Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ về một số nhà báo kỳ cựu ở Đồng Nai

08:06, 20/06/2015

Là một trong những người có mặt khá sớm trong làng báo Đồng Nai sau ngày thống nhất đất nước và chỉ công tác duy nhất ở mỗi cơ quan Báo Đồng Nai cho đến ngày nghỉ hưu, tôi có may mắn làm việc dưới quyền từ Tổng biên tập đầu tiên là Lê Tư Huyền cho đến Tổng biên tập hiện giờ là Trần Huy Thanh.

Là một trong những người có mặt khá sớm trong làng báo Đồng Nai sau ngày thống nhất đất nước và chỉ công tác duy nhất ở mỗi cơ quan Báo Đồng Nai cho đến ngày nghỉ hưu, tôi có may mắn làm việc dưới quyền từ Tổng biên tập đầu tiên là Lê Tư Huyền cho đến Tổng biên tập hiện giờ là Trần Huy Thanh. Qua 5 đời tổng biên tập với hơn nửa chục “ông phó” trong hơn 40 năm cầm bút, tôi hay nhớ về một số “nhà cầm quân”… mỗi người mỗi vẻ của làng báo!

Nguyên Phó tổng biên tập Đoàn Ngọc Giao (thứ hai từ phải qua) về thăm Báo Đồng Nai nhân kỷ niệm 60 năm truyền thống và 30 năm thành lập Báo Đồng Nai năm 2006. Ảnh: T.TẤN
Nguyên Phó tổng biên tập Đoàn Ngọc Giao (thứ hai từ phải qua) về thăm Báo Đồng Nai nhân kỷ niệm 60 năm truyền thống và 30 năm thành lập Báo Đồng Nai năm 2006. Ảnh: T.TẤN

Cách đây mấy hôm, trong bữa tiệc liên hoan ở văn phòng Hội Nhà báo tỉnh, nhà báo Vũ Khánh (nguyên Phó giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai) nhắc lại chuyện “đụng độ” giữa ông (lúc còn là cán bộ Báo Đồng Nai) với người trực tiếp phụ trách tờ báo lúc bấy giờ là đồng chí Đoàn Ngọc Giao (Ba Giao), tôi liền lên tiếng ngay: “Ông Ba Giao là thầy của tôi đó ông à!”. Ông Vũ Khánh nói liền: “Tao biết chớ! Hồi đó, tao với Sĩ Sinh (Lữ Sĩ Sinh, nguyên Phó giám đốc Đài PT-TH Bà Rịa - Vũng Tàu) đều biết mày là người trong phe Ba Giao!”. Tôi bật cười vì nhớ đây chỉ là những xích mích cá nhân với nhau thôi, chứ thực ra có phe phái gì đâu.

* Nhớ những “người thầy”

Lúc đó, tôi mới vừa được tuyển dụng vào cơ quan Báo Đồng Nai. Với cách viết câu lòng thòng, văn chương hoa hòe hoa sói của một anh sinh viên văn khoa Sài Gòn không phân biệt được đâu là viết báo với viết văn, tôi đã được Phó tổng biên tập Ba Giao tận tình chỉ dẫn cho cách viết ngắn gọn, có hàm lượng thông tin cụ thể, rõ ràng mà vẫn giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt ngay chính từ bài viết của tôi. Ông thầy dạy viết báo đầu tiên của tôi còn phân công tôi, một phóng viên tập sự chỉ quen “cày đường nhựa” còn bỡ ngỡ không hề biết “thủy lợi”, “lúa đông - xuân”… đi thực tế xuống nông thôn để viết bài. Nhờ đó, tôi trở thành phóng viên nông nghiệp, nhanh chóng lao vào “mặt trận hàng đầu” của thời bấy giờ với nhiều bài viết được dư luận bạn đọc chú ý.

Ông thầy nghề báo chuyên nghiệp hơn nữa của tôi là nhà báo kỳ cựu Lê Tân (15 năm làm Tổng biên tập Báo Thanh Hóa, 5 năm làm Tổng biên tập Báo Đồng Nai). Qua “cầm tay chỉ việc” và thảo luận dân chủ, ông đã dạy cho tôi cùng một số phóng viên lúc bấy giờ biết một cách thực tiễn về luận điểm “tổ chức tập thể” trong giáo trình báo chí cách mạng qua việc phát hiện điển hình ở Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) để báo cáo cấp ủy tổ chức phát động học tập, nhân rộng. Trong vụ nhân rộng điển hình Hưng Lộc, tôi suýt tí nữa đã nghe lời Tổng biên tập Hai Tân dời ngày cưới vợ để xuống huyện Thống Nhất trực tiếp làm “đạo diễn” cho Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Ngọc Liên. Ngoài kinh nghiệm tổ chức phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, Tổng biên tập Hai Tân còn rất giàu kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền trọng điểm kết hợp toàn diện trên trang báo.

Với cố nhà báo Lê Thiện (Út Thiện), tôi học được khá nhiều điều. Ông có một phong cách sống rất đặc trưng của dân làm báo bẩm sinh. Thời học trung học (chung lớp với Trần Thiện Khiêm, Đại tướng, Thủ tướng của chế độ Sài Gòn), ông làm báo manh (báo viết tay), 20 tuổi đã làm “chủ bút” tờ Bạn Trẻ, rồi sau đó trở thành cộng tác viên Báo Giải Phóng, Thư ký Tòa soạn Báo Cứu Quốc. Tiếp đến, ông “xuất ngoại” sang Campuchia làm Báo Sống Chung rồi Trung Lập và quay về R làm Thông tấn xã giải phóng, Báo Tiền Phong, phụ trách Báo Văn Nghệ, Nhân dân miền Nam, Đài Phát thanh giải phóng. Sau năm 1975, ông Lê Thiện công tác ở Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh rồi về Đồng Nai làm Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai, Phó giám đốc Đài PT-TH và 5 năm làm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trước khi được nghỉ hưu. Đến những năm quá tuổi thất thập, ông Lê Thiện vẫn còn tham gia biên tập, viết bài cho Báo Lao Động Đồng Nai, Báo Đồng Nai và đặc biệt là vẫn… nhậu dài dài.

* Những người đổi mới

Còn ông Nguyễn Nam Ngữ, Tổng biên tập thứ 3 của Báo Đồng Nai, có “hàm” Tỉnh ủy viên, là một người đa tài. Ông vốn là họa sĩ, biết làm thơ, viết ký, chụp ảnh, quay camera… và có may mắn từng sang Liên Xô chứng kiến được cách làm báo bằng phương tiện công nghệ thông tin thuộc hàng đầu tiên trên thế giới. Về nước, ông chỉ đạo tăng khổ tờ Báo Đồng Nai bằng với Báo Nhân Dân...

Đứng trước vận hội đổi mới, Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt nắm  tôn chỉ mục đích của tờ báo, mạnh dạn đưa ra những quyết định cải tiến cả về nội dung lẫn hình thức, trong đó đa dạng hóa thông tin bằng cách mở ra nhiều chuyên mục sinh động, hấp dẫn đi vào cuộc sống đời thường… thu hút được đông đảo bạn đọc trong tỉnh lẫn các tỉnh ngoài đón đọc; đưa chỉ số phát hành của Báo Đồng Nai tăng cao, trở thành tờ báo Đảng địa phương duy nhất trong cả nước xuất hiện trên các sạp báo và được người bán báo dạo mang đi bán.

Tôi khoái ông Lê Thiện ở phong cách sống giản dị, ăn chơi hết mình mà lại rất nghiêm túc, chặt chẽ trong hoạt động nghiệp vụ. Phó tổng biên tập Lê Thiện là người trực tiếp tổ chức chỉ đạo các phóng viên cùng cộng tác viên mở ra loạt bài phóng sự điều tra rất đình đám trên Báo Đồng Nai và cũng là người chủ biên mấy đặc san chuyên đề về vụ án N2 gây xôn xao dư luận một thời ở Đồng Nai. Nhà báo kỳ cựu và rất… chịu chơi này còn là người bảo vệ nguồn tin, gần gũi với cộng tác viên một cách chặt chẽ.

Theo tôi, vị tổng biên tập được tiếng hiền lành, ga lăng với phụ nữ… đẹp và đặc biệt là rất thân thiết với người cộng tác (đã tập hợp được một lực lượng cộng tác viên tài năng và hùng hậu gần như khắp cả nước), đã phải trải qua rất nhiều thử thách nghiệt ngã mới có thể tạo ra một diện mạo mới cho tờ báo. Vì lúc bấy giờ, ngay trong lãnh đạo của Báo Đồng Nai cũng có người nặng quen tư tưởng làm báo là để tuyên truyền, cổ động, minh họa chủ trương, chính sách cho Đảng và Nhà nước bằng tin, bài mang tính tô hồng; không nên “vạch áo cho người xem lưng” trên diễn đàn công luận bằng hình ảnh các ung nhọt, tệ nạn, tiêu cực và mặt trái của xã hội, mà trọng tâm là “người làm báo cần giữ cho được chỗ đứng an toàn, không việc chi phải “cầm đèn chạy trước ô tô”...

Bên cạnh nỗ lực hóa giải và đương đầu với sự chống đối khá quyết liệt đó, cộng với mấy vụ “tai nạn nghề nghiệp” suýt dẫn tới “tiêu tùng“ cả sinh mệnh chính trị, cùng những sóng gió khác, mấy năm cuối trong gần 20 năm làm người đứng đầu cơ quan Báo Đồng Nai, Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt đã phải đổi tính, ông trở nên “khó” hơn. Nhưng sâu thẳm bên trong, ông vẫn là người cầm quân rất đức độ, bao dung và từng trải.

Còn không ít nhà báo (bây giờ kể ra cũng kỳ cựu lắm rồi), như: Mai Sông Bé, Trương Bá Tuấn (vừa mới mất), Kim Loan, Xuân Phú, Huỳnh Kim Ngọc, Lê Hiền, Minh Chung, Trung Tiến, Huy Thanh,… mà tôi rất ấn tượng, nhưng chưa thể viết ra đây, vì bài viết đã quá dài.

Bùi Thuận

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều