6 tháng của năm 2015, tai nạn giao thông (TNGT) ở Đồng Nai tuy giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng số người chết vẫn còn cao, vẫn còn nhiều vụ TNGT làm chết từ 2-3 người/vụ.
6 tháng của năm 2015, tai nạn giao thông (TNGT) ở Đồng Nai tuy giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng số người chết vẫn còn cao, vẫn còn nhiều vụ TNGT làm chết từ 2-3 người/vụ.
Điều đáng lưu ý là việc tuyên truyền, vận động người đi đường nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) được phổ biến thường xuyên. Cụ thể là ở mọi ngã đường, người ta đều thấy đủ các loại pa-nô, áp-phích, băng-rôn… cổ động ATGT đập vào mắt. Thế nhưng, vẫn còn một bộ phận đáng kể người đi đường bất chấp pháp luật giao thông và hậu quả đã xảy ra.
* Hậu quả đau lòng
Lúc 3 giờ ngày 2-6, thiếu nữ P.H.A.T. (16 tuổi) chở N.L.T.L. (15 tuổi) đi chơi trên quốc lộ 51. Đến đoạn km+500 (thuộc KP.9, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), do đi ngược chiều trong phần đường dành cho ô tô, xe của T. đã đụng trực diện vào xe khách đang đi từ hướng Long Thành về. Hậu quả vụ tai nạn đã làm T. và L. chết ngay sau đó.
Thói quen đi ngược chiều dễ bị tai nạn giao thông. |
Đã hơn 2 tuần sau cái chết đau thương của 2 đứa trẻ, bà ngoại của T. vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự việc. Do T. thiếu cha, vắng mẹ nên bà phải nuôi 5 chị em T. Thường ngày, ngoài giờ học, T. giúp bà ngoại bán quán nước giải khát ở ngã tư Vũng Tàu. Đêm đó, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, T. xin bà ngoại cho phép đi chơi cùng các bạn. Do quán thường bán suốt đêm cho cánh tài xế nên T. đi chơi vào lúc đêm đã muộn.
Đến 24 giờ, bà ngoại của T. gọi điện thoại nhắc về thì cô bé xin nán lại với bạn bè một lúc. Do điện thoại hết pin nên bà ngoại của T. không nói thêm được gì. Khi mới vừa đi ngủ được một lúc thì bà nhận được tin dữ. Bà ngoại của T. vào bệnh viện ôm xác đứa cháu yêu, đau đớn tột cùng. Bà ngồi lâu đến nỗi bảo vệ phải mời bà ra để cho cán bộ pháp y làm việc. Bà ngoại của T. hết sức ân hận vì đã không kiên quyết dùng mọi biện pháp bắt cháu mình về nhà. Nếu bà quyết tâm hơn thì tai họa đã không xảy ra.
“Việc nêu gương của phụ huynh khi tham gia giao thông rất quan trọng, tác động trực tiếp và hình thành ý thức của con em khi tham gia giao thông. Đáng tiếc là vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa gương mẫu, như: khi chở con em mà không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lái xe lấn làn, đi không đúng phần đường… Những hành vi vi phạm của phụ huynh nếu lặp lại nhiều lần sẽ làm con em bắt chước vi phạm khi đủ tuổi điều khiển phương tiện. Sắp tới, Công an TP.Biên Hòa sẽ tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền pháp luật giao thông” - Thượng tá Ngô Mạnh Hùng, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông TP.Biên Hòa, cho biết. |
Theo nhiều nguồn tin, cô bé T. đã chở bạn đuổi theo một nhóm thanh thiếu niên chạy xe 2 bánh phía bên kia đường từ hướng ngã tư Vũng Tàu về vòng xoay Cổng 11. Do vội vàng tìm cách băng qua dải phân cách nên T. đã lái xe đi ngược chiều và hậu quả đau lòng đã xảy ra.
Khoảng 21 giờ 30 ngày 9-5, N.V.A. (17 tuổi) và N.H.L. (cùng ngụ xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) đi chung xe máy trên quốc lộ 1 từ hướng Bình Thuận về Đồng Nai. Đến km1796, thuộc ấp Tân Tiến, xã Xuân Hiệp, xe của A. và H. đã lấn sang phần đường bên trái, đụng vào xe máy của N.T.T. (20 tuổi) và N.V.H. (25 tuổi) đang đi hướng ngược lại. Hậu quả vụ tai nạn làm A. và T. tử vong. Điều đáng nói, T. không vi phạm giao thông lại bị chết oan.
* Giải pháp nào?
Đã có rất nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, xử lý… để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông khi đi đường. Nhưng vì sao vẫn còn những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra? Có lẽ, việc giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông khi đi đường phải được quan tâm thực hiện nghiêm túc ngay từ gia đình.
Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, đua xe bộc phát ở TP.Biên Hòa và một số địa phương có chiều hướng gia tăng. Hàng đêm, nhất là các đêm cuối tuần, có nhiều nhóm thanh niên đi xe máy tụ họp lại chạy vòng quanh các ngõ đường. Đến đoạn nào thấy lực lượng chức năng vắng bóng, họ lập tức phân thành nhóm cổ vũ 2 bên đường và nhóm các tay đua tiến hành đua kéo. Các thanh niên này thường nổ máy xe gầm rú xuất phát từng đợt đua trong vài mươi phút rồi rút nhanh đi điểm khác. Nhiều người dân sống dọc hai bên đường thấy vậy thường tự hỏi, phụ huynh của các thanh niên này ở đâu sao không quản lý, dạy bảo con em mà để chúng quá tự do đi lại tham gia trò chơi vô bổ, nguy hiểm cho xã hội.
Trong vụ tai nạn làm chết 2 cô gái chưa thành niên vào rạng sáng 2-6, cả hai nạn nhân đều sống xa cha mẹ, thiếu người bảo ban thường xuyên nên đã xảy ra hậu quả đau lòng. Còn trong vụ TNGT chết 2 người/vụ ở huyện Xuân Lộc nói trên, các nạn nhân và người đi cùng đều trong độ tuổi đôi mươi. Những người trẻ tuổi thường thích chứng tỏ bản thân, trong đó có việc phóng nhanh, vượt ẩu. Nếu người lớn tuổi trong gia đình quan tâm đến con em, thường xuyên làm gương, khuyên nhủ, răn đe… con em có biểu hiện chạy xe “không đàng hoàng” sẽ góp phần rất lớn trong việc phòng ngừa, kéo giảm TNGT.
Thời gian gần đây, tình trạng thanh thiếu niên đua xe bộc phát ở TP.Biên Hòa gây bức xúc trong dân. Trong ảnh: Một nhóm đua xe bộc phát xảy ra trưa 31-5 ở khu dân cư đường Võ Thị Sáu nối dài. |
“Lấy gia đình làm trọng tâm tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông là một trong những cách làm có hiệu quả. Phụ huynh phải kiểm soát được khi con em tham gia giao thông, nhất là vào ban đêm, những ngày nghỉ lễ, cuối tuần; phòng ngừa con em điều khiển xe máy tụ tập trên đường để bị lôi kéo tham gia vào những trò tiêu khiển vô bổ, nguy hiểm cho bản thân, cộng đồng. Những người lớn tuổi phải thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình luôn nêu cao ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông” - ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết.
Trong tình hình kinh tế, xã hội ở Đồng Nai ngày càng phát triển, phương tiện giao thông ngày càng gia tăng (Đồng Nai hiện có trên 82,8 ngàn xe ô tô, trên 1,7 triệu mô tô, xe máy) làm cho nguy cơ TNGT cũng gia tăng.
Thượng tá Đặng Thế Trung, Phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, cho biết 6 tháng của năm 2015, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã phát hiện, xử lý 115 ngàn trường hợp vi phạm luật giao thông, tăng so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT chiếm số lượng cao, như: 25 ngàn trường hợp vi phạm tốc độ, trên 12 ngàn trường hợp đi không đúng phần đường và tránh vượt sai, gần 600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Trong tình hình gia tăng, phát triển giao thông như hiện nay, để tăng hiệu quả xử lý, phòng ngừa TNGT, có lẽ lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường hệ thống kiểm soát giao thông bằng camera, nhất là đối với các tuyến đường thường xảy ra nạn đua xe trái phép. Có như vậy mới mong tiếp tục kéo giảm TNGT ở Đồng Nai.
Thanh Toàn