sẻ với cấp phó để động viên” - bà Gia nói.
Đoàn Phú