Bên cạnh bộ đội phòng không - không quân đánh thắng "giặc trời" bằng sức mạnh tiêm kích của pháo phòng không, bộ đội bộ binh tiêu diệt địch trên địa hình rừng núi, Quân đội nhân dân Việt Nam còn có một đội quân chuyên biệt tiêu diệt địch ở chiến trường sông biển.
Bên cạnh bộ đội phòng không - không quân đánh thắng “giặc trời” bằng sức mạnh tiêm kích của pháo phòng không, bộ đội bộ binh tiêu diệt địch trên địa hình rừng núi, Quân đội nhân dân Việt Nam còn có một đội quân chuyên biệt tiêu diệt địch ở chiến trường sông biển. Đó là cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam - những người được mệnh danh “rái cá” trên mọi vùng biển đảo của Tổ quốc
Dân quân phường Nam Ngạn (Thanh Hóa) tiếp đạn cho tàu hải quân tiêu diệt máy bay địch. Ảnh tư liệu |
Trong lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, 2 “rái biển” Đỗ Xuân Công (Phó đô đốc, nguyên Tư lệnh Hải quân) và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Hoàng Kim Nông đã dành cả tuổi trẻ cho những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến đấu đánh đuổi tàu và máy bay Mỹ xâm phạm lãnh hải, vùng trời Việt Nam. Hai ông là những nhân vật tiêu biểu trong rất nhiều cán bộ, chiến sĩ hải quân đã chiến đấu oanh liệt trong trận thắng đầu của Hải quân Việt Nam.
* Vang vọng một thời hoa lửa
Chúng tôi đến nhà Phó đô đốc, nguyên Tư lệnh Hải quân Đỗ Xuân Công vào một buổi sáng cuối tháng 4-2015, khi ông đang chuẩn bị hành lý ra Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam. Căn nhà của vị tư lệnh nằm lọt thỏm giữa những khối nhà cao tầng trên đường Mê Linh, phường 22, quận Bình Thạnh (TP.Hồ Chí Minh). Khi chúng tôi hỏi về những trận đánh tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam trong lịch sử, vị tư lệnh nói ngay: “Những trận chiến đấu thì nhiều lắm, nhưng lịch sử hải quân có 3 trận oanh liệt nhất là chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964, giải phóng Trường Sa năm 1975 và những trận đánh trong chiến dịch đoàn tàu không số”.
Nhấp ngụm trà nóng, ông bắt đầu câu chuyện bằng ánh mắt tự hào: “Đã 51 năm trôi qua nhưng trận đầu đánh thắng tàu Maddox của Mỹ vẫn in đậm trong ký ức tôi. Ngày ấy nói đi đánh giặc là hăng hái lắm, nhất là vừa lái tàu vừa bắn máy bay thì có kiêu hãnh nào hơn”.
Ông Công kể lại, Quân chủng Hải quân lúc đó vẫn còn non trẻ, lực lượng chưa đầy đủ, vũ khí trang bị còn thô sơ, trong khi cục diện chiến trường thì vô cùng cam go, ác liệt. Sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963, vấn đề Việt Nam ngày càng trở nên nóng bỏng đối với giới cầm quyền Mỹ. Chúng vạch ra kế hoạch mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam, leo thang ra miền Bắc hòng ném bom Thủ đô Hà Nội. Bằng những kế hoạch nham hiểm, như: tăng cường do thám bằng máy bay chiến lược U2, thả phi công trà trộn vào các làng mạc, bắt cóc người dân miền Bắc Việt Nam để khai thác tin tức tình báo, sử dụng các đội nhảy dù phá hoại và tổ chức các cuộc tiến công của biệt kích từ hướng biển. Đặc biệt, ngày 2-8-1964, Mỹ đã dùng tàu khu trục Maddox tuần tiễu ven biển miền Bắc Việt Nam để hậu thuẫn cho hải quân của chế độ Sài Gòn đánh phá các đảo và vùng dân cư ven biển các tỉnh Khu 4 cũ.
Trước tình hình ấy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương ở Sông Gianh (Quảng Bình). Đây là nơi cung cấp lực lượng chiến đấu và lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. “Lúc đó tôi là Tiểu đội trưởng hàng hải trên tàu 161. Ngày 5-8-1964, tàu chúng tôi đang trực tại cảng Sông Gianh thì nhận được lệnh tiếp nhận đạn dược và sẵn sàng rời bến. Bằng linh cảm người lính, tôi biết chiến sự xảy ra nên vội vác quả bom chìm từ kho đặt vào giá cố định. Đúng lúc đó thì tàu kéo còi báo động, lệnh tàu rời bến khẩn cấp. Tôi vọt lên đài chỉ huy lái tàu theo lệnh thuyền trưởng” - ông Công kể lại.
Đúng như dự đoán của sở chỉ huy, vào khoảng 14 giờ 30 cùng ngày, hàng loạt máy bay Mỹ chia thành nhiều tốp ném bom xuống sông Gianh hòng “diệt tận gốc, móc tận rễ bọn rái biển”. Nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, các chiến sĩ trên tàu 161 đã quyết tâm diệt “giặc trời”. Lúc đó chẳng ai sợ bom đạn, cứ có tiếng máy bay là lên mâm pháo, có lệnh là xách súng lao ra tìm địa vật nhằm máy bay địch mà bắn. Trận chiến đấu ấy quân ta bắn cháy 2 máy bay, nhưng nhiều chiến sĩ đã hy sinh.
* Bất tử trên sóng nước
Ngay cạnh nhà ông Công là nhà Đại tá Hoàng Kim Nông, người anh hùng đặc công tiêu biểu diệt “giặc trời” trên vùng biển Lạch Trường (Thanh Hóa). Trở về cuộc sống đời thường, hành trang của vị anh hùng là cái la bàn từ dẫn và đau đáu tình yêu thương dành cho đồng đội. “Anh hỏi về trận chiến trên con tàu 187 làm tôi sống lại một thời trai trẻ trên sóng nước” - vị đại tá ngẩng cao đầu nói như vậy khi chúng tôi hỏi về chuyện ông cùng đồng đội chiến đấu trên con tàu 187, bị Mỹ bắn phá hàng trăm lần bom đạn năm 1964.
Hướng ánh mắt nhìn lên tấm ảnh chụp thời khoác áo chiến sĩ, giọng nguyên Tư lệnh Hải quân Đỗ Xuân Công đầy vẻ tự hào: “Tấm ảnh này chụp lúc tôi mang quân hàm hạ sĩ lái tàu 161. Đó là những hình ảnh đẹp đẽ nhất của đời lính biển. Thời hoa lửa qua rồi, nhưng khí thế chiến đấu thì vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua”. |
Ký ức một thời máu lửa của vị anh hùng tràn về bằng những lời kiêu hãnh: “Lúc đó mình là chiến sĩ hàng hải của tàu, nhưng khi chiến đấu thì sẵn sàng tiếp đạn cho pháo thủ số 2. Lúc đó chiến đấu hăng hái lắm, luôn sẵn sàng hy sinh”.
Lần giở từng tấm ảnh trong quyển album như tìm về ký ức, ông Nông dừng lại tấm ảnh có hình con tàu 187 rồi nói: “Ngày 5-8-1964, tàu 187 chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ tại Hòn Ngư (Nghệ An), thuyền trưởng lúc đó là anh Lê Văn Tiếu. Lúc 12 giờ 20, chúng tôi đang nghỉ trưa thì nghe tiếng kẻng liên thanh báo động. Lệnh anh Tiếu từ đài chỉ huy hô to: “Toàn tàu báo động chiến đấu. Các vị trí trẩn trương triển khai đội hình”. Liền đó, tôi nghe tiếng bom địch dội ầm ầm. Trên bầu trời lúc đó xuất hiện một tốp máy bay địch bổ nhào ném bom. Tình huống quá bất ngờ và nguy hiểm. Nhanh như cắt, chúng tôi nổ súng. Nói thật, lúc đó mình không bắn nó, nó bắn mình. Nhiều chiến sĩ quyết tâm giữ vững trận địa, không rời vị trí chiến đấu dù bị thương nặng ngay trên tàu”.
Đại tá Nông nhìn ra khoảnh sân trước nhà và tiếp tục câu chuyện: “Sau đó, chợt một tiếng nổ chớp lòe. Cả đội hình pháo chúng tôi bị hất văng. Bằng, Thuận hy sinh. Hy, Bê bị thương nặng, còn tôi thì bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm gọn trong gầm bệ pháo, toàn thân đầy máu, quần áo rách tươm. Chiến sĩ radar Nguyễn Thanh Hải hỏi tôi: “Mày có việc gì không?”. Phía bên kia mạn tàu, chiến sĩ Thiệp một tay ôm trán giàn giụa máu, một tay liên tục siết cò, cả người tì vào bệ pháo. Băng vết thương cho Thiệp xong, tôi lên buồng lái ôm vô lăng điều khiển tàu thay cho chiến sĩ Cẩn cũng vừa bị thương đổ gục. Lúc này, chiến sĩ radar Nguyễn Thanh Hải bị trúng bom nằm gần bệ pháo. Chúng tôi đỡ anh lên, chỉ còn nghe được tiếng thều thào: “Dựng tôi dậy cho tôi nhìn Tổ quốc lần cuối” rồi anh nhắm mắt ra đi”.
Giọng Đại tá Nông nghẹn lại, giọt nước mắt lặn vào trong, nhưng xen lẫn nỗi đau là niềm kiêu hãnh...
Mai Thắng