"Vừa trau dồi vốn kiến thức ngoại ngữ, vừa có thêm thu nhập mà không quá mất sức như những việc lao động tay chân…" - Hoàng Văn Nghĩa (ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) chia sẻ về nghề dịch thuật, một công việc "tay trái" mà anh đã làm suốt 2 năm qua.
“Vừa trau dồi vốn kiến thức ngoại ngữ, vừa có thêm thu nhập mà không quá mất sức như những việc lao động tay chân…” - Hoàng Văn Nghĩa (ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) chia sẻ về nghề dịch thuật, một công việc “tay trái” mà anh đã làm suốt 2 năm qua.
* Vào nghề nhờ... truyện tranh
Chỉ tay vào chồng sách tiếng Nhật, từ điển Việt - Nhật đặt ở góc phòng, Nghĩa cho biết đang là sinh viên Trường đại học lâm nghiệp, và anh luôn ấp ủ ước mơ được đến Nhật làm việc. Để thực hiện ước mơ đó, điều quan trọng nhất là trau dồi vốn ngôn ngữ, văn hóa của Nhật Bản. Vì vậy, ngoài thời gian học ở trường, Nghĩa đã cố gắng tìm một công việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập, đồng thời phù hợp với giờ học chính khóa và học ngoại ngữ ở TP.Biên Hòa, đó chính là công việc dịch thuật.
Khách hàng và người dịch đang thảo luận về bản dịch. |
“Cách đây 2 năm, khi đang tìm việc làm thêm, tôi được bạn bè giới thiệu một công việc mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến, đó là dịch truyện tranh. Thời điểm đó, thậm chí cả bây giờ, nhiều trang web đăng tải truyện vẫn cần người dịch các bản ngoại ngữ sang tiếng Việt, nhất là các bản tiếng Nhật, tiếng Hàn. Dù được trả công thấp, nhưng đó là bước khởi đầu giúp tôi có điều kiện trau dồi vốn ngoại ngữ để nhận thêm những yêu cầu dịch thuật từ các trang mạng khác với thù lao cao hơn” - Hoàng Văn Nghĩa kể lại.
“Những kỹ năng cần thiết khi làm dịch thuật là khả năng ngoại ngữ tốt, có kiến thức nền trong lĩnh vực theo đuổi và hơn hết là khả năng làm việc nhóm với tinh thần cầu thị cao” - Hoàng Văn Nghĩa chia sẻ. |
Khác với Nghĩa, Nguyễn Thị Vân (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa, sinh viên Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh) đã chủ động liên hệ cộng tác dịch thuật tiếng Hàn với các trang thông tin điện tử bằng cách trao đổi qua thư điện tử. Sau giờ đi học hàng ngày, Vân lại mở hộp thư, nhận các văn bản tiếng nước ngoài từ biên tập viên trang mạng rồi dịch và gửi lại cho họ. Vân cho hay, đây là công việc trau dồi vốn ngoại ngữ, lại không tốn nhiều thời gian. Khi lượng văn bản dồn về nhiều, Vân còn rủ thêm một số bạn chung lớp làm cùng.
“Tôi có thể dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Việt, nhưng câu cú còn hơi lủng củng và khả năng diễn đạt chưa tốt lắm. Vì vậy, tôi có nhờ vài người bạn chỉnh sửa giúp trước khi gửi đi cho biên tập viên các trang mạng. Việc làm khá nhẹ nhàng, chủ yếu ngồi ở nhà, làm việc trên máy tính, đọc từ điển... Không chỉ giới sinh viên, mà một số người đã đi làm vẫn chọn việc dịch thuật như một nghề tay trái để tăng cường vốn ngoại ngữ và kiếm thêm thu nhập” - Vân vui vẻ cho biết.
Bên cạnh việc dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, người dịch còn phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài trong một số trường hợp, như gửi thư cá nhân hoặc trả lời văn bản. Theo nhiều người làm nghề dịch thuật, khó khăn nhất vẫn là dịch cho phù hợp ngữ cảnh và ngữ nghĩa của văn bản. Trong một số trường hợp, nếu người dịch không khéo léo sẽ dịch ra một văn bản với cách hành văn lủng củng và “ngô nghê”.
* Yêu cầu cao về kiến thức
Ngoài việc hợp tác với các trang mạng, một số sinh viên còn hợp tác với các công ty dịch thuật, hoặc văn phòng luật sư để tìm kiếm cơ hội làm việc sau khi ra trường, hoặc nâng cao trình độ trong một lĩnh vực nhất định.
Bên cạnh đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực đang theo đuổi, sinh viên còn phải tìm hiểu các thuật ngữ chuyên ngành một cách chi tiết; đồng thời trước khi gửi bản chính thức, cần phải tham khảo ý kiến khách hàng hoặc công ty ở một số yếu tố phức tạp về ngữ nghĩa. Thông thường, khi chọn việc cộng tác với công ty dịch thuật, các sinh viên sẽ tự liên kết thành một nhóm để bổ sung cho nhau những “lỗ hổng” về ngôn ngữ hoặc các kiến thức khác.
Thông báo tuyển người dịch thuật ngắn hạn các bộ truyện trên internet (ảnh chụp màn hình máy tính). |
“Khó nhất là dịch các văn bản liên quan đến luật hoặc kinh tế. Ngoài các thuật ngữ chuyên môn, chúng tôi phải tìm hiểu về việc diễn giải một từ “lạ” sang tiếng Việt một cách dễ hiểu và ngược lại. Không phải tiếng nước ngoài có từ nào là tiếng Việt sẽ có một từ tương đương, nhất là với các tính từ, trạng từ…, nên việc diễn giải sẽ rất phức tạp. Đôi lúc chúng tôi tham khảo ý kiến của giảng viên ngoại ngữ, hoặc tìm hiểu trên internet cách dịch một số từ hiếm gặp” - Nguyễn Văn Trung, sinh viên Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, cho hay.
Thù lao cho việc dịch thuật được tính theo trang và tùy theo thể loại, ngôn ngữ cần dịch của văn bản mà mức giá dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/trang. Nhưng với một số khách hàng khó tính và đòi hỏi độ chính xác cao, họ sẽ tìm đến các trung tâm dịch thuật đưa ra yêu cầu để tìm một bản dịch ưng ý nhất. Điều này đòi hỏi sinh viên làm dịch thuật phải có thái độ cầu thị trước những phản hồi không tốt của khách hàng về bản dịch, đôi lúc phải kiên nhẫn giải thích trước những khách hàng khó tính.
Khi dịch thuật phải đảm bảo tuân theo bản gốc mà khách hàng đưa ra, nhất là với những văn bản tài liệu chuyên ngành, những cuốn sách mà tác giả sử dụng nhiều tiếng lóng. Vì đây là một công việc không bó buộc thời gian, không gian làm việc nên nhiều sinh viên cố gắng kết bạn với người nước ngoài để trao đổi về văn hóa, cách sử dụng từ ngữ… phục vụ cho dịch thuật.
“Lần khó nhất tôi từng gặp là khi dịch thử truyện tranh Iznogoud của tác giả René Goscinny (Pháp). Lúc đọc truyện được Nhà xuất bản Trẻ dịch, tôi không hiểu được những đoạn mà nhân vật “chơi chữ”. Khi tôi tìm bản gốc bằng tiếng Pháp và dịch lại để thử sức thì tôi rất vất vả mới dịch được một đoạn hội thoại của nhân vật, nhưng không tài nào truyền được điều tác giả muốn nói vào bản dịch. Không chỉ vậy, nhiều cuốn sách, quyển truyện còn sử dụng những từ cổ, nếu người dịch không có kiến thức hoặc cách diễn đạt không khéo léo thì bản dịch sẽ trở nên sai lệch với nguyên tác” - Nguyễn Văn Trung bộc bạch.
Thời buổi công nghệ hiện đại đã đi vào từng ngôi nhà, góc phố, chiếc điện thoại thông minh có kết nối 3G dễ dàng truy cập internet để dịch một đoạn văn từ bất kỳ ngôn ngữ nào sang thứ tiếng mong muốn càng khiến công việc dịch thuật trở nên khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi những sinh viên tham gia công việc dịch thuật phải nâng cao trình độ chuyên môn, vốn ngoại ngữ một cách liên tục nếu không muốn bị gạt ra khỏi công việc này.
Đăng Tùng