Báo Đồng Nai điện tử
En

Khắc khoải chờ mưa

12:06, 09/06/2015

"Mọi năm, đến tháng 6 là vùng này đã bước vào mùa mưa. Năm nay hạn kéo dài, đến giờ chỉ có vài cơn mưa nhỏ nên nhiều nơi thiếu nước, người dân rất vất vả để có nước sinh hoạt còn nước tưới tiêu thì... thua. Vườn nhãn đang thời kỳ đậu trái do thiếu nước tưới nên chất lượng kém xa năm ngoái" - ông Năm Cho, ngụ tổ 18, ấp 2, xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) cho biết.

“Mọi năm, đến tháng 6 là vùng này đã bước vào mùa mưa. Năm nay hạn kéo dài, đến giờ chỉ có vài cơn mưa nhỏ nên nhiều nơi thiếu nước, người dân rất vất vả để có nước sinh hoạt còn nước tưới tiêu thì... thua. Vườn nhãn đang thời kỳ đậu trái do thiếu nước tưới nên chất lượng kém xa năm ngoái. Chúng tôi phải tận dụng, chắt chiu lượng nước còn sót lại ở các khe suối…” - ông Năm Cho (ngụ tổ 18, ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) cho biết.

Vũng nước còn sót lại ở khe suối, ông Năm Cho gấp rút kéo ống bơm để lấy nước tưới cho vườn nhãn.
Vũng nước còn sót lại ở khe suối, ông Năm Cho gấp rút kéo ống bơm để lấy nước tưới cho vườn nhãn.

Từ tháng 3 trở đi, nước khắp các ao, suối trong vùng đều khô cạn, mọi người phải thuê máy khoan đến vài chục mét, nhưng lượng nước ngầm không đủ cung cấp cho sinh hoạt và tưới tiêu. Đến tháng 5 trở đi, gần như mọi giếng nước ở đây đều cạn đáy, nước với người dân còn quý hơn vàng. Vào mùa khô, đây là nơi “khát nước” nhất của huyện Xuân Lộc, cả ấp bây giờ chỉ trông chờ vào mấy cái giếng khoan, khe suối ở sau đồi.

* Nguy cơ thất mùa

Ông Năm Cho chia sẻ, người dân gần như đã bó tay trước thời tiết nắng hạn như năm nay. Vài cơn mưa đầu mùa không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu của hàng ngàn hộ dân đang trong cảnh thiếu nước trầm trọng. Trước đây, khoan giếng trên 50m đã có nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất, còn hiện tại nhiều gia đình trong ấp khoan sâu gần 100m vẫn không có nước. Các vườn rẫy trồng xoài, nhãn, bưởi… chỉ dám tưới nhỏ giọt, thời gian tưới phải chuyển dần sang nửa đêm về sáng để tiết kiệm nước.

Cầm chiếc máy bơm sục ống nước liên tục xuống chiếc giếng khoan khá sâu, ông Năm Cho bực dọc nói: “Tôi phải canh thời điểm này, khi xung quanh đây ít người bơm nước thì mạch nước ngầm mới rỉ ra nhiều, mới có nước dùng. Ban ngày, thử bơm cả chục lần cũng không có hy vọng gì. Những năm trước, giữa mùa khô vào tầm tháng 4-5, thỉnh thoảng vẫn có mưa trái mùa, vườn nhãn gặp dịp ra hoa nên tỷ lệ đậu trái cao. Bây giờ không biết chất lượng cây thế nào, tôi kiểm tra thấy hoa cũng bị bệnh, không nở được” - ông Năm Cho bất lực nói.

Ông Mai Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ), cho hay: “Khu 61 nằm tách biệt với trung tâm xã nên đời sống người dân rất khó khăn. Để khắc phục tình trạng thiếu nước về mùa khô hạn, chúng tôi đã triển khai kế hoạch khoan một số giếng tập trung trong làng, tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu để người dân yên tâm làm ăn”.

Nếu không tìm được nguồn nước mới để tưới dưỡng sức sau thời gian thu hoạch vừa rồi thì vườn xoài của gia đình ông Phạm Văn Sỉnh (ngụ tổ 17, ấp 2, xã Xuân Hòa) có nguy cơ không kịp ra hoa trong mùa tới. Vườn ông Sỉnh trồng chủ yếu giống xoài cát Hòa Lộc, loại cây vốn phải được chăm sóc cẩn thận, nước tưới phải đầy đủ. Những chiếc máy bơm nước nằm lăn lóc khắp nơi đang chờ chắt chiu từng giọt nước cuối cùng để cứu hạn cho vườn xoài.

Hy vọng duy nhất của gia đình ông Sỉnh là vũng nước còn sót lại ở dưới đáy con suối phía sau nhà. Từ 3-4 giờ sáng, nông dân này đã hì hục kéo ống nhựa, máy bơm và dây điện ra đây đợi nước lên cao thì tiến hành bơm. Vì lượng nước không đáng kể nên chỉ sau một giờ bơm, khe suối đã cạn nước hoàn toàn. Theo ông Sỉnh, đất ở đây dốc, lại toàn đá tảng lớn nên không giữ được nước, nước tưới vào là khô và nhanh chóng bốc hơi; cây cối lại héo hon chờ nước, không biết tưới bao nhiêu cho đủ.

“Tôi thuê máy về khoan đến 3 cái giếng sâu trên 50m nhưng vẫn không đem lại kết quả. Cái khó là khoan sâu quá thì sợ gặp đá cứng, phải dò tìm vị trí khác. Mấy ngày trở lại đây thỉnh thoảng có mưa, nhưng lượng mưa không đáng kể, chưa đủ để phục vụ sinh hoạt hàng ngày chứ nói gì đến tưới tiêu. Tôi đang lo cho vườn xoài, nếu khoảng nửa tháng nữa mà không có nước tưới thì cây mất sức, mùa tới sẽ thất thu” - ông Sỉnh rầu rĩ nói.

* Cuộc sống khó khăn vì thiếu nước

Năm nay mùa mưa đến muộn, ở một số vùng khô hạn chưa bao giờ người dân lại khát nước trầm trọng như thời điểm này. Ông Đặng Xuân Vẽ, Trưởng ấp 2, xã Xuân Hòa, cho biết điều kiện tự nhiên ở đây không được ưu đãi, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con nông dân.

Tình trạng thiếu nước đã xảy ra từ nhiều năm, nhưng mùa khô năm nay tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn do mưa đến muộn. “Mỗi năm Xuân Hòa chịu ảnh hưởng từ 4 tháng khô hạn trở lên. Phần lớn diện tích đất của xã bị thiếu nước trở nên khô cằn, cây trồng năng suất không cao” - ông Vẽ nói.

Giếng ở vùng khô hạn có độ sâu trên 50m nhưng vẫn khó tìm thấy nước.
Giếng ở vùng khô hạn có độ sâu trên 50m nhưng vẫn khó tìm thấy nước.

Với gần 40 hộ dân Khu 61, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ), đất đai ở đây bạc màu lại thiếu nước tưới trầm trọng vào mùa khô nên năng suất cây trồng rất thấp. Những nơi khác nông dân có thể sản xuất nông nghiệp, nuôi heo, nhưng người dân trong Khu 61 mỗi khi nhắc đến trồng trọt ai cũng lo lắng vì thiếu nước. Không thể canh tác thường xuyên để phát triển kinh tế nên đời sống người dân tại những khu vực thiếu nước đều khó khăn.

“Do nằm biệt lập giữa bốn bề cao su bạt ngàn, đường đất gập ghềnh, vào mùa khô hạn mọi người ở đây gần như ngồi chơi. Chúng tôi chỉ có thể trồng tỉa hoa màu vào mùa mưa. Đất đai bạc màu, lại thiếu nước quanh năm nên muốn thay đổi cuộc sống cũng nhọc nhằn. Vườn cà phê của gia đình tôi năng suất không cao chỉ vì khô hạn dai dẳng” - ông Nguyễn Văn Quân, người dân ở Khu  61 chia sẻ.

Từ lâu, người dân sống ở Khu 61, xã Sông Nhạn đã quen với việc thiếu nước ngọt. Nhiều lần bà con cố gắng bỏ tiền đào rất nhiều giếng, nhưng càng đào thì nước càng bị nhiễm phèn và đục ngầu bùn đất không thể sử dụng được. Việc sử dụng tiết kiệm nước sạch đang dần ăn sâu vào tâm thức mỗi người, gánh nặng về chi phí mua nước sinh hoạt cũng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Trung bình mỗi gia đình phải trả thêm 200-300 ngàn đồng/tháng tiền nước sạch.

“Chúng tôi có điện sinh hoạt mới đây thôi, nhưng nước sạch với chúng tôi vẫn còn là thứ xa xỉ. Mong trời mưa sớm để có nước mà dùng, chứ cuộc sống của bà con gần như đảo lộn suốt từ đầu năm đến nay” - ông Quân trăn trở.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích