Mùa cạn nước đối với nhiều nơi là sự vất vả, quay cuồng vì nắng hạn, nhưng với những người canh tác ở lòng hồ Trị An hàng chục năm qua đây đúng là thời điểm "mùa gieo hạt vàng".
Mùa cạn nước đối với nhiều nơi là sự vất vả, quay cuồng vì nắng hạn, nhưng với những người canh tác ở lòng hồ Trị An hàng chục năm qua đây đúng là thời điểm “mùa gieo hạt vàng”. Những mô đất nằm thoai thoải ven lòng hồ trải rộng từ thấp đến cao như những khoảnh ruộng bậc thang đã trở thành nơi canh tác hoa màu. Từ nhiều năm nay,“ cánh đồng” ấy chính là nơi nuôi sống những người dân lao động lam lũ.
Trồng bắp ngay cạnh mé nước lòng hồ Trị An. |
Mùa khô cạn, nước ở lòng hồ Trị An xuống thấp, để lộ những bãi đất trống rộng mênh mông. Dòng nước ngày thường vốn hung dữ, làm xói mòn, cuốn trôi không biết bao nhiêu lớp đất, đá nay trở nên hiền hòa. Nước rút, phù sa lắng đọng góp phần bồi đắp, tạo nên lớp đất đai màu mỡ, người dân sống xung quanh khấp khởi vui mừng bước vào vụ gieo trồng mới.
“Mùa gieo hạt vàng”
Bãi đất trống hình thành bởi tự nhiên, tưởng rằng mọi người sẽ mạnh ai nấy làm, nhưng thực chất đã có “chủ”. Từ cả chục năm trước, mỗi khi nước rút cỏ dại vươn lên mọc um tùm bao lấy lòng hồ. Không để hoang phí đất đai, nhiều người dân sống gần đó tiên phong đi “khai phá”. Mới đầu họ chỉ trồng trọt ở những mô đất cao gần bờ. Về sau thấy cây trồng nhanh lớn mà chẳng cần phân bón, mọi người bắt đầu mở rộng diện tích.
“Ruộng” ngày càng được nới rộng ra ngay gần mép nước hồ mới dừng lại. Để chia phần đánh dấu diện tích đất của mình, người dân lấy đá ong (có ở đáy hồ) xếp thành đường dài như kiểu be bờ của dân trồng lúa nước. Xong xuôi đâu đấy, họ dọn đất, cày xới rồi tiến hành gieo hạt. Ở những bãi đất xa, độ dốc cao, người ta gieo bắp, đậu; còn đám “ruộng” gần mặt nước được tận dụng để trồng khổ qua, dưa leo, bầu, bí. Lúc chưa trồng nhìn đâu cũng thấy đất đá nằm nhấp nhô, nhưng sau một tháng vào vụ nơi đây đã biến thành màu xanh trù phú, tốt tươi.
Hàng năm, Ban Quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên đều tổ chức các buổi tập huấn, cung cấp kiến thức cho bà con nông dân nên thu gom các loại chai lọ, bao bì sau khi phun thuốc trừ sâu. |
Ông Nguyễn Thanh Cự (57 tuổi, ngụ ấp Lệ Hà, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) được mọi người quanh đây biết đến là một trong những nông dân đầu tiên đi khai phá “miền đất mới”. Ngày mới trồng trọt, do chưa nắm được thời điểm nước giật (nước cạn), ông Cự chỉ dám gieo bắp để nhanh cho thu hoạch và tránh lúc con nước lên bất ngờ. Sau một thời gian quan sát, ông mới canh đúng thời điểm nước lên xuống để tính vụ gieo trồng.
“Theo kinh nghiệm của tôi và bà con nơi đây, thời điểm nước cạn vào khoảng tháng 12 âm lịch năm trước đến tầm tháng 7 năm sau. Tuy nhiên, cũng có năm nước rút muộn và dao động trong vòng một tháng. Người dân gieo 2 vụ, thường tập trung cho vụ đầu, còn đợt sau số diện tích giảm gần nửa bởi ai cũng sợ con nước dâng cao bất cứ lúc nào” - ông Cự cho biết.
“Gia tài” của ông Cự sau bao năm gầy dựng là hơn 6 sào đất màu mỡ ven lòng hồ trồng khổ qua. Ông bảo đất đai ở đây tốt hơn bất cứ nơi nào, canh tác cạnh mé nước nên chưa bao giờ phải lo thiếu nước. Việc gieo trồng tách biệt với bên ngoài, hết vụ thu hoạch, dòng nước nhấn chìm mọi thứ, các loại bệnh hại không có cơ hội xuất hiện nên sản lượng rau màu luôn cao và giảm bớt chi phí chăm sóc.
Nhìn những hàng khổ qua xanh mơn mởn đang cho trái bói đầu mùa, ông Cự vui mừng cho biết: “Mấy ai ngờ rằng ở ven lòng hồ lại có thể làm ruộng như trên đất liền. Ở đây, chúng tôi không để phí bất cứ tấc
đất nào”.
* Sản xuất sạch để bảo vệ nguồn nước
So với mọi năm, mùa này nước rút chậm đến 3 tháng, nhưng không mấy ai buồn bởi lộc trời cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Dù có rất đông người dân đến canh tác, nhưng khu vực ven lòng hồ chưa bao giờ xảy ra tranh chấp đất trồng, mỗi người có cách làm dấu riêng để không bị mất đất, ngay cả trong thời gian bị dòng nước bao phủ. Diện tích trải rộng ven lòng hồ có thể lên đến hàng trăm hécta.
Gần nửa năm “cắm chốt” ven lòng hồ, vợ chồng bà Dương Thị Lan (49 tuổi, ngụ KP.1, thị trấn Vĩnh An), cho biết sau khi trừ các khoản chi phí, với gần 1,2 hécta đất trồng dưa leo, bầu bí, mỗi mùa bà Lan cũng kiếm hơn 100 triệu đồng. “Hết mùa khô, nước dâng thì thu dọn mọi thứ, cả gia đình lại kéo nhau vào nhà cũ, nước rút lại quay ra. Cứ thế, một năm chúng tôi cứ đi về giữa hai nơi” - bà Lan vui vẻ nói.
Vào vụ trồng mới, nhiều người còn kiếm thêm thu nhập khi làm thuê cho các chủ ruộng trồng hoa màu. |
Vào mùa gieo trồng, những căn lều tạm nhỏ bé được dựng lên khắp khu vực lòng hồ làm nơi trú ngụ cho bao gia đình. Đến khi thu hoạch, thương lái từ khắp nơi đổ về chọn mua rồi khẩn trương vận chuyển cho kịp buổi chợ. Nông dân Đỗ Văn Học (37 tuổi, ngụ ấp Lệ Hà, xã Thanh Bình), cho biết từ lúc bỏ hạt đến khi kết thúc thu hoạch khoảng 3 tháng, sau đó cả nhà ông hối hả dọn đất, quây lưới để bắt đầu vụ mới. “Nông sản trồng trên đất phù sa trái nào cũng tươi ngon, nhìn mướt mắt nên bạn hàng khoái mua ở đây lắm. Tôi chỉ việc trồng mà chẳng lo nơi tiêu thụ vì chưa bao giờ ế hàng cả” - ông Học nói thêm.
Tuy nhiên, trong việc tận dụng đáy hồ làm nơi canh tác nhằm tăng thêm thu nhập, vẫn xảy ra tình trạng người dân tùy tiện dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cây trồng. Theo quan sát của chúng tôi, sau khi phun thuốc trị các loại sâu bệnh, bà con nông dân vứt bỏ bao bì và vỏ thuốc tràn lan ngay trên ruộng. Sau một thời gian, khi nước hồ dâng, thuốc bảo vệ thực vật còn vương ở cây trồng hoặc nhiễm xuống đất có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước trong lòng hồ.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết hiện nay UBND tỉnh đã giao cho các huyện thống kê lại diện tích đất trống ven lòng hồ Trị An thời điểm nước cạn để quy hoạch đất canh tác, sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích mang lại, nếu không quản lý tốt thì việc nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học sẽ có tác động xấu đến nguồn nước, môi trường sống của các loài sinh vật.“Chúng tôi mong người dân nên sản xuất hoa màu theo hướng sạch, vừa giảm chi phí khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vừa góp phần bảo vệ môi trường.” - ông Phước cho hay.
Thanh Hải